Trách nhiệm nhà mạng vụ 800 nghìn người bị lừa tải ảnh gợi cảm
PC45 và PC50 Hà Nội đang phối hợp điều tra vụ gần 800 nghìn người bị lừa tải ảnh gợi cảm, trong đó xem xét trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông.
Trách nhiệm nhà mạng vụ 800 nghìn người bị lừa tải ảnh gợi cảm
Hôm nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) cho biết đang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 – Công an TP. Hà Nội) làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan trong vụ gần 800 nghìn người bị lừa mất tiền vì tải ảnh sex.
Như đã đưa tin, Phòng PC50 vừa khám phá vụ chiếm đoạt của gần 800 nghìn người qua mạng điện thoại di động. Theo đó, Nguyễn Tuấn Anh (29 tuổi, Trưởng phòng kinh doanh một Công ty CP ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bị khởi tố về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Nhà mạng đã không kiểm soát
Theo Đại úy Vũ Việt Anh (Phó Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm lĩnh vực thông tin truyền thông – PC50) hành vi của Nguyễn Tuấn Anh có liên quan đến trách nhiệm của các nhà mạng và công ty kinh doanh đầu số dịch vụ gia tăng.
Để chiếm đoạt tiền của người dùng điện thoại, trước hết Tuấn Anh phải thuê số của các doanh nghiệp kinh doanh đầu số dịch vụ gia tăng. Theo đó, Tuấn Anh đã đại diện cho công ty IMMC thuê khoảng 10 đầu số từ rất nhiều doanh nghiệp là: công ty Blue Sea, công ty CP Dịch vụ truyền thông Thế hệ mới, Công ty Phát triển công nghệ NEO, Trung tâm giá trị gia tăng VDC,…
Đại úy Vũ Việt Anh cũng cho hay, các đầu số dịch vụ gia tăng hiện nay đều chủ yếu do 3 nhà mạng lớn cung cấp là VinaPhone, MobiPhone và Viettel. Khi khách hàng chấp nhận tải ảnh, phim sex, tin nhắn sẽ được gửi đến các đầu số này. Với mỗi tin nhắn gửi tới 1 đầu số, thuê bao sẽ bị nhà mạng trừ 15.000 đồng. Số tiền được chia theo tỷ lệ: nhà mạng hưởng 55%, công ty kinh doanh đầu số được 45% rồi chuyển 85% trong số tiền này cho công ty thuê đầu số (chính là công ty của Tuấn Anh).
Theo quy định pháp luật, nhà mạng phải kiểm soát nội dụng tin nhắn của các công ty kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng. Theo đó, các tin nhắn vui chơi có thưởng, tải ứng dụng, phần mềm,… đều phải kèm theo thông báo về loại hình dịch vụ và giá cước dịch vụ. Các công ty kinh doanh dịch vụ muốn phát tán tin nhắn đều phải qua kiểm duyệt của nhà mạng. Tuy nhiên nhà mạng đã không kiểm soát và để Tuấn Anh cùng công ty IMMC có cơ hội lừa khách hàng.
Công ty cho thuê đầu số cũng vô can
Cán bộ điều tra này cho hay, qua tìm hiểu, một nhà mạng cũng từng phát hiện sai phạm của công ty IMMC và đã chặn đầu số và yêu cầu thực hiện đúng. Tuấn Anh đã chỉ đạo nhân viên bổ sung nội dung tin nhắn nhưng lại để 2 chế độ. Ban ngày, tin nhắn có thông báo giá cước. Buổi tối, hệ thống lại tắt chức năng này đi và để “miễn phí”. Việc gian dối này đã khiến nhiều người mắc bẫy.
Video đang HOT
Đặc biệt, Tuấn Anh còn chỉ đạo lập trình viên cài đặt chế độ một lúc gửi tin đến nhiều đầu số. Khi người dùng điện thoại chấp nhận tải phim và hình ảnh, họ chỉ gửi một tin nhắn nhưng thức chất lại gửi đến cả 10 đầu số. Vì vậy có người bị trừ sạch tiền trong tài khoản mà không biết.
Theo cán bộ điều tra, nhà mạng cũng có thể phát hiện việc một thuê bao bỗng dưng gửi 1 tin nhắn đến hàng loạt đầu số và bị trừ nhiều tiền như vậy. Tuy nhiên, nhà mạng đã không kịp thời kiểm tra ngăn chặn. Trong khi đó, các công ty kinh doanh đầu số dịch vụ gia tăng gần như phủi trách nhiệm trong những vụ việc này.
Đại úy Vũ Việt Anh cho hay, hợp đồng giữa nhà mạng và công ty cung cấp đầu số cũng như với công ty kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng đều có thỏa thuận rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công ty cho thuê đầu số không có trách nhiệm gì. Nhà mạng cũng để cho các công ty kinh doanh dịch vụ gia tăng lộng hành mà không kiểm soát.
Sau khi vụ việc xảy ra, Phòng PC50 cũng đã có văn bản đề nghị các nhà mạng và đơn vị thuộc Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp điều tra. Hiện Phòng PC45 (đơn vị thụ lý chính) sẽ trực tiếp làm việc với nhà mạng xem xét trách nhiệm các cá nhân, cơ quan liên quan.
