TP HCM giảm tải cho y bác sĩ như thế nào
Sở Y tế TP HCM yêu cầu các đơn vị đã rút người khỏi bệnh viện dã chiến phải bổ sung nhân lực thay thế; đảm bảo thời gian nghỉ, chế độ ăn uống hợp khẩu vị, không để nhân viên y tế làm hành chính.
Trong văn bản gửi các quận huyện, bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19 và các khu cách ly F0, ngày 12/9, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm ý kiến của Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng, chống Covid-19 (Bộ Y tế) tại TP HCM.
Về nhân sự , Sở yêu cầucác đơn vị đã rút nhân viên khỏi bệnh viện dã chiến phải lập tức bổ sung người thay thế, bảo đảm quân số, tránh tạo áp lực lên các nhân viên còn lại.
Các đơn vị phải hạn chế tối đa rút nhân sự đang tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại thành phố của các đoàn đang chi viện. Chỉ thực hiện rút người trong tình huống cấp bách và có sự chấp thuận của Bộ Y tế (với đơn vị thuộc Bộ) và của Sở Y tế (với đơn vị thuộc Sở).
Trước khi rút người, các đơn vị chuẩn bị sẵn nhân sự thay thế luân phiên, đảm bảo đủ quân số đã hỗ trợ trước đó và có thời gian bàn giao hướng dẫn cho đoàn tiếp nhận công việc mới ít nhất một tuần trước khi rút.
Để lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế có thời gian nghỉ phục hồi sức khỏe sau các ca trực, Sở đề nghị không phân công thêm việc hành chính cho họ. Nếu thiếu người phải bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên.
Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế huy động nhân lực chuyên môn tham gia hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 của TP HCM, đặc biệt là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng có khả năng cấp cứu, hồi sức để phân bổ cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục huy động lực lượng tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân, hành chính, hậu cần tại các đơn vị trên, nhằm giảm tải cho nhân viên y tế. Các “cựu F0″ sẽ được ký hợp đồng làm việc với các chế độ, chính sách hỗ trợ.
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức hồi tháng 7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn
Liên quan việc chăm lo đời sống cho nhân viên y tế, Sở yêu cầu các đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền. Trường hợp nhân viên y tế không may mắc Covid-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày (120.000 đồng) chứ không áp dụng chế độ của người bệnh như trước (80.000 đồng).
Video đang HOT
Việc giám sát chất lượng suất ăn hàng ngày của các nhà cung ứng tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly tập trung F0… sẽ do Ban chỉ đạo phòng chống dịch, giám đốc bệnh viện thực hiện, đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi, ngon. Trường hợp nhà cung cấp suất ăn không có chuyển biến tốt, suất ăn không đảm bảo, sẽ phản ánh về Sở.
Sở cũng lưu ý, lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong khu điều trị đối với nhân viên y tế, “tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế”.
Hôm 6/9, Bộ Y tế bày tỏ lo ngại y bác sĩ nghỉ việc, gửi công văn đến các địa phương đề nghị bố trí nhân lực đảm bảo khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid và không Covid; khen thưởng y bác sĩ kịp thời; có cơ chế xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhân viên y tế tự ý bỏ việc, bỏ nhiệm vụ. Nội dung thứ ba này gây nhiều ý kiến trái chiều , trong bối cảnh dịch bùng phát, đội ngũ y tế chịu nhiều áp lực về công việc, cuộc sống, thu nhập…
Một ngày sau, trong công văn gửi lãnh đạo TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trung bình một bác sĩ, điều dưỡng đang chăm sóc 140-150 bệnh nhân Covid-19, trong khi suất ăn 120.000 đồng một ngày, áp lực công việc nhiều, nhân sự thiếu, nguy cơ lây nhiễm thường trực…
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, HĐND TP HCM khóa 10 đã thông qua mức chi hỗ trợ một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, một số bệnh viện đã thực hiện chi trả.
