Trại giam những trùm giang hồ trước ngày đặc xá
Với lý do không muốn nhắc về quá khứ, những phạm nhân của chuyên án Năm Cam như Trúc “Mẫu hậu” , Hải “Bánh”… từ chối những cuộc tiếp xúc. Năm nay, trại giam này có hàng trăm người được đặc xá nhưng không có những nhân vật trên.
Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) được biết đến như “trạm dừng chân” của hàng loạt giang hồ có máu mặt, khét tiếng một thời liên quan đến vụ án Năm Cam như: Hải “Bánh”, Trường “Xoăn”, Trúc “Mẫu hậu”, Hoàng “Lựu đạn”… Đây cũng là nơi cải tạo của những tội phạm kinh tế hàng đầu như: Nguyễn Văn Mười Hai, Hải Robert, Đỗ Thị Mỹ Phượng (Phượng lai, nữ hoàng rượu lậu)…
Phạm nhân xếp hàng chuẩn bị nhập trại. Ảnh: Quốc Thắng.
Dịp 2/9 năm nay, Xuân Lộc có 373 phạm nhân được đặc xá và 787 người được giảm án. Tuy nhiên, hầu hết những người liên quan đến chuyên án “Năm Cam” đều không lọt vào danh sách.
Theo một quản giáo của trại, Trúc “Mẫu hậu”, Hoàng “Lựu đạn” đang vật vã chống chọi với những cơn đau bệnh tật. Riêng Hải “Bánh”, đệ tử ruột của ông trùm Năm “Cam” một thời thì chỉ muốn bình lặng, không muốn nhắc về quá khứ nên họ đều xin không tiếp xúc phóng viên vào lúc này.
Cũng theo vị quản giáo, người phụ nữ từng lừng lẫy một thời này giờ ốm yếu, khổ sở với đủ các thứ bệnh hành hạ trong người. Khi nhắc về chồng và những đứa con của mình, Trúc “Mẫu hậu” thường rơm rớm nước mắt. Ở tuổi ngoài 60, ước mơ duy nhất của người đàn bà này là sớm trở về và thành tâm sám hối để cầu mong sự bình yên sẽ trở lại với gia đình.
Những ngày đầu mới đến, Trúc “Mẫu hậu” sống trong tâm trạng hoảng loạn, tuyệt vọng. Bà ta thường xuyên khóc lóc vật vã nhưng sau một thời gian, với sự động viên của cán bộ trại cũng như sự giúp đỡ của các phạm nhân khác, Trúc “Mẫu hậu” đã dần lấy lại được cân bằng. Bà sống hòa đồng với các phạm nhân khác.
“Hải “Bánh”, Hoàng “Lựu đạn”, Trường “Xoăn”… luôn là những phạm nhân đặc biệt. Họ luôn muốn chứng tỏ, khẳng định mình khi mới vào trại nhưng qua thời gian họ đã hướng thiện. Tuy chưa đủ điều kiện để giảm án nhưng những con người này giờ biết sống hòa đồng với các phạm nhân khác và sợ nhắc đến những năm tháng quá khứ”, trung tá Nguyễn Trọng Tuấn, Phó giám thị trại giam Xuân Lộc cho biết.
Trái với hình ảnh lặng lẽ của những “nhân vật nổi tiếng” trên, hàng trăm phạm nhân khác của trại giam này đang hồ hởi chờ ngày về đoàn tụ.
Bé gái ở tù cùng mẹ và cũng được “đặc xá” trong dịp này. Ảnh: Quốc Thắng.
Video đang HOT
Nhà văn hóa phân khu 2 của trại những ngày này được trang hoàng sạch sẽ. Các dãy bàn ghế tại hội trường được dọn ngăn nắp để phục vụ khóa học cho những phạm nhân sắp được tái hòa nhập với xã hội.
Vừa hoàn thành khóa học, Nguyễn Thị Ngọc Anh (33 tuổi, ngụ Đồng Nai) nhoẻn miệng cười tươi. Bước ra cửa Nhà văn hóa trại, chỉ bé gái trên tay, chị ta hóm hỉnh: ” Nó ở tù cùng mẹ và cũng sắp được đặc xá đấy”.