Cũng theo cán bộ Phòng PC50, trước đến nay, những vụ việc liên quan đến lừa đảo tin nhắn đã xảy ra rất nhiều nhưng vẫn chưa có nhà mạng nào đứng ra nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này vẫn cần chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Suốt một thời gian dài, nhiều thuê bao điện thoại nhận được tin nhắn mời tải phim, ảnh sex, game miễn phí trên trang m.money.vn do công ty của Tuấn Anh và Đoàn Việt Dũng (nhân viên) lập ra. Tuy nhiên, khi chủ những thuê bao này nhấp lệnh tải xuống, điện thoại đã bị trừ rất nhiều tiền. Trên thực tế, kết quả nạn nhân nhận được chỉ là những hình ảnh các cô gái mặc đồ lót hoặc áo tắm. Đặc biệt hơn, tin nhắn đã được thực hiện tới rất nhiều đầu số dịch vụ giá trị gia tăng vì vậy có người bị hết sạch tiền trong tài khoản.
Theo Xahoi
Công an Hà Nội lên tiếng về thủ đoạn nghe lén điện thoại
Sự việc hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam bị cài phần mềm nghe lén vừa bị phát hiện đã gây xôn xao cho dư luận. Phần mềm nghe lén có thể xem rất nhiều thông tin nhạy cảm của người dùng, sau đó gửi về máy chủ của công ty vi phạm.
Ảnh minh họa
Mới đây đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PC50 (Công an Hà Nội) đã phát hiện Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) kinh doanh phần mềm ptracker, giúp người dùng có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật - tắt 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát.
Thậm chí người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài ptracker bằng cách nhắn tin tới điện thoại này. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ dữ liệu sau khi được lấy từ điện thoại bị cài phần mềm đã được gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng.
Tại đây, người của công ty có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó. Dù khách hàng có mua phần mềm hay chỉ cài bản dùng thử của phần mềm ptracker thì điện thoại đều bị chiếm quyền điều khiển. Nếu khách hàng nộp tiền cho Việt Hồng công ty này sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu đó trên máy chủ.
Theo PC50 - Công an Hà Nội, đã có trên 14.000 tài khoản bị cài phần mềm ptracker. Đến nay Công ty Việt Hồng đã thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp này gần 1 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Thượng tá Tạ Văn Biên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), công an TP Hà Nội.
Thượng tá Tạ Văn Biên - Phó Trưởng phòng PC50, công an TP Hà Nội.
Thưa Thượng tá, từ những vụ việc đã khám phá, ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của việc nghe lén này?
Tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây hoạt động ngày càng tinh vi phức tạp. Qua việc cài đặt phần mềm vào máy, đối tượng có thể khai thác những thông tin đến đời tư cá nhân, ví dụ như biết được các số máy trong danh bạ, kẻ xấu có thể sử dụng để giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức mượn danh...
Hoặc nạn nhân có thể sẽ bị lộ số tài khoản, mật khẩu cá nhân, lộ những thông tin bí mật về riêng tư, công việc... Đây là vấn đề liên quan đến xâm phạm đời tư của cá nhân, vi phạm pháp luật.
Nếu không phải là người thân bạn bè mà là người lạ, lọt vào tay tội phạm hoặc nếu những thông tin đó là của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn đến xã hội thì hậu quả xảy ra sẽ hết sức khôn lường.
Thủ đoạn nghe lén của loại tội phạm này thế nào, thưa ông?
Qua vụ việc phát hiện tại công ty Việt Hồng cho thấy, khi người dùng có nhu cầu nghe lén, theo dõi điện thoại của người khác, công ty này sẽ cài dùng thử 24 tiếng. Người dùng sẽ cầm máy điện thoại cần giám sát và tải theo địa chỉ trang web vhc.vn hoặc soạn tin nhắn với cú pháp đã mặc định để lấy link tải phần mềm về.
Sau khi cài đặt thành công, tất cả các dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị giảm sát sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ của công ty Việt Hồng (đặt tại Việt Nam).
Người sử dụng theo dõi người khác sau đó chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của công ty này là đã xem được tất cả thông tin điện thoại bị giám sát.
Phần mềm này cũng có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: Ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật tắt 3G/GPRS.
Phần mềm này chạy ngầm trong hệ điều hành của chiếc điện thoại nên người sử dụng sẽ không biết hoặc khó phát hiện được di động của mình đang bị theo dõi. Còn việc có phát hiện hay không thì phải do chủ thể người dùng, nếu họ có dùng phần mềm bảo vệ thì cũng có thể phát hiện được.
Ai có thể là nạn nhân của hoạt động nghe lén này? Ông có cảnh báo gì?
Nạn nhân của những vụ nghe lén là người sử dụng điện thoại smartphone bị cài đặt phần mềm theo dõi, nghe lén. Nếu không bị cài đặt phần mềm thì không bị theo dõi.
Tôi cho rằng, người dùng cần phải thận trọng khi có những nội dung tin nhắn có nội dung không mong muốn, với những tin nhắn mời cài đặt phần mềm mà không rõ ràng... Nâng cao ý thức sử dụng điện thoại của mình như kiểm soát phần mềm, cài đặt các phần mềm bảo vệ có uy tín, tránh người lạ tiếp xúc và sử dụng điện thoại cá nhân của mình...
Trước sự việc này, công an Hà Nội sẽ có phương án đấu tranh thế nào trong thời gian tới đây?
Sự việc không chỉ dừng lại ở những vụ việc đã phát hiện, tới đây Phòng PC50 công an Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị phát hiện.
Phòng PC50, công an TP Hà Nội cũng sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh từ các nạn nhân và người dân để phục vụ công tác điều tra, phá án.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTC
Tải phim 'đen', 800.000 người bị móc sạch tài khoản Thêm một thủ đoạn chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người sử dụng điện thoại di động thông qua địa chỉ website "Chợ nội dung số mmoney.vn". Nhóm đối tượng "móc túi" tiền tỷ thông qua thủ đoạn cài đặt ứng dụng điện thoại Loại tội phạm này vừa bị lực lượng CS PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội...