TP.HCM lên phương án mở cửa lại các chợ
Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị 22 địa phương rà soát, xây dựng phương án hoạt động phù hợp để tổ chức hoạt động chợ trở lại trong điều kiện an toàn.
Chiều 27/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo để thông tin về tình hình dịch bệnh trong 24 giờ qua và các quyết sách được người dân quan tâm.
Buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP; và lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.
Mỗi ngày có khoảng 300 tấn hàng về các chợ
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết để chuẩn bị cung ứng hàng hóa cho TP.HCM sau 30/9, Sở đã làm việc với các đơn vị để cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện tiêm vaccine. Lực lượng shipper và hệ thống phân phối hàng hóa đều đang được ráo riết hoàn thành công tác tiêm vaccine.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.
Về chuẩn bị nguồn hàng cung ứng, sở đã tổ chức 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối. Mỗi ngày khoảng 300 tấn hàng về các chợ này để phục vụ người dân trên địa bàn TP.HCM.
Về cung ứng hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, Sở đang tổ chức lại. Các đơn vị trước đây phải đóng cửa thì Sở có quan điểm mở lại trong điều kiện an toàn.
Về đi chợ hộ, Sở Công Thương thời gian qua đã phối hợp với các địa phương để làm tốt công tác này. Việc đi chợ hộ hiện có nhiều phương thức như qua tổ Covid-19 cộng đồng, siêu thị bán hàng online, shipper đi chợ hộ cho dân…
Thời gian qua, TP đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, Sở triển khai dự án phân phối hàng hóa tới tay người dân như chợ nghĩa tình, siêu thị 0 đồng.
Để chuẩn bị cho thời gian tới, Sở Công Thương đã làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, phối hợp tổ chức, kiểm tra chặt chẽ, đánh giá nguy cơ, khả năng kiểm soát trước khi đưa chợ đầu mối, nông sản hoạt động trở lại. Sở Công Thương đã đề nghị 22 địa phương rà soát, xây dựng phương án hoạt động phù hợp để tổ chức hoạt động chợ trở lại trong điều kiện an toàn.
Sở cũng rà soát việc cung ứng hàng hóa toàn TP để xây dựng mô hình hoạt động bền vững hơn giai đoạn tới. Sở cũng phối hợp hiệp hội doanh nghiệp, UBND địa phương, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất… để hướng dẫn tổ chức hoạt động sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn.
Để chuẩn bị kế hoạch đi chợ, siêu thị cho người dân sau ngày 30/9, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho sở đã làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn, đề nghị các hệ thống phân phối báo cáo kế hoạch nguồn hàng, đưa ra phương án, cam kết nguồn hàng đầy đủ. “Vấn đề đáp ứng nguồn hàng khi thành phố mở cửa trở lại sẽ không phải lo ngại lắm vì Sở Công Thương TP đã có sự chuẩn bị và làm việc chặt chẽ với các đơn vị”, bà Ngọc nói.
Điều tra cán bộ quản lý dược tham ô thuốc kháng virus
Trả lời câu hỏi của Zing về việc điều tra các hành vi mua bán thuốc kháng virus trái phép, thượng tá Huỳnh Quang Tiến, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua, Công an TP.HCM đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, đặc biệt đối tượng lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi cung cấp, phân phối, tiêm vaccine; buôn bán vật tư y tế thiết bị phòng chống dịch trái phép; sản xuất hàng giả… Riêng với hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 trái phép, Công an TP đã và đang xử lý 2 vụ việc.
Trong đó có một vụ mua bán thuốc kháng virus trái phép và một vụ mua bán thuốc tân dược giả có tác dụng phòng, ngừa Covid-19.
Video đang HOT
Thượng tá Huỳnh Quang Tiến, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng .
Công an TP đã khởi tố một vụ án với 3 bị can về sản xuất hàng giả, buôn bán thuốc tân dược giả các nhãn hiệu. Công an TP đang điều tra hành vi tham ô tài sản, mua bán thuốc kháng virus Monulpiravir liên quan cán bộ quản lý dược tại Trung tâm Y tế quận Bình Tân và Tân Phú cùng các đối tượng liên quan.
“Công an đang tăng cường quản lý địa bàn, sử dụng biện pháp nghiệp vụ để xác minh, bắt giữ trường hợp đăng tin quảng cáo, rao bán các thuốc điều trị Covid-19″, đại diện Công an TP cho biết.
Rà soát các trường hợp rời TP.HCM, tự đi xe máy về quê
Tại buổi họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc thời gian qua, nhiều tỉnh miền Tây ghi nhận tình trạng người dân tự đi xe máy từ TP.HCM về quê. Công an quản lý thế nào và tại sao người dân có thể rời TP.HCM khi thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16, yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”.
Trả lời vấn đề này, thượng tá Huỳnh Quang Tiến, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết với việc kiểm soát người dân từ TP.HCM qua các tỉnh, Công an TP đã tổ chức 12 chốt trạm kiểm soát cấp TP và 39 trạm cấp quận, huyện trên các tuyến đường giáp ranh. Ở các tỉnh giáp ranh, các địa phương cũng bố trí các chốt tương tự. Như vậy, một điểm giáp ranh có 2 chốt (một của TP.HCM và một của tỉnh bạn).
Trên địa bàn TP.HCM, tất cả các chốt giáp ranh đều có lực lượng Công an TP.HCM và Bộ Công an tăng cường giám sát, ngoài ra, còn có lực lượng quân sự, y tế… Việc tổ chức kiểm soát được thực hiện 24/24h.
Với tất cả các chốt kiểm soát giáp ranh các tỉnh đều được lắp đặt camera, giám sát 24/24h và những tín hiệu, dữ liệu truyền trực tiếp về trung tâm chỉ huy của công an TP để giám sát. Điều này cho thấy việc tổ chức kiểm soát rất chặt chẽ, nghiêm túc. Về tình trạng người dân rời TP.HCM, đại diện công an cho biết sẽ ghi nhận, rà soát và phối hợp với công an các địa phương giáp ranh để xác minh xem những trường hợp này bằng cách thức nào mà đi qua được các chốt kiểm soát, từ đó, TP sẽ có các biện pháp kiểm soát phòng ngừa, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch thời gian tới.
150.000 F0 chưa được cấp mã bệnh nhân
Trả lời câu hỏi về lý do Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân cho các F0 được phát hiện qua test nhanh, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cho biết theo quy định của Bộ Y tế, để xác định một trường hợp là F0 cần xác định bằng kỹ thuật PCR. Test nhanh có hạn chế là làm độ nhạy và đặc hiệu không cao.
Tuy nhiên, tháng 8 và tháng 9, số ca bệnh tăng nhanh và xảy ra đại dịch. Trong bối cảnh đó, về khoa học, một trường hợp có biểu hiện lâm sàng của mắc Covid-19 qua test nhanh thì cần được xác nhận nhiễm để điều trị thay vì chờ PCR. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có công văn cho phép công nhận người có kết quả test nhanh dương tính là F0.
TP.HCM thời gian qua đã ghi nhận tất cả trường hợp test nhanh dương tính là F0 và quản lý đúng quy định, đảm bảo điều kiện cách ly, chăm sóc tại nhà, phát gói thuốc A, B, C để chăm sóc F0 tại cộng đồng. Tất cả bệnh nhân này đều có trong danh sách của TP.HCM đều được cấp thuốc, điều trị.
Tuy nhiên, các trường hợp này chưa được cấp mã số quốc gia. Vừa qua, Sở có văn bản đề nghị Bộ Y tế bổ sung các trường hợp này vào danh sách quốc gia. Theo thống kê của TP, có gần 150.000 F0 thuộc nhóm này.
Khi nào lực lượng chi viện rút khỏi TP.HCM?
Tại buổi họp báo chiêu 27/9, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu làm rõ thêm câu hỏi của phóng viên về việc tăng thêm 150.000 F0 sẽ ảnh hưởng thế nào đến các con số thống kê của TP.HCM như tỷ lệ tử vong, tỷ lệ ca dương tính…
Ông Châu khẳng định đây là những trường hợp đã được tiếp nhận, đã lập danh sách và được điều trị tại nhà, theo dõi đầy đủ. Số F0 tăng sẽ ảnh hưởng đến mẫu số khi phân tích, ví dụ như tỷ lệ tử vong. Khi mẫu số tăng lên thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi.
“Tới nay, TP.HCM dựa vào số F0 thật để thu dung, điều trị tại nhà. Theo tiêu chí mới của Bộ Y tế thì số ca mắc mới chỉ là một trong các tiêu chí để phân cấp độ nguy cơ và cấp độ nguy cơ trong Bộ tiêu chí của Bộ Y tế dựa trên WHO. Trên ngưỡng trên 150 trường hợp/100.000 dân/tuần thì ở cấp độ 4. Do đó, số ca mắc tăng lên thì ta vẫn trên 150″, ông Châu cho hay.
Theo ông Châu, khi các tiêu chí đảm bảo thì TP.HCM vẫn có thể xuống cấp độ thấp hơn, các biện pháp an toàn sẽ thuận tiện hơn cho các hoạt động của địa phương này.
Về lực lượng chi viện tại TP.HCM, ông Châu cho biết tùy theo tình hình dịch bệnh, TP.HCM cùng Bộ Y tế sẽ có chiến lược thu gọn các bệnh viện dã chiến. “Đến nay, lực lượng chi viện vẫn ở lại cho đến khi số bệnh nhân giảm, phù hợp với năng lực điều trị của TP.HCM”, ông nói.
Ông Châu cho biết năng lực điều trị phù hợp nằm trong kế hoạch tổng thể của ngành y tế. Thời gian tới, nhiệm vụ của ngành y tế TP bên cạnh điều trị bệnh nhân Covid-19 thì vẫn phải điều trị bệnh không phải là Covid-19. Nguyên tắc phục hồi công năng cho các cơ sở dã chiến phụ thuộc vào số ca mắc, ca bệnh nặng. TP ưu tiên phục hồi bệnh viện quận, huyện để có các bệnh viện đa kho tiếp nhận người bệnh không phải Covid-19.
Đến nay, hai bệnh viện đa khoa quận 7 và huyện Củ Chi đã chuyển tất cả các trường hợp mắc Covid-19 sang nơi khác để xanh hóa và trong vài ngày tới sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân không phải Covid-19.
Vì sao trì hoãn chi trả gói hỗ trợ đợt 3?
Lý giải nguyên nhân trì hoãn chi trả gói hỗ trợ đợt 3 tại TP.HCM, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (Sở LĐTBXH) cho biết những ngày qua, UBND TP và các sở ngành đang rất khẩn trương triển khai nhưng trong quá trình triển khai gặp một số trục trặc.
Vị đại diện Sở LĐTBXH cho biết mặc dù sở và chính quyền các quận huyện rất khẩn trương, liên tục cập nhật nhưng số lượng người dân rất lớn, hơn 7 triệu người, bao gồm cả người phụ thuộc của người khó khăn. Đơn vị phải rà soát lại để không xảy ra bỏ trùng, bỏ sót. Do đó, quá trình tích hợp gặp một số trục trặc dẫn đến trì hoãn.
“Đến ngày 1/10, Sở sẽ cố gắng xong phần nào để thông báo ngay cho quận huyện chi phần đó. Tiền đã được chuyển đến quận, huyện và chỉ chờ việc rà soát, tích hợp thông tin hoàn thiện để chi trả đến người dân”, đại diện Sở LĐTBXH nói.
Số tử vong tại TP.HCM tiếp tục giảm, thấp nhất hơn một tháng qua
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, đến nay, thành phố đang điều trị hơn 38.600 bệnh nhân, trong đó có 3.612 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.856 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Thành phố ghi nhận 122 trường hợp tử vong trong ngày 26/9, tổng số ca tử vong từ 1/1 đến nay là 14.500.
Trong ngày 26/9, số ca thở máy và số ca tử vong tại TP.HCM đều giảm. Số bệnh nhân nhập viện ngày 26/9 là 2.805 ca, thấp hơn số bệnh nhân xuất viện là 2.936 ca.
