TP.HCM: Phá bỏ những móc sắt “bẫy” người đi bộ
Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều móc sắt nhô cao nguy hiểm tại khu vực giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi (P. Bến Thành, Q.1). Những “cái bẫy” này đã bị lực lượng chức năng cưa, đập bỏ sáng nay để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Lực lượng chức năng P. Bến Thành cưa các móc sắt còn sót lại tại khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi
Liên quan đến vụ việc một du khách nước ngoài bị vướng vào móc sắt và té ngã khi băng qua đường tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi vào ngày 4.4, sáng nay lực lượng trật tự đô thị phường Bến Thành đã tiến hành cưa, đập bỏ những “cái bẫy” này.
Tại khu vực giao lộ trên ngoài vị trí nữ du khách bị ngã lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều móc sắt khác nằm rải rác trên lối đi dành cho người đi bộ. Trong đó có những móc sắt nhô cao hơn mặt đất hơn 5cm gây nguy hiểm cho người đi bộ. Các móc sắt này nhanh chóng bị lực lượng chức năng cưa bỏ để đảm bảo không gây cản trở người đi bộ. Ngoài ra lực lượng chức năng còn rà soát và cưa bỏ nhiều móc sắt nằm ở một số vị trí khác trên đường Lê Lợi.
Một cán bộ P.Bến Thành cho biết, các móc sắt này do các đơn vị làm đèn trang trí trên đường Lê Lợi trong dịp tết để lại. Khi tháo dỡ các công trình đi, các đơn vị không thu dọn kỹ nên còn tồn tại nhiều móc sắt nằm rải rác ven đường. Ngoài việc thu dọn những “cái bẫy” trên đường này, phường dự kiến sẽ rà soát lại một số khu vực khác nếu phát hiện những móc sắt gây cản trở, nguy hiểm cho người đi bộ thì sẽ tiến hành phá bỏ.
Video đang HOT
Nữ du khách nước ngoài ngã chúi mũi vì vướng vào móc sắt . Ảnh VNN
Trước đó vào trưa 4.4, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin một nữ du khách nước ngoài trong lúc băng qua đường tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi, đã vướng phải một móc sắt nằm trên lối đi dành cho người đi bộ. Do bị bất ngờ bà không kịp xử lý nên bị té ngã xuống đường. Vụ tai nạn bất ngờ này khiến bà bị thương và được người dân đưa đi bệnh viện gần đó cấp cứu.
Móc sắt hình vòng cung, nhô cao hơn mặt đường từ 5-7 cm trên lối băng ngang đường của người đi bộ. Ảnh VNN
Ông Cao Hữu Đô (một người chạy xe ôm tại khu vực) cho hay, đây không phải lần đầu tiên ông chứng kiến người nước ngoài vấp phải móc sắt và té xuống đường. Tại khu vực này đã có nhiều người hợp bị té ngã vì các móc sắt này, nhẹ thì bị xây sát còn nặng thì phải đưa đi cấp cứu. Theo ông Đô, các móc sắt tồn tại từ lâu và rất nguy hiểm. Khách nước ngoài khi đi dạo phố thường quan sát, ngắm cảnh đường phố, ít để ý dưới chân nên rất dễ xảy ra tai nạn.
Theo Danviet
Dẹp vỉa hè không trừ cơ quan, tổ chức nào dân mới phục
"Nhiều địa phương có những cách làm rất tốt, rất sáng tạo hỗ trợ cho người dân song song với việc thiết lập lại trật tự ở vỉa hè, lòng đường. Có địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có địa phương quy định một số tuyến phố, tuyến đường, lập chợ cho người dân vào đó bán sản phẩm của địa phương hay gia đình", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (3.4), báo chí đặt câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thời gian vừa qua, chính quyền một số thành phố lớn đã tiến hành xử lý các trường hợp lấn chiếm và dọn dẹp vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nguy cơ tái diễn lấn chiếm vỉa hè, nhiều nơi người dân phải tự chế bậc tam cấp để vào nhà. Xin cho biết quan điểm của Người phát ngôn Chính phủ về vấn đề này? Chính phủ có biện pháp gì để cân bằng giữa quản lý giao thông đô thị và bảo đảm sinh kế cho người dân?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời báo chí về cuộc chiến giành lại vỉa hè, lòng được được triển khai 2 tháng qua.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Vừa qua báo chí quan tâm đến việc TP.HCM quyết liệt giành vỉa hè cho người đi bộ. Chúng ta đều biết quản lý vỉa hè là trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó có chính quyền tỉnh, TP, xã, phường, thị trấn...
"Chủ trương này không phải bây giờ mới làm mà đã làm nhiều năm, nhưng khi vừa giải toả xong thì lại tái lấn chiếm. Nên quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như công điện của Bộ trưởng Bộ Công an gửi các tỉnh, thành phố là các địa phương phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Đây là chiến dịch cần tập trung cao độ, và hiện nay không chỉ TP.HCM hay Hà Nội thực hiện mà đã lan toả ra nhiều thành phố lớn, địa phương khác trên cả nước", người phát ngôn Chính phủ cho hay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đánh giá, trong thời gian khá ngắn gần 2 tháng qua, từ khi chiến dịch được triển khai, kết quả mang lại đến nay được người dân đánh giá cao.
"Chúng ta có thể thấy những phần vi phạm, phần xây dựng cơi nới ra vỉa hè, việc bán hàng rong trên lòng lề đường đã về đúng vị trí, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, trả lại lòng đường để lưu thông", Bộ trưởng nhìn nhận.
Câu hỏi đặt ra là song song với việc thực hiện kỷ cương, chính quyền quan tâm đến đời sống của dân thế nào? Bộ trưởng cho rằng cần phải nhất quán việc thực hiện kỷ cương, duy trì việc dẹp lòng lề đường, không để tái diễn việc lấn chiếm lòng lề đường.
Bộ trưởng cho biết, nhiều địa phương có những cách làm rất tốt, rất sáng tạo. Có địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có địa phương quy định một số tuyến phố, tuyến đường, lập chợ cho người dân vào đó bán sản phẩm của địa phương hay gia đình từ mớ rau, quả trứng, con gà; có địa phương quy định giờ bán ăn sáng, giờ bán ăn tối trên một số tuyến đường, phố...
"Như vậy, việc duy trì kỷ cương lập lại trật tự hè phố vẫn đảm bảo cuộc sống, hoạt động của người dân bình thường", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và nói thêm: "Như báo chí đặt vấn đề chiến dịch này cũng đã phá đi các công trình ảnh hưởng cảnh quan, tôi cho rằng không có gì ảnh hưởng cảnh quan cả. Lòng lề đường là địa điểm công cộng, các hộ cá nhân xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đều phải phá dỡ, không loại trừ cơ quan, tổ chức nào, như vậy người dân mới đồng tình", ông Dũng nói.
Bộ trưởng chốt lại: Ví dụ như xây bậc tam cấp hay công trình nào đó, trước đây không phá bỏ được nhưng giờ kiên quyết làm nghiêm, nhận thức này đã lan toả đến người dân và giờ người dân tự giác dọn dẹp vỉa hè, lề đường cho chính quyền quản lý. Việc này đã có tính lan toả, rất hiệu quả. Chúng ta cương quyết không để lấn chiếm lại vỉa hè, tạo văn minh cảnh quan đô thị TP xanh, sạch, đẹp hơn.
Theo Danviet
'Dẹp vỉa hè không trừ cơ quan, tổ chức nào dân mới đồng tình' "Nhiều địa phương có những cách làm rất tốt, rất sáng tạo hỗ trợ cho người dân song song với việc thiết lập lại trật tự ở vỉa hè, lòng đường. Có địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có địa phương quy định một số tuyến phố, tuyến đường, lập chợ cho người dân vào đó...