Tổng thống Obama lên án Trump vì bình luận về người Hồi giáo
Tổng thống Barack Obama cáo buộc Donald Trump cùng nhiều đảng viên Cộng hòa đang phản bội lại các giá trị Mỹ, cản trở cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bằng những bình luận bừa bãi về người Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.
Donald Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, ngày 13/6 có bài diễn thuyết dài sau vụ xả súng tồi tệ ở thành phố Orlando, bang Florida, khiến 49 người vô tội thiệt mạng. Ông kêu gọi ngừng tiếp nhận người nhập cư đến từ các nước “có lịch sử khủng bố” chống lại Mỹ và “kiểm soát tốt hơn” người nhập cư bằng pháp luật nếu được bầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu hôm qua tại Bộ Tài chính đã cảnh báo về những đề xuất tăng cường giám sát người Hồi giáo ở Mỹ hoặc thiết lập bài kiểm tra tôn giáo để xác định người có thể vào Mỹ.
“Nếu từ bỏ những giá trị này, chúng ta sẽ không chỉ khiến quá trình cực đoan hóa tại Mỹ cũng như trên thế giới trở nên dễ dàng hơn mà còn phản bội lại những điều đang cố bảo vệ. Đó là sự đa nguyên và cởi mở, nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tự do dân sự, những điều khiến Mỹ vĩ đại, đặc biệt”, CNBC dẫn lời ông Obama nói.
Theo Tổng thống Obama, những kẻ khủng bố sẽ là bên chiến thắng sau đó và ông sẽ “không để điều đó xảy ra”.
Ông lưu ý rằng các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) muốn truyền bá tư tưởng “phương Tây ghét người Hồi giáo” để tuyển thêm chiến binh trong tương lai. Ông cảnh báo mọi hành động của Mỹ góp phần hợp pháp hóa tư tưởng đó đang là điều chúng mong chờ.
Video đang HOT
Tổng thống Obama còn bác bỏ sự chỉ trích từ đảng Cộng hòa về việc ông không dùng cụm từ “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan” khi đề cập đến IS. Ông gọi đây là một sự đánh lạc hướng chính trị.
Bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, trong bài phát biểu với người ủng hộ ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, nói đề xuất từ Trump tiếp tục củng cố quan điểm của bà cho rằng ông có tính khí không phù hợp để làm tổng thống, Reuters đưa tin.
Bà lưu ý ông Trump ngày 13/6 trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình còn có ý nói ông Obama phải chịu trách nhiệm cho vụ xả súng ở Orlando. “Tôi phải hỏi rằng, những nhà lãnh đạo Cộng hòa có trách nhiệm sẽ đương đầu với ứng viên tổng thống của họ hay ủng hộ những cáo buộc từ ông ấy đối với tổng thống?”, bà cho biết.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, đảng Cộng hòa, hôm qua tự giữ khoảng cách với đề xuất cấm người Hồi giáo, dấu hiệu cho thấy ông không hài lòng với cách làm của Trump. “Tôi không nghĩ lệnh cấm người Hồi giáo nằm trong những lợi ích quốc gia”, Ryan nói.
Như Tâm
Theo VNE
Vì sao ông Obama không dùng từ 'Hồi giáo cực đoan'?
Tỉ phú Donald Trump chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không sử dụng từ "Hồi giáo cực đoan" trong phát biểu sau vụ xả súng ở Orlando. Vì sao ông Obama lại đặc biệt cẩn trọng trong cách phát ngôn đến vậy?
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặc biệt nhấn mạnh sự tách biệt giữa khủng bố và lãnh đạo tôn giáo. REUTERS
Vụ xả súng tại hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida ngày 12.6 làm chết 49 người (thông tin trước đó là 50) đã trở thành thời cơ thích hợp cho ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà Donald Trump bày tỏ thái độ tiêu cực của ông đối với người Hồi giáo. Bởi ngay trước khi ra tay, tay súng Omar Mateen đã gọi đến đường dây nóng để tuyên bố trung thành với IS, theo NBC News ngày 13.6.
Bình luận sau vụ thảm sát này, ông Trump khẳng định chắc nịch rằng đề xuất cấm cửa người Hồi giáo đến Mỹ của ông là hoàn toàn đúng. "Nhiều người đang đến nước ta với sự thù ghét tương tự tay súng trong vụ Orlando. Chúng ta phải chặn những người này lại. Chúng ta chẳng có giấy tờ của họ, chẳng biết họ đến từ đâu. Họ có thể là IS, thực tế là một số người còn có điện thoại có cờ IS ở trên".
Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy điều ông Trump nói là không chính xác. Tay súng Omar Mateen sinh ra ở New York và là công dân Mỹ. Hung thủ của vụ xả súng ở San Bernardino hồi năm 2015 là Syed Rizwan Farook cũng sinh ra ở Chicago và là công dân Mỹ. Hơn nữa, đa số các vụ khủng bố tại Mỹ từ năm 2001 là do người Mỹ thực hiện, theo tổ chức nghiên cứu chiến lược New America.
Trong phát biểu của mình, ông Trump cũng không quên chỉ trích Tổng thống Obama rằng "ông ấy thậm chí còn chẳng nói từ &'Hồi giáo cực đoan'. Chỉ vì lý do đó thôi, ông ấy nên từ chức đi. Nếu bà Hillary Clinton vẫn không nói &'Hồi giáo cực đoan' sau vụ tấn công, bà ấy cũng nên rút khỏi cuộc đua tranh vị trí Tổng thống".
Ông Obama không nhắc đến Hồi giáo trong phát biểu sau vụ xả súng đẫm máu khiến ít nhất 49 người thiệt mạng ngày 12.6. Ông chỉ coi đây là "hành động khủng bố và căm ghét", nói rằng sát thủ đã bị "tư tưởng cực đoan" ảnh hưởng và "một trong những thách thức lớn nhất là sự tuyên truyền và xuyên tạc của đạo Hồi mà các bạn thấy trên internet".
Theo NBC News, ông Obama và Ngoại trưởng John Kerry từng nhấn mạnh rằng không dùng từ "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" hay "Hồi giáo cực đoan" vì đó sẽ là một sự công nhận tính chính thống về tôn giáo cho các phong trào khủng bố như tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Hơn nữa, việc coi đạo Hồi như một yếu tố gây nguy hại sẽ khiến việc chống khủng bố sẽ giống như cuộc chiến tranh giữa phương Tây và đạo Hồi.
Ông Donald Trump luôn nói về việc ngăn chặn người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ nhưng không nhận ra rằng đa số những vụ khủng bố tại Mỹ từ năm 2001 đều do người Mỹ thực hiện. REUTERS
Hồi tháng 2.2015, Tổng thống Obama khẳng định sự khác biệt giữa khủng bố và các lãnh đạo tôn giáo tại Hội nghị về chống bạo lực cực đoan. Ông còn nhấn mạnh "chúng ta không có chiến tranh với Hồi giáo. Chúng ta chỉ có chiến tranh với những người xuyên tạc Hồi giáo".
Theo tổng thống Mỹ, đạo Hồi là tôn giáo được xây dựng trên những giáo huấn hoà bình, còn hành động khủng bố thì do những kẻ cực đoan gây ra, mà những kẻ này thường suy diễn tôn giáo theo cách cực đoan.
Theo ABC News, việc ông Obama không nhắc đến từ "khủng bố Hồi giáo cực đoan" cũng giống như cách ông gọi IS là ISIL (Nhà nước Hồi giáo của Iraq và miền Cận Đông) mà không gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ bác bỏ tính chính thống của tổ chức khủng bố này. "ISIL không phải là người Hồi giáo. ISIL chắc chắn không phải là một nước. Nó chẳng được chính phủ hay người dân ở những nơi chúng xâm chiếm công nhận. ISIL đơn giản là một tổ chức khủng bố".
Ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Hillary Clinton thì có cách lý giải khác. Bà gọi vụ xả súng ở Orlando là hành động khủng bố nhưng không dùng từ Hồi giáo cực đoan.
Sau khi bị ông Trump chỉ trích, bà Hillary phản pháo: "Ông Trump thường bị ám ảnh với việc gọi tên. Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là việc chúng ta làm chứ không phải điều chúng ta nói. Việc quan trọng là chúng ta đã diệt được Osama bin Laden chứ không phải cái tên mà chúng ta gọi hắn".
Bà Hillary cũng nói với kênh Today rằng chủ nghĩa &'thánh chiến' cực đoan và Hồi giáo cực đoan là như nhau. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng sẽ không trở thành một kẻ mị dân và tuyên chiến với cả một tôn giáo.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Donald Trump: Tôi đã đúng về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Bình luận về vụ tấn công hộp đêm ở thành phố Orlando ngày 12.6 khiến 50 người chết, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đã đúng khi nói rằng mình muốn cấm người Hồi giáo vào Mỹ. Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước cử tri ở thành phố Tampa, bang Florida ngày 11.6. REUTERS Tỉ phú...