Về xét nghiệm, từ 18h ngày 25/9 đến 18h 26/9, thành phố đã lấy hơn 1,13 triệu mẫu, trong đó gần 4.200 mẫu đơn và 78 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1,12 triệu mẫu.
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 26/9 là hơn 9,6 triệu mẫu (tổng số mũi 1 là 6,8 triệu, mũi 2 là 2,8 triệu). Hơn 1,1 triệu người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đã được tiêm vaccine.
Từ 0h ngày 16/9, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết 30/9, nới lỏng một số hoạt động.
Hiện, TP.HCM đang hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội.
Theo chỉ thị này, từ 0h ngày 1/10, TP.HCM dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19″ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến 27/9, TP.HCM ghi nhận hơn 372.000 ca nhiễm nCoV. Đô thị lớn nhất cả nước đã trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Y tế: Bệnh viện Trung ương sẽ rút từ từ khi TPHCM mở cửa
"Phải khẳng định một điều, khi mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... y tế vẫn là ngành nặng gánh nhất" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Sáng 26/9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM dẫn đầu, đã có buổi kiểm tra, làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (Trung tâm).
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, kể từ ngày đi vào hoạt động đến nay, cơ sở đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong đó, nhiều ca nặng phải đặt máy thở xâm lấn, thở máy oxy liều cao HFNC và đặt nội khí quản.
Theo PGS.TS Lê Minh Khôi, với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và các tình nguyện viên của Trung tâm, nhiều trường hợp người bệnh nặng được cứu sống ngoạn mục. Tính đến nay đã có hơn 200 bệnh nhân được xuất viện, trong đó hơn 100 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC) được trở về bên gia đình. Hiện tại, số bệnh nhân đang được điều trị Covid-19 ở Trung tâm gần 200 người.
Để làm được điều này, ngay từ khi thành lập, hơn 600 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các tình nguyện viên đã được điều động đến Trung tâm.
Các y, bác sĩ, nhân viên y tế chia ca kíp, thay phiên làm việc ngày đêm, máy móc, trang thiết bị tại trung tâm được Bộ Y tế cung cấp.
Bên trong Trung tâm Hồi sức Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: Bộ Y tế).
Ngoài ra, bệnh viện còn đầu tư và huy động nguồn lực xã hội để chuyển đến những máy móc hiện đại, như máy thở, máy oxy liều cao, máy lọc máu, máy ép tim, máy siêu âm, bình oxy... đảm bảo trong công tác điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các y, bác sĩ, tình nguyện viên tại đây, đã kịp thời thần tốc xây dựng Trung tâm, bố trí đảm bảo nhân lực trong một thời gian ngắn để đi vào vận hành và kịp thời cứu chữa hàng trăm bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, với sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên, Trung tâm đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
"Chúng ta đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, để mang lại những hy vọng cho cuộc đời của các bệnh nhân, giúp họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình" - Thứ trưởng đề nghị.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau ngày 30/9, TPHCM sẽ có Kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Về trước mắt, ngành y tế sẽ phải tái cơ cấu lại hệ thống các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến theo tình hình chung trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: BYT)
Cụ thể, phải tính toán kỹ bệnh viện nào có thể rút quân và trên tinh thần hỗ trợ từ các bệnh viện địa phương, Trung ương có thể sẽ rút từ từ. Trong quá trình rút quân cần chuyển giao cho các bệnh viện của thành phố.
"Chắc chắn các bệnh viện tầm cao của thành phố sẽ là những đơn vị chủ yếu tiếp nhận chuyển giao từ các bệnh viện tuyến trung ương. Cần khẳng định một điều là khi mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... y tế vẫn là ngành nặng gánh nhất. Do đó, cần phải làm rất kỹ, để làm sao có một khoảng thời gian gối đầu", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy chuỗi sản xuất cá tra Giá thành sản xuất cá tra tăng trong lúc tiêu thụ đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Nhiều người nuôi cá tra đang lo lắng sẽ không có đủ giống để tái đàn trong thời gian tới đây. Cá tra là sản phẩm thuỷ sản được yêu thích tại thị trường châu Âu - Ảnh minh hoạ Chiều ngày 25/9, Bộ NN&PTNT...