TP.HCM: Tính cơ chế đặc thù cho dự án giao thông cấp bách
TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian và các khâu trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các dự án giao thông cấp bách.
Ngày 30-11, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 22 , khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị lần này là kết quả phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội , ngân sách năm 2018 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của TP.HCM năm 2019.
Tăng trưởng đạt chỉ tiêu nhưng còn nhiều thách thức
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết năm 2018, kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn ước tăng 8,3%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra (cùng kỳ tăng 8,25%).
Từ đầu năm đến nay, UBND TP đã giao tổng kế hoạch đầu tư công là 34.375 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TP là 30.668 tỉ đồng. Nguồn vốn này được bố trí tập trung xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, qua đó đã tác động sâu sắc đến rất nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Nhiều công trình, dự án được đầu tư đã kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường.
Về chương trình xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị Thủ Thiêm, ông Liêm cho biết TP đang xem xét các nội dung liên quan khu đất hơn 30 ha ở phường Bình Khánh (quận 2) về cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục và hiện trạng các dự án trên phần diện tích 160 ha đất tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng đánh giá TP.HCM thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 trong điều kiện có nhiều khó khăn.
Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát diễn ra xuyên suốt trong năm một mặt giúp TP thấy rõ các hạn chế, khuyết điểm, vi phạm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới nhưng mặt khác ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP. Chất lượng tăng trưởng kinh tế dù đạt chỉ tiêu nhưng còn nhiều thách thức với những điều kiện về nguồn lực, nguồn vốn đầu tư…
Một đoạn tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bảy chương trình đột phá chưa tạo được kết quả nổi bật, có chương trình chậm tiến độ, có nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 nếu không có những biện pháp, giải pháp quyết liệt hơn.
Video đang HOT
Cùng đó là cải cách thủ tục hành chính chưa chuyển biến nhiều, doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa các sở/ngành, quận/huyện trong thực thi công vụ còn hạn chế, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến kéo dài thời gian xử lý hồ sơ.
Tập trung cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh
Về cải cách hành chính, trong năm 2019, ông Liêm cho biết TP phấn đấu nâng điểm chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu. TP.HCM cũng sẽ phấn đấu đạt chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) vào nhóm 10 tỉnh, thành có điểm cao nhất và phấn đấu nâng điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.
Để thực hiện các mục tiêu trên, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước qua phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Đồng thời tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh…
TP.HCM cũng tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; tập trung xây dựng khu đô thị sáng tạo theo kế hoạch đã đề ra; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp.
Năm 2019,TP.HCM sẽ tập trung thực hiện 20 chỉ tiêu đặt ra với tốc độ tăng trưởng dự kiến – GRDP đạt 8,3%-8,5%; thành lập mới 46.200 doanh nghiệp.
Cũng năm này, TP sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng thêm 75 km đường giao thông, xây dựng mới 17 cây cầu. Kéo giảm ùn tắc giao thông; giảm 5% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2018; vận tải hành khách công cộng đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu giao thông đô thị.
Tập trung xóa 11 tuyến đường ngập
Đáng chú ý, TP sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện điều này, TP.HCM đề ra việc xây dựng cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian và các khâu trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các dự án giao thông cấp bách. Điều này nếu được thực hiện sẽ đảm bảo bàn giao mặt bằng trước tháng 7-2019 để xây dựng hoàn thành các dự án trong năm 2020.
Ngoài ra, TP cũng khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, hoàn thành thủ tục triển khai tiếp tục dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên và dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành-Tham Lương.
Trong vấn đề chống ngập, trong năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ xóa/giảm ngập bảy tuyến đường ngập nước do mưa (gồm Huỳnh Tấn Phát, Ba Vân, Mai Thị Lựu, Bàu Cát, Trương Công Định, Nguyễn Hữu Cảnh và Tân Quý) và bốn tuyến đường ngập nước do triều (gồm Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, quốc lộ 50).
Bắt hơn 3.400 người phạm tội
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2018, Công an TP.HCM đã tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát, tuần tra, phục kích bí mật tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về hình sự; triển khai thí điểm hình thành lực lượng hình sự đặc nhiệm một cấp tại Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam. Qua đó, tội phạm hình sự đã giảm so với cùng kỳ, tỉ lệ điều tra, khám phá được nâng lên. Các loại án cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản tiếp tục được kéo giảm.
Cụ thể, năm nay, tính đến hết tháng 11, trên địa bàn TP xảy ra 4.086 vụ phạm pháp hình sự, giảm 225 vụ so với cùng kỳ. Đã điều tra, khám phá 3.038 vụ, đạt hơn 72% và bắt 3.428 người phạm tội.
Theo Tá Lâm
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh
Đà Nẵng lý giải như thế nào về hơn 15.000 lô đất tái định cư bỏ trống?
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã đưa ra những lý giải về hơn 15.000 lô đất tái định cư đã có hạ tầng nhưng chưa bố trí trên địa bàn TP chiều 10/7
Phiên thảo luận chiều 10/7, kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã tập trung vào những vấn đề nổi cộm được nêu trong báo cáo 24/BC-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng về kết quả giám sát chuyên đề "Hoạt động đầu tư công trên địa bàn TP trong 15 năm, từ 2003 (được công nhận đô thị loại I trực thuộc TƯ) đến 2017".
Trên địa bàn Đà Nẵng còn rất nhiều diện tích đất đã xây dựng hạ tầng nhưng lại đang bỏ trống (Ảnh: HC)
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, qua giám sát chuyên đề nêu trên của HĐND TP Đà Nẵng cho thấy, do việc bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa tại nhiều dự án còn bị động, các hộ tái định cư nhiều khi không đồng tình về vị trí được bố trí, gây áp lực tạo quỹ đất tái định cư nên dẫn đến tình trạng quỹ đất tái định cư trên địa bàn hiện nay dôi dư rất nhiều.
"Tính đến cuối quý 1/2018, TP còn 14.589 lô đất tái định cư chưa bố trí); số lô đất trống (chưa xây dựng nhà ở) vẫn còn với số lượng rất lớn; hơn 100ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng bởi các dự án, dẫn tới tình trạng đất bỏ hoang còn nông dân thì mất việc" - Báo cáo 24/BC-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng nêu rõ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, chính sách giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư được TP thực hiện qua rất nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn, theo nhiều văn bản hướng dẫn quy phạm pháp luật. Các hướng dẫn này có sự đổi thay qua nhiều thời kỳ nên cần phải cập nhật. Do đó chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải được rà soát và thống nhất để tiếp tục thực hiện một cách trơn tru, không ách tắc.
Từ nay đến cuối năm 2018, Đà Nẵng sẽ tổ chức thống nhất quy trình giải quyết, tháo gỡ những vấn đề kiến nghị của các hộ dân, đặc biệt là trong diện thu hồi đất. Tăng cường trách nhiệm theo phân cấp. Hiện TP đang tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất và các Chi nhánh để đảm bảo sự phối hợp tổ chức thực hiện trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đúng theo yêu cầu.
Đặc biệt, theo thông tin cập nhật của ông Nguyễn Ngọc Tuấn về vấn đề quỹ đất tái định cư đang dôi dư, phân bổ chưa đều thì đến thời điểm này, đất có hạ tầng nhưng chưa bố trí trên địa bàn không chỉ dừng ở 14.589 lô như kết quả giám sát của HĐND TP mà đã lên tới 15.097 lô.
