TP Hồ Chí Minh tìm kiếm giải pháp phát triển kinh tế hậu COVID-19
Phát huy hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh là giải pháp căn bản nhất để phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Đây là nội dung được nhiều đại biểu, doanh nghiệp nhấn mạnh tại chương trình Tọa đàm khôi phục và phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 3/10.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN phát
Doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh thông tin: Về cơ bản, Tp. Hồ Chí Minh đã trở lại nhịp sống bình thường mới, đây là một thành quả rất to lớn, là công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp ở các quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, mặt trái của cuộc chiến phòng, chống dịch đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội thành phố, trong đó làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đã làm kinh tế thành phố quay lại vòng khó khăn khi vừa mới chớm phục hồi.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.
Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh ( HUBA) cho biết: Kết quả khảo sát nhanh của HUBA vào giữa tháng 8/2020 với phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng, cơ khí, nhựa, hóa chất cho kết quả như sau: Chỉ có 5% số doanh nghiệp đã chuyển về trạng thái hoạt động bình thường, 9% số doanh nghiệp bắt đầu vượt qua khó khăn và có đến 84% doanh nghiệp còn khó khăn và rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, 40% số doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 14% số doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, 88% số doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường. Bên cạnh đó, 52% số doanh nghiệp cho biết sẽ phải tiếp tục cắt giảm lao động. Về định hướng thời gian tới, 64% doanh nghiệp cho rằng sẽ phải tự lực cánh sinh mà không nhờ đến sự hỗ trợ, 60% nghĩ đến chuyện tìm giải pháp tiếp tục cắt giảm chi phí để tồn tại, 37% thu hẹp quy mô kinh doanh và 11% sẽ phải tạm ngưng hoạt động.
Một khảo sát quy mô rộng hơn cho thấy, sau hai đợt dịch COVID-19, có khoảng 10-15% doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động có hiệu quả, tăng trưởng dương; khoảng 20% doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định nhưng ở mức độ thấp nhằm đảm bảo duy trì được năng lực sản xuất cốt lõi, chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, chờ đợi thời cơ mới.
Khoảng từ 40-50% các doanh nghiệp có dấu hiệu cạn kiệt, suy yếu nghiêm trọng đặc biệt là về tài chính và nguồn nhân lực do thị trường bị thu hẹp quy mô, không ổn định, nguồn cung ứng bị đứt gãy, thiếu hụt dòng tiền dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, hoặc bị thua lỗ. Đặc biệt, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng đến nay ước tính có trên 20% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do khả năng tích lũy thấp, không đủ năng lực và điều kiện để tiếp tục hoạt động đã phải ngừng sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa.
Video đang HOT
“Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành và Thành phố đã sớm ban hành các chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp nhưng theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp việc triển khai các chính sách hỗ trợ vừa qua chưa mang tính “thời chiến”, chưa sát với thực tế nhu cầu và hoàn cảnh của doanh nghiệp. Ngoài chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, chưa có thông tin doanh nghiệp nào được vay tiền không tính lãi hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có doanh nghiệp nào được giảm các loại phí, lệ phí. Vấn đề mấu chốt nằm ở điều kiện cho vay và thủ tục cho vay chưa được thuận lợi đối với doanh nghiệp”, ông Chu Tiến Dũng phân tích thêm.
Tạo động lực cho phục hồi
Để đẩy nhanh tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đưa ra tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 với tinh thần đồng hành cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: TTXVN phát
Song song đó, đẩy mạnh các chương trình kích cầu trong nước như du lịch, các chương trình chi tiêu mua sắm, các gói đầu tư công, mua sắm của nhà nước… để phát triển mở rộng tổng cầu thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng quy mô các nhà máy chế biến nông sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, các ngân hàng cần cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền; ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường.
