Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh trấn áp Big Tech
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh với 72 hành động và đề xuất cho các cơ quan liên bang nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Big Tech và các nhà mạng Internet.
Vào chiều thứ sáu theo giờ Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp mới nhất để tăng cường quản lý trong lĩnh vực công nghệ và y tế.
Sắc lệnh khuyến khích Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) giới thiệu lại một kiểu ‘thành phần dinh dưỡng’ với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mà từ đó đưa ra thông tin cụ thể hơn cho người dùng.
Sắc lệnh kêu gọi FCC hành động để hạn chế bớt phí cắt mạng trước thời hạn và cấm các thỏa thuận lắp cáp độc quyền ở các chung cư, tòa nhà chỉ có một nhà mạng Internet.
Sắc lệnh cũng khuyến khích FCC khôi phục lại luật tính trung lập của Internet, cấm các nhà mạng tự ý bóp băng thông với bất cứ website nào. Luật này được thông qua dưới thời chính quyền của ông Obama nhưng bị trì hoãn dưới thời ông Trump.
Sắc lệnh hành pháp mới được ông Joe Biden ký vào 13h30 ngày thứ sáu theo giờ Mỹ.
Sắc lệnh còn mở rộng tầm ngắm vào các Big Tech, qua đó thiết lập một chính sách để xem xét kỹ lưỡng toàn bộ các vụ sáp nhập bao gồm những vụ đã hoàn thành. Nó sẽ tập trung vào các ‘thương vụ sát thủ’, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh non trẻ, như vụ Facebook mua lại đối thủ Instagram và WhatsApp.
Sắc lệnh này còn nhắm vào mô hình kinh doanh béo bở ở Thung lũng Silicon đó là thu thập dữ liệu người dùng, sau đó quảng cáo trả thưởng (incentive), giữa các công ty công nghệ để quảng bá chéo dịch vụ với giá thầu đắt đỏ.
“Trong hàng thế kỷ, quá trình hợp nhất các doanh nghiệp đang được tăng tốc. Trong hơn 75% ngành công nghiệp Mỹ, một số lượng nhỏ các công ty lớn đang kiểm soát nhiều hoạt động kinh doanh hơn so với 20 năm trước. Điều này đang xảy ra trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, nông nghiệp…”, trích thông báo của Nhà Trắng.
Video đang HOT
Nhà Trắng cũng lưu ý thiếu sự cạnh tranh đã khiến các khoản phí tăng gấp ba lần, các gia đình phải trả nhiều hơn cho nhu yếu phẩm như đơn thuốc kê theo toa, dịch vụ Internet và máy trợ thính.
Người biểu tình phản đối Big Tech ở tòa nhà thị chính Massachusetts ở Boston.
Sắc lệnh của ông Biden cũng kêu gọi FTC tạo ra các quy định mới về thu thập dữ liệu người dùng và ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường trực tuyến. Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ cũng tán đồng với ‘quyền được sửa chữa’, kêu gọi FTC cấm các nhà sản xuất công nghệ cản trở người dùng tự sửa thiết bị của chính mình hoặc đem đến cửa hàng bên thứ ba.
Sắc lệnh của ông Biden còn đề cập đến vấn đề tiền lương cạnh tranh, nhập khẩu thuốc từ Canada và yêu cầu trực tiếp Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ lên kế hoạch trong 45 ngày để giảm giá thuốc kê đơn. Đặc biệt, sắc lệnh yêu cầu Bộ Giao thông vận tải Mỹ đưa ra các quy định buộc các hãng hàng không phải hoàn tiền nếu Wifi trên máy bay không hoạt động.
Sắc lệnh gồm 72 sáng kiến từ hàng chục cơ quan tham mưu, theo Nhà Trắng. Tính từ thời điểm nhậm chức vào đầu năm 2021 đến nay, ông Joe Biden đã ký 52 sắc lệnh hành pháp trong khi con số này của ông Donald Trump và Barack Obama ở năm đầu nhậm chức lần lượt là 55 và 39.
Thuốc thử liều cao đầu tiên của nữ chủ tịch 32 tuổi đòi chống lại Big Tech
Hai tuần sau khi ngồi ghế chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, Lina Khan đã phải đối diện với cuộc khủng hoảng đầu tiên trong cuộc chiến dài hơi với những gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ.
Cú đáp trả của Facebook
Hôm thứ hai đầu tuần này, một thẩm phán liên bang ở Washington đã bác bỏ dự luật chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) nhắm vào mạng xã hội Facebook.
Thẩm phán James Boasberg cho biết, FTC không nêu đủ chi tiết trong tuyên bố rằng Facebook có quyền lực độc quyền ở thị trường mạng xã hội. Ông cho cơ quan quyền lực độc lập của chính phủ Mỹ thời hạn 30 ngày để phản hồi và đưa ra các lập luận xác đáng hơn.
Thế độc quyền của Big Tech vẫn vững như kiềng ba chân.
Trong quyết định của mình, thẩm phán Boasberg nhận định, FTC không tạo ra lý lẽ đủ thuyết phục rằng Facebook chiếm 60% thị phần ở thị trường mạng xã hội. "Khiếu nại của FTC không tập trung vào câu hỏi quan trọng là Facebook đã và đang có bao nhiêu quyền lực để xác định một cách rõ ràng sản phẩm này có đang ở vị thế độc quyền hay không", ông nói.
Đây chính là đòn đáp trả đầu tiên nhắm vào nữ chủ tịch 32 tuổi Lina Khan, người vừa tuyên thệ nhậm chức chủ tịch FTC cách đây hai tuần và cam kết chống độc quyền mạnh mẽ hơn nữa nhắm vào các công ty công nghệ hùng mạnh nhất nước Mỹ, gọi là nhóm Big Tech.
Cần phải sửa luật...
"Có rất nhiều dữ kiện để chứng minh Facebook nắm thị phần thống trị và đây là một rào cản mà FTC phải vượt qua", luật sư Alex Petros từ Washington cho biết.
Quyết định của tòa án một lần nữa cho thấy những trở ngại mà cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ phải đối diện. Giới quan sát cho rằng, tòa án đã tạo ra một rào cản khó có thể vượt qua để chứng minh cáo buộc Big Tech đã phạm luật chống độc quyền.
"Không khó để nhận ra trong những vụ việc như thế này, luật chống độc quyền của Mỹ không có khả năng xử lý các vấn đề do các công ty công nghệ độc quyền tạo ra", giáo sư Blake Reid của ĐH Luật Colorado nhận định.
FTC cần được trao nhiều quyền hơn. (trong ảnh: tân chủ tịch FTC, bà Lina Khan.)
Các nhà lập pháp ở Đồi Capitol đang tìm cách sửa luật để trao nhiều quyền hơn cho FTC và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Tuần trước, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã trình một loạt dự luật nhắm vào các Big Tech.
Dự luật này buộc các Big Tech phải thoát khỏi những mảng kinh doanh nhất định, đặt ra những giới hạn về cách cạnh tranh của Big Tech với những công ty cùng nền tảng và tạo ra rào cản khó khăn cho các vụ sáp nhập. Các khoản phí kiện tụng cũng sẽ được tăng để tăng doanh thu cho cơ quan hành pháp.
"Không thể nào dựa vào tòa án để giữ cho thị trường có tính mở, cạnh tranh và công bằng", thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của Đảng Dân chủ phát biểu sau quyết định bác bỏ của tòa án trong vụ Facebook. "Chúng ta cần khẩn trương làm mới luật chống độc quyền để phù hợp với những thách thức của nền kinh tế số", bà nói trong một lời kêu gọi sửa luật và tăng viện trợ cho FTC và cơ quan giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ.
Tuyên bố này của bà Klobuchar được chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Jerrold Nadler đồng tình ủng hộ và nhắc lại.
... nếu không Big Tech vẫn an toàn
Các vụ kiện nhắm vào Facebook bắt đầu nổi lên vào tháng 12/2020 dưới thời ông Donald Trump trong một nỗ lực trấn áp những gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ. Trước đấy, Bộ Tư pháp đã có khiếu nại về sự độc quyền ở thị trường tìm kiếm của Alphabet (công ty mẹ Google) trong khi Hạ viện Mỹ cáo buộc các công ty công nghệ lạm dụng vị thế thống trị của mình.
Vụ kiện Facebook tập trung vào việc mạng xã hội này thâu tóm Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014. Thay vì tạo ra sản phẩm cạnh tranh, Facebook lại làm theo phương châm của CEO Mark Zuckerberg là "mua lại tốt hơn là cạnh tranh".
Tuyên bố của thẩm phán James Boasberg cho thấy, dựa trên các điều luật hiện hành, các căn cứ để FTC tuyên bố Facebook độc quyền là chưa đủ cơ sở.
Điều này có nghĩa là vấn đề cần phải được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Mỹ, Jesse Lehrich, đồng sáng lập của tổ chức ủng hộ chống độc quyền với Big Tech, nêu quan điểm.
6 dự luật sẽ trở thành 'cơn ác mộng' của Big Tech Các "ông lớn" công nghệ Mỹ chuẩn bị đối mặt với 6 dự luật ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Big Tech Mỹ sẽ gặp khó với bộ luật mới Sau 2 năm điều tra và 1 phiên tranh luận kéo dài 30 giờ, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu để thông 6 dự luật gây ảnh...