Top những điều game thủ hay làm khi thua trận
Bất cứ khi nào thua trận, game thủ thường hờn dỗi và tức giận dẫn đến những biểu hiện phần nào đó quá khích, khó đỡ của họ.
Quy luật thắng thua luôn là vấn đề rất đỗi bình thường với nhiều game thủ khi họ nghĩ thua keo này ta bày keo khác. Thế nhưng, vẫn còn đó một lượng lớn đông đảo game thủ khác sau khi bị thua trận hoặc bị đối phương cho “ăn hành” quá nhiều đã có những cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố mãnh liệt hơi quá. Cùng tìm hiểu xem những biểu hiện đó là gì nhé và liệu bạn sẽ hội tụ mấy phần trong đó?
Đưa ra đủ các lý do để đổ thừa
Khi chơi thua một ván game nào đó, phần lớn các game thủ đều đưa ra hàng tá các lý do để biện minh cho việc thua trận của mình. Đơn giản ngay từ việc nói game này cùi bắp, không chất lượng, không phù hợp với mình. Cao hơn là do đối phương sử dụng hack/ cheat khiến cho bạn không thể làm gì khác hơn là chịu trận. Nhưng nếu như đối phương thật sự tài giỏi mà bạn vẫn cứ cho là hack thì lời nhận định này sẽ chỉ là viện cớ mà thôi. Lý do được game thủ sử dụng nhiều nhất và phổ biến nhất khi thua trận nữa là “Máy của tôi bị lag, không kết nối được”, hoặc là “Chỗ tôi vừa bị mất mạng”.
Video đang HOT
Văng tục, chửi bậy, dễ gây sự khi thua
Vấn nạn này là điều thường thấy nhất trong bất kỳ tựa game nào mà game thủ chơi qua, rất dễ để văng những từ ngữ khó nghe, thô tục ra mỗi khi mình chơi thua. Việc văng tục, chửi bậy dường như đã trở thành một “nét văn hóa” không mấy đẹp đẽ trong cộng đồng game thủ. Nhiều người để thoải mái trong game đã không tiếc lời, sử dụng những từ ngữ nặng nề nhất để miệt thị đối thủ của mình. Đó mới chỉ là một khía cạnh. Việc spam hoặc chat nhảm trên kênh chat để thỏa cái bực bội trong vai trò kẻ thua trận cũng xuất hiện vô số kể.
Thêm nữa, nếu không tìm kẻ để trút giận trong game thì người chơi sẽ tìm ngay ở bên ngoài. Lúc này gia đình người thân hay bạn bè nằm trong tầm ngắm, chuyện cáu gắt tranh luận gay gắt rất dễ xảy ra. Việc chửi cho bõ tức kiểu như vậy diễn ra thường xuyên và gây một hệ lụy không tốt trong cộng đồng game thủ và ngày thêm định kiến xấu cho xã hội về những thành phần chơi game.
Đập phá bất cứ thứ gì có thể
Bất khi nào thua trận, họ hờn dỗi và tức giận rồi kết quả có thể thấy được là bàn phím hỏng, chuột vỡ, tay điều khiển nát. Đập phá đồ đạc hay bất cứ thứ gì xung quanh mình lúc đó được phần đông game thủ cho là dễ hạ hỏa nhất. Nếu chỉ làm hư hại những thứ thuộc về mình thì có lẽ không phải bàn tán nhiều, nhưng mà nếu mình làm hư cả đồ đạc của người khác nữa thì sẽ là một vấn đề khác đấy.
Dùng lời nói và nụ cười để che giấu cảm xúc thật
Những game thủ kiểu như này thực sự còn tỏ ra nguy hiểm hơn những biểu hiện của những người phía trên. Thứ nhất, những người này thuộc tuýp người khó đoán, khó nắm bắt suy nghĩ bởi họ luôn dùng ánh mắt, nụ cười hay thậm chí những lời nói qua loa cho xong câu chuyện để lý giải việc thua trận của mình. Thế nhưng, ẩn chứa sau những hành động đó là sự dồn nén và khi “con giun xéo mãi cũng quằn” thì điều tồi tệ nhất mà họ có thể làm khó mà đoán trước được. Bề ngoài thì kiểu như lạc quan vậy thôi nhưng bên trong họ có thể đang chửi bới, nguyền rủa đối phương, rồi nhà mạng, thậm chí là cả đồng đội mình nữa…
Thoát game hoặc bỏ hẳn game đó chơi game khác
Thua cuộc mà không biết phải làm gì để giải tỏa, hoặc biết rằng dù có tiếp tục thì mình vẫn cứ là kẻ chiến bại nên phần đông game thủ sẽ thoát game để nghỉ ngơi, hôm khác đầu tiếp. Đây được coi như biểu hiện lạc quan và đáng hoan nghênh nhất khi chơi game vì người chơi có thể kiểm soát lý trí, hành động của bản thân để trải nghiệm game vui vẻ. Thế nhưng, vẫn còn đó những người coi đó là nỗi sỉ nhục, không còn mặt mũi nào để xuất hiện trong “giới giang hồ” nữa nên họ sẵn sàng bỏ hẳn game đó và chuyển sang chơi game khác.
Theo Gamek