Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi đoàn kết với các nước đang phát triển
Ngày 18/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK THQ) Antonio Guterres kêu gọi đoàn kết với các nước đang phát triển, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động tới mọi mặt của cuộc sống và tình trạng bất công và bất bình đẳng vẫn hiện hữu.
TTK LHQ Antonio Guterres phát biểu tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ trực tuyến chuyển giao chức Chủ tịch Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc năm 2021 từ Guyana cho Guinea, TTK Guterres cho rằng phục hồi sau đại dịch COVID-19 là cơ hội để thay đổi cách hành xử. Với những chính sách thông minh và đầu tư đúng đắn, thế giới có thể hoạch định con đường mang lại sức khỏe cho tất cả mọi người, vực dậy các nền kinh tế và tạo dựng khả năng phục hồi. Tuy nhiên, để làm được điều này, các nước đang phát triển cần có các nguồn lực cần thiết để đầu tư tạo việc làm, đưa giáo dục cùng hoạt động kinh doanh trở lại quỹ đạo nhằm phát triển tiến bộ, xanh hơn và tốt hơn. Do đó, TTK LHQ kêu gọi các nước phát triển, các thể chế tài chính và các ngân hàng phát triển cần ủng hộ quốc tế lớn hơn, theo đó giãn nợ cho tất cả những nước có nhu cầu để không nước nào phải chịu sức ép lựa chọn giữa cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân với việc trả nợ. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cần hành động hơn nữa để tăng các nguồn tài chính sẵn có dành cho các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình.
TTK LHQ cũng nhấn mạnh cần đẩy lùi tình trạng bất công và bất bình đẳng vẫn đang hiện hữu, cũng như cần chia sẻ công bằng hơn quyền lực, nguồn lực và cơ hội và năm 2021 phải là năm bước ngoặt đối với vấn đề này. Theo đó, các loại vaccine ngừa COVID-19 phải là hàng hóa chung toàn cầu và có sẵn cho mọi người, ở mọi nơi. Điều này đòi hỏi việc gây quỹ đầy đủ cho liên minh toàn cầu mang tên “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19″ (ACT) và chương trình chia sẻ vaccine COVAX. Các nhà sản xuất vaccine cần đẩy mạnh cam kết trong việc hợp tác với COVAX và các nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế hàng đầu thế giới nhằm đảo đảm cung cấp đầy đủ và phân phối công bằng vaccine. Ông cảnh báo “chủ nghĩa dân tộc về vaccine” là tự chuốc lấy thất bại và sẽ làm trì hoãn sự hồi phục toàn cầu.
Video đang HOT
Liên quan vấn đề biến đổi khí hậu, TTK LHQ cho biết việc xây dựng một liên minh toàn cầu đích thực nhằm trung hòa lượng khí phát thải carbon là chủ đề trọng tâm của LHQ trong năm 2021 và đây phải là ưu tiên của mọi quốc gia. Ông kêu gọi cần có sự đột phá trong việc thích ứng biến đổi khí hậu và phục hồi và một lần nữa đề nghị các nước phát triển hoàn thành cam kết lâu nay về việc cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm nhằm thực thi hành động chống biến đổi khí hậu. TTK LHQ cho rằng các nhà tài trợ cùng các ngân hàng phát triển quốc gia và đa phương cần cam kết tăng đóng góp tài chính cho thích ứng và phục hồi lên ít nhất 50%. Ông nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa đạt được bất kỳ mục tiêu nào về hệ sinh thái toàn cầu được đề ra trong năm 2020, và hệ sinh thái từ nay đến năm 2030 đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn tài chính lên tới 771 tỷ USD mỗi năm.
TTK LHQ đánh giá nhóm G77 và Trung Quốc đã có những đóng góp quan trọng trong việc ứng phó các vấn đề khẩn cấp liên quan y tế, nhân đạo và phát triển trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong khi vẫn duy trì tập trung cho các mục tiêu phát triển bền vững.
LHQ kêu gọi Israel chấm dứt xây khu định cơ mới tại Bờ Tây
Ngày 18/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc Israel dừng và hủy bỏ quyết định xây gần 800 nhà định cư mới tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Công trường xây dựng khu định cư Ramat Shlomo của Israel tại Jerusalem, ngày 18/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh quyết định trên của Israel là trở ngại lớn đối với việc đạt được giải pháp hai nhà nước, cũng như nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện tại Trung Đông. Ông nêu rõ việc thành lập các khu định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng kể từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, không có giá trị pháp lý và là hành động vi phạm rõ ràng theo luật quốc tế.
Ngày 17/1 vừa qua, Israel đã phê duyệt xây dựng 780 nhà định cư mới tại Bờ Tây. Ước tính có khoảng 450.000 người định cư Israel sống tại Bờ Tây cùng khoảng 2,8 triệu người Palestine. Phần lớn cộng đồng quốc tế coi các khu định cư Do thái tại Bờ Tây là bất hợp pháp. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho rằng việc Israel nhanh chóng quyết định xây thêm hàng trăm nhà định cư mới tại Bờ Tây cho thấy Chính phủ Israel đang chạy đua với thời gian để xây thêm khu định cư trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hết nhiệm kỳ và Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Do đó, ông Shtayyeh kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các khu định cư của Israel đồng thời chia sẻ trách nhiệm bảo vệ giải pháp hai nhà nước.
Liên quan đến các cuộc bầu cử của Palestine, Thủ tướng Shtayyeh yêu cầu Israel tuân thủ các thỏa thuận, theo đó cho phép người Palestine ở Đông Jerusalem tham gia bầu cử, bao gồm cả hoạt động ứng cử và bỏ phiếu. Ông cũng để nghị Liên minh châu Âu (EU) cử quan sát viên tới giám sát các cuộc bầu cử sắp tới của Palestine, đặc biệt tại khu vực Đông Jerusalem.
Ngày 15/1 vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ban hành một sắc lệnh ấn định tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp các vùng lãnh thổ Palestine vào ngày 22/5 tới và bầu cử tổng thống vào ngày 31/7. Phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza đã hoan nghênh sắc lệnh này. Các cuộc bầu cử này được cho là đánh dấu một bước tiến lớn hướng tới hòa giải giữa phong trào Fatah của Tổng thống Abbas hiện hoạt động tại vùng Bờ Tây và phong trào Hamas.
Israel lâu nay phản đối hoạt động của Chính quyền Palestine tại Đông Jerusalem. Cuối năm 2019, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã từ chối ra sắc lệnh tổ chức bầu cử trước khi Israel bảo đảm người Palestine tại Đông Jerusalem được đi bỏ phiếu.
Lần gần đây nhất Palestine tiến hành bầu cử cơ quan lập pháp là vào năm 2006, trong đó Hamas giành số ghế áp đảo. Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất của Palestine diễn ra vào tháng 1/2005, sau khi nhà lãnh đạo Yasser Arafat qua đời vào tháng 11/2004. Ông Abbas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc ca ngợi nước Đức là 'cường quốc hòa bình' Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 18/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) António Guterres đã ca ngợi nước Đức là "cường quốc hòa bình" và là "trụ cột chủ nghĩa đa phương". Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Đức, nhân chuyến thăm Berlin trong khuôn khổ kỷ niệm 75 năm...