TP HCM chặn sốt đất: Công khai quy hoạch để chặn cò đất thổi giá
Công khai, minh bạch chính sách, quy hoạch được xem là biện pháp căn cơ để ngăn chặn nạn đầu cơ, thổi giá gây sốt nhà đất
Thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM thời gian qua liên tục ghi nhận những vụ lừa đảo trong mua bán nhà đất, cũng như hiện tượng cò đất, môi giới tung tin đồn “thổi” giá đất khiến thị trường chao đảo. Thực trạng này buộc UBND TP phải ra công văn chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án nhà đất để xử lý theo quy định.
Một cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn (điểm nóng về xây dựng trái phép thời gian qua) thừa nhận mỗi lần có thông tin về việc hình thành đại lộ ven sông Sài Gòn, điều chỉnh quy hoạch,… là giá đất trên địa bàn huyện lại tăng, giao dịch nhộn nhịp hẳn. Cò đất, giới đầu cơ đưa rất nhiều thông tin ảo về giá cả, quy hoạch lên mạng.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM, trung ương Hội Luật gia Việt Nam, rất khó để xử lý hình sự cò đất tung tin thất thiệt trừ khi hành vi của họ gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc lừa đảo. Họ sẽ dựa vào lý do biến động thị trường, thuận mua vừa bán để biện minh cho hành động của mình nên rất khó cáo buộc vì không có luật điều chỉnh. Một chuyên gia BĐS khác cũng nhận định việc TP HCM chỉ đạo công an xử lý các đối tượng cò đất, đẩy giá đất là khó khả thi.
Một khu đất ở quận 9 đã được phân lô để bán đất nền Ảnh: Tấn Thạnh
Trong khi đó, ông Trương Trọng Hùng, chuyên gia lĩnh vực BĐS, cảnh báo nếu không ngăn chặn sớm những cơn sốt đất sẽ gây hậu quả lớn về kinh tế – xã hội. Cụ thể, giá đất tăng cao có thể làm tăng nguy cơ lạm phát, bất ổn các chính sách về kinh tế. Giải pháp mà ông đưa ra là cần phải đánh thuế đất đặc biệt tại các khu bỏ trống, đất hoang do một người đứng tên ở mảnh đất thứ 2 trở đi. Điều này tránh việc mua đất về chờ lướt sóng.
“Tôi lấy ví dụ khi rục rịch có thông tin di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) lập tức giá đất ở đường Kênh Nước Đen, phường Bình Hưng Hòa A lên đến 100 triệu đồng/m2. Nói ra để thấy một yếu tố quyết định thị trường BĐS hiện nay chính là công khai quy hoạch. Một khi thông tin rõ đất nào được phép cấp sổ đỏ, được phép chuyển đổi, cò đất không thể lợi dụng đầu cơ, rồi tung tin đồn thổi giá được” – ông Hùng nói.
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng Phát triển nhà và Thị trường BĐS – Sở Xây dựng TP HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, sắp tới Sở Xây dựng sẽ phối hợp các sở ngành khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn để người dân, doanh nghiệp được rõ, không để cò đất mượn cớ tung tin đồn thổi giá.
Video đang HOT
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trần Đình Dũng cho rằng không có cách nào tốt hơn là tuyên truyền cho người dân hiểu được thị trường ở từng khu vực đang như thế nào, biến động ra sao, tránh mắc vào “vòng xoáy” của các nhà đầu tư, tạo sốt ảo. Đối với nhà đầu tư, nhà nước cần có chính sách ổn định thị trường, như can thiệp về nguồn vốn; hỗ trợ lượng giao dịch; có chính sách, quy hoạch cụ thể, rõ ràng cho BĐS thương phẩm chứ không thể can thiệt bằng biện pháp hành chính vì sẽ không có tác dụng mạnh.
Theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS DKRA Việt Nam, vấn đề hiện nay là nhà nước cần minh bạch hóa về quy hoạch, làm sao để dân, doanh nghiệp có thể kiểm tra thông tin dễ dàng. Ví dụ quy hoạch đất ở khu vực nào, để người mua cảm thấy an tâm khi bỏ tiền vào, còn người bán cũng khó đưa ra thông tin lừa dối, từ đó việc điều tiết giá bán sẽ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, theo ông Lâm, nhà nước không thể thả nổi các sàn môi giới BĐS hoạt động tràn lan, vô tôi vạ như hiện nay. “Trước đây, các giao dịch nhà đất phải thực hiện qua sàn, nhân viên môi giới phải có chứng nhận nhưng hiện nay ai cũng có thể làm môi giới, cũng được lập công ty, tạo ra một lực lượng mà không ai kiểm soát được. Dẫn tới tình trạng lộn xộn, ai cũng tranh thủ cơ hội dễ dẫn đến làm liều. Cũng do chế tài quá yếu nên nếu công ty này mất uy tín, họ dẹp đi và lập công ty khác để lừa khách hàng” – ông Lâm nêu thực trạng.
Theo vị chuyên gia này, môi giới tác động đến tâm lý người mua rất lớn. Họ quảng cáo sai, tung tin thổi giá nhà đất nhưng không bị xử lý nặng, trong khi ở các quốc gia phát triển, khách hàng có quyền kiện nếu môi giới nói sai. “Tôi cho rằng cần có quy chuẩn vận hành đối với môi giới để họ đi vào hoạt động chuyên nghiệp, bền vững. Nếu nhà nước kiểm soát chặt các nhân viên môi giới, thị trường BĐS chắc chắn sẽ ổn định hơn” – ông Lâm đề nghị.
Siết giao dịch chuyển nhượng bất động sản
Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM (Sở Tài nguyên và Môi tường TP HCM) cho biết sắp tới sẽ siết chặt các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng bất động sản để tránh hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Thống kê cho thấy chỉ trong nửa năm 2018, TP đã có gần 10.000 giao dịch nhà đất thành công, tăng đột biến hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Sơn Nhung – Lê Phong
Người lao động
Một số DN "trốn" lên sàn vì lãnh đạo không muốn công khai, minh bạch
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, một số doanh nghiệp "trốn" lên sàn, ngoài lý do khách quan còn là do lãnh đạo không muốn công khai, minh bạch, do tư tưởng vẫn còn cũ.
- Lãnh đạo Chính phủ tháng 7/2017 có yêu cầu Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính công khai danh sách 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chậm lên sàn chứng khoán, đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn. Xin ông cho biết con số này đến thời điểm hiện tại đã thay đổi như thế nào?
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Ông Đặng Quyết Tiến: Năm 2016, 2017, 2018, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ thì các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều đã khẩn trương thực hiện niêm yết. Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp qua thống kê vào giữa năm 2017 là 747 doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa niêm yết.
Con số này sau khi công bố, công khai chúng tôi đã giao cho Ủy ban Chứng khoán tiến hành kiểm tra từng doanh nghiệp một để xem các doanh nghiệp đó đã thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán chưa, hay đăng ký niêm yết có vướng mắc như thế nào? Có vi phạm không?
Trong năm 2017, Ủy ban Chứng khoán đã tiến hành kiểm tra khoảng hơn 300 doanh nghiệp. Chúng tôi cũng thấy có một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để niêm yết đăng ký giao dịch, ví như: công ty cổ phần không đủ cổ đông, công ty không có lợi nhuận, mô hình doanh nghiệp đã thay đổi....
Vừa qua, qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để niêm yết đăng ký giao dịch, hoặc đã đăng ký rồi nhưng không đủ điều kiện nữa... thì chúng tôi đã cho ra khỏi sàn.
Trong năm năm 2018 Ủy ban Chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp còn lại gồm khoảng hơn 300 doanh nghiệp nữa.
- Ngoài lý do khách quan là chưa đủ điều kiện để thực hiện niêm yết thì đâu là lý do chủ quan, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến: Nói thẳng ra, lý do chủ quan là vì người lãnh đạo không quan tâm. Bên cạnh đó, do tư tưởng vẫn còn cũ, vẫn là "anh" lãnh đạo doanh nghiệp cũ. "Anh" sang công ty cổ phần nhưng không muốn công khai, minh bạch.
Thêm lý do nữa là do đôn đốc, kiểm tra của các cơ quan chủ sở hữu. Chúng ta chưa làm quyết liệt. Giai đoạn trước, việc đăng ký giao dịch niêm yết vẫn còn nhiều thủ tục và doanh nghiệp cũng phàn nàn. Tuy nhiên, các thủ tục giao dịch và niêm yết đã thay đổi, hiện nay đã thuận lợi...
Đối với những doanh nghiệp cũ, Ủy ban Chứng khoán tiến hành kiểm tra và cũng đã hướng dẫn. Doanh nghiệp nào đủ điều kiện rồi thì được hướng dẫn làm thủ tục. Còn doanh nghiệp nào đã đủ điều kiện, được hướng dẫn nhưng vẫn trốn tránh thì mới tiến hành xử phạt vì đã không thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đại chúng.
- Ông có nói đến việc một trong những lý do các doanh nghiệp dù đã cổ phần hóa nhưng vẫn trốn tránh niêm yết là do lãnh đạo của các doanh nghiệp này không muốn "công khai, minh bạch" - Ông có thể chia sẻ rõ hơn về lý do này?
Ông Đặng Quyết Tiến: Lý do doanh nghiệp không muốn "công khai, minh bạch" có nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo nguyên tắc cơ chế thị trường của chứng khoán, bất kỳ một giao dịch nào lớn của ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải đưa ra HĐQT quyết định và đại hội cổ đông thường niên. Ví như "anh" mua nhà, tuyển dụng nhân sự lớn... thì đều phải đưa ra. Như vậy, đối với những người không muốn đổi mới tư duy, không tuân thủ theo quy định pháp luật và họ vẫn muốn cơ chế thủ trưởng, cơ chế không dân chủ thì người ta không muốn...
- Vậy chế tài đối với doanh nghiệp chậm niêm yết thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến: Sau cổ phần hóa, chúng ta khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ đăng ký giao dịch, niêm yết, nhưng nhiều doanh nghiệp trốn tránh, dù đây là yêu cầu bắt buộc. Người đại diện vốn, giữ cổ phần chi phối sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đủ điều kiện mới được niêm yết. Còn việc đăng ký giao dịch không cần nhiều điều kiện, nhưng sẽ được theo dõi , giám sát.
Chế tài cũng rất rõ ràng, khi đã là công ty đại chúng, nếu không niêm yết sẽ bị xử lý theo luật chứng khoán.
Tới đây, có nhưng trường hợp chúng ta sẽ đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét xử lý. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện mà cố tình không lên sàn thì sẽ công bố công khai, tạo sức ép dư luận.
Còn những công ty không phải đại chúng là những công ty cổ phần bình thường, cổ đông ít không đủ điều kiện để thực hiện theo các quy định Luật Chứng khoán thì chúng ta không thể xử phạt bình thường được mà chỉ xử phạt theo Luật Doanh nghiệp nếu họ vi phạm.
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công khai danh sách những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng "trốn" niêm yết trên sàn chứng khoán.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Giang
Theo toquoc.vn
Doanh nghiệp 24h: Phá sản dự án nghìn tỷ thua lỗ nếu bán "ế", không ai mua Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, các bộ ngành, doanh nghiệp nhà nước sở hữu những dự án nghìn tỷ thua lỗ cần công khai, minh bạch mới đưa ra giải pháp căn cơ. Ngay cả việc giải thể, phá sản cũng là giải pháp tích cực nếu duy trì lại không hiệu...