Trái phiếu doanh nghiệp: Ngăn nhà đầu tư cá nhân “sập hố”
Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, khiến rủi ro trái phiếu doanh nghiệp tăng cao. Việc ngăn chặn nhà đầu tư cá nhân thiếu kỹ năng phân tích tài chính đổ vốn vào kênh này là cần thiết.
Một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được phân phối qua hệ thống ngân hàng. Ảnh: Đ.T
Ham lãi suất cao, nhà đầu tư cá nhân “nhắm mắt” cho vay doanh nghiệp
Chỉ trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 2 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp, phân nửa số đó “chui” vào túi nhà đầu tư cá nhân. Nói cách khác, hàng chục ngàn nhà đầu tư đã rót gần 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) vay thông qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp, mà không quan tâm đến báo cáo phân tích tài chính, tài sản đảm bảo, doanh nghiệp bảo lãnh phát hành…
Nắm được tâm lý dễ dãi, lại ham lãi suất cao của nhà đầu tư, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã cố tình chia nhỏ các đợt phát hành (tổ chức 10 – 50 đợt/năm), kéo dài thời gian phát hành mỗi đợt để “dụ” nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trước sự liều lĩnh của không ít nhà đầu tư, mới đây, Bộ Tài chính lần thứ 3 cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân thận trọng vì có khả năng không thu được tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (cả gốc và lãi), nếu doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Trong bối cảnh Covid-19 vừa quay lại, các rủi ro mất tiền lại càng trở nên hiện hữu.
“Đa phần nhà đầu tư trên thị trường mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao, nhiều nhà đầu tư thậm chí không hề biết phân tích báo cáo tài chính, chưa từng nghe tên về doanh nghiệp phát hành, chỉ mua trái phiếu do tin tưởng do ngân hàng là đơn vị phát hành. Điều này rất ngây thơ, bởi ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc “chặn” nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu sơ cấp là rất cần thiết, vì rủi ro quá lớn, trong khi khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của nhà đầu tư cá nhân hầu như không có.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, về lâu dài, để nhà đầu tư không chỉ nhìn vào lãi suất, doanh nghiệp phát hành cũng không chỉ cạnh tranh bằng lãi suất, yếu tố quan trọng nhất là phải phát triển thị trường thứ cấp.
Video đang HOT
“Phải phát triển thị trường mua bán trái phiếu doanh nghiệp, giống như thị trường cổ phiếu. Khi đó, lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp, ngoài lãi suất còn là phần lợi nhuận mua đi, bán lại. Như vậy, chỉ những trái phiếu “xịn” của các doanh nghiệp phát hành uy tín mới có thanh khoản tốt, có khả năng tăng giá. Một khi làm được điều này, nhà đầu tư sẽ chỉ lựa chọn doanh nghiệp phát hành có năng lực tốt, chứ không chỉ nhìn vào lãi suất. Khi đó, thị trường sẽ phát triển lành mạnh, không còn chỗ cho trái phiếu rác”, ông Quốc Bảo nhận định.
Còn thiếu nhiều công cụ cho nhà đầu tư cá nhân nhận diện rủi ro
Khi rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu gia tăng, các chuyên gia đề nghị, cần sớm đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho hay, ở các nước trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm là một trong những điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu và cũng là căn cứ để nhà đầu tư lựa chọn. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành cũng phải theo chuẩn quốc tế. Đây là yêu cầu để nhà đầu tư tham khảo, đưa ra quyết định. Tuy nhiên, những quy định này chưa bắt buộc ở Việt Nam.
Được biết, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đang xúc tiến thành lập một công ty xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, từ tháng 6/2020, FiinGroup công bố bắt đầu cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy vậy, đến cuối tháng 7/2020, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho hay, Công ty mới thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, dự kiến tháng 9/2020 mới có trường hợp xếp hạng tín nhiệm đầu tiên cho doanh nghiệp chào bán đại chúng.
Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều yếu tố cần nắn chỉnh, song giới chuyên gia cho rằng, vẫn phải khuyến khích thị trường này phát triển để đa dạng hóa thị trường vốn.
“Doanh nghiệp cần nhiều kênh huy động vốn khác ngoài ngân hàng. Có những con đường dài vài cây số mà có hơn chục ngân hàng, nhiều hơn cả số cửa hàng tiện lợi. Đây là điều vô lý. Nhu cầu vay của nền kinh tế rất lớn, nếu chỉ ngân hàng là kênh độc quyền cung ứng sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy, do đó phải phát triển các kênh huy động vốn khác, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Tất nhiên, việc thường xuyên phải “nắn chỉnh” thị trường này là cần thiết để chuyên nghiệp và minh bạch hơn”, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận xét.
Dù Nghị định 81/2020/NĐ-CP đã phần nào làm nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành chuyên nghiệp hơn, song vẫn chưa thể loại bỏ rủi ro cho nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân là hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Việt Nam chưa có các kiến thức cơ bản về tài chính doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, mà thường chỉ tham gia thị trường trên cơ sở được chào mua với lãi suất hấp dẫn. Do đó, tăng cường giáo dục về các sản phẩm – dịch vụ tài chính là hết sức cần thiết để tránh những hệ lụy không đáng có cho nhà đầu tư. – TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV
Trái phiếu doanh nghiệp: Bẫy tín dụng hay kênh đầu tư
Tại hội thảo công bố báo cáo vĩ mô quý II/2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đã có nhiều quan điểm trái chiều về trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp: Không quản trị tốt sẽ thành bẫy tín dụng - Ảnh minh hoạ
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa phải là một phương thức tốt để giải quyết các vấn đề khó khăn về vốn của doanh nghiệp. Ông Hiếu bày tỏ sự lo ngại khi rất nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ nhìn vào lãi suất để mua trái phiếu điều này là hết sức nguy hiểm.
