TP HCM sẽ thành lập Sở Du lịch
“Quy mô hoạt động ngành du lịch của TP HCM ngày càng lớn nhưng bộ máy quản lý thì ngày càng nhỏ, vì vậy thành phố nhất định phải có Sở Du lịch để quản lý tốt hơn”, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, 6 tháng đầu năm nay có 1,9 triệu lượt khách quốc tế đến TP HCM (tăng 5% so với cùng kỳ), cao gần gấp đôi so với tăng trưởng của cả nước (2,6%) và chiếm 54% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Tính đến nay, TP HCM có hơn 1.800 cơ sở lưu trú với 42.000 phòng nghỉ được xếp hạng cùng với 29.000 doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngành du lịch. Tuy nhiên, quy mô hoạt động ngành du lịch thành phố ngày càng lớn thì bộ máy quản lý nhà nước càng nhỏ. Nhất là sau khi sáp nhập ngành Du lịch vào Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì nhân sự cho ngành này càng thiếu.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng, thành phố cần phải cần phải có Sở Du lịch để quản lý tốt hơn. Ảnh: Hữu Công.
Vì vậy, theo bà Hồng để phát triển ngành du lịch của TP HCM một cách chuyên nghiệp, nhất định phải có Sở Du lịch riêng biệt để quản lý. “Thành phố đã kiến nghị trung ương cho phép được thành lập Sở Du lịch nên ngay từ bây giờ các ngành liên quan phải phối hợp với Sở Nội vụ hoàn thiện đề án”, bà Hồng yêu cầu.
Mới đây, vụ việc Công ty du lịch Travel Life bỏ rơi 700 du khách ở Thái Lan đã khiến dư luận bức xúc trách nhiệm quản lý của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP HCM vì mãi cho đến khi xảy ra sự việc thì Sở mới biết đơn vị này chưa có giấy phép tổ chức tour quốc tế.
Trong những năm gần đây, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của TP HCM (đóng góp 11 – 15% GDP của thành phố và 6% doanh thu du lịch cả nước). Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng cướp giật, lừa đảo, bắt chẹt du khách trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến ngành du lịch và làm xấu hình ảnh đất nước. Thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM từ 10 khách sạn và 10 công ty lữ hành lớn ở thành phố trong năm 2012 đã có 255 vụ cướp giật tài sản của khách nước ngoài.
Video đang HOT
Sở Ngoại vụ TP HCM đã tiếp nhận 222 đơn thư, công hàm phản ánh về tình trạng cướp giật liên quan đến người nước ngoài và các vụ trộm tại nhà riêng của nhân viên. Trong khi đó, ngành Công an TP HCM ghi nhận trong năm 2012 có 117 vụ và phần lớn là cướp giật tài sản.
Trong các nỗ lực chuyên nghiệp hóa hoạt động ngành du lịch, mới đây TP HCM đã chỉ đạo thử nghiệm tổng đài du lịch 1087 nhằm cung cấp thông tin, trợ giúp giải đáp thắc mắc cho du khách trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực du lịch của thành phố với hai ngôn ngữ Anh và Việt suốt 24/24. Tổng đài cũng cung cấp các thông tin về an ninh du lịch (trên cơ sở quy chế phối hợp Tổng đài 113 và với Công an thành phố); Hỏi – đáp, góp ý về chính sách du lịch, sản phẩm du lịch; Thương mại du lịch, tư vấn thương mại du lịch và về tiêu dùng du lịch.
Theo VNE
Vụ 700 khách bị bỏ rơi: Rước họa vì ham rẻ
Vụ Travel Life đưa đoàn hơn 700 du khách sang Thái Lan rồi để họ bơ vơ, đói khát trong nhiều ngày chính là hệ quả từ kiểu làm ăn chụp giật của nhiều công ty lữ hành, qua đó cho thấy lỗ hổng trong quản lý hoạt động du lịch
Ngày 18-6, 344 khách còn lại của tour du lịch do Công ty Thương mại Dịch vụ Cuộc sống Du lịch Việt (Travel Life) tổ chức đã từ Thái Lan trở về Việt Nam trong tâm trạng bải hoải, bức xúc cao độ sau những ngày bị bỏ rơi đói khát nơi đất khách. Trước đó, đêm 17-6, 357 khách đầu tiên trong đoàn này đã về đến Việt Nam. Đại diện một số công ty du lịch uy tín cho rằng trong số các công ty hoạt động về lữ hành có không ít "con sâu" như vụ đem con bỏ chợ của Travel Life, làm hỏng "nồi canh" du lịch nước nhà.
Travel Life đăng ký kinh doanh tại 34 Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình nhưng văn phòng thì đặt tại 26/30 Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP HCM; cửa đóng im ỉm trong ngày 18-6. Ảnh: TẤN THẠNH
"3 không" vẫn bán tour quốc tế
Trong công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP HCM, ông Lã Quốc Khánh, cho biết: "Qua theo dõi, thông tin từ các doanh nghiệp du lịch và phối hợp với Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP HCM, ngày 17-6, sở đã thành lập đoàn công tác do thanh tra sở và Phòng Lữ hành phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin quận Tân Phú cùng chính quyền địa phương đến làm việc tại Văn phòng Công ty Travel Life. Đơn vị này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0311181292 ngày 23-9-2011 tại địa chỉ 34 Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình. Tuy nhiên, công ty không treo biển hiệu và không có văn phòng tại địa chỉ này mà hoạt động tại số 26/30 Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.
Nhiều du khách đi tour của Travel Life uể oải về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) vào tối 17-6. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Tại thời điểm kiểm tra, giám đốc công ty cũng là người đại diện pháp luật, bà Nguyễn Thị Kim Khánh, vắng mặt. Do công ty không có biên chế phó giám đốc và trưởng phòng nên đoàn công tác chỉ làm việc với các nhân viên tại chỗ của công ty. Theo trình bày của các nhân viên, mọi hoạt động tổ chức đưa đoàn 701 khách sang du lịch Thái Lan (trong đó có 17 nhân viên của Travel Life) do bà Khánh đảm nhiệm, điều hành trực tiếp.
Theo bà Trần Thị Thùy, nhân viên kế toán, đến nay, Travel Life đã thu khoảng 4,5 tỉ đồng của Công ty Herbalife để tổ chức tour du lịch Thái Lan 6 ngày (từ ngày 12, 13-6 đến ngày 17, 18-6) cho các khách hàng của Herbalife. Số tiền này do bà Khánh quản lý và trực tiếp chỉ đạo chi trả để thực hiện chương trình tour nên các nhân viên khác đều không biết chi tiết cụ thể việc thanh toán như thế nào, chỉ biết đến nay Travel Life còn nợ tiền vé máy bay của phòng vé Công ty Sinh Đôi khoảng 197 triệu đồng và phòng vé Công ty Mỹ Úc Á khoảng 400 triệu đồng.
Công ty hiện cũng chưa thanh toán đầy đủ các dịch vụ du lịch cho phía đối tác tại Thái Lan nên họ từ chối cung cấp dịch vụ cho đoàn, dẫn đến tình trạng khách bị bỏ đói, bị cho ở ghép phòng...
Theo đánh giá của Sở VH-TT-DL TP HCM, Travel Life không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động tại 26/30 Tân Sơn Nhì; không thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành cho sở; không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Vậy mà công ty đã tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế và chào bán các chương trình tour du lịch quốc tế trên website travellifevn.com (!).
Tiền nào của đó
Vụ Travel Life bỏ rơi khách không phải là trường hợp cá biệt. Tình trạng làm ăn chụp giật, phá giá đã xảy ra khá nhiều trong lĩnh vực lữ hành. Bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc Công ty Du lịch Viettours, cho biết: "Thông thường, giá tour trung bình đi Thái Lan không dưới 400 USD/khách (hơn 8 triệu đồng). Thử hỏi các công ty chào bán dưới 8 triệu đồng/khách thì làm sao bảo đảm chất lượng? Từ đó dẫn đến tình trạng cắt xén chương trình tour; đưa khách đi mua sắm nhiều thay vì tham quan các danh thắng; ở các khách sạn quá xa trung tâm với dịch vụ nhếch nhác...
