Tổng thống Joe Biden: Bảo vệ thỏa thuận ‘Ngày thứ Sáu tốt lành’ là ưu tiên của Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại London, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/4 đã hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại thành phố Belfast ở Bắc Ireland trong chuyến thăm chưa đầy 24 giờ để kỷ niệm 25 năm ngày ký thỏa thuận hòa bình “ Ngày thứ Sáu tốt lành”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) tại cuộc gặp ở Belfast, Bắc Ireland, ngày 12/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ hy vọng các thể chế ở Bắc Ireland sẽ được khôi phục càng sớm càng tốt. Hai bên cho rằng lễ kỷ niệm thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” là thời điểm để đánh giá những tiến bộ mà Bắc Ireland đã đạt được trong 25 năm qua và “cam kết xây dựng một tương lai tươi sáng hơn”. Thủ tướng Sunak cảm ơn Tổng thống Biden về vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của Bắc Ireland và đánh giá cao mối quan hệ thương mại phát triển tốt đẹp giữa Anh và Mỹ.
Trong khi đó, theo tờ Telegraph, sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Sunak cho biết hai bên đã thảo luận về đầu tư kinh tế ở Bắc Ireland cũng như các vấn đề về chính sách đối ngoại. Ông khẳng định mối quan hệ song phương đang tốt đẹp, Anh và Mỹ là “đối tác và đồng minh gần gũi”, hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ Ukraine đến an ninh kinh tế.
Ngay sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden đã gặp lãnh đạo của 5 chính đảng lớn nhất Bắc Ireland trước khi có bài phát biểu tại Đại học Ulster ở Belfast để kỷ niệm 25 năm ngày ký thỏa thuận hòa bình.
Phát biểu trước các doanh nhân trẻ, lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện của Chính phủ Vương quốc Anh tại Đại học Ulster, Tổng thống Biden khẳng định gìn giữ hòa bình và bảo vệ thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” là một ưu tiên đối với cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ. Ông cũng bày tỏ hy vọng mô hình chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland sẽ sớm được khôi phục.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ cho biết 25 năm sau khi thỏa thuận hòa bình được ký, kinh tế Bắc Ireland đã tăng gấp đôi, bày tỏ tin tưởng nền kinh tế khu vực có thể tăng gấp ba trong những năm tới nếu đi đúng hướng. Ông Biden khẳng định có rất nhiều công ty Mỹ muốn đầu tư vào Bắc Ireland, tuy nhiên chỉ ra rằng khu vực khó có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài nếu không có một chính quyền ổn định.
Ông Biden cho rằng Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU) đã gây ra những thách thức tại Bắc Ireland, song tin rằng Khuôn khổ Windsor – thỏa thuận hậu Brexit mới giữa Anh và EU – là “bước quan trọng” giúp “duy trì và củng cố” thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành”.
Được ký vào ngày 10/4/1998, thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” đã chấm dứt 3 thập kỷ xung đội tại Bắc Ireland và thiết lập chính quyền chia sẻ quyền lực tại Stormont bao gồm đại diện của hai cộng đồng theo chủ nghĩa hợp nhất ủng hộ Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh và theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập với Cộng hòa Ireland. Chính quyền Mỹ tại thời điểm đó đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán dẫn tới việc ký kết thỏa thuận.
Kể từ tháng 5 năm ngoái, Bắc Ireland đã không có chính quyền chia sẻ quyền lực sau khi đảng Hợp nhất dân chủ (DUP), chính đảng lớn nhất tại khu vực, tẩy chay việc chia sẻ quyền lực để phản đối thỏa thuận hậu Brexit áp dụng cho khu vực. Thủ tướng Sunak khẳng định thỏa thuận Khuôn khổ Windsor đã giải quyết nhiều vấn đề, song DUP cho biết vẫn cần những thay đổi để bảo vệ vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh.
