Tổng thống Mỹ: Khả năng ngừng bắn lâu dài ở Gaza “có thật”
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi việc Hamas thả nhóm con tin đầu tiên là “bước khởi đầu tốt đẹp”, đồng thời cho rằng động thái đó mở ra “khả năng có thật” về một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn.
Bình luận về đợt trao đổi con tin đầu tiên giữa Hamas và Israel hôm 24/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả đó “là bước khởi đầu, nhưng diễn ra tốt đẹp”. Ông xác nhận không có công dân Mỹ trong đợt đổi người đó, nhưng kì vọng họ sẽ được thả vài ngày tới, New York Times đưa tin.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: SkyNews
Theo Tổng thống Biden, động thái nêu trên đã mở ra “khả năng có thật” nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. Ông tiết lộ mình đang giữ liên lạc với các nhà lãnh đạo Qatar, Ai Cập và Israel “để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng và mọi khía cạnh của thỏa thuận được thực hiện”.
Trong đợt trao đổi hôm 24/11, lực lượng Hamas đã 24 người bị bắt sau cuộc đột kích tháng trước của lực lượng này vào Israel, bao gồm 13 người Israel là phụ nữ và trẻ em, 10 người Thái Lan cùng một người Philippines, theo số liệu của Qatar và Hội Chữ thập đỏ quốc tế.
Số lượng người được Hamas thả trên thực tế ít hơn một người so với số liệu ban đầu được công bố là 13 người Israel và 12 người Thái Lan. Chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về thông tin.
Video đang HOT
Thành viên Hamas bế một người lớn tuổi tới bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ trong đợt trao đổi đầu tiên với Israel hôm 24/11. Ảnh: Reuters
Về nhóm người Israel, họ được thả theo thỏa thuận mà Hamas đạt được với Israel hôm 22/11, trong đó nhóm vũ trang của người Palestine hứa đổi 50 con tin là phụ nữ và trẻ em đổi lấy 150 phụ nữ và trẻ em Palestine bị giam giữ tại các cơ sở trên lãnh thổ Israel.
Về nhóm người Thái Lan, New York Times nói rằng, họ được thả theo một thỏa thuận riêng do Qatar đàm phán với Hamas. Những người này làm công việc nông nghiệp ở miền Nam Israel, bị Hamas đưa sang Dải Gaza sau cuộc đột kích vào Israel ngày 7/10.
Ở chiều ngược lại, 39 người Palestine đã được thả tự do ở Bờ Tây. Khi chiếc xe bus của Hội Chữ thập đỏ chở họ rời nhà tù Israel, hàng trăm người Palestine đã chờ sẵn để chào đón và ăn mừng.
Người Palestine chào đón nhóm phụ nữ và trẻ em vừa được Israel thả tự do. Ảnh: New York Times
Nhờ lệnh ngừng bắn và hoạt động trao đổi con tin thành công, giao tranh đã không còn được ghi nhận ở Dải Gaza từ trưa 24/11. Hàng chục chuyến xe viện trợ nhân đạo đang khẩn trương đi qua biên giới Ai Cập vào Dải Gaza, nơi 2/3 trong tổng số 2,2 triệu người dân Palestine đang sinh sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề do bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến sự.
Israel tuyên bố họ sẵn sàng “gia hạn ngừng bắn thêm một ngày cho mỗi 10 con tin được thả tự do”. Giới chức Israel nhận định, khoảng 240 người mang nhiều quốc tịch bị lực lượng Hamas đưa từ lãnh thổ Israel sang Dải Gaza tháng trước. Trong khi đó, hàng ngàn người Palestine đang bị Israel giam giữ.
Trong ngày 25/11, hai bên sẽ tiếp tục tiến hành một đợt trao đổi người tiếp theo. Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo các quan chức đang xem xét danh sách các con tin dự kiến được trao đổi. Cộng đồng quốc tế kì vọng lệnh ngừng bắn mong manh sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán mới.
Tổng thống Joe Biden ra cảnh báo "nghiêm khắc" với Iseael về Gaza và khu Bờ Tây
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/11 (giờ địa phương) lên tiếng cho rằng Chính quyền Palestine cuối cùng nên là bên sẽ quản lý Dải Gaza và Bờ Tây sau khi xung đột Israel - Hamas kết thúc.
"Khi chúng ta nỗ lực vì hòa bình, Gaza và Bờ Tây nên được thống nhất dưới một cơ cấu quản lý duy nhất, cuối cùng là dưới Chính quyền Palestine đang hồi sinh, vì tất cả chúng ta đều nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước", ông Biden bình luận trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post.
"Không được dùng vũ lực để di dời người Palestine khỏi Gaza, không được tái chiếm, không bao vây hay phong tỏa cũng như không được thu hẹp lãnh thổ", Tổng thống Mỹ nói thêm.
Theo Reuters, ông chủ Nhà Trắng muốn sử dụng bài báo này để cố gắng trả lời câu hỏi: "Mỹ muốn gì đối với Gaza sau khi xung đột Israel - Hamas kết thúc?".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
"Tôi nghĩ rằng Chính quyền Palestine với hình thức hiện tại không có khả năng nhận trách nhiệm về Gaza sau khi chúng tôi đã chiến đấu và làm tất cả những điều này để chuyển quyền đó cho họ", ông nói tại một cuộc họp báo cùng ngày ở Tel Aviv.
Chính quyền Palestine từng quản lý cả Bờ Tây và Dải Gaza, nhưng đã bị lật đổ khỏi Gaza vào năm 2007 sau cuộc nội chiến ngắn ngủi với phong trào Hamas. Ông Netanyahu trước đây từng tuyên bố Israel phải duy trì "trách nhiệm quân sự tổng thể" ở Gaza "trong tương lai gần".
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/11 cũng cho biết Mỹ sẵn sàng ban hành lệnh cấm cấp thị thực đối với những "phần tử cực đoan" tấn công dân thường ở Bờ Tây. "Tôi đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Israel rằng bạo lực cực đoan chống lại người Palestine ở Bờ Tây phải chấm dứt và những người thực hiện bạo lực phải chịu trách nhiệm", ông Biden nói.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thời gian qua cũng thường xuyên kêu gọi Tổng thống Mỹ gây áp lực buộc Israel chấm dứt bạo lực chống lại người Palestine. Động thái này diễn ra trong bối cảnh, Bờ Tây, nơi sinh sống của 3 triệu người Palestine cùng hơn nửa triệu người định cư Do Thái, đã sôi sục trong hơn 18 tháng qua.
Quốc tế ngày càng lo ngại hơn khi bạo lực leo thang kể từ sau cuộc tấn công của phong trào Hamas nhằm vào Israel hôm 7/10, dẫn tới các đòn trả đũa và tấn công liên tiếp của Israel trên Dải Gaza
Cựu Tổng thống Mỹ: Hành động của Israel có thể gây "phản ứng ngược" Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23/10 nhấn mạnh, một số hành động của Israel trong cuộc chiến chống Hamas, như cắt lương thực và nước uống cho Gaza, có thể "khiến thái độ của người Palestine qua nhiều thế hệ cứng rắn hơn" và làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Israel. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh AP....