TP Hồ Chí Minh linh hoạt điều tiết hoạt động tại các chợ truyền thống
Ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững được phòng tuyến bình ổn thị trường và không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đồng thởi mở rộng các điểm bán 0 đồng.
Đoàn viên thanh niên huyện Nhà Bè hỗ trợ người dân mua sắm thực phẩm tại siêu thị 2.000 đồng ở xã Hiệp Phước. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực tới cả kênh phân phối hiện đại lẫn mạng lưới chợ truyền thống, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực không ngừng để tăng cường giải pháp phòng chống dịch tại điểm bán lẻ .
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng chính quyền Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn linh hoạt điều tiết hoạt động thương mại, nhất là đối với mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu
Ghi nhận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trong thời gian gần đây số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống tạm đóng cửa có thời điểm lên đến gần 200 điểm bán.
Tuy nhiên, với quyết tâm dập dịch và linh hoạt điều tiết hoạt động thương mại trên địa bàn phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19, ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã giữ vững được phòng tuyến bình ổn thị trường và không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Đặc biệt, đối với những điểm bán phải tạm ngưng đóng cửa, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng phối hợp với lực lượng chuyên ngành để khẩn trương thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và xử lý tình huống cụ thể, nhằm đưa điểm bán sớm hoạt động trở lại.
Song song đó, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động tuân thủ và triển khai hướng dẫn của cơ quan chức năng, đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sau khi mở cửa hoạt động trở lại.
Video đang HOT
Siêu thị Co,op mart Nhiêu Lộc-Thị Nghè trên đường Trường Sa chỉ mở 1 cửa để hạn chế người ra vào phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Cụ thể, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp (đối tượng phổ biến mua sắm tại mạng lưới chợ truyền thống).
Đối với chợ tạm ngưng hoạt động cần thống kê rõ thông tin từ địa chỉ, số lượng tiểu thương… cho đến thời điểm tạm ngưng và dự kiến thời gian hoạt động trở lại.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, để các chợ tạm đóng cửa liên quan đến ca lây nhiễm sớm hoạt động trở lại, Ban quản lý chợ cần phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Riêng những chợ bị đóng cửa do không đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thì cần khẩn trưởng khắc phục để được hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Ở góc độ tiểu thương, chị Hà Minh, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mạng lưới chợ truyền thống là một trong những khu vực tập trung đông người ra vào, nên tiểu thương luôn chú trọng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho chính mình và khách hàng.
Trong thời gian qua, hầu hết tiểu thương đều bám sát quy định của Ban quản lý chợ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời kỳ vọng thành phố nhanh khống chế được dịch bệnh để bà con làm ăn sinh sống ổn định.
Cùng quan điểm, anh Mạnh Tuấn, tiểu thương chợ Thạnh Đông Tây, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay hoạt động bán buôn của tiểu thương tại chợ truyền thống hiện nay chỉ cầm chừng và tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19 để tiếp tục được duy trì kinh doanh.
Tuy nhiên, tại chợ cũng có không ít tiểu thương chủ động hy sinh lợi ích kinh tế, tạm đóng cửa quầy, sạp vì tình hình kinh doanh vừa ế ẩm, vừa quan ngại bị lây nhiễm dịch bệnh.
Mở điểm bán 0 đồng
Bên cạnh báo cáo nhanh hàng ngày về Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng không ngừng kết nối với nhiều đơn vị tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng đăng ký trước, điểm bán 0 đồng phục vụ người dân…
Qua đó, lực lượng liên ngành cũng thông tin kịp thời cho người dân yên tâm về việc bình ổn thị trường và cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; đồng thời khuyến cáo người dân không tụ tập đông người mua sắm tích trữ hàng hóa.
Siêu thị 0 đồng tổ chức vào các ngày thứ 2,4,6 hàng tuần, cung cấp miễn phí lương thực, nhu yếu phẩm cho người nghèo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Điển hình, chỉ sau hơn khoảng 1 tuần kể từ khi ” Siêu thị mini 0 đồng ” đầu tiên xuất hiện ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, thì thêm 3 siêu thị này đã được mở tại huyện Hóc Môn và quận Bình Tân.
Mô hình này, dự kiến hỗ trợ kịp thời cho khoảng 1.500 hộ gia đình nghèo, lao động khó khăn, công nhân bị mất việc… trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
“Siêu thị mini 0 đồng” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, cùng sự phối hợp của Sở Công Thương, Sở Y tế, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh… và có tham dự của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; trong đó, hơn 60 mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, vật dụng y tế như đường, sữa, dầu ăn, nước mắm, mì tôm, cháo gói… và đa dạng rau củ, quả tươi sống được đảm bảo lên kệ “Siêu thị mini 0 đồng” mỗi ngày.
Tương tự, Thành Đoàn-Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố – Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Casper Việt Nam triển khai chương trình tiếp sức mùa dịch với chủ đề “Tủ lạnh Thạch Sanh.”
Cụ thể, trong “Tủ lạnh Thạch Sanh” luôn được duy trì chứa đầy lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là những mặt hàng phục vụ bữa ăn hàng ngày hoàn toàn miễn phí cho người dân tại các khu vực trong Thành phố Hồ Chí Minh. 10 điểm đặt “Tủ lạnh Thạch Sanh” cũng là điểm tiếp nhận các tấm lòng hảo tâm trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh cho hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại 10 địa điểm trên địa bàn các quận, huyện như quận 4, 5, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, nhân viên Casper cùng đoàn viên thanh nhiên sẽ tổ chức kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn ở cổng ra vào và hướng dẫn người dân về việc giãn cách. Còn người dân khi đến nhận hàng hóa hỗ trợ cũng tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Lê Thị Triệu, cư ngụ tại Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ dịch COVID-19 kéo dài người dân không đi làm được nên lâm vào cảnh khó khăn, nên những hoạt động hỗ trợ kịp thời của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức, đoàn thể, cá nhân là vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Đặc biệt, nhiều người dân chỉ mong muốn được hỗ trợ những hàng hóa thiết yếu tiêu dùng hàng ngày, đảm bảo bữa ăn trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ghi nhận ý kiến của nhiều người dân đến những điểm tiếp sức và hỗ trợ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu miễn phí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều thách thức, mà doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền địa phương chăm lo an sinh xã hội thì đó là những tấm lòng vàng.
Vì vậy, mỗi người dân tham gia nhận hàng cứu trợ cần phải đảm bảo an ninh trật tự, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và chỉ nhận đủ dùng để có nhiều người hơn được san sẻ khó khăn trong mùa dịch.
TP HCM: Hạn chế chợ truyền thống, siêu thị "quá tải"
Nhiều nơi tại TP.HCM đã áp dụng phương án tạm thời dừng chợ truyền thống. Cạnh đó, chợ tạm cũng hoàn toàn ngưng hoạt động. Hệ quả là nhiều cửa hàng tiện dụng, siêu thị quá tải, người dân tập trung mua hàng đông gây ra nhiều nguy cơ khác.
Chị Phạm Thị Thảo Nguyên, nhân viên công ty xuất nhập khẩu thực phẩm CIVI tại Tân Cảng, TP.HCM cho biết: "Việc sửa soạn bữa ăn tối mỗi ngày đối với tôi khá khó khăn trong thời gian này. Những ngày đi làm về, các chợ trên đường về hầu như đã ngưng hoạt động, chỉ có lựa chọn là vào siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm tiện dụng để mua thức ăn. Tuy nhiên, thời điểm tôi đi làm về cũng là lúc mọi người tan tầm, lượng người tập trung tại những siêu thị hay cửa hàng rất đông, có hôm chen chúc nhau tính tiền, tôi thấy khá không an toàn. Việc mua sắm quá tải cũng khiến thực phẩm tươi sống hầu như không còn gì vào mỗi buổi chiều muộn".
Đó cũng là suy nghĩ của không ít người dân vào thời điểm này. Các chợ tự phát tạm dừng, chợ lớn trong nhiều khu vực cũng ngưng hoạt động, người dân tập trung đông đúc tại các cửa hàng thực phẩm tiện dụng và thường phải chịu cảnh quá tải, thiếu thực phẩm. Giới văn phòng còn có thể mua sắm online, dù không phải lúc nào cũng tiện dụng. Tuy nhiên, bất tiện lớn là đối với không ít người lao động nghèo, vốn quen với các chợ công nhân, chợ tự phát, nay cũng than phiền khi chịu mức giá cao hơn vì phải vào siêu thị mua sắm.
Anh Nguyễn Văn Tiêu, bảo vệ ngân hàng tại khu vực phường Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: "Thực ra tôi thấy đi chợ nếu giữ "5K" thì cũng khá an toàn. Hôm trước đi chợ thấy giăng dây, hạn chế tiếp xúc, mình chỉ việc ngồi trên xe, hỏi giá, chọn mua, rồi lấy hàng, để tiền lại và về. Còn đi siêu thị mini thấy trong phòng máy lạnh mà chen chúc đông mấy chục người, mỗi ô xếp hàng 4, 5 người, chỗ thì chật, muốn đứng xa nhau cũng không phải dễ, nên mỗi lần đi siêu thị mini tôi lại ngần ngại lắm, ngặt nỗi chợ gần nhà đóng cửa gần hết nên không không có nhiều lựa chọn".
Việc ngưng bán tại nhiều chợ dân sinh cũng đang gây một số ý kiến trong cộng đồng, nhất là khi lượng người mua hàng giờ đây tập trung đông đúc tại các siêu thị lớn nhỏ, dễ gây ra nhiều hệ lụy.
TP.HCM hiện vẫn đang cân nhắc việc kiên quyết đóng cửa nhiều chợ truyền thống. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất, nên áp dụng mô hình của các chợ quận 8 đang thực hiện: mô hình chợ truyền thống cho luân phiên tiểu thương bán hàng, hôm nay hộ này thì ngày mai hộ khác. Các hộ kinh doanh phải ký cam kết bộ tiêu chí an toàn, nếu vi phạm sẽ tạm ngừng kinh doanh.
Việc đóng cửa chợ truyền thống là giải pháp hạn chế dịch, nhưng có thể là giải pháp không triệt để, khi "ngăn" ở phía này lại tạo nguy cơ ở nơi khác. Đồng thời, việc ngưng mỗi một chợ dân sinh truyền thống cũng gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của không ít người dân. Nên chăng có một giải pháp căn cơ, lưỡng toàn hơn dựa trên kinh nghiệm của nhiều quận, huyện, địa phương đã thực hiện hiệu quả, thay vì đóng cửa triệt để?
'Bán chưa kịp trả tiền thừa khách đã chạy, đâu kịp hỏi tên và số điện thoại' Đó là câu trả lời của nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM sau khi đọc công văn hỏa tốc tăng cường "siết" hoạt động mua bán tại chợ truyền thống để phòng chống dịch Covid-19 của Sở Công thương TP.HCM ngày 26.6. Chợ truyền thống ở Q.Tân Bình giăng dây giữa người bán và người mua . ẢNH:...