Trái phiếu doanh nghiệp không phải Thánh Gióng mà vươn mình lớn lên sau 1 năm
“Vậy phía sau câu chuyện phát triển nhanh, mạnh và giao dịch sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liệu có tồn tại những vấn đề bất thường?”, PSG.,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nêu vấn đề.
Việc Bộ Tài chính sửa đổi điều kiện phát hành TPDN không nên hiểu là siết thị trường trái phiếu. Nguồn: internet
TPDN là một trong những kênh huy động vốn quan trọng nhất của nền kinh tế, nhất là của thị trường bất động sản. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, cần khắc phục dần các khiếm khuyết của thị trường này.
Câu chuyện một số ngân hàng mua về một lượng lớn TPDN bất động sản trong năm 2019 khiến không ít người lo ngại về hiện tượng tín dụng bất động sản “núp bóng”. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải sớm đưa ra biện pháp trám lỗ hổng cho thị trường trái phiếu.
Và việc Bộ Tài chính siết lại điều kiện phát hành TPDN theo nội dung tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP được dự báo sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản từng “tay không bắt giặc” không còn cửa huy động vốn dễ dàng.
Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
“Quả bom nổ chậm” phía trên nền kinh tế
Phóng viên: Thưa ông, năm 2019 là lần đầu tiên trong lịch sử, tổng giá trị vốn huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp vượt giá trị huy động vốn trái phiếu Chính phủ. Thông tin này nói lên điều gì?
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Đầu tiên, từ góc độ tích cực, dấu hiệu khởi sắc của thị trường TPDN với hoạt động giao dịch, chào bán trái phiếu khá sôi nổi cho thấy sự đa dạng hoá về nguồn tài trợ vốn trên thị trường tài chính Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
PGS.,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Trước đây, chúng ta từng nhắc rất nhiều tới tình trạng nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt về nhu cầu tín dụng. Bởi phần lớn nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất – kinh doanh của đối tượng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác được giải quyết thông qua kênh tín dụng ngân hàng.
Theo thống kê, từng có thời điểm tới 70% nhu cầu vay vốn được giải quyết thông qua hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, từng có ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế bị tăng trưởng tín dụng “bắt làm con tin”.
Khi đó, dư luận đã liên tục kêu gọi Chính phủ và những nhà hoạch định chính sách phải có giải pháp cụ thể để các kênh dẫn vốn khác của nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Và những diễn biến trên thị trường trái phiếu Việt Nam 2019 cho thấy những nỗ lực của Bộ Tài chính, NHNN bước đầu đã phát huy tác dụng.
Video đang HOT
Việc doanh nghiệp có thể tự huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu khiến thị trường tài chính trở nên đa dạng hơn về sản phẩm. Từ đây, rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và TCTD cũng được giảm xuống theo nguyên tắc đa dạng hoá rủi ro.
Một điểm tích cực khác là trình độ quản trị dòng tiền, hoạch định tài chính của doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Bởi bản thân doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư, họ phải chứng minh được sức khoẻ tài chính của mình.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường TPDN không phải Thánh Gióng mà có khả năng vươn mình lớn lên chỉ sau 1 năm. Vậy phía sau câu chuyện phát triển nhanh, mạnh và giao dịch sôi động của thị trường TPDN liệu có tồn tại những vấn đề bất thường?
Về logic, việc phát triển một kênh huy động vốn hay loại hình tài chính cần rất nhiều thời gian để nhà đầu tư, công ty tư vấn, định chế tài chính tiếp xúc, làm quen, tích luỹ kinh nghiệm. Không thể có chuyện một lượng TPDN lớn như vậy phát hành ra thị trường trong một sớm một chiều.
Vậy nên, yếu tố bất thường đang tồn tại ở đây đòi hỏi Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan điều hành chính sách phải có sự nghiên cứu, đưa ra những hành lang pháp lý, chế tài nhằm bảo đảm sự lành mạnh của thị trường TPDN.
Hiện tại, bản thân giới chuyên gia và các cơ quan báo chí đang đặt rất nhiều câu hỏi: “Phải chăng, ngân hàng và doanh nghiệp BĐS đang bắt tay nhau để đảo nợ, cơ cấu nợ khi room tín dụng của ngân hàng đã chạm trần?”, “Việc doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu, ngân hàng đứng ra mua có gì khác hoạt động vay nợ không?”.
T ổng lượng phát hành TPDN trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng , trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 55% tổng lượng phát hành. Thực trạng ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp liệu có tiềm ẩn rủi ro đối với nền kinh tế?
Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc độ đa dạng hoá rủi ro trên thị trường tài chính, có thể thấy ngân hàng và doanh nghiệp BĐS đang treo một “quả bom nổ chậm” phía trên nền kinh tế. Bản thân tôi đặt câu hỏi: “Một lượng tiền lớn bơm vào thị trường BĐS để làm gì?”.
Một câu hỏi khác là: “Trong nền kinh tế Việt Nam, ngành nghề, lĩnh vực nào xứng đáng giữ vai trò mũi nhọn, mang về nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cần được Chính phủ ưu tiên, tạo điều kiện phát triển?”.
Qua hai câu hỏi này, chúng ta sẽ có câu trả lời rằng BĐS không nên là lĩnh vực được ưu tiên. Bởi lĩnh vực này không thể mang về sự gia tăng năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam. Nhưng thực tế thì ngược lại, một lượng lớn vốn trong hệ thống ngân hàng và TCTD nói riêng, trong toàn nền kinh tế nói chung đang dồn về kênh đầu tư BĐS. Điều này dẫn tới rủi ro tiềm ẩn về bong bóng giá nhà đất.
Khi bong bóng giá nhà đất điều chỉnh, trái phiếu doanh nghiệp phát hành có bị xuống hạng tín nhiệm hay không? Trái phiếu doanh nghiệp xuống hạng thì lãi suất trái phiếu có tăng lên hay không? Nếu lãi suất tăng lên, các doanh nghiệp BĐS có đủ năng lực trả nợ hay không? Lúc này, nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền của hệ thống tài chính.
Một kênh huy động vốn vừa xuất hiện những dấu hiệu khởi sắc và thu hút sự chú ý ban đầu của nhà đầu tư, nếu mang theo những câu chuyện hạn chế, bất minh sẽ tạo ra hình ảnh xấu cho hệ thống. Đây là rủi ro cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán trước.
Đương nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng với một kênh dẫn vốn còn mới, những nhà điều hành chính sách phải có sự “chiều chuộng” nhất định các thành phần tham gia. Thậm chí, cần thiết phải có sự nới lỏng về thể chế, linh hoạt trong hoạt động điều tiết để nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành mạnh dạn đưa dòng tiền gia nhập thị trường. Sau một thời gian hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà điều hành mới sắp xếp lại thành một trật tự nhất định.
Song tôi cho rằng, chúng ta không thể mở toang cánh cửa thị trường TPDN để một số doanh nghiệp “núp bóng” hoạt động phát hành nhằm vượt qua hàng rào điều hành chính sách. Bởi với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, mỗi cú sốc trên thị trường tài chính đều sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
Tôi cho rằng chúng ta cần một thị trường có bàn tay hữu hình của Nhà nước, đảm bảo mọi thứ đều phát triển hài hoà.
Siết chặt để đưa bất động sản về đúng nghĩa
Gần đây, Bộ Tài chính đã có những động thái siết lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Điều này dường như sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản từng “tay không bắt giặc” không còn cửa huy động vốn dễ dàng?
Việc Bộ Tài chính sửa đổi điều kiện phát hành TPDN không nên hiểu là siết thị trường trái phiếu. Sau một thời gian thử nghiệm mở cửa, thị trường trái phiếu đã xuất hiện những tín hiệu bất thường như doanh nghiệp vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng phát hành trái phiếu trị giá hàng trăm tỷ đồng, lãi suất phát hành trái phiếu lên tới 22%…
Đây là các lỗ hổng của thị trường mà cơ quan quản lý chưa lường trước, nay phát hiện ra và trám lại là hết sức cần thiết vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý thị trường này. Tất nhiên, Việt Nam vẫn phải khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, song cũng cần nắn lại cho thị trường đi vào nề nếp, hạn chế tối đa tiêu cực.
Tôi đánh giá động thái của Bộ Tài chính đơn giản là ban hành một hệ thống văn bản, xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ để thị trường TPDN phát triển một cách hài hoà, ổn định và an toàn đối với nền kinh tế. Còn Nghị định số 163/2018/NĐ-CP là cần thiết để thị trường TPDN không bị đẩy đi quá xa.
