TPHCM: Lộ trình mới vào cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây
Ngày 29/8 tới, sau lễ thông xe giai đoạn 1 gói thầu xây lắp số 9 tại nút giao thông Vành đai 2 (quận 9, TPHCM), các phương tiện sẽ đi vào đường cao tốc theo lộ trình mới. Xe có trọng tải trên 10 tấn, xe container được phép lưu thông trên cao tốc.
Chiều 26/8, Sở Giao thông vận tải TPHCM phối hợp cùng Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức họp báo cho biết sẽ thông xe kỹ thuật giai đoạn 1 gói thầu số 9, dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tại nút giao thông Vành đai 2 vào ngày 29/8 tới.
Bắt đầu từ 10 giờ ngày 29/8, các phương tiện đi vào đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây theo lộ trình mới
Bắt đầu từ 29/8, các nhánh kết nối tại nút giao Vành đai 2 được đưa vào khai thác, cho phép các xe có trọng tải trên 10 tấn, xe container 20 feet – 40 feet lưu thông, đồng thời đóng 2 nhánh cũ lại. Các phương tiện sẽ lưu thông theo nhánh A2 – C1 vào đường cao tốc và xuống đường cao tốc theo nhánh B1a – B2. Cụ thể, xe lưu thông theo hướng từ TPHCM về Long Thành sẽ đi theo lộ trình sau:
Đường màu cam: các phương tiện lưu thông trên đường Vành đai 2, hướng từ cầu Phú Mỹ đến đường Nguyễn Duy Trinh, rẽ phải vào nhánh A2 – C1 (đường mà xanh lá) nút giao Vành đai 2 lên đường cao tốc đi về Long Thành. Trước đây, các phương tiện phải chạy thêm 2km theo đường Vành đai 2 rồi mới đi vòng để lên đường cao tốc.
Đường màu xanh dương: các phương tiện lưu thông trên đường Vành đai 2, hướng từ Ngã tư Bình Thái đến đường Nguyễn Duy Trinh đi thẳng tới ngã tư Nguyễn Duy Trinh – Vành đai 2 rồi quay đầu theo vòng xoay ngược trở lại, sau đó rẽ phải vào nhánh A2 – C1 (đường màu xanh lá) nút giao Vành đai 2 lên đường cao tốc đi về Long Thành.
Đường màu vàng: các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Duy Trinh, hướng từ quận 2 sang quận 9 đi tới ngã tư Nguyễn Duy Trinh – Vành đai 2 rẽ trái vào đường Vành đai 2, sau đó rẽ phải vào nhánh A2 – C1 (đường màu xanh lá) nút giao Vành đai 2 lên đường cao tốc về Long Thành.
Video đang HOT
Đường màu tím: các phương tiện lưu thông hướng từ quận 9 sang quận 2 trên đường Nguyễn Duy Trinh, đi tới ngã tư Nguyễn Duy Trinh – Vành đai 2 thì rẽ phải vào đường Vành đai 2, sau đó rẽ phải vào nhánh A2 – C1 (đường màu xanh lá) nút giao Vành đai 2 lên đường cao tốc về Long Thành.
Đường màu đỏ: Các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc hướng từ Long Thành về TPHCM, đi tới nút giao Vành đai 2 rẽ phải vào nhánh B1a – B2 xuống đường Vành đai 2 di chuyển vào các hướng trong thành phố.
Giai đoạn 1 gói thầu số 9 đã hoàn thành được 91% khối lượng, hạng mục công việc. Dự kiến toàn bộ tuyến đường TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào khai thác năm 2015
Gói thầu số 9 được thi công từ tháng 4/2013, với giá trị hợp đồng là 2.434 tỷ đồng, do nhà thầu thi công CIENCO4 đảm nhiệm xây lắp; Liên danh Nippon Koei – TEDI South tư vấn giám sát. Gói thầu xây dựng đường và nút giao giữa đường cao tốc và đường Vành đai 2, bao gồm 8 nhánh ra/vào, với tổng chiều dài hơn 12km. Trong đó, phần đường dài 8,1km, phần cầu dài 3,9km.
Sau 16 tháng thi công, giai đoạn 1 của gói thầu đã hoàn thành được 91% khối lượng, hạng mục công việc, vượt tiến độ 6 tháng. Theo thiết kế, các phương tiện được phép chạy tối đa 100km/h trên đường cao tốc, chạy tối đa 40km/h trong đường nhánh các nút giao.
Theo VEC, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn từ Vành đai 2 đến quốc lộ 51 dài 20km đã được đưa vào khai thác tạm từ tháng 1/2014, phục vụ hơn 2,6 triệu lượt phương tiện lưu thông.
Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án để đưa toàn bộ tuyến đường vào khai thác trong năm 2015 theo như yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.
Cũng từ ngày 29/8, VEC bắt đầu áp dụng cước phí trong giai đoạn khai thác tạm (20km từ Vành đai 2 đến quốc lộ 51) như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng có mức 40.000 đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi và xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức 60.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên và xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có mức 80.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet có mức 100.000 đồng/lượt; xe tải có trọng lượng từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet có mức 160.000 đồng/lượt.
