Trà Cổ, nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Tổ quốc
Không có những khách sạn 5 sao cao ngất, không có những khu nghỉ dưỡng sang trọng tiện nghi nằm kề bãi biển, Trà Cổ nơi địa đầu của Tổ quốc chỉ có những rừng dương lao xao cùng gió, những bãi biển hoang sơ và bầu trời xanh thăm thẳm.
Nhà thờ Trà Cổ
Một chuyến đi không định trước, ý tưởng nảy ra trong đầu, cứ thế chúng tôi “xách ba lô lên và đi”. Và cũng vì cái sự đùng một cái ấy, vất vả lắm chúng tôi mới tìm được một nhà nghỉ, mọi thứ đều thiếu nhưng được an ủi vì cửa phòng hướng biển và bà chủ thì nhiệt tình, mến khách ở mức tuyệt đối. Khách sạn lớn được gắn sao ở Trà Cổ chỉ đếm chưa hết ngón tay trên một bàn tay. Chỉ nhìn sân vườn của những cơ sở lưu trú được gọi là tiện nghi nhất ở đây cũng đủ thấy cái sự bán chuyên nghiệp của du lịch vùng đất mũi này. Nhưng có hề gì nhỉ! Những bãi biển nổi tiếng ở miền Trung, giờ đau khổ với những khu nghỉ dưỡng cao cấp nuốt trọn cả biển trong khi ở Trà Cổ còn nguyên gần 20km đường bờ biển thì cũng nên mừng chứ.
Sáng dậy sớm, thong thả đi bộ ra bãi biển. 5h30 bãi biển chật người. Hóa ra hôm nay có đợt phát động người dân và thanh niên tình nguyện đi nhặt rác và thu gom vỏ sò. Cơn bão Thần Sấm vừa hung hãn quét qua mũi Sa Vĩ. Cơn thịnh nộ của biển khơi đã hất trả lại tất cả những gì con người hồn nhiên tội lỗi tỉnh bơ thả xuống sông, sông trôi ra biển. Đấy, biển bao la hiền hòa là thế, im lặng ngày đêm sóng vỗ là thế, nhưng lúc biển giận hờn cũng là lúc những con người vô tâm kia lĩnh đủ. Tất thảy những vỏ bánh, vỏ kẹo, lon nước ngọt… đều bị hất tung lên bờ. Cả bãi biển Trà Cổ hôm tôi tới toàn là rác và vỏ sò vỏ ốc với cạnh sắc nhọn. Chân trần nhón trên cát, thi thoảng lại nhói đau. Và để trả lại sự thanh sạch cho bờ biển của mình, sáng thứ bẩy, chủ nhật, người dân nơi đây lại bảo nhau ra dọn dẹp vệ sinh.
Bà cụ già bán cháo hàu ngay gần bãi tắm trung tâm nửa như kể chuyện, nửa như thanh minh cho biển quê mình rằng bình thường bãi biển sạch và trong lắm. Rồi bà chỉ đường cho tôi ra nhà thờ Trà Cổ, nhà thờ làng biển đẹp mê hồn, cái màu xám bạc in lên giữa nền trời xanh đã thực sự gây ấn tượng mạnh với bất cứ du khách nào tới nơi này.
Nghe kể rằng, nhà thờ được xây dựng từ năm 1880 với kiến trúc đồ sộ. Sau một thời gian bị hư hỏng, đến năm 1995 tiếp tục trải qua một đợt trùng tu lớn. Hàng trăm bức phù điêu được khôi phục, trả lại dáng vẻ cổ kính như xưa. Nhà thờ sáng chủ nhật, tiếng giảng kinh cứ đều đều vọng ra. Những lời răn của Chúa, dạy con người ta gạt bỏ những oán thù, sống yêu thương nhau hơn… Lễ kết thúc, đám trẻ con chạy ùa ra gương mặt hân hoan, ánh mắt trong veo. Đám trẻ con quây lấy tôi, tò mò hỏi chuyện và đòi xem những bức ảnh tôi vừa chụp chúng rồi cười vang cả góc sân.
Video đang HOT
Cách nhà thờ không xa là mũi Sa Vĩ, nét bút đầu tiên trên bản đồ đất nước. Mũi Sa Vĩ còn có cái tên là Mũi Gót- mũi đất cực Đông Bắc Việt Nam. Giữa mùa du lịch biển, nhưng Sa Vĩ thưa người, từ đây có thể nhìn thấy cả đường cong dài 17 km bờ biển Trà Cổ. Phía Bắc là cửa sông Bắc Luân đổ ra biển, cũng từ đây nhìn thẳng ra là hòn Dậu Gót đối diện Trung Quốc. Ở Sa Vĩ có một đài kỷ niệm được thiết kế không thể đơn giản hơn, đài có hình hai chiếc lá trích hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương/ Đến Cà Mau rừng đước..”, kế đó là cột mốc ghi dấu chiều dài 3.260km từ Móng Cái cho tới Cà Mau.
Gần Móng Cái sầm uất, nhưng có vẻ như cái không khí biên mậu chưa đến được với Trà Cổ, dân chài làng hiền lành, thân thiện. Khách hỏi mua gì tận tình giải thích, cặn kẽ dạy cách phân biệt hàng Việt, hàng Tàu. Cho đến nay, phần lớn người dân của Trà Cổ vẫn sống bằng nghề đánh bắt gần bờ. Đặc sản mà người dân Trà Cổ vẫn tự hào là sam biển, rồi tôm, cua, ghẹ. Cua, tôm biển Trà Cổ luôn có một màu đỏ đậm đà, một sắc đỏ như son khác hẳn với các vùng biển khác.
Theo ANTD
Móng Cái - Quảng Ninh cảnh giác với lũ lụt sau bão
Mặc dù cơn bão Rammasun không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh và các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão, tại TP Móng Cái đã có mưa lớn trong nhiều giờ đồng hồ, đặt Móng Cái vào thế nguy cơ có lũ lụt sau bão.
Một cửa hàng của người dân tại phường Hải Hòa (TP Móng Cái) bị tốc mái do ảnh hưởng của bão Rammasun.
Sáng nay 19/7, sau khi cơn bão có tên Thần Sấm chính thức không đổ bộ vào TP Móng Cái mà đi chếch sang Trung Quốc, Ban chỉ huy tiền phương phòng chống bão tại TP Móng Cái đã có cuộc họp nhanh để triển khai công tác phòng chống lũ lụt.
Tại Ban chỉ huy tiền phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - ông Phạm Minh Chính - cho biết 2 xã Bình Ngọc, Trà Cổ là nơi bão quét sát qua. Tại các điểm di dời dân, người dân được đảm bảo cung cấp đầy đủ thức ăn nước uống. Các huyện thị không xảy ra sự cố thiệt hại về người. Tại Vân Đồn và Cô Tô, bão đổ bộ vào đêm nhưng không có thiệt hại về vật chất đáng kể.
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP Móng Cái cho biết đã di dời hơn 1.300 đò trên sông Ka Long. Toàn bộ hơn 1.200 tàu thuyền về nơi neo trú an toàn. Đến 9 giờ sáng, không có thiệt hại về người. Có một khách du lịch tại Trà Cổ bị thương nhẹ khi cố tình tò mò xem bão qua cửa sổ xem bão; một số nhà tốc mái nhẹ, 15 mái tôn trước nhà bị tốc, 3 cột điện bị đổ, cây xanh bị ảnh hưởng nhiều.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh phía Bắc phải đề cao cảnh giác với lúc quét và sạt lở đất do hoàn lưu sau bão.
Theo quan sát của phóng viên Dân trí, tại địa bàn TP Móng Cái, số nhà bị tốc mái đều là những ngôi nhà, lều quán tạm bợ, thiếu kiên cố. Do công tác di dời dân được thực hiện quyết liệt nên tránh được sự thiệt hại về người. Một số cây xanh trên địa bàn TP Móng Cái cũng bị sức gió giật cấp 10-11 quật đổ.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo TP Móng Cái cho biết, mặc dù bão Rammasun không đổ bộ trực tiếp vào Móng Cái, tuy nhiên lượng mưa trong ngày từ 100 - 300mm nên đã đặt TP Móng Cái vào tình thế phòng chống lũ lụt hoàn lưu sau bão. Vì vậy chính quyền các địa phương và người dân phải đề cao cảnh giác.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đánh giá cao tinh thần phòng chống lụt bão của TP Móng Cái. Đặc biệt trong công tác di dời dân đến nơi an toàn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tuy bão Rammasun không đổ bộ vào đất liền nước ta, nhưng do ảnh hưởng của bão các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở tại các tỉnh miền núi do hoàn lưu sau bão. Rất nhiều trận bão trên biển và ven bờ không có thiệt hại về người nhưng lại thiệt hại nhiều do sạt lở đất, lũ quét. Do đó các địa phương cần phải bám sát, di tản dân ngay tại những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Người dân trên địa bàn TP Móng Cái trở về nhà sau khi bão Rammasun "tránh" đất liền Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cơn bão Rammasun đã khiến tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.
Trong ngày hôm nay 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Văn Đọc - đã ban lệnh yêu cầu Chủ tịch UBND các thành phố, huyện, thị xã phải đề phòng hoàn lưu sau bão, tập trung các lực lượng tham gia hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại về tài sản sớm ổn định cuộc sống.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số hộ dân trước đó sinh sống trong những ngôi nhà tạm đã được UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Móng Cái và lãnh đạo các địa phương di dời đến nơi an toàn, nay đã trở về nhà ổn định cuộc sống.
Tuấn Hợp
Theo dantri
Bão Thần Sấm quét sát thành phố Móng Cái - Quảng Ninh Sáng nay 19/7, cơn bão Thần Sấm dự báo là rất mạnh đã không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh mà đi chếch hướng vào Trung Quốc. Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão, TP Móng Cái đang mưa rất to; gió mạnh giật đổ nhiều mái nhà, cây xanh. Mặc dù bão không đổ bộ trực tiếp vào TP Móng Cái,...