TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đang họp khẩn vì có F1 trong khu công nghiệp Amata
UBND TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đang họp khẩn với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh liên quan đến ca F1 trong khu công nghiệp Amata .
Quang cảnh cuộc họp
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Biên Hoà (Đồng Nai), ca F1 là chị N.T.T.D. (32 tuổi, ngụ tại phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP HCM), Trưởng bộ phận kiểm kê tại Công ty Tommbow, lô 514 đường 13 khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa.
Chị D. có chồng là anh H.Đ.T.V., ngụ cùng nhà tại TP Thủ Đức, TP HCM. Người chồng này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào trưa 7-6.
Ngày 30-5, anh V. được công ty nơi anh làm việc ở TP HCM khuyến cáo ở nhà để cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Đến chiều 3-6, anh V. được công ty thông báo thuộc diện F2, cần cách ly y tế tại nhà. Đến ngày 4-6, anh này được thông báo thuộc diện F1 nên được đưa đi cách ly tập trung.
Về phía chị D. ngày 3-6, xuống nhà ở số 305/1/52 tổ 12, ấp Tân Cang, phường Phước Tân, TP Biên Hòa. Ngày 4-6, làm việc tại công ty ở khu công nghiệp Amata, đến tối về nhà tại TP Thủ Đức và làm việc tại nhà cho đến nay.
Chị D. đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Do tính chất công việc nên trong quá trình làm việc tại công ty, chị D. tiếp xúc với tất cả các dây chuyền làm việc tại công ty.
Video đang HOT
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hoà cho biết sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng của thành phố đã điều tra, truy vết được 27 trường hợp F2 tiếp xúc gần với chị D.
“Cả 27 người này hiện đang được cách ly tại công ty. Đến sáng, những người này đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã xác định được hơn 850 công nhân có tiếp xúc và liên quan đến ca F1- chị D” – ông Tân thông tin.
Về công tác truy vết, TP Biên Hòa đã thông báo đến trạm y tế các xã, phường nơi các F2 sinh sống để các F2 khai báo y tế và hướng dẫn cách ly tại nhà. Trong ngày 7-6, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa đã thực hiện phun hóa chất khử trùng toàn bộ công ty với tổng diện tích khoảng 11.000 m2; bố trí lực lượng công an, quân sự kiểm soát không cho người ra – vào công ty.
Nhận định về trường hợp F1 này, Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói rằng chồng chị D. có nguy cơ nhiễm bệnh từ trước ngày 30-5. Do đó, nguy cơ nhiễm bệnh của chị D. rất cao.
Vì thế, mặc dù chị D. chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng các lực lượng chức năng của TP Biên Hòa cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch như tình huống đã có ca nhiễm bệnh.
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tính toán để xét nghiệm F2 trong vài ngày tới. Trước mắt, những người này cần được cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe, lập danh sách những F3 liên quan.
Chống dịch nhưng không được làm 'đứt gãy chuỗi sản xuất'
Hơn 10 tiếng sau khi thực hiện cách ly 21 ngày người đến từ TP HCM, trưa 5/6 UBND tỉnh Đồng Nai cho phép người dân được qua lại giữa hai địa phương.
Động thái này được UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra sau khi nhiều doanh nghiệp ở TP HCM và Đồng Nai cho rằng việc tỉnh này cách ly người từ đến TP HCM gây khó cho họ trong việc sản xuất vì thiếu lao động. Bởi hàng ngày có hơn 16.000 lao động, chuyên gia ở hai địa phương qua lại công tác và làm việc. Ngoài ra, nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất được vận chuyển, lưu thông từ TP HCM đi Đồng Nai và ngược lại.
Một tài xế chở hàng từ TP HCM được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn khi vào tỉnh Đồng Nai, sáng 5/6. Ảnh: Phước Tuấn.
Để chấn chỉnh việc áp dụng phòng dịch quá mức cần thiết, trong công điện gửi các tỉnh, thành và bộ ngành tối 5/6, Thủ tướng đề cập một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, cực đoan ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về phòng, chống dịch, thực hiện "mục tiêu kép" của Thường trực Ban Bí thư.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng biện pháp quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất...). Mục tiêu là bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh ; cách ly y tế đúng quy định với người đến từ vùng dịch.
Đây không phải lần đầu tiên địa phương bị "nhắc nhở" khi thực hiện biện pháp chống dịch một cách cứng nhắc. Tại thông báo số 110 của Văn phòng Chính phủ ngày 18/5 về kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu: "Các địa phương không gây ách tắc lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân...".
Ngoài ra, thông báo số 137 của Văn phòng Chính phủ ngày 30/5 cũng nêu: "Các địa phương chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan sinh kế của người dân".
Một nhà máy tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, lắp màn chắn ở những chuyền công nhân ngồi đối diện để phòng dịch. Ảnh: An Phương.
Trong ngày 5/6, TP HCM ghi nhận thêm 31 ca nhiễm. Hiện, 21/22 quận huyện TP HCM xuất hiện dịch. Từ ngày 27/4 đến nay thành phố ghi nhận 345 ca nhiễm, trong đó riêng ổ dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng hơn 330 ca, chưa kể các trường hợp ở các tỉnh lân cận.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, trung bình thành phố có 31 F0 mỗi ngày. Mỗi ca F0 có trung bình 20 F1 phải cách ly tập trung. Tức là, với 30 F0 mỗi ngày thì có 600 người phải cách ly tập trung. Vì vậy, nhiều quận huyện đang lo ngại sẽ thiếu chỗ cách ly những ngày tới.
Theo ông Dũng, ngành y tế thành phố đang tiến hành nâng công suất khu cách ly tập trung ở các quận, huyện lên ít nhất 200 giường bệnh và sẽ tiếp tục tăng. Bởi lẽ, thời gian cách ly hiện nay quá dài, lên đến 21 ngày nên không đủ thời gian để giải phóng F1. Để đảm bảo đủ chỗ cách ly tập trung, lãnh đạo UBND thành phố đồng ý cho quận, huyện tổ chức cách ly có thu phí tại khách sạn ở địa phương.
Trong ngày 5/6, Việt Nam ghi nhận thêm 246 ca nhiễm mới trong nước, chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM, trong đó có 245 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Hà Tĩnh và Tiền Giang là hai địa phương ghi nhận những ca bệnh đầu tiên trong đợt bùng phát dịch thứ tư nâng số địa phương xuất hiện dịch trong nước lên 39/63.
Chốt kiểm soát tại một lối ra vào thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung, sáng 5/6. Ảnh: Đức Hùng.
Có 15 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mới.
Bắc Giang vẫn là nơi ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất trong đợt dịch này với 2.968 ca; tiếp đó là Bắc Ninh 1053 ca và Hà Nội 434 ca.
Tối 5/6, Quỹ vaccine Covid-19 đã ra mắt, nhận được 6.600 tỷ đồng ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương và 17 tỷ đồng qua tin nhắn. Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Đồng Nai nới lỏng quy định cách ly người từ TP.HCM Sau khi có nhiều ý kiến phản ứng, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản nới lỏng quy định về cách ly 21 ngày đối với người về từ TP.HCM. UBND tỉnh Đồng Nai sáng nay (5/6) vừa có văn bản mới về việc nới lỏng quy định cách ly đối với người đến từ TP.HCM. Đây là động thái mới của...