EU muốn ‘đồng bộ hóa’ thông điệp về cuộc xung đột Israel – Hamas
Các nhà lãnh đạo EU đã phải chật vật giải quyết những khác biệt của họ khi sự hỗn tạp về quan điểm đã làm hỏng phản ứng của khối đối với cuộc xung đột Israel- Hamas.
Một số khác biệt vẫn còn khi các nhà lãnh đạo EU tìm kiếm sự gắn kết liên quan đến cuộc xung đột Israel – Hamas. Ảnh: Euractiv.com
Theo mạng tin châu Âu EurActiv.com ngày 18/10, sau một tuần đưa ra những thông điệp khó hiểu và mâu thuẫn về quan điểm của EU đối với cuộc xung đột Israel – Hamas đang diễn ra, các nhà lãnh đạo của khối đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm thống nhất đưa ra một lập trường chung.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo EU, diễn ra hôm 17/10 và do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chủ trì, nhằm tìm cách giải quyết sự bối rối sau những bước đi ban đầu được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thực hiện.
Hội nghị bất thường được triệu tập sau khi có lo ngại rằng phản ứng mâu thuẫn ban đầu đối với cuộc chiến Israel – Hamas đang làm tổn hại đến hình ảnh của EU với tư cách là một bên can dự quốc tế và làm suy yếu mối quan hệ của khối với các nước trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về những nỗ lực ngoại giao liên tục nhằm thu hút các nước trong khu vực, bao gồm Jordan và Ai Cập, để ngăn chặn cuộc xung đột mở rộng thành một cuộc chiến tranh ở Trung Đông.
Họ cũng phối hợp nỗ lực đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza và sơ tán khoảng 1.000 công dân nước ngoài được cho là vẫn còn mắc kẹt ở đó. Kết quả hội nghị cho thấy, EU tuyên bố đoàn kết ủng hộ quyền tự vệ của Israel nhưng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Theo AP, kể từ khi lực lượng Hamas tấn công vào miền Nam Israel hôm 7/10, gây ra cuộc chiến tranh Gaza mới nhất, với hơn 4.000 người chết ở cả hai bên, Pháp đã cấm các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong bối cảnh số lượng các hành vi chống Do Thái đã tăng lên. Đức cũng tăng cường an ninh và đề nghị trợ giúp quân sự cho Israel cũng như cam kết sẽ trấn áp sự hỗ trợ cho Hamas ở trong nước. Các cuộc biểu tình nhỏ lẻ đã được tổ chức ở những nước EU khác.
Trong khi đó, các quan chức EU đã gửi những thông điệp trái chiều về viện trợ cho người Palestine. Khối này là nhà tài trợ lớn nhất cho họ và cung cấp khoảng 10% ngân sách của Chính quyền Palestine, nhưng EU có rất ít ảnh hưởng đối với Israel. EU cũng chưa rõ họ “đứng ở đâu” trong cuộc phong tỏa Gaza của Israel.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel nói với các phóng viên ở Brussels sau khi tổ chức hội nghị khẩn cấp: “Chúng tôi phải định hướng hành động của mình xung quanh hai nguyên tắc: đoàn kết và nhất quán”.
Video đang HOT
Ông Michel thừa nhận: “Đó là một cuộc xung đột đang tạo ra nhiều sự chia rẽ, bất đồng và phân cực giữa người dân của chúng ta, giữa các xã hội của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta cũng cần hợp tác ở cấp độ EU để tìm cách xoa dịu căng thẳng”.
Về phần mình, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh bất kỳ hành động nào của Israel đều phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Trong khi đó, phát biểu sau hội nghị, bà Leyen đã thận trọng hơn với lời nói của mình. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, bà cho biết Ủy ban châu Âu đang nỗ lực đưa hàng hóa nhân đạo vào Gaza bằng cách thiết lập một cầu hàng không tới Ai Cập và sẽ tăng gấp ba lần viện trợ nhân đạo cho người Palestine trong năm nay.
Chủ tịch Ủy ban EU Leyen, người bị chỉ trích vì đến thăm Israel vào tuần trước mà không tham khảo ý kiến các nước thành viên, cho biết: “Hành động khủng bố của Hamas hiện đang gây ra đau khổ to lớn cho người dân Palestine. Không có gì mâu thuẫn khi sát cánh cùng Israel trong tinh thần đoàn kết và hành động vì nhu cầu nhân đạo của người Palestine”.
Do đó, trong tuần qua, nhiều quốc gia thành viên EU cảm thấy bà Leyen đã “vượt quá quyền hạn” của mình khi đến thăm Israel mà không đưa ra một thông điệp chính trị được thống nhất trước và sau đó đi theo điều mà các nhà phê bình gọi là “đường lối thân Israel quá mức”.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: Tuyên bố và hội nghị thượng đỉnh trực tuyến là một nỗ lực “đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo”.
Các quan chức EU cho biết hậu quả đối với các quốc gia thành viên EU, vốn có sự phân cực về cuộc xung đột, cũng như tác động của người di cư và người tị nạn chảy từ các khu vực xung đột sang các nước lân cận và châu Âu cũng được thảo luận. Nhưng họ nói thêm rằng đó còn là việc thảo luận về viễn cảnh của một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Nhưng các nhà lãnh đạo EU ngay lập tức phải đối mặt với thách thức mới khi có báo cáo ngày 18/10 cho biết một bệnh viện ở Gaza đã bị đánh bom khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hamas cho rằng nguyên nhân là do Israel gây ra. Quân đội Israel phủ nhận sự liên quan, nói rằng đó là một tên lửa của người Palestine bắn nhầm.
Hiện các quan chức và nhà ngoại giao EU lo ngại Israel có thể tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, có thể gây thương vong cho dân thường nhiều hơn và có khả năng dẫn đến một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn nếu lực lượng Hezbollah được trang bị vũ khí hạng nặng tiến hành một cuộc tấn công từ Liban nhằm vào Israel.
Ngoại giao của Mỹ gặp thử thách ở Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ đã nỗ lực tiến hành ngoại giao con thoi ở Trung Đông để ngăn chặn xung đột Israel-Hamas lan rộng, nhưng các nhà lãnh đạo Arab chọn không đứng về bên nào.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv, Israel ngày 12/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico của Mỹ ngày 17/10, nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ liên quan đến cuộc xung đột Israel - Hamas cho đến nay vẫn chưa thể tác động đến các nước Arab ở Trung Đông. Chuyến thăm theo kế hoạch của Tổng thống Joe Biden tới khu vực này ngày 18/10 có thể không giúp ích được gì.
Trong những ngày gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là quan chức đại diện cho nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đã đến thăm Israel và 6 quốc gia có đa số dân là người Arab, có nước 2 lần. Nhưng Mỹ đã không thể khiến hầu hết các nhà lãnh đạo Arab lên án Hamas về vụ tấn công Israel hoặc đưa ra những tuyên bố ủng hộ phản ứng quân sự của Israel.
Vấn đề này phần nào cho thấy ảnh hưởng của Mỹ dường như đang suy giảm trong khu vực, nơi lợi ích của các chính phủ ở Trung Đông thường khác biệt với lợi ích của Washington, trong khi cả Nga và Trung Quốc đều đang cạnh tranh giành vị thế. Sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ dành cho Israel có thể là một trong những rào cản lớn nhất với nỗ lực của Mỹ với các nước Arab.
Mặc dù vậy, Mỹ dường như đã đạt được chút tiến bộ vào sáng 17/10 ở Israel khi hai nước đồng ý phát triển kế hoạch cho phép viện trợ nhân đạo chuyển vào Dải Gaza, lãnh thổ do Hamas kiểm soát hiện đang bị Israel bao vây.
Trong khi đó, cuộc tấn công của Hamas vào Israel rất quy mô và bạo lực, khiến trên 1.200 người Israel thiệt mạng, đến nỗi nhiều nhà lãnh đạo khu vực vẫn đang gặp khó khăn trong việc đưa ra lập trường của mình.
Ghaith al-Omari, cựu cố vấn của Chính quyền Palestine, cho biết: "Với thực tế là chúng ta đang ở giai đoạn đầu của diễn biến căng thẳng này, ngoại giao của Mỹ đang thành công, nhưng không nhiều như mọi người kỳ vọng. Lúc này còn quá sớm để nói về một bước đột phá lớn".
Với bối cảnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Biden tới khu vực vào ngày 18/10 có thể làm phức tạp thêm tình hình. Ông Jonathan Schanzer, nhà phân tích của Tổ chức Bảo vệ Dân chủ ở Washington, nêu quan điểm: "Việc ông Biden đến Trung Đông sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ đứng về phía Israel trong vấn đề này. Điều đó sẽ khiến một số nước trong thế giới Arab tức giận".
Trong vài ngày qua, Tổng thống Biden đã thay đổi, từ chỗ ủng hộ rõ ràng đối với Israel sang những lo ngại về việc bảo vệ thường dân Palestine. Ông cũng cảnh báo Israel rằng việc chiếm đóng Gaza có thể sẽ phải trả giá đắt.
Ông Khaled Elgindy, nhà phân tích của Viện Trung Đông ở Washington, cho rằng thay đổi trên của ông Biden đã xuất hiện quá muộn. Những gì Mỹ tuyên bố công khai ngay từ đầu cuộc xung đột Israel - Hamas đã gây ảnh hưởng lớn đối với người Arab.
Nhưng một số quan chức và nhà phân tích cảnh báo không nên loại Mỹ ra khỏi tình hình lúc này, lưu ý rằng các cuộc đàm phán hậu trường có thể mang lại hiệu quả hơn những tuyên bố công khai.
Xe tăng Israel cơ động gần biên giới với Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Blinken khẳng định có sự đồng thuận đáng kể về một số mục tiêu cơ bản, bao gồm mong muốn ngăn chặn xung đột giữa Israel và Hamas leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng hơn.
Ông Blinken nói với các phóng viên: "Những gì tôi nghe được từ hầu hết mọi đối tác là sự quyết tâm, quan điểm chung rằng chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng cuộc xung đột này không lan sang những nơi khác. Cũng có quan điểm chung là bảo vệ những người dân vô tội; viện trợ cho những người Palestine ở Gaza đang cần sự trợ giúp và chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều vì điều đó".
Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Ai Cập mở cửa khẩu biên giới để người Palestine có quốc tịch nước ngoài rời khỏi Gaza cho đến nay vẫn chưa thành công. Ai Cập đổ lỗi cho Israel, cho rằng các vụ ném bom và các hành động khác của nước này đang ngăn cản Cairo gửi viện trợ nhân đạo qua cửa khẩu cho người Palestine đang cần giúp đỡ ở Gaza.
Người Ai Cập cũng cảnh giác với bất kỳ đề xuất cho phép người Palestine rời khỏi khỏi Gaza, vì sợ rằng Israel sẽ không bao giờ cho phép họ quay trở lại ngay cả sau khi nước này kết thúc chiến dịch đánh bại Hamas. Một sự kiện như vậy sẽ lặp lại những cuộc khủng hoảng trong quá khứ khi người Palestine di tản. Điều này diễn ra trước một vấn đề mà ít người tin rằng Mỹ có thể hoặc sẵn sàng tìm cách ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Gaza.
Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đã nói với các quan chức Arab rằng "mọi việc sẽ không diễn ra như thường lệ khi Hamas ngày càng phát triển". Nhưng một số chính phủ ở Trung Đông có mối liên hệ với Hamas, và các nhà lãnh đạo ở đây nhận thức rõ rằng nhiều công dân Arab bình thường ủng hộ mạnh mẽ chính nghĩa của người Palestine.
Ví dụ, Qatar là quê hương của một số thủ lĩnh hàng đầu của Hamas và có một văn phòng chính trị của nhóm này. Quốc gia Arab này đang đóng vai trò là nhà đối thoại cho một ưu tiên ngoại giao lớn của Mỹ và các nước khác: giải phóng các con tin, một số người trong số họ có quốc tịch không phải từ Israel.
Do đó, khi ông Blinken tiến hành nỗ lực ngoại giao con thoi từ nước này sang nước khác, sự đón tiếp mà ông nhận được ở một số nhà lãnh đạo Arab là không mấy dễ chịu.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã nhấn mạnh với nhà ngoại giao Mỹ về nỗi đau khổ của người Palestine dưới áp lực của Israel.
Ông Sisi nói: "Đúng là những gì đã xảy ra trong những ngày qua là rất đau xót và chúng tôi dứt khoát lên án điều đó. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng đây là kết quả của sự giận dữ và hận thù tích tụ trong suốt 4 thập kỷ, nơi mà người Palestine không còn hy vọng tìm ra giải pháp".
Về phần mình, Ngoại trưởng Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã để ông Blinken phải đợi vài giờ trước khi gặp hôm 15/10. Theo biên bản cuộc họp của Saudi Arabia, Ngoại trưởng nước này đã kêu gọi chấm dứt "các hoạt động quân sự đã cướp đi sinh mạng của những người dân vô tội" - thể hiện sự phản đối các cuộc tấn công của Israel. Các nguồn tin ngoại giao cũng cho biết Saudi Arabia đang tạm dừng các cuộc đàm phán do Mỹ hậu thuẫn về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.
Israel triển khai xe tăng nổi tiếng thế giới sẵn sàng cho chiến dịch ở Gaza Dưới đây là những tính năng nổi bật của loại xe tăng có uy lực hàng đầu thế giới mà Israel triển khai để sẵn sàng cho chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza. Xe tăng Merkava 4 là xương sống của Lực lượng Phòng vệ Israel. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel Israel đang triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava...