Tổng thống Philippines thăm Nhật Bản giữa lúc Biển Đông “dậy sóng”
Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới Nhật Bản, chuyến công du đang được kỳ vọng là cơ hội để hai nước tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh nhằm đối trọng với các hoạt động cải tạo đất rầm rộ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino tới sân bay quốc tế Haneda tại thủ đô Tokyo ngày 2/6 (Ảnh: AP)
Giữa lúc tranh chấp lãnh thổ đang sôi sục tại châu Á, Tổng thống Aquino sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 5/6. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nâng quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược và tái cam kết sự hợp tác của họ nhằm giải quyết các tranh chấp hòa bình ở Biển Đông theo luật pháp, giới chức Nhật cho hay.
Mặc dù chi tiết của sự hợp tác về thiết bị quốc phòng đang được bàn thảo nhưng các nguồn tin chính phủ Nhật cho hay Tổng thống Aquino và Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ nhất trí khởi động các cuộc đàm phán nhằm ký kết hiệp ước về chuyển giao thiết bị quốc phòng và chia sẻ lo ngại về các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng.
Cuộc gặp Abe-Aquino diễn ra chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc trở thành tâm điểm bị chỉ trích tại diễn đàn an ninh lớn nhất khu vực châu Á (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore, khi Mỹ chỉ trích các hoạt động cải tạo của Bắc Kinh gần đây và Nhật đồng tình với Mỹ nhằm tái khẳng định sự phản đối trước các hành động như vậy.
Cuộc gặp giữa ông Abe với Tổng thống Aquino tại Tokyo là cuộc gặp mới nhất trong hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á tới Nhật Bản trong những tháng gần đây. Hồi tháng trước, ông Abe đã gặp Thủ tướng Malaysia Najib Razak và nhất trí khởi động đối thoại về hợp tác nhằm chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. Hồi tháng 3, ông Abe cũng gặp Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo.
Việc Nhật nới lỏng các quy định chặt chẽ về xuất khẩu vũ khí hồi tháng 4 năm ngoái giờ đây cũng cho phép Tokyo xuất khẩu công nghệ và vũ khí quốc phòng tới các quốc gia khác.
Tokyo và Manila đang xem các thiết bị liên quan tới radar và máy bay tuần tra P3-C là các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, theo các nguồn tin chính phủ Nhật.
Một quan chức Nhật cho hay chuyến thăm cấp nhà nước của ông Aquino, trong bối cảnh Trung Quốc đang hung hăng ở Hoa Đông và Biển Đông, cho thấy Philippines quan trọng như thế nào đối với Nhật Bản, và cũng là cơ hội tốt để chứng tỏ với cộng đồng quốc tế rằng Nhật coi trọng quan hệ với Philippines như thế nào.
Video đang HOT
Trước khi lên đường tới Tokyo, Tổng thống Aquino phát biểu trước báo giới tại Manila rằng Nhật Bản đã gia tăng sự hỗ trợ đối với Philippines, đặc biệt sau siêu bão Haiyan vào năm 2013.
“Họ cũng sát cánh bên chúng tôi trong lập trường rằng nên sử dụng luật pháp để tìm kiếm một giải pháp công bằng và hợp lý cho các tranh chấp lãnh thổ”, ông Aquino nhấn mạnh.
Các chuyến thăm cấp nhà nước tại Nhật thường chỉ diễn ra tối đa 2 lần mỗi năm. Chuyến thăm của ông Aquino là chuyến thăm đầu tiên trong năm, và cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Nhật Bản.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao trùm lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc có các tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.
Trong lĩnh vực hợp tác liên quan tới thiết bị quốc phòng, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của nước này nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Tokyo đã cam kết tặng 10 tàu tuần qua cho Manila nhưng các tàu này chưa được chuyển giao.
Tổng thống Aquino dự kiến sẽ có bài phát biểu tại quốc hội, gặp gỡ các doanh nhân Nhật Bản, gặp gỡ Nhật hoàng Akihito và Công nương Michiko.
An Bình
Theo Dantri/Kyodo
Tổng thống Mỹ cảnh báo về hoạt động xây đảo của Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/6 đã cảnh báo về hoạt động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng nước này không nên cố gắng mở rộng chủ quyền bằng cách "vung tay và đẩy người khác ra ngoài".
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: CBS)
Ông Obama đưa ra cảnh báo trên trong cuộc trò chuyện với một nhóm lãnh đạo trẻ từ các quốc gia Đông Nam Á tại Nhà Trắng.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc không được dùng sức mạnh để đơn phương đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền.
"Trung Quốc là một nước lớn và quyền lực... Nhưng họ không nên chỉ cố gắng đi lên dựa vào việc vung tay và đẩy người khác ra ngoài", ông nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng các dự án bồi đắp ở Biển Đông không có lợi và kêu gọi chấm dứt hành động khiêu khích trong khu vực. "Tôi nghĩ rằng việc cải tạo đất, các hành động khiêu khích của bất kỳ bên nào trong khu vực đều phản tác dụng", ông nói.
Ông Obama còn cảnh báo về việc xem thường luật pháp hiện hành và lảng tránh các cách thức đã được thiết lập nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
"Nếu làm vậy, các xung đột sẽ gia tăng và các tuyên bố chủ quyền được thực hiện dựa trên diện tích, sức mạnh và hải quân của nước đó thay vì luật pháp thì tôi nghĩ rằng châu Á và khu vực Thái Bình Dương sẽ không còn thịnh vượng", ông Obama nói.
Tổng thống Obama nói thêm, dù Mỹ không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông nhưng với tư cách là một "cường quốc Thái Bình Dương", Washington mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc và các bên khác ngừng hoạt động bồi đắp.
Trong phát biểu gần như đồng thời, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas tuyên bố quân đội Mỹ sẽ nỗ lực ngăn chặn các vụ đụng độ bất ngờ và tiếp tục tuần tra ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng tại những hòn đảo tranh chấp.
"Nhiệm vụ của Hạm đội 7 là đảm bảo tự do đi lại ở các vùng biển và vùng trời quốc tế", Phó Đô đốc Robert Thomas khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tàu chỉ huy Blue Ridge.
Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đóng căn cứ ở thành phố Yokosuka của Nhật Bản, đồng nghĩa với việc lực lượng này có vai trò đảm bảo an ninh và tự do đi lại không chỉ ở Hoa Đông mà ở cả Biển Đông.
"Nếu Trung Quốc đưa ra những tuyên bố phản đối điều này, chúng tôi sẽ không công nhận", vị Phó Đô đốc quả quyết.
Mặc dù vậy, ông Thomas cũng nhấn mạnh Hải quân Mỹ đang tìm cách trao đổi thông tin với phía Trung Quốc nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ bất ngờ trên biển.
Ông cũng nói rõ Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng Tokyo sẽ hợp tác với các nước khác như Philippines và Australia để tăng cường hiện diện ở Biển Đông.
Đây là những tuyên bố mới nhất của các nhà lãnh đạo chính giới và quân sự Mỹ sau một loạt những phát biểu thẳng thắn và mạnh mẽ gần đây để phản đối các hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông như việc tự ý xây dựng các đảo nhân tạo, đơn phương ra quy định cấm đánh bắt cá 3 tháng hay có ý đồ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
An Bình-Vũ Anh
Theo Dantri/CBS, AFP
Trung Quốc ngang nhiên đưa vũ khí tới đảo nhân tạo: Không bất ngờ Một cựu tướng lĩnh quân đội Trung Quốc bình luận rằng không có gì bất ngờ khi Bắc Kinh triển khai pháo di động trên các địa điểm mà Bắc Kinh cải tạo ở Biển Đông. Các tàu thuyền của Trung Quốc tại một khu vực bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: US Navy) Lầu Năm Góc mới đây xác nhận...