Về lâu dài, Thành phố cần nghiên cứu hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và chuyển đổi mạnh sang môi trường số hóa; tạo điều kiện để giảm mạnh chi phí sử dụng dịch vụ số. Các giao dịch, thủ tục hành chính giữa doanh nghiệp và chính quyền cần được đẩy mạnh giao dịch qua môi trường số, chính phủ điện tử, tăng cường các ứng dụng thông minh.
Đối với chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 cần phân chia ra làm 2 loại: Gói chính sách “cấp cứu” gồm chính sách tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động nên nới lỏng điều kiện và thủ tục thực hiện để doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất có thể.
Gói thứ hai, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần nhanh chóng thẩm định các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công. Đẩy mạnh chính quyền số, tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng tính minh bạch thông tin, làm sao để hồ sơ của các doanh nghiệp đến các sở, ngành, các doanh nghiệp có thể theo dõi được nếu thiếu thì công bố ngay để doanh nghiệp bổ sung. Cùng với đó, cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu nội địa, đẩy mạnh liên kết vùng.
Về chính sách dài hạn, Thành phố cần nhanh chóng triển khai, cụ thể hóa các chương trình, đề án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình số hóa; ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên FDI có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước để chia sẻ cơ hội cùng phát triển. Đẩy mạnh giao thương quốc tế đối với các đối tác quan trọng cũng như tận dụng một cách hiệu quả nhất cơ chế tự chủ mà Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho thành phố.
“Về phía doanh nghiệp, sớm thích nghi với một nền kinh tế không tiếp xúc, hạn chế tiếp xúc. Cụ thể, cần đổi mới tư duy quản lý và có tầm nhìn dài hạn, có sự liên kết sản xuất theo chuỗi của các doanh nghiệp trong hiệp hội với nhau, hạn chế sự đứt gãy nguồn cung nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Trong lúc khoảng thời gian thị trường bị thu hẹp do giãn cách, các doanh nghiệp dành thời gian này để sắp xếp lại hệ thống quản trị, vận hành của mình, bồi dưỡng, đào tạo bổ sung cho người lao động để thích ứng với tình hình mới, tạo ra những sản phẩm thích ứng với bối cảnh COVID-19 hiện nay.”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, muốn phục hồi kinh tế toàn thành phố nhanh trước mắt phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm; đồng thời, đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thực tế đã chứng mình rằng, chỉ cần “doanh nghiệp không bị phá sản thì doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi” và như “chiếc lò xo bị nén” sẽ bật lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.
Do đó, lãnh đạo thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải phát huy vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận khôi phục kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động để tạo động lực tăng trưởng. Về phía Thành phố, sẽ khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của thành phố, khắc phục hiện tượng “trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ” để các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc ghi nhận, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của thành viên. Từ đó, mạnh dạn đề xuất các giải pháp, hiến kế cùng Thành phố nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh phục vụ mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19.
Chuyển đổi số đang được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam
Tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề "Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững" của Diễn đàn VRDF 2020, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số có thể áp dụng cho Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19.
Ông Toomas Hendrik Ilves, nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Estonia tham luận trực tuyến tại Diễn đàn VRDF 2020.
Sẽ thất bại nếu bổ nhiệm bộ trưởng phụ trách chuyển đổi số
Ông Toomas Hendrik Ilves, nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Estonia, Chuyên gia xuất sắc Trung tâm phân tích chính sách châu Âu chia sẻ kinh nghiệm để có thể chuyển đổi số thành công. Ông khẳng định, số hóa quản trị sẽ vận hành tốt nếu được sự ủng hộ của công chúng.
"Đồng thời, các Chính phủ cần đưa số hóa trở thành một ưu tiên công. Theo đó, chuyển đổi số phải được tuyên bố là một mục tiêu chính sách, được cấp lãnh đạo cao nhất là nguyên thủ quốc gia với vai trò là một động lực chính trị của quá trình đó dẫn dắt và nêu rõ đó là một ưu tiên", ông khuyến nghị.
Ông cũng nhấn mạnh: "Có quá nhiều quốc gia thất bại khi họ đẩy nhiệm vụ này cho một cơ quan, bổ nhiệm một "bộ trưởng số" với quyền lực như các bộ trưởng khác, điều này đảm bảo chuyển đổi số sẽ thất bại bởi các bộ trưởng khác sẽ phớt lờ những gì "bộ trưởng số" nói", ông Toomas Hendrik Ilves chia sẻ.
Số hóa thành công khi các Chính phủ nhanh chóng cung cấp các dịch vụ công mà người dân ưa thích, ví dụ: kê khai thuế dễ dàng, đơn giản hóa các tương tác với bộ máy hành chính (đăng ký khai sinh, mua bảo hiểm y tế cho trẻ em, đăng ký xe ô tô hoặc gia hạn giấy phép lái xe).
"Số hóa sẽ chậm chạp khi thiếu ý chí chính trị từ phía Chính phủ", ông Toomas Hendrik Ilves lưu ý.
Theo chuyên gia này, đây là lúc cần đến dũng khí chính trị và sự lãnh đạo chính trị, bởi luôn có nhiều khó khăn khi thay đổi cách mọi người thực hiện công việc. Các công chức đã quen với một cách làm sẽ ngại thay đổi và công dân không phải lúc nào cũng hiểu được ý nghĩa của các chính sách mới.
Dự báo số hóa sẽ diễn ra trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp và sự đông đúc trong các cơ quan Chính phủ đã thúc đẩy số hóa nhanh hơn những gì người ta đã từng nghĩ trước khi xảy ra khủng hoảng, ông Toomas Hendrik Ilves cho biết, những Chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Những quốc gia đó cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới chắc chắn sẽ nảy sinh cho dù có thực hiện số hóa hay không, ông nói.
Mỗi vùng kinh tế trọng điểm cần một trung tâm chuyển đổi số
Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức.
Với một tổ chức, sự thay đổi này trước tiên là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu họ không làm thì không ai dám làm và có thể làm. Đồng thời, vì là tổng thể và toàn diện nên đó cũng là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức.
Ông nhấn mạnh, tại Việt Nam, chuyển đổi số là lĩnh vực đang được quan tâm hàng đầu, dẫn chứng là việc Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Hiện nay, 22 bộ, ngành và 55 tỉnh thành phố đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, Chính phủ cũng đã xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối Cổng Dịch vụ công các bộ, tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 9/2020, 19,1% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được triển khai.
Về giải pháp thời gian tới, ông Đường cho rằng cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chiến lược Chính phủ số, xây dựng hạ tầng chính phủ số, phát triển nhân lực chuyển đổi số, giao nhiệm vụ chuyển đổi số đến từng bộ ngành, địa phương, xây dựng trung tâm chuyển đổi số tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm làm nòng cốt chuyển đổi số cho khu vực.
Liên hệ giữa trí tuệ nhân tạo và sự phát triển bền vững của Việt Nam, TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Tập đoàn Vingroup cho rằng, AI có thể giải quyết các "bài toán" của Việt Nam như chữ viết & tiếng nói của Tiếng Việt, giao thông đô thị, y tế, giáo dục, sản xuất...; Giải quyết các vấn đề về an ninh quốc gia: bảo mật thông tin, sinh trắc học; Tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế khi làm chủ công nghệ mới.
Để phát triển thành công AI tại Việt Nam, ông Hưng cho rằng cần chú trọng xây dựng đội ngũ nhân tài cả về chất và lượng, nghiên cứu nền tảng & chuyên sâu về AI, đào tạo bài bản về AI cho thế hệ trẻ, tạo ra hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo trong phát triển & thương mại hoá sản phẩm AI.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cho dù thực hiện giải pháp gì, dù công nghệ có tối tân, hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định, dẫn dắt quá trình chuyển đổi, phát triển. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số.
TPHCM hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Ngày 24/9, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố tiếp cận với các gói giải pháp chuyển đổi số với chi phí phù hợp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. HUBA và Hiệp hội Tin...