Tổng thống Putin ra chỉ đạo về quan hệ với Triều Tiên
Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức yêu cầu Duma Quốc gia ( Hạ viện Nga) phê chuẩn hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/10 đã yêu cầu Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) phê chuẩn hiệp ước do ông đã ký kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Bình Nhưỡng vào tháng 6.
Hiệp ước bao gồm các cam kết của Nga và Triều Tiên về việc hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị nước ngoài tấn công.
Theo hiệp ước, hai nước sẽ “hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực và quốc tế”.
Hai nước cũng cam kết thiết lập “sự ổn định chiến lược toàn cầu và một hệ thống quốc tế đa cực công bằng”, đồng thời xây dựng quan hệ đối tác song phương trên “các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế”.
Hiệp ước cũng bao gồm một điều khoản nêu rằng nếu một trong hai bên bị nước ngoài tấn công vũ trang, bên còn lại sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi cách có thể theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp của quốc gia đó.
Moscow và Bình Nhưỡng cũng cam kết không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào “chống lại chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do lựa chọn và phát triển các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa cũng như các lợi ích quan trọng khác của bên kia” với bất kỳ quốc gia thứ ba nào.
Một điều khoản khác nêu rõ sự phản đối của Nga và Triều Tiên đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây, mô tả chúng là “việc áp đặt các biện pháp cưỡng chế đơn phương, bao gồm các biện pháp mang tính chất ngoài lãnh thổ”, là hành động bất hợp pháp và trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Nga và Triều Tiên đã cam kết không áp dụng các lệnh trừng phạt như vậy đối với nhau.
Video đang HOT
Tuần trước, Hàn Quốc tuyên bố hiệp ước trên đã có hiệu lực và binh lính Triều Tiên “nhiều khả năng” đã chiến đấu cùng với quân đội Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là “một trò lừa bịp khác”. Ông Putin tháng trước nhấn mạnh, đây là những tin tức “hoàn toàn vô nghĩa”.
Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga – Triều Tiên, được ký kết vào tháng 6 trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Vladimir Putin, có tác dụng thay thế một số thỏa thuận trước đó giữa 2 nước.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới giữa 2 nước phản ánh “lập trường phòng thủ đơn thuần” và chỉ những ai có kế hoạch tấn công Nga hoặc Triều Tiên mới phản đối.
Nga tuyên bố thỏa thuận này không nhằm chống lại Hàn Quốc hay bất cứ bên thứ 3 nào khác, mà như một lời cảnh báo tới các nước muốn dùng biện pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Vụ UAV xâm phạm không phận Bình Nhưỡng thổi bùng căng thẳng liên Triều
Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc điều các thiết bị bay không người lái (UAV) rải truyền đơn ở thủ đô Bình Nhưỡng và cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Cáo buộc UAV xâm phạm không phận
Bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), các thiết bị bay không người lái (UAV) của Hàn Quốc đã xâm nhập không phận thủ đô Bình Nhưỡng để thả truyền đơn chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết UAV của Hàn Quốc mang theo tài liệu tuyên truyền đã được phát hiện vào ban đêm ở thủ đô Bình Nhưỡng lần thứ ba trong tháng này.
KCNA đưa tin các truyền đơn này chứa đầy "tin đồn kích động và rác". Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo hành vi xâm phạm không phận Bình Nhưỡng "có thể được coi là một cuộc tấn công quân sự".
Không rõ loại UAVnào đã được sử dụng để thả truyền đơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ban đầu phủ nhận cáo buộc của Bình Nhưỡng, nhưng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JSC) Hàn Quốc sau đó tuyên bố rằng họ "không thể xác nhận những cáo buộc của Triều Tiên có chính xác hay không".
Hình ảnh duy nhất được cho là của một trong những thiết bị bay không người lái, được phát trên truyền hình nhà nước Triều Tiên vào cuối tuần, cho thấy một vật thể màu trắng có cánh trên nền trời tối.
Sự việc chưa từng có tiền lệ
Binh sĩ Triều Tiên xây dựng cứ điểm ở Khu phi quân sự (DMZ) ngày 4/6. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên cáo buộc nước láng giềng sử dụng UAV thả truyền đơn chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong những tháng gần đây, Hàn Quốc đã tố Triều Tiên thả hàng nghìn quả bóng bay mang theo những chiếc túi chứa đầy rác qua biên giới vào miền Nam.
Hàn Quốc cũng từng cáo buộc Triều Tiên điều khiển thiết bị bay không người lái trong không phận của nướcnày trong những năm gần đây. Tháng 12/2022, Hàn Quốc đã điều động trực thăng sau khi phát hiện 5 thiết bị bay không người lái nghi của Triều Tiên trên khu vực Seoul. Quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo và khoảng 100 phát đạn từ trực thăng trang bị súng ngắn, nhưng không hạ được bất kỳ máy bay không người lái nào. Sự việc này đã thúc đẩy Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol, đẩy nhanh quá trình phát triển thiết bị bay không người lái có khả năng do thám các cơ sở quân sự của Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển UAV nội địa. Hồi năm 2021, ông tuyên bố sẽ giám sát việc sản xuất các loại máy móc tinh vi hơn với tầm bay xa hơn.
Thổi bùng căng thẳng leo thang
Cáo buộc thiết bị bay không người lái xâm phạm không phận đã thổi bùng căng thẳng Hàn Quốc và Triều Tiên, phản ánh biến động theo chiều hướng xấu đi trong mối quan hệ liên Triều những tháng gần đây.
Triều Tiên cho biết các đơn vị quân đội tiền tuyến đã sẵn sàng tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc nếu phát hiện thêm máy bay không người lái.
Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chiều 13/10, Bộ Quốc phòng Triều Tiên đã ra lệnh cho 8 lữ đoàn pháo binh gần biên giới với Hàn Quốc vào tư tế sẵn sàng khai hỏa và các lực lượng phòng không của nước này cần tăng cường nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Bình Nhưỡng.
Bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un cảnh báo sẽ xảy ra một "thảm họa khủng khiếp"nếu Triều Tiên phát hiện thêm bất kỳ thiết bị bay không người lái nào của Hàn Quốc bay qua Bình Nhưỡng.
Theo KCNA, ngày 14/10, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức an ninh cấp cao để thảo luận về thiết bị bay không người lái của Hàn Quốc nhiều lần xâm nhập thủ đô Bình Nhưỡng và đưa ra các kế hoạch hành động quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 3 từ phải sang) triệu tập cuộc họp tham vấn về quốc phòng và an ninh quốc gia để thảo luận về các biện pháp ứng phó với thiết bị bay không người lái Hàn Quốc bay qua Bình Nhưỡng. Ảnh: Yonhap
Cùng ngày, Seoul tuyên bố họ đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho nổ tung các phần phía bắc của các tuyến đường liên Triều trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.
Đến trưa ngày 15/10, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường phân định quân sự.
JCS nói thêm rằng họ đang tăng cường khả năng giám sát và sẵn sàng chiến đấu. JCS trước đó đã yêu cầu các đơn vị quân đội tăng cường cảnh giác và sẵn sàng hỏa lực để ứng phó sau khi Triều Tiên đặt lực lượng pháo binh vào chế độ sẵn sàng chiến đấu.
Giám đốc quan hệ công chúng của JCS Lee Sung Joon cho biết quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Bình Nhưỡng.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh và Hành chính Công của Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/10, ông Kim Kyung Il - Thị trưởng Paju, thành phố Bàn Môn Điếm, ở biên giới phía nam, thuộc tỉnh Gyeonggi - cho biết căng thẳng leo thang ở khu vực biên giới những ngày gần đây khiến người dân khu vực này đang cân nhắc việc di dời khỏi nơi ở như trong tình trạng chiến tranh. Chính quyền tỉnh Gyeonggi cũng đang xem xét kế hoạch thiết lập "vùng rủi ro" tại các khu vực biên giới như Goyang, Gimpo, Yeoncheon, Pocheon và Paju.
Mỹ và Trung Quốc định hình 2 tam giác chiến lược ở Đông Bắc Á Với lịch sử và chính trị phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực, việc thực hiện chủ nghĩa đa phương truyền thống gặp nhiều khó khăn. Thay vào đó, chủ nghĩa đa phương hẹp, một hình thức hợp tác linh hoạt và không chính thức giữa các quốc gia có cùng chí hướng, đang dần hình thành. Thủ tướng Trung Quốc...