Sau khi phát biểu tại Đại học Ulster, Tổng thống Mỹ sẽ rời Belfast đến Dublin trong chuyến thăm 4 ngày tới Cộng hòa Ireland.
Anh thông báo gia nhập CPTPP
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 31/3 thông báo nước này sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Anh tham gia sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: AFP/TTXVN
Anh sẽ trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi hiệp định được ký kết năm 2018 và là quốc gia châu Âu đầu tiên trong khối này. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, CPTPP sẽ là khối thương mại gồm trên 500 triệu người và chiếm 15% GDP toàn cầu khi Anh trở thành thành viên thứ 12.
Thông báo của văn phòng trên nêu rõ sau 21 tháng "đàm phán căng thẳng", Anh sẽ là "trung tâm của một nhóm gồm các nền kinh tế năng động" và là bằng chứng của việc "nắm bắt cơ hội của tự do thương mại mới hậu Brexit".
Động thái trên giúp Anh thực hiện một cam kết quan trọng với những người đã ủng hộ Brexit, rằng sau khi rời EU, Anh có thể tham gia các khối thương mại khác với các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn những nền kinh tế gần về địa lý.
Thông báo về thỏa thuận trên, Thủ tướng Sunak khẳng định: "Anh là một quốc gia tự do thương mại và mở cửa, và thỏa thuận này cho thấy các lợi ích kinh tế thực sự của sự tự do hậu Brexit". Ông nhấn mạnh: "Là một phần của CPTPP, Anh giờ đây ở một vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng, đổi mới và tạo việc làm".
CPTPP là hiệp định thay thế cho Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút năm 2017. Trong số thành viên CPTPP có 2 nước cũng thuộc Nhóm Các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) là Canada và Nhật Bản, và các đồng minh lịch sử của Anh là Australia và New Zealand. Các nước còn lại là Mexico, Chile, Peru, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei.
Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập khối vào năm 2021. Một nước mới muốn gia nhập cần được tất cả các thành viên đồng thuận.
Từ khi rời thị trường chung châu Âu năm 2021, Anh đã nỗ lực đạt thỏa thuận song phương nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế của mình. Đến nay, London đã ký nhiều thỏa thuận với các đồng minh như Australia, New Zealand hay Singapore, và đang đàm phán với Ấn Độ và Canada. Tuy nhiên, một thỏa thuận đáng giá với Mỹ vẫn đang bị đình trệ.
Văn phòng Thủ tướng Sunak cho biết Anh đã đệ đơn gia nhập CPTPP từ tháng 2/2021, bắt đầu đàm phán vào tháng 6 cùng năm. London cùng các thành viên CPTPP đang nỗ lực thực hiện "các bước pháp lý và hành chính cuối cùng" trước khi Anh chính thức ký kết hiệp định trong năm nay. Theo các số liệu của Anh, thỏa thuận thương mại này về dài hạn sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Anh thêm 1,8 tỷ bảng (2,2 tỷ USD).
Khi gia nhập CPTPP, hơn 99% hàng hóa của Anh xuất sang các nước thành viên CPTPP sẽ được áp dụng các mức thuế bằng 0, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như ô tô, chocolate, máy móc và rượu whisky.
Kim ngạch xuất khẩu của Anh sang các nước này là 60,5 tỷ bảng trong tài khóa kết thúc vào tháng 9/2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh sau khi gia nhập CPTPP. Ngành dịch vụ chủ đạo của Anh cũng sẽ được hưởng lợi từ việc được tiếp cận rộng hơn với các thị trường Thái Bình Dương đang tăng trưởng và rất ưa chuộng sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Anh.
Lãnh đạo Anh và Mỹ công bố kế hoạch thăm lẫn nhau Ngày 13/3, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ tới thăm Mỹ vào tháng 6 tới theo lời mời của Tổng thống Joe Biden. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng thể hiện ý định tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh vào tháng 4 tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại cuộc...