Tổng thống Trump: Nga nên tham gia cuộc họp G7
Trước thềm cuộc họp G7 diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ phát biểu rằng Nga, quốc gia đã tuyên bố rời khỏi G7 trước đó, nên tham gia cuộc họp thượng đỉnh tại Canada.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: GOP)
Sputnik đưa tin, Tổng thống Donald Trump ngày 8/6 cho biết Nga nên tham gia cuộc họp của G7 tại Quebec, Canada. Theo lịch trình dự kiến, nguyên thủ quốc gia của nhóm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada sẽ nhóm họp trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 8/6, theo giờ Canada.
“Tại sao chúng ta họp mà không có Nga. Tôi sẽ đề xuất (Nga tham gia), và tùy thuộc vào họ (6 nước còn lại) quyết định, nhưng Nga nên tham gia cuộc họp. Họ nên để Nga quay lại vì chúng ta nên có Nga tại bàn đàm phán”, ông Trump nói.
Nhóm các quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới G7 được thành lập vào thập niên 1970. Nhóm trở thành G8 sau khi kết nạp Nga. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước thành viên đã quyết định loại Nga ra khỏi G8 vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Năm 2017, Nga tuyên bố rút vĩnh viễn khỏi G8.
Bình luận về đề xuất của Tổng thống Trump, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Nga đang tập trung vào những mô hình khác, không phải G7″. Ngày 4/6, ông Peskov cũng nói rằng G8 đã mất dần tầm quan trọng đối với Nga trong bối c ảnh tình hình kinh tế và chính trị thay đổi. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận liệu Nga có sẵn sàng quay trở lại G8 hay không nếu nhận được lời mời chính thức.
Trong khi đó, các thành viên G7 có phản ứng trái chiều về đề xuất của ông Trump. Trong khi Canada lên tiếng phản đối, thì Italy bày tỏ quan điểm ủng hộ, cho rằng điều này là vì “lợi ích của tất cả mọi người”.
Căng thẳng giữa Mỹ và 6 nước còn lại trong khối G7 đã có dấu hiệu leo thang vì hàng loạt quyết định đơn phương vì lợi ích nước Mỹ mà chính quyền ông Trump ban hành, trong đó gần đây nhất là động thái áp thuế suất lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ các đồng minh EU, Canada và Mexico. Trước đó, ông Trump cũng làm các đồng minh phương Tây “thất vọng” khi rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi năm ngoái, hay quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Video đang HOT
Các quốc gia này đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ chính sách thương mại hiện tại của Mỹ và cảnh báo sẽ đoàn kết đáp trả lại những hành động của Washington. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “cảm thấy không phiền” nếu chỉ có 6 nước trong khối G7, dường như ám chỉ khối này có thể không cần tới Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng công khai chỉ trích ông Trump trước thềm cuộc họp.
CNN trích một nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho hay, cho đến ngày 7/6, ông Trump dường như vẫn băn khoăn về việc tham dự cuộc họp, nơi ông có thể sẽ phải chịu chỉ trích từ các bên. Sau cùng, ông được cho là vẫn quyết định sẽ đến Canada, tuy nhiên ông có thể sẽ rời cuộc họp từ sớm để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 tại Singapore.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Trung Quốc muốn gì từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể mang lại những lợi ích chiến lược với Trung Quốc, song cũng có thể dẫn đến kịch bản "ác mộng" với Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: AFP)
Khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chuẩn bị diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang kiểm soát một số diễn biến và thậm chí có thể tác động đến kết quả của hội nghị.
Cho tới gần đây, Bắc Kinh có chung mối lo ngại với Washington về năng lực hạt nhân ngày càng nâng cao của Bình Nhưỡng. Sau nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc bắt đầu "kiềm chế" người láng giềng thân thiết bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, đến tháng 3, khi Tổng thống Trump nhận lời mời hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bắc Kinh thay đổi một cách nhanh chóng khiến Washington phải lo ngại.
Thay vì tăng cường gây sức ép với Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011.
Hai nhà lãnh đạo Trung-Triều tiếp tục gặp nhau trong chuyến công du Trung Quốc lần hai tới Đại Liên của ông Kim Jong-un. Chuyến đi được cho là nhằm hàn gắn lại mối quan hệ ít nhiều rạn nứt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump cho biết, ông hoàn toàn bất ngờ về chuyến công du Trung Quốc lần hai của ông Kim Jong-un và cho rằng ông Tập có thể đã "tác động" lên ông Kim Jong-un để đưa ra những yêu cầu của mình.
Trong bối cảnh ấy, vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc có thể quyết định tiến trình ngoại giao về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc muốn gì?
CNBC dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, mục đích cuối cùng của Trung Quốc khi khẳng định vai trò trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đó là Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng khỏi bán đảo Triều Tiên.
"Bắc Kinh đang vận động để cái giá của hòa bình sẽ phải là quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Hàn Quốc", Hugo Brennan, một chuyên gia phân tích chính trị châu Á tại tổ chức tư vấn Verisk Maplecroft, nhận định.
Ngoài ra, triển vọng hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc.
"Trung Quốc hy vọng nếu đạt được thỏa thuận lớn, Trung Quốc muốn thấy quân đội Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên và sự tan rã của liên minh quân sự Mỹ-Hàn. Khi đó, bán đảo Triều Tiên sẽ lại trở về quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc", Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, nhận định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định rõ tại Đối thoại Shangri-La diễn ra cuối tuần trước rằng, vấn đề hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ không được đưa ra bàn đàm phán Mỹ-Triều.
"Cơn ác mộng" với Trung Quốc
Hội nghị Mỹ-Triều có thể mang lại những lợi ích chiến lược cho Trung Quốc, song cũng có thể là "cơn ác mộng" với nước này.
"Bắc Kinh lo ngại bị gạt ra ngoài lề, trong khi đó lại muốn đảm bảo các lợi ích an ninh và địa chính trị của mình", chuyên gia Brennan bình luận.
Chuyên gia này cho rằng, triển vọng thống nhất liên Triều sau hội nghị thượng đỉnh có thể khiến lực lượng Mỹ tiến gần hơn đến cửa ngõ Trung Quốc, nơi giáp ranh giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Đó sẽ là "cơn ác mộng" với Trung Quốc.
"Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để ngăn chặn bất cứ kịch bản nào có thể đe dọa đến lợi thế địa chính trị của Trung Quốc, chuyên gia Brennan nói.
Minh Phương
Theo Dantri
Tổng thống Trump: Tôi đã chuẩn bị cả đời cho hội nghị với Triều Tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông đã chuẩn bị cả đời cho cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào đầu tuần tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters) Chuẩn bị cả đời Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra ở đảo Sentosa của Singapore vào ngày 12/6 tới giữa...