Quốc Anh
Theo Dantri
Dự án đường Trường Chinh: Phương án đường thẳng tốn thêm 193 tỷ đồng
Ngày 18-4, người phát ngôn, Chánh Văn phòng UBND TP, ông Nguyễn Thịnh Thành, đã chính thức đưa ra phát ngôn của UBND TP về dự án đường Vành đai 2 (đường Trường Chinh).
Ông Nguyễn Thịnh Thành khẳng định, việc lập, thẩm định và phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 đường Trường Chinh là cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (tỷ lệ 1/10.000) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg; đảm bảo thống nhất và phù hợp với đồ án Quy hoạch chi tiết quận Đống Đa (quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/2000) và các quy hoạch chi tiết khu vực đã được phê duyệt.
Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 đường Trường Chinh được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch đúng quy trình, thủ tục theo quy định; có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố Hà Nội với Bộ Quốc phòng; phương án hiện nay đã được các cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân đề nghị và tán thành. Chỉ giới đường đỏ được xác định phù hợp với với quy hoạch và thực trạng xây dựng trên tuyến đường, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng.
Cụ thể, ngày 12-2-2007, Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 762/BQP-TM nêu ý kiến: "Về chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh (đoạn qua khu vực Quân chủng Phòng không - Không quân), Bộ Quốc phòng thống nhất với ý kiến của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân tại công văn số 193/CV-PK-KQ ngày 13/4/2000 và được thể hiện trên bản vẽ Chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập ngày 18/10/2000 - tỷ lệ 1/500. Đường Trường Chinh được mở rộng chủ yếu về phía Nam. Cụ thể: Phía Bắc đường Trường Chinh lấy từ mép phía Bắc đường hiện trạng sâu vào khoảng 6m, phía Nam đường Trường Chinh sẽ phát triển cho đủ mặt cắt ngang đường là 53,5m".
Trên cơ sở thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt và mặt bằng đã được giải phóng, Chủ đầu tư đã tổ chức thi công gói thầu xây dựng số 01 (đoạn hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ) và gói xây dựng số 4 (cầu L5 - cầu Sông Lừ) vào tháng 10-2013. Đến nay, gói thầu xây dựng số 01 đã thi công xong hệ thống thoát nước, bó ống kỹ thuật, thảm bê tông nhựa hạt thô được phần đường bên phải tuyến (dài 620m) và đã được phân luồng giao thông để thi công tiếp làn đường bên trái tuyến, dự kiến hoàn thành đoạn đường này vào quý I năm 2015; toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.
Hình ảnh dải phân cách và tuyến đường uốn cong đăng trên một số báo và bình luận là "cong ghi đông xe đạp", là do tuyến đường đang thi công, cần phân luồng tạm để đảm bảo an toàn giao thông. Khi đoạn đường được thi công xong, dải phân cách sẽ được tháo dỡ, hình ảnh con đường sẽ không như vậy.
Phần quây tôn xanh thực chất là khu vực đường đang được thi công
Chánh Văn phòng UBND TP cũng cho biết, qua khảo sát thực tế, nếu xác định tuyến đường đi thẳng thì phải mở rộng đường về phía Bắc, tổng diện tích đất thu hồi tăng thêm về phía Bắc (thuộc quận Đống Đa, từ hồ Hố Mẻ đến Cống chéo sông Lừ) là 16.239m2, gồm: Diện tích thu hồi thêm của 09 cơ quan là 11.718m2; Diện tích thu hồi hồ Hố Mẻ là 2.152m2; Ngõ đi là 135m2; Diện tích thu hồi tăng thêm của các hộ dân là 2.234 m2; tăng thêm 7 hộ dân thuộc phạm vi GPMB và 11 hộ từ cắt xén thành thu hồi hết đất; đồng thời phải cấp đất cho các cơ quan để làm trụ sở mới do bị thu hồi hết và gần hết đất. Mặt khác các công trình kiến trúc trên đất cơ bản phải phá dỡ, hồ điều hòa Hố Mẻ bị thu hẹp diện tích, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của khu vực. Dự toán kinh phí bồi thường tăng thêm khoảng 193 tỷ đồng, 9 cơ quan phải phá dỡ và cấp đất xây trụ sở mới, thêm 11 hộ phải phá dỡ hết nhà cửa, thêm 7 hộ phải GPMB.
Ông Nguyễn Thịnh Thành nói: "Như vậy, chỉ giới đường đỏ được xác định như hiện nay, đảm bảo các yêu cầu cả về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và quốc phòng (số tiền GPMB, mức đầu tư dự án, số hộ gia đình và cơ quan bị ảnh hưởng bởi dự án ít hơn so với phương án đường đi thẳng, hạ tầng kỹ thuật đô thị khu vực được đảm bảo)".
Đường Trường Chinh, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng có chiều dài toàn tuyến khoảng 2.000m, chiều rộng ngang đường 53,5-57,5m, kết nối hai dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đó là Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Ngã Tư Sở (hoàn thành tháng 10/2002) và Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Ngã Tư Vọng (hoàn thành tháng 5/2005).
Theo ANTD