TPHCM: Mỗi tháng có thêm 30.000 phương tiện tham gia giao thông
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên tại TPHCM là do số phương tiện giao thông tăng nhanh. Theo Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt TPHCM, mỗi tháng có 30.000 phương tiện đăng ký mới. Đến nay TP đang quản lý hơn 8 triệu ô tô, xe máy.
Tại cuộc họp về sơ kết công tác An toàn giao thông TPHCM 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 4/8, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Ban An toàn giao thông TP – cho biết tình hình giao thông đang diễn ra hết sức phức tạp.
Theo ông Tường, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, ùn ứ giao thông diễn ra hàng ngày tại các tuyến đường trọng điểm, các tuyến đường ra vào các cảng, bến bãi, sân bay, trường học, bệnh viện…
Ban An toàn giao thông TPHCM cho rằng số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông
Ông Tường cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao (nguyên nhân chính gây ra 93% vụ tai nạn giao thông). Hiện số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi TP chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Đến nay, TPHCM đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, trong đó có 650.000 ô tô, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Thời gian qua, TP có nhiều công trình giao thông lớn đang thi công cũng khiến cho tình hình ùn ứ trở nên thường xuyên hơn.
Video đang HOT
Cũng theo ông Tường, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến ùn tắc giao thông là do công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên. Hiện nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường…
Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt TPHCM, hiện áp lực về giao thông tăng nhanh. Mỗi tháng, TP có thêm đến 30.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó ô tô chiếm 15%.
Hiện nay, TPHCM đang quản lý khoảng 210.000 xe tải. Theo ông Phong, do quy định về khung thời gian hoạt động của xe tải nên có hiện tượng dồn, ùn xe theo các khung giờ cao điểm, chiếm nhiều diện tích mặt đường. Ngoài ra, xe tải rất khó “xoay xở” khi xảy ra sự cố giao thông nên dễ dẫn đến ùn tắc.
Ông Huỳnh Trung Phong cho rằng, xe ô tô hoạt động Uber, Grab với số lượng lớn, thời gian không hạn chế nên cũng ảnh hưởng nhất định đến trật tự an toàn giao thông.
Trung tá Huỳnh Trung Phong – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt TPHCM cho biết sẽ bàn giải pháp xử lý nhanh các sự cố giao thông để hạn chế gây ùn tắc
Bên cạnh đó, ông Phong cho biết đã có sự thay đổi về quy luật khi ùn tắc giao thông đã diễn ra thường xuyên vào buổi trưa. Ngoài ra, thái độ của người tham gia giao thông đang xấu đi. Họ sẵn sàng vi phạm luật như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ khi có ùn tắc…
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt TPHCM cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ làm việc với Sở GTVT TP để bàn giải pháp giải quyết một số điểm ùn tắc vì nguyên nhân thắt cổ chai như vòng xoay Lăng Cha Cả, hạn chế ùn tắc trên đường Trường Sơn, đặc biệt là công tác phối hợp xử lý khi có sự cố giao thông.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra hơn 2.100 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 400 người, bị thương gần 1.700 người, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.
Quốc Anh
Theo Dantri
TPHCM quyết thực hiện đề án đi làm lệch ca, lệch giờ để giảm kẹt xe
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng thành phố phải triển khai đề án đi làm lệch ca, lệch giờ để giảm kẹt xe. Khi triển khai sẽ có va chạm, nhưng vì cái chung thì vẫn phải làm. Nếu cứ bàn lùi thì muôn đời không làm được.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa vừa giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP chủ trì, phối hợp với Sở GTVT TP, cùng các đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở GD - ĐT nghiên cứu đề án đi làm lệch ca, lệch giờ. Ông cho rằng đây giải pháp giảm kẹt xe hiệu quả.
Tình hình kẹt xe tại TPHCM rất nghiêm trọng
Theo ông Khoa, việc đi làm lệch ca, lệch giờ sẽ có những va chạm, nhưng vì cái chung thì vẫn phải làm. Thế giới đã làm rồi và mang lại hiệu quả. Ông yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải tiến hành càng sớm càng tốt, qua Tết Nguyên đán phải trình đề án.
"Tôi đi công tác nước ngoài thấy, người ta cho công chức khối hành chính đi làm trễ về trễ, khối nhà máy sản xuất thì đi làm sớm về sớm... Đi làm lệch nhau một tiếng và giảm được kẹt xe. Tất nhiên, khi mình triển khai thì có người nói rước con rước cái, nhưng nếu nói vấn đề đó thì muôn đời không làm được", ông Khoa thẳng thắn.
Ông Khoa cho rằng, thành phố cũng không chủ quan triển khai với nhóm đối tượng lớn, vì sẽ gây ra khó khăn. Phải làm thận trọng, chừng mực và theo khu vực có thể quản lý được.
Chẳng hạn như khối công chức nhà nước, trường học, sinh viên... "Sinh viên thường thức khuya học bài, dậy trễ nên có thể đi học trễ hơn so với học sinh tiểu học", ông Khoa dẫn dụ và cho rằng nếu đạt kết quả tốt thì sẽ từng bước mở rộng.
Quốc Anh
Theo Dantri
Chỉ 30 xe ba bánh ở Hà Nội được cấp đăng ký Theo Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, chỉ có 30 xe ba bánh được Công an Hà Nội cấp đăng ký. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT Hà Nội đã tạm giữ trên 500 xe ba bánh tự chế, giả danh xe thương binh. Phát biểu tham luận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng Ban chỉ đạo 197...