TP.HCM: Nông dân chật vật chạy chợ đêm bán nông sản, hai “bà đỡ” khủng ở đâu?
Những vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân TP.HCM từ 2 “bà đỡ” là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA) và Liên hiệp HTX Mua bán TP.HCM (Saigon Co.op) hé lộ tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với cán bộ, hội viên nông dân vừa diễn ra, gây nhiều lo ngại.
Anh Lê Minh Quẫn, Giám đốc HTX Rau sạch Song Hy (TP.HCM) cho biết, nhiều lúc HTX phải ôm nông sản VietGAP của xã viên chạy bán chợ đêm với mức giá thấp không thể thấp hơn, 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Thu hoạch rau tại HTX Rau an toàn Hải Nông (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng.
“Bà đỡ” cắt giảm thu mua, nông dân chạy chợ đêm bán nông sản
Theo anh Quẫn, HTX Song Hy mới thành lập năm 2019. HTX sản xuất rau, củ, quả theo chuẩn VietGAP. HTX có hợp đồng của một số công ty, trường học. Tuy nhiên, nhìn chung đầu ra sản phẩm vẫn còn khó khăn.
“Nhiều lúc, tôi phải chạy chợ đêm bán rau. Có khi giá rau rất thấp, chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, không bán hết, tôi phải chở về cho heo ăn”, anh Quẫn thổ lộ.
Anh Quẫn chia sẽ, thành lập HTX với mong muốn giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho thành viên chứ không chỉ tập trung làm kinh tế. Vì thế, anh rất mong một đơn vị đỡ đầu để chạy sản lượng cho HTX.
“Tôi rất mong muốn đưa sản phẩm của HTX vào hệ thống Satra và Co.opmart của Saigon Co.op. Sản phẩm HTX đưa vào ít cũng được, chỉ mong có mặt hàng ổn định”, anh Quẫn thiết tha.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op là đơn vị kinh tế tập thể nên ngoài vấn đề kinh doanh, còn làm chính trị.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là hoạt động thu mua nông sản cho nông dân TP.HCM của Saigon Co.op những năm vừa qua đang giảm đáng kể, nhất là 1, 2 gần đây.
Nếu chỉ tính riêng nhóm hàng rau, củ, quả Sài Gòn Co.op có 45 nhà cung cấp trên địa bàn TP.HCM, trong đó, chỉ có 15 – 16 HTX. Mỗi năm những nhà cung cấp này cung cấp 35.000 tấn rau, củ, quả các loại cho Saigon Co.op với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, lý do Saigon Co.op giảm lượng thu mua nông sản cho bà con nông dân TP.HCM là chất lượng nông sản trên địa bàn đi xuống.
Đa phần sản phẩm của các HTX thuộc dạng phổ thông nên tính cạnh tranh sản phẩm không cao so với các tỉnh, thành lân cận.
Nông dân TP chạy chợ bán nông sản, bởi cửa vào Co.op, Satra quá hẹp. Ảnh: Trần Đáng.
Ngoài ra, ông Sơn còn cho biết, các vùng làm nông ở TP.HCM không tách bạch với hoạt động công nghiệp. Việc này dẫn đến việc đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm chưa tốt.
Ông Sơn đề xuất, TP.HCM phải có chiến lược nâng chất hàng nông sản cho nông dân TP nếu không sẽ gặp khó khi tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị, không chỉ của Saigon Co.op.
“Hiện, sản lượng nông sản trong các HTX nông nghiệp của huyện Bình Chánh rất lớn. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị thì gặp phải các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao”, ông Sơn chia sẻ.
Video đang HOT
Còn theo đại diện Satra, đối với việc ủng hộ nhà sản xuất, Satra có trung tâm phân phối. Khi có đơn vị cung cấp nguồn hàng, trung tâm này hướng dẫn thủ tục để đưa hàng vào các siêu thị, cửa hàng của Satra.
“Satra có chương trình liên kết hợp tác với nhà sản xuất, nông dân các tỉnh thành để hỗ trợ hồ sơ sản phẩm, nhãn mác, chất lượng, đảm bảo hàng hóa đưa vào siêu thị sẽ an toàn thực phẩm và giá cả phù hợp”, đại diện này cho biết.
Cửa vào Satra, Co.op quá hẹp, nông sản TP.HCM khó ra, khó vào
Khi nghe đại diện Satra nói, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan buột miệng: “Vậy cũng khó ra, khó vào”.
