Trái phiếu doanh nghiệp: Qua hút mạnh đến siết chặt
Nhiều yếu tố đang thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể bùng nổ, kèm theo đó là những rủi ro.
Lãi suất tiết kiệm về 3% là dấu hiệu của đầu tư đình trệ, đồng thời đẩy dòng tiền sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Vì vậy, bất chấp nhiều cảnh báo, làn sóng trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục nóng nếu không có các giải pháp kiểm soát kịp thời.
Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi: so với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là 2 nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất. Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành thành công hơn 43.300 tỉ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 4,55 năm; các doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công hơn 45.500 tỉ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 3,84 năm.
Các ngân hàng đứng đầu về phát hành trái phiếu trong 6 tháng có thể kể đến BIDV, HDBank, VPBank, TPBank. Chẳng hạn, BIDV đã phát hành thành công hơn 16.600 tỉ đồng với tổng cộng 34 đợt phát hành. HDBank huy động được 10.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu, VPBank 7.000 tỉ đồng…
Đáng chú ý là xu hướng đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang thừa tiền khi hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn và Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng thanh khoản trên thị trường mở. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, giải thích rằng xu hướng này diễn ra khi các ngân hàng muốn gia tăng lượng vốn cấp 2 và cải thiện tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Video đang HOT
Dù nhóm ngân hàng chiếm thế thượng phong về phát hành trái phiếu trong quý II với tỉ trọng giá trị phát hành lên tới 45%, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm, nhóm bất động sản vẫn nhỉnh hơn nhóm ngân hàng trong lĩnh vực này. Khi nguồn vốn vay từ ngân hàng cho bất động sản ngày càng bị siết chặt, thị trường trái phiếu càng được xem là một trong những kênh vốn quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành nhằm giải quyết bài toán vốn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản có những đợt phát hành trái phiếu lớn như Hưng Lộc Phát phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1,5 năm; Phát Đạt huy động 100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm; BCG Land huy động 350 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm.
Cùng với hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản, tổ chức tín dụng gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là xu hướng các nhà đầu tư cá nhân tăng mua trái phiếu doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Trước sự bùng nổ của thị trường trái phiếu, mới đây Bộ Tài chính đã khuyến cáo: “Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn”, Bộ Tài chính khuyến cáo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khuyến nghị quan trọng nhất trong đầu tư trái phiếu là biết phân tích rủi ro, nhưng phần lớn nhà đầu tư cá nhân hiện nay không có kỹ năng này. Nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường không nên tìm đến trái phiếu doanh nghiệp như một kênh đầu tư chính.
“Hiện tại, chưa có đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của nhà đầu tư cá nhân”, chuyên gia của SSI nhấn mạnh.
Thực tế, Chính phủ đã siết lại thị trường này bằng Nghị định số 81/2020 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.9. Chẳng hạn, mỗi đợt doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành, đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Doanh nghiệp phải đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu..
Siết trái phiếu doanh nghiệp: Giảm rủi ro, tạo lối thoát cho huy động vốn
Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp buộc nhà đầu tư và DN phát hành trái phiếu phải chuyên nghiệp hơn, vừa bịt các lỗ hổng trên thị trường, song cũng tạo lối thoát cho DN huy động vốn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi nhiều quy định về điều kiện phát hành trái phiếu so với quy định cũ.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chuyên nghiệp hơn
Doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp, không bị giám sát dòng tiền... vẫn có thể huy động hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với thủ tục đơn giản. Thậm chí, có doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu nhiều gấp 50-100 lần vốn chủ sở hữu. Còn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi rót tiền cho doanh nghiệp vay thường chỉ quan tâm lãi suất cao và "bảo lãnh miệng" của đơn vị phân phối, mà không mấy khi quan tâm tới sức khỏe doanh nghiệp, điều kiện thanh toán, nguy cơ rủi ro...