Vượt qua nhiễm SARS-CoV-2, bác sĩ lăn xả giành sự sống bệnh nhân Covid-19
Xung phong chi viện cho tuyến đầu khốc liệt, 2 tháng qua, các y bác sĩ gần như quên ăn, quên ngủ. Có những người dù mắc Covid-19 nhưng khi bình phục vẫn tiếp tục giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Khi số lượng ca mắc Covid-19 ở TPHCM tăng cao cũng là lúc các bệnh viện quá tải, hàng trăm nhân viên y tế tại Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường chi viện cho TPHCM.
Sau gần 2 tháng chiến đấu trên "mặt trận không tiếng súng" ấy, một số y bác sĩ đợt 1 chuẩn bị rời tâm dịch trở về, ai nấy đều không thể quên những ca cấp cứu xuyên đêm, những bệnh nhân ra đi trên tay của mình hay những niềm hạnh phúc vô bờ khi bệnh nhân hồi phục kỳ diệu...
"Vắt kiệt sức" mỗi ngày
Ròng rã gần 2 tháng qua, bác sĩ Đinh Hoàng Anh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) được chi viện tới Khoa ICU 2B - Bệnh viện hồi sức Covid-19 (thành phố Thủ Đức, TPHCM). Đây là nơi đón và điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch từ các bệnh viện xung quanh chuyển đến, hầu hết bệnh nhân phải hỗ trợ hô hấp như thở oxy lưu lượng cao, thở máy...
Bác sĩ Đinh Hoàng Anh làm việc tại Khoa ICU 2B, Bệnh viện hồi sức Covid-19.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Khoa ICU 2B luôn trong tình trạng quá tải, nhiệm vụ mà kíp của anh được phân công là điều trị 40 bệnh nhân nhưng lúc nào cũng trên 50-52 bệnh nhân, trong khi đó chỉ có 6-8 bác sĩ cho một kíp phụ trách điều trị.
Vì là ở khoa tiếp nhận bệnh nhân nặng nhất nên đội ngũ y tế ở đây luôn phải cẩn thận theo dõi từng thông số trên máy thở, chỉnh từng bình truyền, bơm từng lọ thuốc cho bệnh nhân. Trong "trận chiến" này, mọi nỗ lực đều được tính bằng phút, bằng giây, bởi lằn ranh giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân rất mong manh.
"Lúc lên đường cũng đã tính trước những khó khăn sẽ gặp phải. Đội ngũ y bác sĩ chỉ cần sơ sẩy là bệnh nhân tử vong. Do thiếu trầm trọng nhân viên y tế nên bác sĩ phải làm luôn công việc của các điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý...", bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
Điều dưỡng Mai Tuyên Huấn (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) cũng được điều động làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, cho biết: "Bình thường mỗi ngày sẽ chia 3 ca 4 kíp, hai ca sáng - chiều 8 tiếng, ca đêm dài hơn chút là 10 tiếng.
Đội ngũ y bác sĩ chuẩn bị vào ca làm tại Bệnh viện hồi sức Covid-19.
Tuy nhiên, có lúc bệnh nhân đông, nguy cấp thì việc một ngày ngủ 2-3 tiếng hay xuyên đêm cấp cứu bệnh nhân cũng thường xuyên. Bữa ăn trưa của chúng tôi sẽ vào lúc 16h, còn bữa tối là 23h. Sau khi rời khỏi ca trực, ai cũng gần như vắt kiệt sức lực, thế nhưng nghỉ ngơi xong lại tiếp tục lao vào công việc như một cái máy".
Điều dưỡng Mai Tuyên Huấn vẫn ám ảnh mỗi khi có những người bệnh trở nặng, diễn biến rất nhanh và tử vong xung quanh chẳng có người thân, bản thân đội ngũ y bác sĩ cũng phải lo sắp xếp giải quyết hậu sự.
Cũng làm việc tại đây, điều dưỡng Lại Thị Phương Thảo (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) qua gần 2 tháng trực chiến, hằng ngày đối diện với gần 100 bệnh nhân đang nằm thoi thóp, dù cố gắng đến đâu thì cũng không thể cứu chữa được tất cả. Đã không ít lần điều dưỡng Thảo chứng kiến bệnh nhân xấu số ra đi ngay trước mắt mà không khỏi xót xa.
Bình phục sau mắc Covid-19, lại tiếp tục "chiến đấu"
Theo bác sĩ Hoàng Anh, do nồng độ virus trong không khí cao nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn, nhân viên y tế có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào.
Bình phục sau khi mắc Covid-19, bác sĩ Hoàng Anh (phải) lại tiếp tục "chiến đấu" cùng đồng nghiệp.
Bác sĩ Hoàng Anh cũng không tránh khỏi, anh bị phơi nhiễm sau 14 ngày làm tại ICU. Sợ gia đình lo lắng nên bác sĩ Hoàng Anh không dám gọi điện về nhà.
"2 tháng qua đúng là quãng thời gian không thể quên trong cuộc đời bác sĩ của mình. Vào tâm dịch được gặp gỡ anh em từ khắp mọi miền đất nước, từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện K, Bệnh viện E... và gặp cả những người anh, người thầy mình kính trọng... Tất cả đều chung một mục đích cùng nhau cố gắng giành giật sự sống cho bệnh nhân; cùng nhau trải qua khó khăn vất vả; động viên nhau cùng cố gắng....", bác sĩ Hoàng Anh tâm sự.
"Khi biết mình phơi nhiễm, lúc đầu cũng lo nhưng rồi nghĩ mình tiêm vắc xin rồi, bản thân lại là bác sĩ nên mình cũng yên tâm phần nào. Mình phơi nhiễm khi công việc đang vô cùng quá tải, kíp của mình lúc đó còn có 5 bác sĩ. Thương anh em vô cùng, như người lính ra trận bị thương chỉ mong nhanh chóng hồi phục để không làm gánh nặng cho mọi người", bác sĩ Hoàng Anh tâm sự.
Sau 8 ngày điều trị, cho kết quả âm tính, bác sĩ Hoàng Anh lại tiếp tục lăn xả vào "cuộc chiến" cùng đồng nghiệp.
Giống như bác sĩ Hoàng Anh, điều dưỡng Mai Tuyên Huấn cũng mắc Covid-19 sau gần nửa tháng vào tâm dịch. Lúc ra viện, anh Huấn vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tải lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm không còn. Nhận thấy lực lượng y tế chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại đây đang bị thiếu hụt, anh Huấn tiếp tục quay trở lại công việc.
Đội ngũ nhân viên y tế Thanh Hóa chia tay Bệnh viện hồi sức Covid-19 sau 2 tháng làm nhiệm vụ tại đây.
"Có những bệnh nhân sau khi được chữa khỏi, họ xin tình nguyện ở lại phục vụ chăm sóc những người bệnh khác dù không thân thích họ hàng. Vì thế, bản thân mình không có lý do gì mà không chiến đấu hết mình cùng anh em đồng nghiệp khi bệnh tình đã ổn định", điều dưỡng Mai Tuyên Huấn bộc bạch.
Với đội ngũ y bác sĩ, mọi gian nan, hiểm nguy sẽ được đổi bằng niềm hạnh phúc mỗi khi cứu sống được bệnh nhân nặng từ cõi chết trở về. Niềm vui ấy đã xua tan mọi mệt nhọc, niềm tin và hy vọng chiến thắng dịch Covid-19 càng mạnh mẽ hơn.
Bác sĩ ở TP.HCM: Có F0 đã đến bên 'cửa tử' khi mới hơn 20 tuổi Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh các y bác sĩ phải chạy đua để giành giật sự sống cho những trường hợp này. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (do Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý) có công suất 1.000 giường, được thiết lập trên cơ sở trưng dụng một phần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở...