TQ bất ngờ “tử tế” với tàu chiến Mỹ trên Biển Đông
Hải quân Mỹ bất ngờ khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra “tử tế” hơn trong các cuộc chạm mặt trên biển.
Ngày 22/7, các sĩ quan hải quân Mỹ cho biết một điều lạ lùng đã xảy ra ở Biển Đông mới đây khi tàu khu trục tên lửa USS Spruance của họ bất ngờ chạm mặt với một tàu hậu cần dân sự của Trung Quốc.
Ngay khi vừa nhìn thấy tàu chiến Mỹ, tàu dân sự Trung Quốc liền lao thẳng tới và bắt đầu phát đi những thông điệp bằng tiếng Trung và tiếng Anh qua bộ đàm yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực này.
Tàu khu trục tên lửa USS Spruance của hải quân Mỹ
Video đang HOT
Cách hành xử này không hề khiến các sĩ quan, thủy thủ tàu Mỹ ngạc nhiên, bởi trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng tìm cách tuyên bố chủ quyền không có căn cứ pháp lý của họ trên Biển Đông và Hoa Đông bằng những hành vi đầy hung hăng, khiêu khích.
Tuy nhiên điều bất thường là ở chỗ, ngay sau đó một tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc xuất hiện để giải tỏa căng thẳng, liên lạc bằng tiếng Anh với tàu chiến Mỹ qua bộ đàm và hành động như thể họ là người hòa giải.
Vụ việc trên được Đô đốc Mỹ Jonathan Greenert, Tư lệnh lực lượng tác chiến hải quân Mỹ đưa ra như một ví dụ cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thực hiện chiến lược “tử tế” và “làm thân” với hải quân Mỹ trong khi họ đang tìm cách thực hiện chính sách bành trướng ở châu Á.
Hồi tuần trước, Đô đốc Greenert đã gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc là Đô đốc Wu Shengli để thảo luận về cách thức cải thiện quan hệ giữa hải quân hai nước, trong đó có đề xuất cho phép thủy thủ đoàn của tàu sân bay Liêu Ninh được lên tham quan một tàu sân bay Mỹ cập cảng Trung Quốc.
Đô đốc Mỹ Jonathan Greenert
Vụ “đối đầu-giải tỏa” giữa tàu khu trục Spruance với tàu Trung Quốc là một minh chứng cho chính sách “hai mũi nhọn” mà Trung Quốc mới áp dụng trong các vấn đề tranh chấp biển đảo. Một mặt, tàu chiến và máy bay Trung Quốc vẫn không ngừng gây sức ép lên lực lượng thực thi pháp luật của các nước láng giềng như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc lại tỏ ra “tử tế” một cách bất thường với lực lượng tàu chiến Mỹ hoạt động ở châu Á. Một chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc áp dụng chiến lược này để xây dựng một mối quan hệ “nước lớn” mới với Mỹ, qua đó từ từ làm suy yếu các quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á.
Một sự cố bất thường nữa cũng xảy ra ở biển Hoa Đông hồi tháng 10 năm ngoái, khi tàu hộ tống Trung Quốc Putian áp sát tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ. Thuyền trưởng của hai chiếc tàu này đã chào hỏi nhau một cách thân thiện thông qua sóng bộ đàm.
Trung Quốc đang thực hiện chính sách “hai mũi nhọn” trên Biển Đông?
Ban đầu, hai vị thuyền trưởng hỏi nhau về tình hình thời tiết, rồi sau đó lan man tán gẫu về tàu bè, rồi gia đình, chuyện ăn uống, âm nhạc và cả bóng rổ.
Các quan chức hải quân Mỹ cho biết: “Hai thuyền trưởng nói chuyện không ngớt đến tối về gia cảnh của nhau, về những món ăn của bữa tối, về những đứa con trong gia đình.”
Đô đốc Greenert cho rằng cuộc trò chuyện này là bằng chứng cho thấy hải quân Trung Quốc đang thực hiện quy định phải liên lạc với tàu Mỹ bằng tiếng Anh khi gặp nhau trên biển. Đến hồi tháng Tư, Trung Quốc còn đi xa hơn khi ký kết Bộ quy tắc Chạm mặt Bất ngờ trên Biển với hải quân Mỹ.
Vị đô đốc này cho rằng tàu chiến Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra chuyên nghiệp hơn trong các cuộc chạm mặt với tàu chiến Mỹ kể từ khi hai bên ký kết bộ quy tắc trên.
Theo Khampha