Không thể phủ nhận, trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành kênh hỗ trợ vốn đắc lực cho doanh nghiệp. Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, giá trị trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm 2020 thông qua kênh trái phiếu riêng lẻ đạt 156.327 tỷ đồng, tương đương 53% lượng phát hành của cả năm 2019.
Tuy nhiên, điều kiện phát hành có phần dễ dãi cũng khiến trái phiếu doanh nghiệp trở thành "con dao hai lưỡi" với cả doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sự mù mờ, tâm lý tham lam của nhà đầu tư và sự liều lĩnh của doanh nghiệp phát hành đang gây rủi ro cho thị trường.
Đây chính là lý do Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi nhiều quy định về điều kiện phát hành trái phiếu so với quy định cũ, như hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dư nợ phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 6 tháng...
Theo một số công ty chứng khoán, quy định trên sẽ khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hạ nhiệt. Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, các quy định trên khá khắt khe. Đặc trưng của doanh nghiệp bất động sản là cần huy động vốn lớn, hệ số đòn bẩy 5 lần là quá thấp, việc hạn chế thời gian phát hành không quá 2 lần/năm gây khó cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, các quy định trên là rất cần thiết, khiến nhà đầu tư và cả doanh nghiệp phát hành phải chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, khuyến khích nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường này nhiều hơn bởi họ có khả năng phân tích, đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt hơn nhà đầu tư cá nhân.
"Dĩ nhiên, nếu được phát hành trái phiếu 'xông xênh' như thời gian qua, thì doanh nghiệp sẽ thích hơn, song quy định quá mở sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường. Siết lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phát hành phải tính toán chi li hiệu quả, gọi vốn phù hợp với năng lực của mình, từ đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và cho cả chính mình", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Phải phát triển thị trường thứ cấp
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta còn khá nhỏ bé, mới chiếm khoảng 12% GDP, trong khi nhiều nước trong khu vực lên tới 22% GDP. Tuy nhiên, kênh gọi vốn này đang gây lo ngại cho các cơ quan quản lý, Bộ Tài chính nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Một trong các lý do dẫn đến tình trạng này là một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cá nhân đang lao vào trái phiếu, trong khi đa phần thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro.
Trưởng phòng quản lý rủi ro của một ngân hàng cho hay, ông từng ký hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi cao. Song sau khi nghiền ngẫm hợp đồng dài cả trăm trang, ông mới nhận thấy rủi ro quá lớn và vội vàng chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính khẳng định, việc thay đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không phải nhằm "siết" hay "nới" thị trường này. Mục đích cuối cùng của cơ quan quản lý là tạo môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, song cũng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
Tán thành quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng, việc "nắn" thị trường đang ở giai đoạn đầu phát triển, quy mô nhỏ là rất cần thiết. Nếu để thị trường phình to, khi có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia rồi mới điều chỉnh thì quá muộn.
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những giải pháp mà Nghị định 81 đưa ra là chưa đủ để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững. Thời gian tới, cần bổ sung thêm nhiều giải pháp cho thị trường này như đẩy mạnh thị trường thứ cấp, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm...
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước hết cần tạo điều kiện phát triển thị trường thứ cấp (mua đi, bán lại) để tăng tính thanh khoản cho thị trường. Tiếp đó, cần sớm có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để họ có thể đánh giá các công ty, doanh nghiệp phát hành, cũng như từng đợt phát hành, để nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân dựa vào đó làm kênh tham khảo quan trọng để ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, cần sớm đưa chuẩn quốc tế vào để chuẩn hóa báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành. - TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Trái phiếu doanh nghiệp sẽ dồn nước rút trước khi giảm mạnh? Tần suất và quy mô phát hành có thể dồn nước rút trước thềm Nghị định 81 có hiệu lực, rồi sau đó dự báo giảm xuống do quy định giãn khoảng cách các đợt... Ảnh minh họa. Phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm tăng 33% so với cùng kỳ Theo số liệu tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã...