Tổng thống Mỹ điện đàm với Thủ tướng Israel về Rafah
Theo Reuters, Nhà Trắng ngày 11/2 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tuyên bố Israel không nên tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah mà không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho khoảng 1 triệu người đang trú ẩn trong khu vực.
Binh sĩ Israel tuần tra dọc khu vực biên giới với Dải Gaza, ngày 28/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo đối thoại sau khi ông Biden nói rằng phản ứng của Israel đối với khu vực Gaza là “quá mức”.
Trước đó, phát biểu trong buổi phỏng vấn chương trình “This Week” của đài ABC phát sóng ngày 11/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết 132 con tin Israel còn lại bị giam giữ ở Gaza là “đủ” để biện minh cho cuộc chiến của Israel tại khu vực này.
Trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức để đưa tất cả những người còn sống trở về và cả thi thể của những người thiệt mạng”. Đề cập số lượng con tin còn sống, ông Netayahu khẳng định “đủ để xác chứng thực những nỗ lực mà Israel đang thực hiện”.
Bên cạnh đó, ông Netanyahu cũng khẳng định Israel đã nỗ lực hết mình để giảm thiểu thương vong cho dân thường, đồng thời đưa ra thống kê là cứ mỗi chiến binh Hamas bị tiêu diệt ở Gaza thì có một thường dân Palestine thiệt mạng.
Video đang HOT
Mỹ tính khả năng trì hoãn gửi vũ khí để gây áp lực với Thủ tướng Israel
Kênh NBC dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ đang thảo luận về khả năng trì hoãn giao vũ khí cho Israel, nhằm thuyết phục Thủ tướng Benjamin Netanyahu nghe theo lời kêu gọi lâu nay là giảm quy mô cuộc tấn công quân sự ở Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo chỉ đạo của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc đang xem xét sử dụng loại vũ khí nào mà Israel yêu cầu để làm đòn bẩy. Các nguồn tin cho biết chưa có quyết định nào về vấn đề này.
Trong khi đó, các quan chức Israel tiếp tục yêu cầu Mỹ cung cấp thêm vũ khí, trong đó có cả bom cỡ lớn, đạn dược và hệ thống phòng không.
Sau nhiều tuần đề nghị riêng mà không mang lại kết quả như mong muốn, Mỹ đang xem xét trì hoãn hoặc tạm dừng giao vũ khí với hy vọng rằng làm như vậy sẽ khiến Israel hành động, ví dụ như mở hành lang nhân đạo để cung cấp thêm hàng hóa viện trợ cho dân thường Palestine.
Trong số các loại vũ khí mà Mỹ đã thảo luận sử dụng để làm đòn bẩy là đạn pháo 155 mm và bom tấn công trực tiếp hỗn hợp (JDAM). JDAM là những bộ dẫn đường để chuyển bom thường thành bom dẫn đường chính xác. Mỹ có thể sẽ tiếp tục cung cấp JDAM để giúp Israel tấn công chính xác hơn.
Mỹ có thể cũng không trì hoãn cung cấp hệ thống phòng không cũng như các hệ thống khác vì các hệ thống này bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng của Israel khỏi bị tấn công. Do đó, chính quyền Mỹ đang tập trung vào các thiết bị quân sự tấn công để xem xét những loại nào họ có thể giữ lại hoặc trì hoãn giao cho Israel.
Các quan chức Mỹ cũng đã thảo luận về cung cấp cho chính phủ Israel nhiều loại vũ khí mà họ yêu cầu để Israel có động lực thực hiện một số bước theo đề nghị của Mỹ.
Những nỗ lực này được đưa ra sau nhiều tuần Tổng thống Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia không thuyết phục được ông Netanyahu và các quan chức Israel thay đổi đáng kể chiến thuật ở Gaza, cũng như thực hiện nhiều bước hơn để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Nỗ lực này đánh dấu thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của ông Biden khi không chỉ đề nghị ở hậu trường mà thực hiện những thay đổi chính sách hữu hình nhằm thúc đẩy Israel hành động.
Một số thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội đã thúc giục chính quyền Mỹ làm nhiều hơn để gây áp lực với ông Netanyahu và các quan chức Israel khác.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza ngày 24/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã bảo vệ lập trường của chính quyền Mỹ trong cuộc xung đột Israel - Hamas. Ông cho biết trong một tuyên bố: "Như Tổng thống đã nói rõ, ông tin rằng cách tiếp cận mà ông theo đuổi đã hiệu quả hơn. Israel có quyền và nghĩa vụ tự vệ trước mối đe dọa từ Hamas, đồng thời tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ mạng sống của dân thường. Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ Israel trong cuộc chiến chống Hamas".
Sau khi NBC đăng bài viết, người phát ngôn trên nói thêm: "Chúng tôi đã làm như vậy kể từ ngày 7/10/2023 và sẽ tiếp tục. Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi".
Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ tiếp tục thất vọng vì Israel thường phớt lờ lời kêu gọi giảm thiểu thiệt hại cho dân thường Palestine. Tình trạng này gần đây cũng gia tăng ở Lầu Năm Góc, còn Tổng thống Biden và các quan chức Nhà Trắng khác từ lâu đã tỏ ra không hài lòng với cách xử lý cuộc chiến của Thủ tướng Netanyahu.
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Biden khẳng định ông đang làm tất cả những gì có thể để khiến Israel thay đổi chiến thuật quân sự. Ông nói ngày 8/1: "Tôi đã âm thầm làm việc với chính phủ Israel để yêu cầu họ giảm bớt và rút quân khỏi Gaza một cách đáng kể. Tôi đã sử dụng tất cả những gì có thể để làm điều đó".
Các quan chức Nhà Trắng cho rằng Tổng thống Biden đã đạt được một số thành công nhất định, dù họ thừa nhận các quan chức Israel vẫn chưa làm được như mức mà Tổng thống mong muốn.
Thế kẹt của Thủ tướng Israel Nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu muốn ngừng bắn để đảm bảo sự trao trả con tin, nhưng đảng Likud của ông lại muốn tiếp tục chiến đấu chống Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) chủ trì cuộc họp nội các ở Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN Theo trang Politico.eu ngày 21/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang rơi vào thế...