Ông Hiếu đánh giá: "Lãi suất càng ngày càng giảm nhưng nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang phát hành trái phiếu với mức lợi nhuận từ 11 - 15% nhưng đôi khi đây là một cái bẫy tín dụng. Nhiều người đầu tư không có khả năng phân tích báo cáo tài chính, báo cáo tín dụng xem tình hình tài chính của doanh nghiệp đang phát hành như thế nào. Đấy là tôi chưa kể đến khả năng những báo cáo tài chính này không phải là báo cáo có kiểm toán độc lập".
Rất nhiều trái phiếu hiện nay được các ngân hàng hỗ trợ phát hành điều này khiến nhiều nhà đầu tư nhầm tưởng trái phiếu đó được ngân hàng bảo lãnh. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các ngân hàng chỉ bảo lãnh thanh toán do đó nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Cũng theo quan điểm của ông Hiếu, TPDN đang được phát hành rầm rộ nhưng cần được quy định lại trong luật 1 cách chặt chẽ hơn nữa tránh đẩy hết rủi ro về phía nhà đầu tư và rủi ro cho cả nền kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phát biểu tại hội thảo
Không đồng quan điểm về đánh giá này, PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: "Bản chất TPDN không có lỗi, không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân cố hữu vẫn là ở thị trường BĐS, đây là nơi nhiều doanh nghiệp đang huy động trái phiếu với lãi xuất cao. Với tâm lý "Mua vàng thì lỗ - Mua thổ thì lời" luôn khiến BĐS là hố đen hút dòng tín dụng vào đó và khi khả năng cho vay của ngân hàng thương mại bị siết chặt thì TPDN trở thành kênh tín dụng để xả".
Nếu anh chị để ý, kênh TPDN đã được nói đến nhiều nhưng chỉ "nở rộ" từ những năm 2018 - 2019 khi mà Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng cho kênh đầu tư BĐS thì tiền được xả vào TPDN. Nhưng việc cần làm hiện nay là Bộ Tài chính cần căn chỉnh lại, làm cho kênh này quy củ, bài bản và lành mạnh hơn. Nếu thực hiện tốt TPDN vẫn sẽ là kênh đầu tư tốt trong thời gian tới, ông Bảo cho biết thêm.
Ông Bảo nhấn mạnh: "Tôi cho rằng không nên truyền bá tin tức tiêu cực như việc doanh nghiệp chạy đua lãi suất, kênh trái phiếu rất nguy hiểm hay nhà đầu tư hãy cẩn thận. Chúng ta dặn dò hay can gián là tốt nhưng nếu nói quá thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ta phải phát triển trái phiếu doanh nghiệp, nếu không muốn nền kinh tế tiếp tục lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng".
Một điểm nữa ông Bảo cho rằng nên lưu ý ở kênh TPDN là cần phát triển thị trường thứ cấp để trái phiếu doanh nghiệp có thanh khoản cao. Điều này sẽ giúp lợi nhuận của đầu tư trái phiếu không phải chỉ đến từ lãi suất phát hành mà còn đến từ chênh lệch giá mua bán trên thị trường thứ cấp. Nếu làm tốt điều này nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào chất lượng trái phiếu để đầu tư.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi toạ đàm của VEPR
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. TS. Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận xét: "Tôi nghĩ rằng khi thị trường trái phiếu phát triển tương tự như thị trường cổ phiếu sẽ giúp thông tin minh bạch hơn, giúp nhà đầu tư. Quan trọng hơn, điều này cũng có lợi cho những người cần vốn ở đây là doanh nghiệp phát hành trái phiếu".
Theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Con số tăng trưởng quy mô phát hành 6 tháng năm 2020 so với cùng kỳ có thể sẽ còn cao hơn do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành ước khoảng 783.000 tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến 6 tháng năm 2020.
Bổ sung thêm những quan điểm kể trên TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết thêm: "Mới đây chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là điều phải làm vì thị trường này đang tăng trưởng khá nóng trên 50% trong vòng hơn 2 năm vừa qua. Để tăng như vậy nhà đầu tư nhỏ rất thiệt thòi".
Nghị định 81 thực sự cần thiết khi đã căn chỉnh lại việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điểm quan trọng nhất ở đây là doanh nghiệp phải thông qua tư vấn phát hành chính là các công ty chứng khoán. Ngoà ra, cần đồng bộ hoá Nghị định này và Luật Chứng khoán để đạt hiệu quả tốt nhất ông Lực đánh giá.
Trái phiếu doanh nghiệp: Khoảng hụt sức cầu Theo định hướng chính sách, từ năm 2021, nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ không được tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trong khi đó, việc phát triển nhà đầu tư tổ chức để bổ sung sự thiếu hụt cũng đang gặp khó khăn do nhiều yếu tố.... Giá trị tài sản ròng của Quỹ TCFF...