"Nguyên nhân của tình trạng này đã được báo cáo giám sát chuyên đề mổ xẻ rất nhiều , chúng tôi không nhắc lại. Việc đầu tư chưa đồng đều vì chúng ta tập trung vào một số dự án trọng điểm. Các dự án phát sinh sau này thì việc tái định cư tại chỗ tạo áp lực rất lớn, cho nên việc phân bổ đất tái định cư qua các địa phương khác nhau phải được cân nhắc hết sức cẩn thận!" - Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Ông cho hay, trong 15.097 lô đất tái định cư đã có hạ tầng nhưng chưa bố trí có 2.267 lô đất ở vị trí hai mặt tiền là vị trí đắc địa (chiếm 15%); 6.042 lô đất đường quy hoạch từ 10,5m trở lên (chiếm 40%) là quỹ đất rất quan trọng mà TP giữ lại và sẽ tổ chức thực hiện theo quy hoạch.
Còn lại có 373 lô đất có vị trí mà các tim đường ngang đâm vào nên các hộ được bố trí tái định cư không nhận. Do đó TP sẽ chuyển mục đích sử dụng đất đối với các lô này theo phương án hợp thửa, hiện đã tiến hành và hợp thửa được một số khu vực. Khi hợp thửa xong thì dành cho phục vụ mục đích công cộng, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế.
"Cuộc họp kiến trúc quy hoạch nào của TP cũng đưa vấn đề hợp thửa này ra xem xét!" - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nói. Đặc biệt, ông cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ cố gắng đưa khoảng 8.000 lô đất có vị trí đắc địa vào để sử dụng một phần cho mục đích công cộng. Và cũng xin nói thêm là nhà đất công sản cũng sẽ thực hiện theo hướng như vậy, nghĩa là chúng ta thu hồi và xây dựng các công trình phục vụ công cộng!".
Phần còn lại trong 8.000 lô đất có vị trí đắc địa vừa nêu sẽ được cân nhắc, đưa một số lô ra đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn thu một cách hợp lý. Việc đưa ra các lô đất để đấu giá sẽ được thực hiện một cách cẩn trọng. Bên cạnh yêu cầu của TP thì phải căn cứ vào thị trường và cân nhắc để xử lý phù hợp cho các giai đoạn.
Đối với khoảng 100 ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng bởi các dự án, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, theo kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng thì trong năm 2018 phải thu hồi được 20ha, hiện đã thu hồi được 8,3ha và từ nay đến cuối năm sẽ thu hồi đủ 20ha. Các năm sau cũng sẽ thu hồi tiếp số đất nông nghiệp không sản xuất được này để sử dụng vào các mục đích khác, còn nông dân sẽ được bồi thường thỏa đáng để có thể chuyển đổi công ăn việc làm.
Đối với việc trên toàn TP hiện có tới 267 dự án còn dở dang (tính đến tháng 6/2018) do liên quan đến công tác giải tỏa đền bù và giải ngân vốn xây dựng cơ bản, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó có việc chỉ đạo phối hợp chưa đồng bộ, đặc biệt là vai trò của Hội đồng giải phóng mặt bằng và sự tham gia tổ chức hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất.
"Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng triển khai công tác giải phóng mặt bằng chậm, kéo theo việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm, phải chuyển nguồn. Còn nhiều nguyên nhân khác nhưng tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính cần tập trung giải quyết!" - Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Theo ông, hiện UBND TP Đà Nẵng đã rà soát, thống kê được tình trạng của 267 dự án dở dang, cần phải có kế hoạch giải quyết một cách rốt ráo trên địa bàn tất cả các quận, huyện và đã phân kỳ thành 3 nhóm. Trong đó ưu tiên trong năm 2018 triển khai 120 dự án thuộc nhóm 1; còn lại sẽ được triển khai trong năm 2019 - 2020. Việc phân định nhóm dự án tương đối rõ ràng để làm căn cứ cho thứ tự ưu tiên đầu tư và đôn đốc thực hiện.
Theo Hải Châu
Cận cảnh dự án "đắp chiếu" cả thập kỷ vừa được cho tăng thêm gần chục ha Sau 10 năm, khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) mới chỉ xây được cái cổng chào ra vào, vài dãy nhà liền kề và một vài đoạn đường xây dang dở.... thế nhưng khu này lại vừa được điều chỉnh tăng thêm hàng chục ha. Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch...