Tổng thống Mỹ Biden nói gì về nguyên nhân Hamas tấn công miền Nam Israel?
Israel tiếp tục tấn công các mục tiêu của Hamas ở Gaza, khi nước này chuẩn bị cho chiến dịch quân sự quy mô lớn trên bộ trong bối cảnh ngày càng có nhiều thường dân Palestine thiệt mạng.
Khung cảnh hoang tàn tại Gaza sau trận không kích của Israel. Ảnh AP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10 vào Israel của các chiến binh Hamas đã nhấn mạnh về tầm nhìn cho tương lai, trong đó, hai nhà nước Israel và Palestine sẽ cùng tồn tại và phát triển.
“Người Israel và người Palestine đều xứng đáng được sống cạnh nhau trong an toàn, nhân phẩm và hòa bình”, ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo chung ở Washington với Thủ tướng Australia Anthony Albanese đang có chuyến thăm đến Mỹ.
Ông Biden cho rằng, một trong những lý do khiến nhóm Hồi giáo Hamas tấn công miền Nam Israel, giết chết 1.400 người và bắt hơn 200 con tin thuộc các quốc tịch khác nhau, là để ngăn cản việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi.
Bộ Y tế Palestine ngày 25/10 cho biết, các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã giết chết hơn 6.500 người, Reuters đưa tin.
Video đang HOT
Omar Shakir, Giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Israel và Palestine, khẳng định, số người Palestine thiệt mạng do Bộ Y tế Palestine cung cấp ở Dải Gaza là đáng tin cậy.
Theo dữ liệu của chính phủ Israel, hơn 7.600 quả tên lửa đã được bắn về phía Israel kể từ ngày 7/10, trong khi liên tục xảy ra các cuộc đụng độ dọc biên giới phía Bắc.
Tại Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Mỹ soạn thảo kêu gọi tạm dừng các hoạt động thù địch để cho phép chuyển giao thực phẩm, nước và thuốc men rất cần thiết cho dân thường Palestine. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng bỏ phiếu chống, trong khi 10 thành viên khác bỏ phiếu ủng hộ và 2 thành viên bỏ phiếu trắng.
Nga đưa ra đề xuất khác ủng hộ lệnh ngừng bắn diện rộng hơn nhưng không giành được số phiếu tối thiểu. Israel đã phản đối cả hai, cho rằng Hamas sẽ chỉ lợi dụng và tạo ra những mối đe dọa mới đối với dân thường Gaza.
Việc vận chuyển hạn chế thực phẩm, thuốc men và nước từ Ai Cập đã bắt đầu lại vào cuối tuần qua Rafah, cửa khẩu duy nhất không do Israel kiểm soát.
Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari nhấn mạnh, nước này sẽ “tiếp tục tấn công vào Gaza để đạt được các mục tiêu của cuộc chiến”. “Mỗi cuộc tấn công đều củng cố sức mạnh cho chúng tôi và cải thiện tình hình của chúng tôi trước các giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”, ông Hagari khẳng định.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một phát biểu trên truyền hình cho biết, Israel đang “chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ”, dù không đi vào chi tiết.
Xe tăng và quân đội Israel tập trung ở biên giới với Gaza chờ lệnh. Israel đã triệu tập 360.000 quân dự bị.
Cựu Tổng thống Mỹ: Hành động của Israel có thể gây "phản ứng ngược"
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23/10 nhấn mạnh, một số hành động của Israel trong cuộc chiến chống Hamas, như cắt lương thực và nước uống cho Gaza, có thể "khiến thái độ của người Palestine qua nhiều thế hệ cứng rắn hơn" và làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Israel.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh AP.
Trong những bình luận hiếm hoi về cuộc khủng hoảng, ông Obama cho biết bất kỳ chiến lược quân sự nào của Israel mà bỏ qua cái giá phải trả về con người trong cuộc chiến "cuối cùng có thể phản tác dụng".
"Quyết định của chính phủ Israel cắt lương thực, nước và điện đối với dân thường bị bao vây (ở Gaza) không chỉ đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo mà còn có thể khiến thái độ của người Palestine trở nên cứng rắn hơn trong nhiều thế hệ, làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Israel và làm suy yếu những nỗ lực lâu dài nhằm đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Obama nhấn mạnh.
Israel đã ném bom dữ dội vào Gaza qua các cuộc không kích kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Các quan chức Gaza cho biết các cuộc không kích của Israel đã giết chết hơn 5.000 người Palestine.
Ông Obama lên án cuộc tấn công của Hamas và nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với quyền tự vệ của Israel, đồng thời cảnh báo về những rủi ro đối với dân thường trong các cuộc tấn công.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama thường ủng hộ quyền tự vệ của Israel khi bắt đầu xung đột với nhóm Hồi giáo Hamas ở Gaza, nhưng nhanh chóng kêu gọi Israel kiềm chế sau khi thương vong của người Palestine do các cuộc không kích tăng lên.
Gaza, dải đất dài 45 km với 2,3 triệu người, nằm dưới sự quản lý của Hamas kể từ năm 2007.
Chính quyền Obama đã nỗ lực môi giới một thỏa thuận hòa bình trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, nhưng cuối cùng đã thất bại.
Kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không cố gắng nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ kéo dài, cho rằng lãnh đạo hai bên không khoan nhượng và điều kiện không phù hợp
Mỹ đang định hình chiến dịch đổ bộ của Israel vào Gaza? Ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang định hình chiến dịch tấn công trên bộ của Israel ở Gaza nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas. Vào ngày 14.10, khi Israel vẫn còn bị sốc trước cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas từ Dải Gaza trước đó một tuần, quân đội Israel cho hay họ đang...