TP Chí Linh (Hải Dương): Doanh nghiệp “mải” khai thác tài nguyên “quên” bảo vệ môi trường!
Nhiều mỏ khai thác khoáng sản (đất sét) trên địa bàn TP Chí Linh không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường .
Đặc biệt hơn từng đoàn xe quá khổ, quá tải đeo “lô gô vua” chở đất cày nát nhiều tuyến đường tại phường Cộng Hòa và chạy nghênh ngang trên Quốc lộ 18, Quốc lộ 37 nhưng không bị xử lý.
Những chiếc xe trọng tải lớn được cơi nới thùng thành, quá khổ, quá tải, chở đất từ các mỏ của khu dân cư Chúc Thôn che chắn sơ sài hoặc không che chắn tàn phá các tuyến đường qua khu dân cư Bích Động, Lôi Động, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh. Ảnh: cắt từ video
Trên địa bàn TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương nguồn tài nguyên đất sét có trữ lượng tương đối lớn, nhiều mỏ khai thác đất sét đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trên địa bàn phường Cộng Hòa. Theo ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa cho biết, hiện nay có 5 doanh nghiệp được phép khai thác quặng, đất sét gồm: Công ty Cổ phần Trúc Thôn, Công ty TNHH Xây dựng vận tải và Thương mại Bảo Anh, Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Côn Sơn, Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Chí Linh và Công ty Phượng Hoàng.
Tình trạng khai thác khoáng sản (chủ yếu là đất sét) đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân nơi đây. Đặc biệt, đó là hoạt động của những chiếc xe quá khổ, quá tải được cơi nới thành thùng cày nát đường xá, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; vận chuyển đất không che chắn (hoặc che chắn sơ sài) khiến đất rơi vãi khắp nơi.
Từng đoàn các phương tiện quá khổ, quá tải mang “lô gô vua” như: Công ty Việt Hoàn, Công ty Phượng Hoàng, Công ty Ninh Anh Anh, Công ty Đại Dương, Công ty Tâm Anh Linh, ATP, Công ty cổ phần 366… được các chủ mỏ khai đất thuê vận chuyển hoạt động cày xới đường xá, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Cảnh đường dân sinh rơi vào tình trạng nắng bụi, mưa lầy đã quá quen thuộc với người dân phường Cộng Hòa. Tại các tuyến đường trên địa bàn phường (tuyến đường qua khu dân cư Lôi Động, Chúc Thôn, phố Bích Động) hầu như được làm trải bằng bê tông, do hoạt động của xe quá khổ, quá tải, mặt đường đã xuất hiện chi chít ổ trâu, ổ gà cùng những vết nứt chằng chịt. Trên mặt đường luôn hiện hữu những lớp bùn đất dày đến 5-7cm. Trời nắng mỗi khi có xe chạy qua lớp bụi bay mù mịt; trời mưa thì tạo thành lớp bùn lầy gây trơn trượt, lầy lội; hai bên đường tạo thành những rãnh sâu đọng thành những hố nước lớn vô cùng nguy hiểm.
Cảnh đường xá bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các mỏ đất với từng đoàn xe quá tải đang tra tấn người dân Thành phố Chí Linh. Ảnh: cắt từ video
Bà H – một người dân thôn Bích Động cho biết: “Xe nó chạy thì đã đành, chúng tôi kiến nghị lên thôn với phường là những khu vực ven đường có hố nước thì doanh nghiệp phải lấp đất vào cho chúng tôi. Mỗi khi có xe ben chạy qua, chúng tôi phải cố gắng đi qua không dám dừng lại bên đường vì đó toàn là những hố nước lớn. Người già đã vậy, trẻ con đi lại sẽ vô cùng nguy hiểm”.
Con đường nối từ Quốc lộ 37 vào khu dân cư Chúc Thôn sau đó chạy qua các mỏ đất nối thẳng ra Quốc lộ 18 (Chúc Thôn – Chi Ngãi 1) đã trở thành nỗi khiếp sợ của trẻ em mỗi khi đến trường và lúc tan học về bởi hoạt động của những chiếc xe quá khổ, quá tải. Con đường đang được đầu tư nâng cấp nhưng còn ở một tương lai xa bởi doanh nghiệp còn đang tận thu khoáng sản từ việc làm con đường mới này.
Video đang HOT
Hoạt động của từng đoàn xe howo (hổ vồ) chở đất chạy trên tuyến đường qua khu dân cư Chúc Thôn trở thành nỗi ám ảnh của các em học sinh. Ảnh: cắt từ video
Quá bức xúc trước hoạt động của xe quá khổ, quá tải, người dân rơi vào hoàn cảnh bất đắc dĩ nhiều lần đem những cục bê tông, cây gỗ hay thậm chí là chậu hoa ra để chặn đường không cho xe chạy. Biết đây là hành vi không đúng nhưng người dân họ yêu cầu các chủ mỏ phải có trách nhiệm tu sửa đường xá, tưới đường. Nhưng sau mỗi lần chặn đường thì đâu lại vào đấy, doanh nghiệp chỉ cho tưới đường được vài bữa rồi xe quá khổ, quá tải lại tung hoành như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ghi nhận nhiều ngày tại các tuyến phố Bích Động, Lôi Động, đường vào khu dân cư Chúc Thôn (phường Cộng Hòa), Quốc lộ 18, Quốc lộ 37 chúng tôi nhận thấy những chiếc xe quá khổ, quá tải chở đất đeo những “lô gô vua” dường như đã được “bảo kê” vô tư tung hoành mà không bị xử lý.
Đường xá hư hỏng, mặt đường bê tông nứt toác do hoạt động của xe quá khổ, quá tải; người dân khu dân cư Bích Động, Lôi Động bất đắc dĩ phải chuẩn bị những cục bê tông, cây gỗ để chặn đường xe chạy; yêu cầu chủ mỏ phải có trách nhiệm tưới đường, tu sửa đường xá nhưng các doanh nghiệp dưa nhau không thực hiện.
Thậm chí, ngày 26/9, trên tuyến Quốc lộ 18 đoạn qua UBND TP Chí Linh, tại đây có 2 tổ Cảnh sát giao thông của Công an TP Chí Linh đang làm nhiệm vụ nhưng khi nhìn thấy những phương tiện được cơi nới thùng thành chở đất, có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải rất rõ ràng chạy qua thì lại làm ngơ, không hề xử lý.
Ngày 27/9, theo chân một chiếc xe mang BKS 34C – 199.11 chở đất chạy từ Quốc lộ 18 vào Quốc lộ 37, chiếc xe chạy băng qua một chốt Cảnh sát giao thông (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương) sau đó vượt qua cả trạm cân nằm trên QL37 của Sở GTVT Hải Dương (trên địa bàn TP Chí Linh) nhưng cũng không ngặp bất kỳ trở ngại nào.
Xe chở đất được cơi nới thùng thành, che chắn sơ sài, hoạt động trên Quốc lộ 18 qua Thành phố Chí Linh.
Từ hoạt động của các mỏ khai thác đất sét đều để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là tại phường Cộng Hòa. Qua ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy mặc dù các đơn vị khai thác tài nguyên đều có cam kết bảo vệ môi trường; tuy nhiên đó dường như chỉ là hình thức.
Tại các điểm xe chở đất ra vào mỏ đều không được xịt rửa đảm bảo vệ sinh môi trường. Các xe vận chuyển quá khổ, quá tải làm rơi vãi đất ra đường khiến những tuyến đường luôn trọng trạng thái bụi mù mịt. Những nhà dân nơi có gần mỏ đất hoặc trên trục đường những phương tiện chở đất chạy qua đều trong tình trạng cửa đóng, then cài bởi bụi bẩn, ô nhiễm.
Một chiếc xe hổ vồ chở đất từ trong khu tập kết đi ra Quốc lộ 37, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh.
Suốt nhiều năm qua, người dân thành phố Chí Linh chỉ biết kêu trời vì ô nhiễm, vì xe quá khổ, quá tải tàn phá đường xá. Vậy cấp chính quyền địa phương đã có biện pháp gì để giải quyết những hệ lụy này?
Trao đổi với chúng tôi, ông Tín – Trưởng khu dân cư Lôi Động, ông Đoàn – Trưởng khu dân cư Chúc Thôn, ông Dương – Trưởng khu dân cư Bích Động đều tỏ rõ sự bức xúc bởi hoạt động của những đoàn xe quá khổ, quá tải. Với chức năng là một cán bộ thôn, họ đã kiến nghị nhiều lần đến UBND phường, cùng với đó yêu cầu các chủ mỏ phải đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng cũng không được giải quyết triệt để.
Từ hoạt động của những mỏ đất khi không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ công trình giao thông đã gây hệ lụy lớn cho người dân.
Ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa cho rằng, việc doanh nghiệp khai thác mỏ đất thì không tránh khỏi việc ô nhiễm môi trường và xe chuyên chở đất hoạt động. Ông Dũng còn cho rằng doanh nghiệp thường xuyên tưới đường để giảm bụi. Tuy nhiên, khi phóng viên nêu lên thực trạng người dân đã phản ánh rất nhiều lần đến chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết triệt để thì ông Dũng lại cho rằng việc phóng viên phản ánh UBND phường xin tiếp thu, rút kinh nghiệm và sẽ yêu cầu các chủ mỏ đất phải tuân thủ.
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND TP Chí Linh, Công an tỉnh Hải Dương, Công an Thành phố Chí Linh sớm vào cuộc làm rõ như vi phạm, giải quyết những bức xúc của người dân.
Quốc Trần
Theo CLO
Tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh
Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho học sinh (HS) là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đặt ra trong năm học mới.
Trước sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận HS, thì song hành với truyền dạy kiến thức phải tăng cường giáo dục đạo đức, củng cố nền tảng đạo đức cho HS, cốt lõi là sự phối hợp giữa gia đình-nhà trường-xã hội.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên) nâng cao ý thức qua cuộc thi vẽ tranh về biển, đảo, bảo vệ môi trường
Thực trạng báo động
Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại nhất là trong giới trẻ. Hành vi phổ biến nhất là: chửi thề, gây gổ, đánh nhau, trốn học, gian lận trong thi cử... thậm chí nhiều HS vi phạm pháp luật. Thống kê mỗi năm, cả nước có khoảng 1.600 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trung bình 5 vụ/ngày. Nhiều vụ bạo lực học đường trở thành bức xúc của xã hội như nhiều HS "đánh hội đồng" 1 HS khác rồi quay clip tung lên mạng xã hội...
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan như: tác động của internet, game bạo lực, mạng xã hội... nhưng 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức, nhân cách HS là gia đình-nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, vai trò và sự gắn kết giữa 3 môi trường này còn rất lỏng lẻo.
Gia đình thiếu quan tâm hoặc giáo dục con em mình không phù hợp (nhiều gia đình "khoán trắng" việc giáo dục con em cho trường hoặc thậm chí thường xuyên gây gổ, bạo lực, không thật sự là tổ ấm nuôi dạy con cái). Còn nhà trường thì nhiều nơi chưa làm tốt việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Người học luôn lấy thầy cô làm tấm gương để noi theo, song bên cạnh rất đông thầy, cô giáo luôn tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người" thì vẫn còn một số giáo viên xuống cấp đạo đức, sa sút nhân cách. Đã có nhiều vụ bạo lực học đường, thậm chí nhiều vụ giáo viên đánh HS, HS đánh giáo viên, thầy giáo xâm hại tình dục HS ngay trong trường học... như báo chí phản ánh thời gian qua. Còn xã hội, do sự phát triển mạnh mẽ của internet, sự ảnh hưởng từ môi trường văn hóa như: phim ảnh, trò chơi bạo lực... tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của HS. Chính người lớn thiếu gương mẫu trong ứng xử đã trở thành gương xấu cho HS.
Tăng cường giáo dục nhân cách
Không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến vấn đề tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho HS, mà từ lâu đây chính là nền tảng cốt lõi để hoàn thiện một con người, bởi có câu "Tiên học lễ, hậu học văn". Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta gần như "quên" giáo dục lễ nghĩa cho HS, mà chạy đua vào việc nhồi nhét kiến thức quá mức. Dễ thấy là mặc dù mới học lớp 1 nhưng mỗi ngày các cháu phải "vác" tới trường ba-lô đầy sách, vở, dụng cụ học tập (chưa kể sách, vở để lại trên lớp); càng lên lớp cao thì khối lượng sách, vở tăng lên. Ngoài 2 buổi học mỗi ngày, nhiều cháu còn phải học thêm buổi tối, tham gia các buổi ngoại khóa... nên chẳng còn thời giờ vui chơi. Trong khi đó, một thời gian dài chúng ta lại xem các môn đạo đức, giáo dục công dân (thậm chí môn Văn) là môn học phụ, học qua loa để đủ điểm thi; chỉ chăm chút cho Toán, Lý, Hóa, Sinh... Bên cạnh đó, nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức đến con em, "khoán gọn" cho nhà trường, thậm chí nhiều phụ huynh còn thường xuyên gây gổ, đánh nhau ngay tại bàn ăn... nên con trẻ dễ có hành vi bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ. Trong khi ngoài xã hội thì vẫn còn tồn tại thói xấu để con trẻ bắt chước, lâu dần thành quen và trở thành "quán tính" trong hành xử.
Năm học mới, bên cạnh những công việc trọng tâm của ngành giáo dục cần triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đặc biệt lưu ý đến vấn đề đạo đức nhà giáo và giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Chú trọng mục tiêu giáo dục toàn diện HS phải gắn với phong trào "Trường học thân thiện, HS tích cực". Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các trường tiểu học, THCS phát động phong trào xây dựng tập giáo án dạy HS về "5 điều Bác Hồ dạy" gắn với giáo dục nhân cách, đạo đức và cụ thể hóa để nâng cao ý thức, phát triển nhân cách HS; tăng cường giáo dục cách ứng xử có văn hóa đối với HS tất cả các cấp.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, việc giáo dục đạo đức, nhân cách HS không nên "khoán gọn" cho nhà trường, mà còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Năm học này phải tạo bước chuyển căn bản trong đạo đức, lối sống, trải nghiệm, sáng tạo, giúp HS hiểu thêm về truyền thống văn hóa dân tộc để nâng cao lòng yêu nước, sống có mục đích, lý tưởng. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát nội dung môn đạo đức hiện nay để tăng cường "dạy người" cho HS. Các trường phát động giáo viên xây dựng bài giảng mẫu về đạo đức để truyền dạy cho HS; các cơ quan truyền thông, xã hội tham gia giới thiệu gương người tốt, việc tốt... để khơi dậy phong trào học tập đạo đức cho giới trẻ.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH
Theo baoangiang
Giảm thiểu tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường Chiều 3/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài đã có cuộc làm việc với ông Phan Bai, thành viên của Công ty Veolia, trực thuộc Liên minh quốc tế chấm dứt rác thải nhựa (AEPW). Cuộc làm việc nhằm trao đổi các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường....