Tổng thống Joe Biden và những phép thử đầu tiên
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng sau 65 ngày nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tại Washington, DC ngày 25/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong sự kiện thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và dư luận quốc tế này, ông Biden đã điểm lại những trọng tâm của chính sách đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ 4 tới để đưa nước Mỹ vượt qua hàng loạt thách thức như dịch bệnh COVID-19, tình trạng bạo lực chống người Mỹ gốc Á, giải quyết cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hay tiến trình đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên.
Đây là sự kiện tương tác trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và báo giới kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua. Cuộc họp báo này đã được chính quyền Tổng thống Biden chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ khâu mời phóng viên đến chuẩn bị nội dung các câu hỏi.
Trong thông báo trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki lý giải sự bận rộn với giải quyết khó khăn của đại dịch COVID-19, trong đó có việc thúc đẩy gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, là lý do chính khiến Tổng thống Biden chậm tổ chức cuộc họp báo chính thức như thông lệ.
Trong 1 giờ đồng hồ diễn ra cuộc họp báo này, Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ trả lời 14 câu hỏi từ các phóng viên báo chí. Đáng chú ý, ông Biden không được hỏi nhiều về vấn đề đại dịch COVID-19 mà thay vào đó là các câu hỏi xoay quanh vấn đề người nhập cư.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden đã nhắc tới những sự việc mà ông coi là “lời nói đi đôi với hành động”, trong đó nhấn mạnh đến thành công trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh COVID-19 và từng bước đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Viện dẫn khảo sát của Bộ Giáo dục Mỹ, ông Biden nêu rõ hơn 50% các trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở tại Mỹ đã nối lại việc giảng dạy trực tiếp và đây cũng là một phần trong mục tiêu mà ông đặt ra trước khi nhậm chức.
Video đang HOT
Thành tích nổi bật nhất trong 65 ngày đầu cầm quyền của ông Biden là việc thông qua gói kích thích kinh tế mang tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” và nhờ đó, người dân Mỹ đã tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phát đi những dấu hiệu tích cực. Theo Tổng thống Biden, phần lớn các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt 6% trong năm 2020, cao hơn so với mức 5% đưa ra tháng trước. Không chỉ vậy, chính sách mới của chính quyền ông Biden đã tạo niềm tin cho thị trường lao động về tương lai khởi sắc hơn, trong đó có số người đăng ký xin bảo hiểm thất nghiệp hằng tuần đã giảm gần 100.000 người. Đây là lần đầu tiên trong 1 năm qua số người xin bảo hiểm thất nghiệp giảm xuống dưới mức của thời trước đại dịch.
Tổng thống Biden kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm một nước Mỹ “hỗn loạn” trong việc đối phó với dịch bệnh, nền kinh tế “bị tổn thương” và ông hiểu rằng chỉ có thể tập trung giải quyết những khó khăn này ngay từ đầu mới có thể đưa nước Mỹ trở lại cuộc sống bình thường.
Tổng thống Biden cho biết các biện pháp xử lý đại dịch COVID-19 cũng như chính sách nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan đã đạt nhiều kết quả tích cực và nhận được sự ủng hộ cao của người dân. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, với tốc độ tiêm chủng và phân phối vaccine như hiện nay, ông sẽ cố gắng đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sau khi đã đạt được mục tiêu tiêm 100 triệu lượt hôm 19/3 vừa qua.
Tính đến ngày 25/3, Mỹ đã tiến hành 133 triệu lượt tiêm vaccine ngừa COVID-19. Với tiến độ này, ông Biden có thể hoàn thành mục tiêu mới vào 30/4, ngày thứ 100 ông nhậm chức.
Người di cư nghỉ tạm tại một cơ sở của Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ ở Donna, bang Texas, ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Vấn đề di cư là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt và chiếm nhiều thời lượng của cuộc họp báo, trong bối cảnh dòng người từ các nước Trung Mỹ đang ồ ạt tới Mexico để tìm cách vượt biên giới vào Mỹ sau khi ông Biden nhậm chức. Tổng thống Biden đã đảo ngược một số chính sách di cư của người tiền nhiệm như đình chỉ dự án xây dựng bức tường biên giới và lên kế hoạch cho phép người nhập cư bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ. Tuy vậy, ông chủ Nhà Trắng đã phản bác ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong vấn đề di cư.
Theo Tổng thống Biden, kể từ khi ông nắm quyền, số trẻ em từ các nước Trung Mỹ đến khu vực biên giới Mỹ tăng 28%, trong khi tỷ lệ này trong năm 2019 là 31% và thông thường những tháng mùa đông, từ tháng 1 đến tháng 3, là thời điểm người di cư tận dụng để đến Mỹ nhằm tránh những tháng mùa hè. Trong tháng 2, Cơ quan Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) đã xử lý trên 100.000 người di cư ở biên giới phía Nam, tăng so với con số 78.000 người trong tháng 1. Trong khi đó, riêng trong tháng 1, cơ quan này đã thực hiện 178.883 vụ bắt giữ người di cư. Tính đến ngày 20/3, trên 5.000 trẻ em không có thân nhân đi kèm đã bị CBP giam giữ.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, trước mắt muốn giải quyết vấn đề này cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến người di cư bỏ quê hương, đó là tình trạng bạo lực, nghèo đói, hậu quả của thiên tai, trong khi việc cấp kinh phi dành cho 3 quốc gia Tam giác Trung Mỹ gồm Honduras, Guatemala và El Salvador để giải quyết những khó khăn trên đã bị gián đoạn dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Do vậy, Tổng thống Biden cam kết sẽ thực thi kế hoạch lưỡng đảng trị giá hơn 700 triệu USD để hỗ trợ cho các nước Trung Mỹ.
Ông Biden cũng chủ trương thúc đẩy đối thoại với Mexico và các quốc gia Tam giác Trung Mỹ gồm Honduras, Guatemala và El Salvador và giao vai trò dẫn đầu nỗ lực ngoại giao cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Có thể thấy chính quyền Tổng thống Biden đang xây dựng một chính sách tỉ mỉ, chắc chắn song vẫn mang tính nhân đạo để từng bước gỡ rối “bài toán khó” này.
Tên lửa đạn đạo dẫn đường chiến thuật kiểu mới do Học viện Khoa học Quân sự Triều Tiên phóng thử từ thị trấn Hamju, tỉnh Nam Hamgyong ngày 25/3/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Liên quan đến các câu hỏi về chính sách đối ngoại, Tổng thống Biden đã thể hiện sự nhất quán với các tuyên bố trước đây. Nhận định giải quyết bế tắc trong đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề đối ngoại lớn nhất trong chương trình nghị sự, ông Biden khẳng định đưa ra các hành động đáp trả tương ứng nếu Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa. Đây có thể được xem là lời cảnh báo đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng vừa tiến hành vụ phóng tên lửa hành trình chiến thuật mới vào ngày 25/3 vừa qua và cũng là vụ phóng thử đầu tiên của nước này kể từ khi ông Biden nhậm chức. Tuy nhiên, ông Biden cũng để ngỏ cánh cửa đối thoại khi cho biết chính quyền Mỹ đang tham vấn với các đối tác và đồng minh, đồng thời chuẩn bị một số động thái ngoại giao với Bình Nhưỡng dựa trên kết quả cuối cùng của tiến trình phi hạt nhân hóa.
Với câu hỏi về Trung Quốc, ông Biden một lần nữa nhấn mạnh Washington không tìm kiếm sự đối đầu nhưng Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và cạnh tranh bình đẳng. Để cạnh tranh hiệu quả, theo ông Biden, Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn cho lực lượng lao động và ngành khoa học.
Cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống Biden đã được xem là “bản báo cáo sơ bộ” về những gì vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ này làm được để giải quyết những thách thức của nước Mỹ sau hơn 2 tháng cầm quyền. Đó chính là những phép thử đầu tiên trên chặng đường 4 năm đưa “nước Mỹ trở lại” mà ông đã cam kết. Có thể nói rằng những tín hiệu kinh tế tích cực và tiến triển trong tiêm chủng vaccine đang tạo đà thuận lợi cho Tổng thống Biden, nhưng những thách thức lớn, trong đó có tình trạng bạo lực súng đạn và kỳ thị người Mỹ gốc Á, hay các vấn đề đối ngoại hóc búa như quan hệ với Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên, sẽ tiếp tục tạo sức ép đối với chính quyền mới ở Mỹ.
Nhà Trắng bảo vệ quyền đại diện của người Mỹ gốc Á trong chính quyền
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 24/3, Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ quyền đại diện của người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương trong chính quyền Tổng thống Joe Biden sau khi xuất hiện những quan ngại cho rằng thiếu đại diện cấp cao của nhóm này trong các cơ quan hành pháp.
Người phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden đã cam kết đây là chính quyền đa dạng nhất trong lịch sử. Bà dẫn chứng những người Mỹ gốc Á đang làm việc ở các vị trí cấp cao như bà Katherine Tai là Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), bà Julie Su là Thứ trưởng Lao động và bà Kiran Ahuja được Tổng thống Biden lựa chọn vào vị trí điều hành Văn phòng Quản lý nhân sự.
Bà Psaki nhấn mạnh quan điểm của Tổng thống Biden là chính quyền cần lắng nghe ý kiến người dân khi xuất hiện các vấn đề nóng. Mới đây nhất, vào tuần trước, cả Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á ở thành phố Atlanta, bang Georgia.
Tổng thống Biden đang phải đối mặt với áp lực bổ sung nhiều người Mỹ gốc Á vào các vị trí cấp cao nhất trong chính quyền của mình. Từ nhiều tháng qua, các nhóm người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương đã nêu bật vấn đề này.
Nhà Trắng không quan tâm phát biểu của Trump tại hội nghị bảo thủ Nhà Trắng nêu rõ quan điểm rằng họ sẽ không để tâm đến những phát ngôn của cựu tổng thống Trump tại một hội nghị bảo thủ ở Florida ngày 28/2. "Mối quan tâm của chúng tôi chắc chắn không nằm ở những gì tổng thống Trump sẽ nói" tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Florida, Thư ký...