TP HCM “giải trình” với Chính phủ vi phạm về đất đai
Trong phần “giải trình” của mình, UBND TP HCM đã nhận thiếu sót trước Thủ tướng Chính phủ trong quá trình triển khai dự án.
UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra về đất đai tại TP.
Đầu tiên là việc điều chỉnh quy hoạch 8 khu chức năng tại Khu đô thị mới Nam TP, UBND TP nhận thiếu sót khi chưa xin ý kiến của Thủ tướng mà đã ban hành Quyết định 5080/1999, trong đó có điều chỉnh 8 khu chức năng.
Tuy nhiên, theo UBND TP, việc điều chỉnh này không làm thay đổi định hướng phát triển quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, nội dung điều chỉnh này đã lấy ý kiến Bộ Xây dựng và Quyết định 5080 đã được thay thế bởi Quyết định 6555/2005. Nội dung quy hoạch tại Quyết định 6555 đã được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/2010, đồng thời được cập nhật vào Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/5.000 (quy hoạch phân khu) Khu đô thị mới Nam TP và được UBND TP phê duyệt tại Quyết định 6692/2012.
Để có cơ sở quản lý và tiếp tục triển khai các dự án, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển đổi 8 khu chức năng tại Quyết định 5080 và cho phép UBND TP tiếp tục thực hiện Quyết định 6555.
Đối với dự án khu dân cư quy mô 28,2 ha tại xã Bình Hưng – huyện Bình Chánh do Công ty TNHH Xây dựng Đại Phúc làm chủ đầu tư (giao đất năm 2004), dự án khu dân cư quy mô 2 ha tại phường An Lạc – quận Bình Tân do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành làm chủ đầu tư (giao đất năm 2005) và dự án khu dân cư tại phường An Lạc – quận Bình Tân do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Nam làm chủ đầu tư (giao đất năm 2009), Sở Tài nguyên Môi trường đã tham mưu UBND TP quyết định giao đất trên cơ sở quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được phê duyệt và theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004 và Nghị định 69/2009 của Chính phủ. Sau đó, các dự án trên đều được UBND TP chấp thuận cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
UBND TP nhận thiếu sót khi điều chỉnh quy hoạch 8 khu chức năng tại Khu đô thị mới Nam TP mà chưa xin ý kiến Thủ tướng
Về việc xử lý dự án xây dựng khu chung cư của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương chậm tiến độ. Đầu tiên, dự án Chung cư A22 có diện tích 13.704 m2 (tại Khu 13A – Khu chức năng số 13 – Đô thị mới Nam TP) do Công ty CP Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang làm chủ đầu tư. Sau đó, Công ty Hồng Quang đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Ngọc Đông Dương để tiếp tục thực hiện dự án.
Video đang HOT
Công ty Ngọc Đông Dương cam kết tháng 12-2013 sẽ khởi công xây dựng nhưng sau đó công ty nêu lý do vì những khó khăn về tài chính nên kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ để triển khai thực hiện dự án. Đến năm 2016, công ty vẫn chưa khởi công xây dựng theo cam kết và cũng không thực hiện báo cáo giám sát đầu tư. Ban Quản lý Khu Nam đã có báo kiến nghị UBND TP giao Sở Tài nguyên Môi trường thanh tra về tình hình sử dụng đất và xử lý theo quy định.
Đến tháng 6-2018, Ban Quản lý Khu Nam đã yêu cầu Công ty Ngọc Đông Dương cam kết tiến độ thực hiện và xây dựng hoàn thành công trình đầu tư dự án. Nếu không triển khai sẽ xử lý theo quy định. Sau đó, Công ty Ngọc Đông Dương có văn bản cho biết trong tháng 8-2018 sẽ lập thủ tục để thực hiện dự án.
Ngoài ra, UBND TP cũng báo cáo Chính phủ việc giải quyết 17 dự án chồng lấn hành lang an toàn giao thông, trong đó có dự án của Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn xây dựng hạ tầng kỹ thuật lấn đất xây dựng giao thông và công trình công cộng để làm nhà ở, chuyển nhượng đất khi chưa được giao; giải quyết các dự án không xây dựng, để trống tại lô 13A, 13B, 13C thuộc dự án khu dân cư – Khu đô thị mới Nam TP; việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện của Khu dân cư 6A do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư; việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện của dự án khu dân cư Hồ Học Lãm do Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư:
Cần nhắc lại, từ năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận 2889 chỉ ra hàng loạt dự án có sai phạm trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại TP. Tuy nhiên, do việc xử lý sau thanh tra kéo dài nên hồi tháng 7, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo TP xử lý dứt điểm.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP cũng đã có nhiều báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm và vi phạm nêu trong Kết luận thanh tra 2889.
Theo đó, các cơ quan gồm Sở QH-KT; Sở TN-MT; Sở Xây dựng; Ban Quản lý Khu Nam; UBND các quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh… đã bị phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Theo Phan Anh
Người Lao động
"Mắc kẹt" vì... tiền sử dụng đất
Hàng trăm dự án bất động sản có nguy cơ chậm tiến độ do tắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất.
Cách đây vài tháng, ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Novaland cho biết, doanh nghiệp của ông đang bị "treo" 14 dự án chưa thể hoàn thành việc đóng tiền sử dụng đất. Trong đó, 4 dự án đã nộp tiền sử dụng đất nay do điều chỉnh quy hoạch dẫn đến phải nộp bổ sung, còn lại 10 dự án đang trong quy trình, thủ tục xác định giá đất chưa biết khi nào hoàn tất.
Doanh nghiệp bị vạ
Đại diện Novaland cho biết thêm, Tập đoàn đã liên tục kiến nghị UBND TP HCM xem xét giải quyết cho được sớm nộp tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất phát sinh bổ sung, kể cả các trường hợp xin được tạm nộp tiền sử dụng đất và cam kết nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) của 14 dự án. Nếu được giải quyết sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản vận hành thông suốt.
Trường hợp của Novaland không phải hiếm trên thị trường bất động sản. Trước đó, sau nhiều lần xin nộp tiền sử dụng đất không thành, CTCP Đầu tư Times Square đã gửi văn bản đến UBND TP HCM đề nghị sớm giải quyết cho nộp tiền sử dụng đất của dự án Times Square tại khu đất 57-59 Đồng Khởi và số 23-26 Nguyễn Huệ (quận 1).
Công ty này phản ánh dù đã có rất nhiều chỉ đạo, hướng dẫn từ năm 2012, nhưng công ty vẫn chưa được xác định nghĩa vụ tài chính cho dự án trên. Việc chậm xác định tiền sử dụng đất làm công ty bị thiệt hại do thời gian khấu trừ tiền thuê đất đã nộp bị giảm, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Việc xác định tiền sử dụng đất của cơ quan chức năng kéo dài quá lâu còn khiến các thủ tục liên quan đến cấp phép dự án tắc, còn doanh nghiệp "vượt rào" thì bị vạ. Trường hợp CTCP Thương mại Phú Nhuận - chủ đầu tư dự án Thương mại, dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 128 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận (có tên thương mại là Orchard) là một ví dụ.
Ông Bùi Hữu Phúc - GĐ doanh nghiệp thừa nhận: "Quy định chuyển đổi cơ quan phê duyệt thẩm định giá từ Sở Tài chính sang Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) kéo dài quá lâu, trong khi đơn vị tư vấn thẩm định giá trúng thầu ban đầu lại bỏ giữa chừng... khiến chúng tôi không thể hoàn tất các thủ tục pháp lý cho toàn bộ dự án. Trước áp lực tiến độ nên doanh nghiệp chấp nhận bị phạt".
Cơ quan quản lý phải "phá lệ"
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM thừa nhận, hiện nay DN xin nộp tiền sử dụng đất không phải dễ. Bởi theo quy định mới của Luật Đất đai 2013, việc xác định tiền sử dụng đất phải qua 3 bước: Đầu tiên DN phải qua Sở TNMT xác định phương án giá đất. Sở TNMT phải tổ chức đấu thầu và chọn đơn vị thẩm định giá có chi phí thấp nhất. Khi đơn vị thẩm định đưa ra được giá đất theo giá thị trường sẽ trình liên sở là Sở TNMT và Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt. Cuối cùng phải được Hội đồng thẩm định giá đất TP phê duyệt khi đó DN mới được đi đóng.
Sơ đồ quy trình thực hiện xác định tiền sử dụng đất của dự án tại thành phố
"Mục đích của quy định này là muốn có cơ chế kiểm tra chéo để DN không bị hành và có một con số chính xác nhất, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để hoàn thành được thủ tục này DN phải mất từ 1 - 3 năm mới đóng xong tiền sử dụng đất là chuyện bình thường" - ông Châu cho biết.
Quy định được cho chặt chẽ là vậy nhưng trên thực tế đã có không ít con số vênh nhau. Điển hình như một dự án ở khu Nam Sài Gòn, tiền sử dụng đất chỉ hơn 10 tỷ đồng nhưng đơn vị thẩm định giá đưa con số 80 tỷ đồng gây rất nhiều khó khăn cho DN với cơ quan quản lý để đi đến thống nhất một con số.
Về phía DN, Novaland sau nhiều lần gửi công văn xin nộp tiền sử dụng đất buộc cơ quan quản lý phải "phá lệ". Hiện 11 trong tổng số 14 dự án của Novaland đã được chấp thuận. Về lâu dài, đại diện DN này đề xuất nhà nước nên có 1 hệ số chuẩn để tính tiền sử dụng đất . Như vậy, khi DN bắt tay vào làm dự án, họ đã dự tính được tiền sử dụng đất phải nộp, từ đó đưa vào cơ cấu giá thành để tính được lợi nhuận và định hướng cho sản phẩm. Việc này còn làm giảm bớt thủ tục, giải quyết nhanh hồ sơ.
Ông Châu cũng kiến nghị phải sửa đổi một số bất cập về tài chính đất đai và giá đất trong Luật Đất đai 2013 bằng cách bỏ hẳn khái niệm tiền sử dụng đất mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định. Như vậy, vừa minh bạch lại loại trừ được cơ chế xin - cho, hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho nhà nước.
Theo Diệu Hoa
Diễn đàn doanh nghiệp
TP HCM: Sẽ khởi tố chủ đầu tư chung cư có dấu hiệu lừa đảo Đối với các hồ sơ có dấu hiệu lừa đảo, UBND TP HCM yêu cầu xem xét chuyển ngay cơ quan điều tra để rà soát, khởi tố theo quy định. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa giao UBND TP các quận - huyện khẩn trương rà soát, phân loại chung cư trên địa bàn đang có vướng mắc...