TPHCM ‘nói không’ với dự án treo, chuyển nhượng kiếm lời
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại phiên họp thường kỳ về kinh tế – xã hội và thu chi ngân sách 10 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 1/11.
Tại cuộc họp, đề cập việc chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhận định, sẽ tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội. Vừa qua, Sở TNMT đã rà soát 2.822 dự án đã đưa vào kế hoạch, 1.447 khu đất đã chuyển nhượng, cho thuê, giao đất… và 1.441 khu đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuần sau, Sở TNMT sẽ trình UBND xem xét rồi công khai thông tin cho người dân.
Xử lý nghiêm sai phạm ở Thủ Thiêm
Cùng ngày, tại buổi họp báo, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TPHCM, cho biết, UBND TPHCM đã chuẩn bị trình Thành ủy 3 chính sách liên quan vấn đề giải quyết khiếu nại của người dân tại dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Đó là chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân trong khu 4,3 ha bị giải tỏa sai; chính sách đối với các hộ dân nằm ngoài ranh 4,3 ha nhưng trong phạm vi dự án và chính sách giải quyết tái định cư cho những trường hợp không đủ tiêu chuẩn (khu 1.080 căn) như đất ít, tiền bồi thường ít, khi lên chung cư không đủ tiền mua, phải thuê hoặc mua trả góp căn hộ.
Cụ thể: Các hộ dân trong khu 4,3 ha là sẽ được hoán đổi đất cùng giá trị, cùng mục đích. Đối với các trường hợp khiếu nại ngoài khu 4,3 ha nhưng trong ranh của dự án thì thành phố sẽ xem xét lại 10 nhóm vấn đề để bổ sung khi xem xét các chính sách bồi thường hỗ trợ. Riêng các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư, TPHCM sẽ giảm tối đa chi phí để bà con không phải mắc nợ.
TPHCM sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân. Tuần sau, UBND TPHCM sẽ tổ chức hai cuộc gặp với khoảng 200 người dân đang khiếu nại để lấy ý kiến.
Ông Hoan cho hay, Sở TNMT đã xác định được ranh khu 4,3 ha trên bản đồ. Sắp tới, UBND TPHCM sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, xin ý kiến Chính phủ, sau đó họp dân để thông báo. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là không để bà con thiệt thòi.
Đối với công tác xử lý trách nhiệm cán bộ sai phạm, dự kiến, UBND TPHCM hoàn tất báo cáo trong tuần này và trong tuần sau sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy. Nếu được thông qua, UBND TPHCM sẽ tổ chức kiểm điểm tập thể UBND các phường, UBND Quận 2, Ban Quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm và UBND TPHCM.
Video đang HOT
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng sẽ căn cứ kết luận Thanh tra toàn diện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổ công tác của thành phố đang kiểm tra, rà soát trong khu 160 ha tái định cư, xác định cụ thể trách nhiệm từng cán bộ các thời kỳ và sau đó sẽ yêu cầu người đó kiểm điểm. “TPHCM đã lập tổ công tác, cùng Trung ương tổng rà soát 64 dự án đã giao đất trong khu tái định cư 160 ha, xác định rõ lỗi, trách nhiệm của ai để xử lý. Việc này sẽ làm trong tháng này và đến đầu tháng 12 sẽ có kết quả”, ông Hoan nói.
Kiên quyết thu hồi khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn
Ông Võ Văn Hoan khẳng định, quan điểm của lãnh đạo TPHCM là sẽ kiên quyết thu hồi mặt bằng 8-12 Lê Duẩn mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận là có nhiều sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, bất chấp nhà đầu tư mới đây lên tiếng có khả năng sẽ kiện UBND TPHCM ra tòa. UBND TPHCM đã giao Sở Tư pháp rà soát các cơ sở pháp lý để sắp tới thực hiện việc thu hồi đất.
Theo Huy Thịnh
Tiền phong
Đến bao giờ Hà Nội xử lý được dự án "treo"?
Gần 400 dự án "treo" với hàng chục triệu m2 đất đang bị bỏ hoang lãng phí, Hà Nội vẫn đang loay hoay trong xử lý vấn đề này.