Chọn một góc tại phòng bên cạnh, người mẹ của 6 đứa con lặng lẽ kể về quá khứ của mình. Năm 2005, do hoàn cảnh khó khăn, Ngọc Anh thuê mặt bằng mở quán cà phê tại thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) để cùng chồng nuôi 3 con nhỏ. Muốn kiếm nhiều tiền, cô chủ liền tuyển 3 “chân dài” về nuôi ăn tại quán. Khi khách có nhu cầu, các nhân viên này sẵn sàng đi nhà nghỉ để “phục vụ” hoặc bán dâm tại chỗ. Mỗi lần như thế, chị ta sẽ thu 40.000 đồng.
Đến tháng 8/2005, ổ mại dâm đã bị công an khám phá. Bị tòa tuyên phạt 5 năm tù nhưng do con nhỏ nên được Ngọc Anh tại ngoại để nuôi dưỡng đứa con thứ 4 được hơn một tháng. Tuy nhiên, chưa được một năm, Ngọc Anh lại tiếp tục mang thai và sinh bé thứ 5. Việc thi hành án bị trì hoãn, mãi đến tháng 5/2010, để 5 đứa trẻ cho chồng chằm sóc, chị ta mới vào trại để thụ án. Tuy nhiên, thời điểm này chị ta đã lại mang bầu được hơn một tháng mà không biết nên bé gái được sinh ra ngay trong tù.
Dịp đặc xá năm nay, Ngọc Anh có tên trong danh sách khi thi hành mới được một năm 3 tháng. “Được nhà nước tạo điều kiện nuôi con nhỏ trong tù, tôi không phải lao động mà hàng tháng còn được cấp tiền nuôi con. Về lần này, có cực mấy cũng không phạm pháp”, chị tâm sự.
Một trường hợp khác cũng được đặc xá là Hiển (20 tuổi, Đồng Nai), phạm nhân mang tội giết người khi còn vị thành niên và bị phạt 7 năm tù.
Ngày ra trại đã đến gần nhưng Hiển lo lắng về sự kỳ thị. Ảnh: Quốc Thắng.
Hiển nhớ như in vào tối 19/4/2008 đã cùng nhóm bạn bè tổ chức sinh nhật cho một cô bạn trong lớp. Nghe bạn bị đánh dọc đường, Hiển cùng 3 &’chiến hữu’ khác kéo đi trả thù. Trong lúc đi tìm người đánh bạn mình, cả nhóm phát hiện một nhà sáng đèn nên xông vào đập cửa. Chủ nhà mang gậy ra đánh thì bị cả nhóm giật lấy gậy đánh túi bụi. Thấy anh này nằm im, cả đám bỏ về nhà ngủ.
Rạng sáng hôm sau, nhóm 4 người đã bị công an bắt vì người bị chúng đánh tối qua đã chết. Do không trực tiếp gây án, Hiển bị tuyên phạt 7 năm tù. &’Thấy bạn bị đánh, em chỉ biết xông vào. Chắc do rượu sai khiến chứ nếu tỉnh táo thì không đến nỗi’, cậu này tỏ vẻ hối hận.
Đang học lớp 11, Hiển phải rời bỏ ghế nhà trường để nhập trại trả giá cho hành động nông nổi của mình. &’Là một trong những phạm nhân nhỏ tuổi nhất, em được các quản giáo phân công vào đội xây dựng. Em cố gắng làm việc để cuộc sống có ích đồng thời học nghề để có thể làm việc khi ra tù’, Hiển tâm sự.
Sau khi biết mình có tên trong danh sách được đặc xá đợt này, Hiển mất ăn mất ngủ nhiều ngày. Cậu ta cho biết, mừng thì mừng nhưng cũng lo lắm, không biết ra tù mọi người sẽ nhìn em như thế nào.
Trung tá Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ, làm công tác trại giam nhiều năm, thấy phạm nhân được đặc xá trở về nhà là niềm vui lớn của ban giám thị. Tuy nhiên, cùng với đó là nỗi lo tái hòa nhập của những con người từng lầm lỗi.
“Đối với nhiều phạm nhân, khi bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam họ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Mặc cảm tội lỗi luôn hiện diện, họ co mình vào vỏ ốc và có thể tái phạm tội bất cứ lúc nào”, ông Tuấn trăn trở.
Theo VNExpress
Gặp đệ tử số một của trùm giang hồ Cu "Nên"
Phạm Đình Nên (tức Cu Nên) là một trong tam quái giang hồ đất Cảng những năm 90 của thế kỷ trước đã bị loại khỏi đời sống xã hội bằng một bản án nghiêm khắc của pháp luật. Theo bản án hình sự số 345, tháng 12/1995, Đinh Đình Tuyển - cánh tay phải của trùm giang hồ Cu Nên đã bị tuyên phạt tù chung thân.
Hiện Tuyển đang cải tạo tại trại giam của Bộ Công an ở Hà Nam. 16 năm không dài so với thời cuộc nhưng lại quá dài đối với một đời người.
Đinh Đình Tuyển
Chưa "tỳ vết" cũng thành tội phạm khét tiếng
Đinh Đình Tuyển sinh năm 1968, kém Cu Nên 9 tuổi. Tuyển ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng với mẹ và 6 người anh, chị em. Học hết lớp 5, Tuyển nghỉ học vì nhìn thấy người ta đi thuyền thúng, vượt biên quá nhiều nên cũng mơ ước chinh phục biển cả. Lớn chút nữa, Tuyển đi đánh cá với các anh chị trong gia đình. Cuộc sống gắn với biển, tình yêu với biển không giữ lại được Tuyển ở nơi chôn rau, cắt rốn này.
Năm 1990, khi mới 22 tuổi, Tuyển ra đi trên một chiếc xuồng. Cuộc vượt biên không thành, bởi sau đó, Tuyển bị trả từ trại tỵ nạn Hồng Kông về, có một tiền sự. Tại trại tỵ nạn, Tuyển gặp vợ chồng Cu Nên. Sau đó, chán cái nghề đánh cá, bám mặt với biển, Tuyển vào nội thành, gây sự và năm 1993, bị công an quận Ngô Quyền bắt trong một vụ cố ý gây thương tích nhưng sau đó chỉ bị phạt cảnh cáo, rồi được tha.
Lý lịch như thế được giới tội phạm coi là "chưa tỳ vết", khó "đào tạo". Cu Nên có "tài" "đào tạo" đàn em từ không hư thành hư và từ hư thành hư hơn. Lang thang ở nội thành một thời gian, Tuyển cũng gặp lại Cu Nên trong một lần tình cờ trong quán cà phê. Thế là Tuyển theo Nên về đại bản doanh và nhà của Nên, trở thành đệ tử ruột của Nên từ đó. Tuyển bảo: "Cả tôi và anh Nên chẳng nói nhiều mà nhìn nhau, hiểu ý, thế là thành thân, vậy thôi".
Trong 7 vụ mà toà án TP. Hải Phòng đưa ra xét xử năm 1995, vai trò của Tuyển thường đứng thứ 2, sau Cu Nên. Tuyển cho biết, ngày đó, cứ xong việc là về đại bản doanh ăn, ngủ, chờ lệnh của đại ca Nên: "Chưa từng được ôm hôn một người con gái đúng nghĩa". Tuyển tâm sự: "Chưa có vợ con, không bị ràng buộc gì nên quá trình cải tạo ở trại cũng đỡ thấy đau đớn, nhức nhối hơn". Điều Tuyển mong muốn nhất là nhận được sự tha thứ của mẹ và các anh, chị em trong gia đình, nhận được sự an ủi, chấp nhận khi Tuyển được tự do.
Tên tội phạm luôn dùng hàng "nóng"
Va chạm trong giới giang hồ là thường xuyên. Đối với băng nhóm của Tuyển ngày đó, lại càng thường xuyên hơn vì Cu Nên luôn thích dùng bạo lực để xử lý "công việc". Tuyển đã đánh người chỉ vì người thân, người này va chạm với cháu của đại ca. Sau đó, Tuyển đâm chết người, vì người này là bạn của nạn nhân. Tuyển nhớ lại, người đàn ông vô tội ấy phải nhập viện vì vết thương quá nặng, nhưng vì nhận được lệnh của đại ca nên Tuyển và Linh "cu" vẫn tiếp tục bám viện để xử lý những người khác để trả thù cho đồng bọn bị đánh trước đó.
Gây nhiều tội lỗi dưới sự chỉ đạo của Cu Nên, Tuyển cũng không ít kẻ thù. Lần ấy, kẻ thù của Tuyển không xử theo luật giang hồ mà theo pháp luật. Vụ va chạm xảy ra, Tuyển bị bắt, bị tạm giam. Tại buồng tạm giam, Tuyển bị một giang hồ khác bắt nạt. Giang hồ tên Thọ này đã không thể vượt qua được bản tính lỳ lợm và tàn độc của Tuyển. Ra tù, Tuyển tìm đến nhà Thọ xử lý. Không tìm được Thọ, Tuyển đã đánh bố Thọ với vài chục cái báng súng, rồi bắn súng vào tường nhà Thọ và đang định đốt nhà thì Cu Nên đến, bảo: "Về đi, thế là đủ rồi". Tuyển lẳng lặng theo Nên về mà không có thêm bất cứ động thái nào. Tuyển kể: "Sau đó, không tìm Thọ nữa nhưng Thọ vẫn sợ và đi cướp giật dây chuyền vàng của người đi đường, để bị bắt, được ở trong tù với mục đích mong thoát khỏi sự truy đuổi của Tuyển, được an toàn tính mạng".
Cu "Nên" và đồng bọn
Tuyển kể rằng hắn là người sử dụng súng thành thạo nhất nhóm và trong nhóm, ngoài Nên ra, chỉ có Tuyển mới được "chơi" với súng nhiều và biết kho giấu súng của Nên. Linh "cu" khi phê thuốc, 2 tay, 2 súng nã đạn bừa phứa là giỏi nhưng Tuyển thì khác, bắn vào đâu là có mục đích. Theo Tuyển, trận đọ súng với băng nhóm của Lâm "già" (tức Ngô Thế Lâm) vẫn để lại ấn tượng đến bây giờ. Cuộc truy đuổi ấy, theo Tuyển, chẳng khác gì phim hành động. Thế nhưng, Lâm đã thắng, vì băng của y chạy vào nhà, rồi cho đàn em nã súng từ trên cao xuống, từ dưới gốc cây lên làm cho xe của Tuyển và Linh "cu" nổ lốp. "Nhiều cuộc va chạm khác cũng phải dùng đến súng nhưng không mấy khi phải bắn vì nhưng phần lớn chỉ doạ đã thấy người ta khiếp sợ rồi" - Tuyển cho biết.
Tuyển kể lại: "Tôi và nhiều chiến hữu trúng kế của Công an. Nhà anh Nên đối diện với Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Tiệp. Sáng hôm đó, Cung Văn hóa có hội nghị, chẳng ai nghĩ xe ôtô xếp lớp ở đó lại là xe công an. Tôi đi bộ từ nhà Nên sang bên kia đường gội đầu. Trong lúc đang nằm gội đầu, tôi nghe thấy mấy người ngồi quán nước chè trước cửa nói với nhau: "Hình như thằng Tùng "ân", Linh "cu" đang ở trong nhà".
Ngay lúc đó bên kia đường lại có tiếng một đứa cháu gọi vọng sang: "Chú Tuyển ơi, về chú Nên bảo gì". Tôi biết, nhà anh Nên đã bị công an vây bắt. Nếu chạy thoát thân, tôi thừa sức bỏ chạy lúc đó. Nhưng tôi không làm vậy, vẫn vào nhà như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, chính Tuyển là người thông báo, nhà đã bị công an bao vây. Cu Nên không tin điều đó xảy ra nên gắt, quát tháo loạn cả nhà lên. Để tránh đạn của các bên, Tuyển cầm theo 4 khẩu súng và 180 viên đạn nhảy xuống bể nước công cộng xây từ thời Pháp mà bọn này vẫn quen gọi là hầm để ẩn náu. Công an dùng mọi biện pháp thuyết phục nhưng Tuyển vẫn ngồi im, không động tĩnh gì, cũng chẳng trả lời. Tuyển bảo, khi nghe vợ anh Nên gọi: "Tuyển ơi, lên đi chú, khai báo thành khẩn để được hưởng khoan hồng của pháp luật" thì mới lên.
Thức tỉnh
Tuyển là một người đàn ông to cao, khuôn mặt đàn ông, có góc cạnh. Tuyển khoe "rất nhiều cô gái xinh xắn, con nhà lành thích nhưng tôi chưa mắng mỏ cô gái nào bao giờ. Có người còn nói tôi này kia khi tôi vô tình làm họ phật ý nhưng tôi im lặng, rút lui. Với đàn ông, chỉ một cái nhìn không thiện chí, tôi sẵn sàng cho họ ăn bạt tai hoặc viên đạn. Lần ấy, về nhà với mẹ, cô bé hàng xóm xinh xắn lắm sang chơi. Thấy nó thích chiếc headphone của tôi mẹ cô bé sang hỏi mượn, tôi gọi cô bé sang và cho luôn dù vào thời điểm năm 2000 chiếc headphone rất giá trị".
"Nói là tôi chưa có người yêu cũng đúng mà cũng sai" - Tuyển nói: "Thực ra, tôi có cảm tình đặc biệt với một cô gái, dù chưa thổ lộ nhưng tôi biết, giữa tôi và cô ấy là tình yêu. Nghe tin tôi bị bắt, cô ấy buồn lắm. Sau đó, có vài lần vào trại thăm tôi. Bẵng đi một thời gian không thấy, tôi hỏi người nhà, được biết, cô ấy đã lấy chồng. Cầu mong cô ấy được hạnh phúc. Đó là những ký ức đẹp của một thời trai trẻ đã theo tôi trong những năm tháng ở trại giam. Có những đêm, thảng thốt giật mình, tôi mơ hồ nghe tiếng bạn gái trách mắng rồi lại vỗ về an ủi".
Điều đau buồn nhất trong những ngày qua là gì? Tuyển trả lời: Không được ở bên người thân khi họ mất. Giọt nước mắt trực trào ra khỏi khoé mắt. Tuyển kể: "Bố và anh trai chết trong một vụ đắm tàu khi đi biển. Đứa em trai ngay sau Tuyển bị xuất huyết não rồi chết trong bệnh viện. Đứa em trai gần út nhiễm HIV, đã chết. Vợ nó cũng nhiễm và sự sống tính bằng ngày. "Thời trẻ, cứ đi lang thang, chẳng quan trọng chuyện gia đình. Mất mát quá nhiều rồi mới thấy đau, xót xa" Tuyển trầm ngâm nói.
Mong muốn nhất bây giờ của Đinh Đình Tuyển là cải tạo thật tốt, được giảm án, được về và vẫn còn nhìn thấy mẹ để có cơ hội chăm sóc mẹ. Tuyển cũng biết, điều đó thật mong manh nhưng vẫn hy vọng cuối đường hầm sẽ le lói ánh sáng.
Theo Nguoiduatin
Đường phục thiện đẫm nước mắt của nữ sinh Những nữ sinh nhẹ dạ bị lừa bán thành nô lệ tình dục; sa chân vào con đường ăn chơi, nghiện hút vì ham giàu sang; dùng bạo lực học đường khẳng định quyền lực... Họ từng có cuộc đời tươi đẹp với cả một tương lai phía trước. Gặp em ở trung Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) số...