Như tôi đã chia sẻ ban đầu, nếu chỉ nhăm nhăm lo vốn cho thị trường bất động sản, cả nền kinh tế sẽ bị “bắt làm con tin”. Nên coi bất động sản là một trong các ngành bình thường như nhiều ngành khác trong nền kinh tế, không có sự ưu ái nào cả. TPDN là sân chơi chung cho cả nền kinh tế. Dĩ nhiên, siết TPDN sẽ khiến thị trường bất động sản khó khăn hơn, song đây là điều cần thiết để nhà đất trở về đúng giá trị của nó.
Để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư và các tổ chức phát hành tham gia thị trường TPDN, rõ ràng chúng ta cần sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín?
Một thị trường trái phiếu thiếu những tổ chức xếp hạng độc lập là một biểu hiện cho thấy thị trường đó chưa thực sự minh bạch về thông tin. Thực tế này khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư giống như những tài xế trên một đường với rất nhiều phương tiện giao thông khác nhau, phải đối mặt với rủi ro va chạm, tai nạn giao thông… Nhưng ánh sáng từ đèn đường lại không đủ để họ phát hiện rủi ro từ sớm.
Vậy nên, công tác phát triển, thành lập các định chế xếp hạng tín nhiệm độc lập, có uy tín, có tiêu chuẩn chặt chẽ về xếp hạng rất quan trọng. Bởi họ sẽ cung cấp cho nhà đầu tư góc nhìn tổng quan trước lựa chọn đánh đổi giữa rủi ro và tỷ suất sinh lời.
Khi nhà đầu tư nhìn thấy một trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất phát hành trái phiếu lên tới 22%, trong khi lãi suất huy động của ngân hàng chỉ từ 7-8%, họ sẽ suy nghĩ gì? Liệu họ có đặt câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp đặt ra mức lãi suất cao như vậy, rủi ro mình phải gánh chịu là bao nhiêu?”.
Dựa trên nguyên tắc phát triển thị trường TPDN nói riêng và thị trường tài chính nói chung, tôi cho rằng Chính phủ nên trả các quan hệ kinh tế về cho thị trường. Nhưng đó phải là một thị trường có sự điều tiết, hành lang pháp lý và đầy đủ các quyền lực của thị trường… Tất cả để nhà đầu tư hình thành kỳ vọng của họ về rủi ro.
Tôi cho rằng nên điều hành thị trường theo hướng vừa nêu thay vì ban hành quá nhiều văn bản có tính hành chính.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất, lãi suất trái phiếu cũng không được vượt quá 20%/năm. Ngoài ra, nếu muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp (DN) phải lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn…
Đây là một trong số những nội dung tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Theo Hoàng Văn/nhadautu.vn
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu "cuộc chơi" trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng dè dặt
Hơn một nửa tổng lương TPDN phát hành tháng vừa qua thuộc về các doanh nghiệp bất động sản.
Theo thông tin cập nhật của Trung tâm phân tích và tư vấn SSI Research, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành. Lãi suất phát hành bình quân toàn thị trường là 10,03%/năm và kỳ hạn bình quân là 4,98 năm.
Là một chủ thể phát hành trái phiếu khá tích cực trong năm 2019 song tháng đầu năm 2020 các ngân hàng lại khá dè dặt khi lượng trái phiếu phát hành chỉ chiếm 2,1% trong tổng khối lượng TPDN phát hành, các định chế tài chính cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 1,8%.
Cơ cấu phát hành TPDN tháng 1/2020 (nguồn SSI Research)
Về phía bên mua, nhà đầu tư cá nhân mua 2.354 tỷ đồng trái phiếu trong đó ngoại từ 240 tỷ trái phiếu của MBS, 255 tỷ đồng trái phiếu của TPB, phần còn lại đều là mua trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản.
Các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán mua 2.733 tỷ đồng TPDN trong tháng 1 gồm: VPB mua toàn bộ 1.598 tỷ đồng trái phiếu của CTCP City Garden và 125 tỷ đồng trái phiếu của CTCP TM-DL-ĐT Cù Lao Chàm; Techcombank và TCBS mua 950 tỷ trái phiếu Vinfast; MB mua 60 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Phú Tài. Tổ chức nước ngoài mua 98,2 tỷ đồng, còn lại ghi chung là tổ chức trong nước.
N. Toàn
Theo Tài chính Plus
Cách 2.600 tỷ đồng đổ về nhóm Tiến Phước Trong bối cảnh dòng vốn tín dụng bất động sản bị siết theo chủ trương của Chính phủ, cùng sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 163/2018/NĐ-CP, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, Tiến Phước - một nhà phát triển địa ốc đang lên ở Tp. HCM - đã rất tích cực sử dụng...