TP HCM chọn màu cho 8 tuyến metro
Để người dân dễ nhận diện, Ban quản lý đường sắt đô thị đã chọn màu đại diện cho các tuyến metro tại TP HCM trên tiêu chí hài hòa, dễ phân biệt kể cả với người mù màu.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, đơn vị này cùng nhà thầu nghiên cứu màu sắc cho 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail) để thuận tiện cho công tác đầu tư và vận hành khai thác hệ thống đường sắt đô thị của thành phố sau này.
Với tiêu chí màu sắc hài hòa, dễ phân biệt kể cả với người mù màu, tuyến metro số 1 (ký hiệu L1) có màu xanh da trời; tuyến metro số 2 (ký hiệu L2) mang màu đỏ quốc kỳ; tuyến metro số 3A (ký hiệu L3A) màu vàng da cam; tuyến metro số 3B (ký hiệu L3B) màu vàng da cam xen vào màu trắng.
Màu xanh lá cây tươi được chọn cho tuyến metro số 4 (ký hiệu L4); tuyến metro số 4B (ký hiệu L4B) có màu xanh lá cây tươi xen màu trắng; màu hồng sen được chọn cho tuyến metro số 5B (ký hiệu L5B); màu nâu đất được chọn cho tuyến metro số 6 (ký hiệu L6).
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) mang màu xanh dương. Ảnh: Hữu Công
Video đang HOT
Đối với 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray: tuyến tàu điện rãnh đơn 2 (ký hiệu M2) sẽ mang màu tím thành thị; tuyến tàu điện rãnh đơn 3 (ký hiệu M3) có màu xám nhạt và màu xanh dương nhạt được chọn cho tuyến lấy điện trên cao (ký hiệu T).
Nếu được UBND TP thông qua, các màu sắc này sẽ được chọn và áp dụng cho các tuyến metro của thành phố trong tương lai.
Trước đó, Ban quản lý đường sắt đô thị đã chọn logo cho hệ thống metro của thành phố. Logo này lấy ý tưởng từ hình búp hoa sen, loài hoa tượng trưng cho đất nước và con người Việt Nam. Những đường nét vươn lên được cho là mang đến thông điệp đầy triển vọng về loại hình giao thông công cộng mới. Kết hợp với hình dáng chữ M của từ METRO, logo được đánh giá là vừa mang sự mềm mại từ những cánh hoa sen, vừa mang sự bền vững, tầm cỡ của một công trình giao thông có ý nghĩa rất lớn với TP HCM.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TP HCM có 8 tuyến metro gồm: Tuyến số 1: Bến Thành – Suối Tiên dài gần 20 km (dự kiến kéo dài đến Bình Dương); Tuyến số 2: Thủ Thiêm – Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 48 km (làm trước đoạn Bến Thành – Tham Lương)
Tuyến 3A: Bến Thành – Tân Kiên khoảng 20 km; Tuyến 3B: Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước dài hơn 12 km; Tuyến số 4A: Cầu Bến Cát – Khu đô thị Hiệp Phước dài 36 km; Tuyến 4B: Ga Công viên Gia Định – Ga Lăng Cha Cả dài 5,2 km; Tuyến số 5: Cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc (khoảng 17 km); Tuyến số 6: Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm (dài hơn 6 km).
Ngoài ra, còn có 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail).
Hữu Công
Theo VNE
74 cây ở trung tâm Sài Gòn có thể bị chặt để xây metro
Thi công ga ngầm Bến Thành và đường hầm chạy đến ga Nhà hát thành phố, Ban quản lý đường sắt đô thị đề nghị chặt và di dời 74 cây xanh, trong đó có những cây dầu cổ thụ.
Trong văn bản gửi UBND TP HCM về việc thi công dự án xây tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết phải di dời một số công trình kỹ thuật và đốn hạ 74 cây.
Các cây bị đốn hạ là viết, sao đen, phượng, lim sét... tại khu vực công viên 23/9 (gần giao lộ Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo), trên dải phân cách bên trái của đường Lê Lợi và vỉa hè vòng xoay Quách Thị Trang. Trong đó có một số cây dầu cổ thụ cao khoảng 16 mét, đường kính hơn nửa mét.
Nhiều cây xanh trên đường Lê Lợi và công viên 23/9 sẽ bị đốn hạ để xây dựng tuyến metro số 1. Ảnh: Hữu Công.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, việc đốn hạ cây nhằm chuẩn bị cho công tác thi công gói thầu 1a - gói thầu xây lắp cuối cùng thuộc dự án tuyến metro số 1. Gói thầu này gồm các hạng mục thi công Nhà ga Bến Thành và đường hầm chạy tàu nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố (đi dưới đường Lê Lợi).
"Toàn bộ gói thầu 1a được thi công theo phương pháp đào hở nên bắt buộc phải di dời một số công trình kỹ thuật hiện hữu, cũng như cây xanh trong khu vực để thi công các hạng mục ngầm ở độ sâu 30 m", Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hiện trạng cho những khu vực lân cận, khi thi công Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ tập trung nghiên cứu, bố trí hàng rào công trường hợp lý, tránh ảnh hưởng đến số cây xanh còn lại. Đồng thời, khi kết thúc xây dựng, các đơn vị liên quan sẽ khôi phục lại mảng xanh trên dải phân cách đường Lê Lợi cho phù hợp theo quy hoạch chi tiết đô thị.
Thiết kế kỹ thuật Gói thầu 1a của dự án xây dựng tuyến metro số 1 đã được UBND TP phê duyệt hồi tháng 7. Dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2016 nên việc di dời, đốn hạ cây xanh và hạ tầng kỹ thuật hiện hữu phải được hoàn thành trong năm nay.
Hơn một năm trước, để chuẩn bị cho việc thi công Ga Nhà hát Thành phố, hàng loạt cây cổ thụ tại công viên Lam Sơn, phía trước Nhà hát đã bị đốn hạ, di dời. Điều này gây không ít tiếc nuối cho người Sài Gòn.
Trung Sơn
Theo VNE
Làm rõ trách nhiệm sự bất nhất hướng tuyến metro số 5 Ngày 30.9, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo giải quyết công trình đang xây dựng tại số 214 Phan Đăng Lưu, P.3, Q.Phú Nhuận, ảnh hưởng phạm vi tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Theo đó, giao BQL đường sắt đô thị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc,...