Nhiều công ty ra rả quảng cáo với giá rất rẻ, gây ngộ nhận cho du khách khi chọn mua tour trong khi giá tour họ chào chưa bao gồm tiền tip, tiền thuế sân bay; tour khởi hành vào ban đêm, về từ sáng sớm nên mất đứt 1 ngày của khách".
Đồng quan điểm, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng: Gần đây, đa số khách hàng quan tâm đến giá cả nhiều hơn chất lượng nên đã dẫn đến tình trạng nhiều công ty sợ mất khách hàng, chấp nhận đưa ra mức giá quá thấp, thấp đến mức không thể bảo đảm chất lượng tour. Sau đó, họ lại ép các nhà cung cấp dịch vụ giảm chất lượng. "Đối với du khách, du lịch không thể là sản phẩm "có thể dùng thử", không thể cảm nhận chủ quan mà phải được đánh giá thông qua việc tổ chức các đoàn khách lớn, các giải thưởng trong và ngoài nước" - ông Duy nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tình trạng công ty du lịch bỏ rơi du khách, nhất là ở nước ngoài như trường hợp của Travel Life, là không thể chấp nhận. Vụ này đã tạo hình ảnh nhếch nhác về du lịch Việt Nam. Còn ông Võ Anh Tài, Chủ tịch Hội Lữ hành TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, khẳng định: Đã đến lúc báo động tình trạng các công ty lữ hành thành lập tràn lan, thiếu năng lực tổ chức lại cạnh tranh không lành mạnh, gây bát nháo trên thị trường, ảnh hưởng đến du khách.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, thậm chí kiểm tra nhưng chưa lập lại trật tự. Đặc biệt, đối với tour MICE (du lịch kết hợp hội chợ, hội nghị...), khi phải tổ chức tour cho một số lượng khách hàng lớn từ 100 khách trở lên thì năng lực tổ chức, lượng nhân sự, thương hiệu của nhà tour cũng như năng lực của các đối tác của nhà tour rất quan trọng... Vì thế, không phải nhà tour nào cũng thực hiện được. Chuyện nhà tour bỏ của chạy lấy người, bỏ rơi du khách không phải xảy ra lần đầu và không phải chỉ ở các công ty Việt Nam mà vào năm ngoái, Công ty Lanta Tour của Nga cũng đã bỏ rơi đến 3.000 du khách ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
"Các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm khắc xử lý những nhà tour "làm rầu nồi canh" như vậy để làm sạch môi trường du lịch" - ông Tài đề nghị.
Đề nghị công an vào cuộc Trước câu hỏi về hình thức xử lý đối với Công ty Travel Life, tối 18-6, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL, khẳng định dấu hiệu lừa đảo trong vụ này rất rõ. Một là Travel Life đã kinh doanh trái pháp luật, dù không được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn đưa người ra nước ngoài. Hai là thu tiền của đối tác nhưng không cung ứng dịch vụ. "Khi đoàn kiểm tra đến, giám đốc của Travel Life tắt điện thoại và không hợp tác. Chúng tôi đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc" - lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết. Cũng theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, sự xuất hiện các công ty "ma", công ty kinh doanh không có giấy phép gần đây đang có xu hướng phát triển. Do vậy, sắp tới, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường quản lý hoạt động của các công ty lữ hành.
Theo vietbao
Từ vụ bỏ rơi du khách, ngẫm về chuyện mua danh, bán danh "Đến hẹn lại lên"... cứ mỗi lần xảy ra chuyện, dư luận bức xúc lên tiếng thì gần như lại dẫn tới một kịch bản khá phổ biến là các ngành chức năng mới "té ngửa' rằng nơi đó (công ty, cây xăng...) kinh doanh không có giấy phép (bao lâu mà không ai biết?) Khách du lịch Việt Nam bị Travel Life...