Hàng trăm dự án vi phạm về đất đai
Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường và Hà Nội (việc quản lý sử dụng đất đối với các dự án vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2012-2017) thống kê được 211 dự án tổng diện tích trên 44 triệu m2 chậm triển khai, để đất hoang hoá. Trong đó, có dự án đã được thành phố kiểm tra phát hiện từ năm 2012 nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.
Ngoài số dự án chậm tiến độ theo thông kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo của 22 quận, huyện của Hà Nội phát hiện thêm 172 dự án chậm triển khai, nâng tổng số các dự án trong diện này lên 383 trường hợp. Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án; Mê Linh 50 dự án; Nam Từ Liêm 48 dự án; Hoàng Mai 25 dự án; Bắc Từ Liêm 23 dự án...
Có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Ví dụ như: Công ty Công viên cây xanh Hà Nội (dự án Mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế), Công ty Thủ đô II (dự án Trung tâm ngôn ngữ Việt - Lào), Công ty Tân Á Đại Thành (dự án khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng...
Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt "treo" 14 năm nay.
Hàng trăm dự án "treo" của Hà Nội không chỉ lãng phí nguồn lực về đất đai của thành phố Hà Nội, còn khiến hàng nghìn người dân trong diện giải phóng mặt bằng phải sống lay lắt, tạm bợ tại những khu vực dự án "treo".
Bà Nguyễn Thị Loan, ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đã sống tại khu vực dự án "treo" khu đô thị mới Thịnh Liệt 14 năm nay cho biết: "Nhà tôi mái dột nát, tường nứt ngang dọc khắp nơi, nhưng vì trong diện quy hoạch khu đô thị mới Thịnh Liệt nên không được phép sửa chữa, xây dựng. Gia đình cũng không đủ điều kiện chuyển đi nơi khác".
Thu hồi nhưng cần tính phương án sử dụng hiệu quả
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xử lý các dự án "treo" với Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài cụ thể. Thời hạn là 24 tháng không sử dụng dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất, đây là quy định không phù hợp. Vì Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu, nhưng nếu tịch thu đất lại thu luôn tài sản đầu tư trên đất, như vậy là trái với quy định. Chủ đầu tư có thể vi phạm là chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản được hình thành là hợp pháp.
"Chúng ta xử lý các dự án "treo" bằng biện pháp tài chính và thuế, có thể ra một mức phạt rất nặng, ví dụ cứ để đất chậm 1 năm không sử dụng bị phạt bằng 30% tiền sử dụng đất phải nộp. Đây là quy định để nhà đầu tư có trách nhiệm cao hơn trong việc triển khai đầu tư sử dụng đất, khi chủ đầu tư không có khả năng đầu tư phải tìm cách chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác" - GS Võ nói.
Hàng trăm dự án "treo" đang lãng phí nguồn lực về đất đai.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Hà Nội rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm, nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai là điều nên làm sớm. Tuy nhiên, Hà Nội cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án "ôm đất" gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
"Cần có kế hoạch rõ ràng trong việc thu hồi các dự án, xử lý các dự án vi phạm, đưa ra được danh mục đầu tư sử dụng khi thu hồi các đất các dự án. Tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất" - TS Liêm cảnh báo.
Dự án "treo" là câu chuyện không mới của Hà Nội nhưng vẫn đang tồn tại gây bức xúc trong xã hội. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan quản lý trực tiếp thế nhưng trong báo cáo số liệu thống kê các vi phạm về đất đai là dự án chậm tiến độ, bỏ hoang lại "sót" 172 dự án. Các dự án "treo" được bổ sung dựa trên báo cáo của các quận huyện và đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố đưa ra. Dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi về sự tích cực của đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai?
Cần có chế tài đủ mạnh, hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng để có thể sớm xóa được các dự án bỏ hoang, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai quý giá./.
Theo Hoài Lam
VOV
Toàn cảnh dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng nối khu trung tâm Quận 1 với KĐT Thủ Thiêm Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018. Mới đây, chủ tịch UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng Công ty Ba Son và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, để triển khai thi...