Theo ông Hoan, nếu chỉ căn cứ vào các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã thì nông sản của nông dân khó có cửa lên kệ siêu thị, nhất là nông sản do nông dân khởi nghiệp.
Ông Hoan cho rằng, Satra, Saigon Co.op nên là “bà đỡ” cho nông sản nông dân. Ngoài hướng dẫn nông dân làm sản phẩm theo chuẩn mực tốt mà trong quá trình này còn phải có hỗ trợ sản phẩm để tiếp cận thị trường.
Ví dụ, Xoài Cần Giờ có bao nhiêu, Satra phải bao hết. Satra mang về dán nhãn mác Satra đưa lên kệ siêu thị bán. Satra tín chấp cho sản phẩm xoài Cần Giờ để xây dựng thương hiệu vàng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi với nông dân trong giờ giải lao tại buổi đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP.HCM ngày 7/1. Ảnh: Trần Đáng.
“Phải giúp sản phẩm của nông dân ngay từ đầu, chứ sản phẩm đã đẹp như gái 18 thì người ta lấy hết rồi, không tới phiên mình đâu”, ông Hoan nhắc khéo.
Ông Hoan quả quyết, nếu sản phẩm của nông dân không được hỗ trợ sẽ không thể lên kệ siêu thị được. Satra, Saigon Co.op phải có tâm thế trước tiên là hỗ trợ nông dân, HTX của TP.HCM. “Các tổng công ty (Satra, Saigon Co.op) phải lấy tín chấp giúp nông dân, không mất một đồng xu nào đâu”, ông Hoan khẳng định.
Satra được thành lập theo Quyết định số 7472 của UBND TP.HCM, ngày 2/11/1995.
Saigon Co.op là một hệ thống siêu thị bán lẻ trực thuộc Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại TP.HCM với 2 chức năng trực tiếp kinh doanh và tổ chức vận động phong trào HTX.
Trong vai trò doanh nghiệp chủ lực của TP.HCM, ngoài mục tiêu kinh tế, 2 tổng công ty này còn được kỳ vọng là “bà đỡ” cho kinh tế tập thể và nông dân TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: Nên khuyến khích nông dân... mua máy bay để vào đất!
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhắc khéo các cơ quan chức năng TP nên khuyến khích nông dân... mua máy bay để vào đất nếu không tháo gỡ được việc đất phi nông nghiệp không tiếp giáp với đường giao thông, không được xây dựng công trình phụ trợ (XDCTPT), tại buổi đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP.HCM, ngày 7/1.
Ngay từ đầu, buổi đối thoại đã nóng nên chuyện XDCTPT. Hầu hết, ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân đều tập trung cho vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi với cán bộ, hội viên nông dân trong giờ giải lao. Ảnh: Trần Đáng
Luật cho phép, nông dân có quyền
Với vai trò cầm trịch tại buổi đối thoại, ngay từ đầu, ông Hoan đã cho rằng, về cơ bản, điều kiện nông thôn TP phát triển hơn hẳn các địa phương khác.
Nhưng, như ông Hoan cũng thừa nhận, còn rất nhiều tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở TP.
Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, một trong 3 huyện đang thí điểm XDCTPT cho biết, trong thời gian thí điểm vừa qua, Hội Nông dân huyện đã tư vấn, hướng dẫn cho 116 trường hợp XDCTPT.
Ngoài ra, hơn 396 cuộc với 12.950 lượt người dự thông tin, tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn cho 1.650 lượt nông dân, THT, HTX có nhu cầu.
"Một số trường hợp muốn XDCTPT nhưng lại không tiếp giáp với đường giao thông nên không được xem xét giải quyết, đã gây khó khăn cho bà con nông dân", ông Thuận thông tin.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại. Ảnh: Trần Đáng
Ông Thuận trình bày rõ thêm, có những khu đất không tiếp giáp với đường giao thông, nhưng trước và sau đất này là đất của dòng họ, anh em nên có thể tự mở đường đi lại.
Nhưng do theo quy định, khu đất không tiếp giáp với đường giao thông nên không được cơ quan chức năng giải quyết.
Ông Thuận kiến nghị, TP nên cho phép XDCTPT trên đất không tiếp giáp với đường giao thông.
Đồng ý kiến của ông Thuận là ông Huỳnh Ngữ Siêu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhà Bè. Đây cũng là một địa phương đang thí điểm XDCTPT.
Theo ông Siêu, qua thời gian thí điểm còn xảy ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có việc không cho phép đất không tiếp giáp với đường giao thông không được XDCTPT.
Ông Siêu kiến nghị, công trình không tiếp giáp đường giao thông nên được cho phép XDCTPT.
"Tui thấy lạ, có đường tiếp giáp thì cho làm, nhưng lại sợ biến tướng. Còn với những trường hợp không có đường tiếp giáp thì lại không cho XDCTPT. Lẽ ra phải mạnh dạn hơn. Ở trong đó có gì mà lo", ông Hoan thắc mắc.
Về vấn đề này, ông Phan Ngọc Phúc, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho biết, để giải quyết khó khăn về XDCTPT, Sở Kế hoạch - Kiến trúc đã thành lập tổ công tác để đến từng địa phương nắm bắt những khó khăn để giải quyết.
Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, kiến nghị tại buổi đối thoại. Ảnh: Trần Đáng.
Ông Hoan khẳng định, Luật Đất đai cho phép và nông dân có quyền XDCTPT trên đất phi nông nghiệp và nông nghiệp khác.
"Cá nhân tôi ủng hộ, đất không tiếp giáp đường giao thông cũng được XDCTPT", ông Hoan dứt khoát.
Theo ông Hoan, nếu không tháo gỡ được việc này, các cơ quan chức năng nên khuyến khích bà con nông dân... mua máy bay để vào đất!
Tiếp tục hỗ trợ lãi vay cho nông dân
Tại buổi đối thoại, vấn đề hỗ trợ lãi vay theo QĐ 655 của UBND TP về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cũng khá nóng.
Theo ông Thuận, về vấn đề này, TP sớm giải ngân kinh phí hỗ trợ lãi vay từ 6/2020 - 31/12/2021 cho người dân ở huyện Củ Chi với số tiền 64 tỷ đồng.
Ông Thuận cũng kiến nghị, TP cũng sớm ban hành chính sách hỗ trợ lãi vay mới để góp phần khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP.
Một công trình phụ nuôi cá kiểng của nông dân trên địa bàn huyện Bình Chánh. Ảnh: Trần Đáng
Về QĐ 655, bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn còn cho biết, theo QĐ 655, dự án phải phù hợp với quy hoạch là nông nghiệp mới được hỗ trợ vốn vay.
"Đây là quy định gây cản trở cho Hóc Môn", bà Thanh cho biết.
Bà Thanh giải thích, hiện tại huyện Hóc Môn, đất nông nghiệp đang xen cài trong khu dân cư rất nhiều.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế ngành (Sở KH-ĐT), về chương trình kích cầu của TP hiện hữu có 3 gói: Kích cầu đầu tư, kích cầu công nghiệp (Sở Công Thương) và kích cầu nông nghiệp (Sở NNPTNT).
Chương trình này đến hết năm 2020 đã hết hạn. Tuy nhiên, TP gia hạn đến tháng 12/2021. Theo chỉ đạo của TP, sẽ gộp 3 gói kích cầu thành 1.
Sắp tới, Sở KH-ĐT sẽ hoàn chỉnh nội dung chính sách hỗ trợ lãi vay mới để trình HĐND TP thông qua nhằm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân.
"Đối với các dự án đã được phê duyệt và ngân sách đang hỗ trợ thì Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với Sở Công Thương và Sở NNPTNT để chi trả", ông Tuấn cho biết.
Đông đảo cán bộ, hội viên nông dân đến đóng góp ý kiến, kiến nghị trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP. Ảnh: Trần Đáng
Tham dự và chỉ đạo tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, thời gian qua để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn, TP đã ban hành nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phó Bí thư Thành ủy chỉ đạo, TP cần khẩn trương thực hiện những vấn đề nông dân và doanh nghiệp đặt ra để giải quyết kịp thời hiệu quả những kiến nghị chính đáng của bà con nông dân.
Gỡ vướng cho nông dân TP HCM Dù TP HCM phát triển đô thị đến đâu thì nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng và cần sự hỗ trợ thích đáng để phát triển xứng tầm . Ngày 7-1, Thành ủy TP HCM tổ chức chương trình "Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2021". Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó...