Tổng thống Donald Trump bắt tay vào “xử” hàng Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump đã thông qua kế hoạch áp thuế trị giá hàng chục tỷ USD với hàng hóa của Trung Quốc trong ngày 15.6.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp một số thành viên nội các, các cố vấn thương mại hôm 14.6 và dự kiến áp thuế nhập khẩu ít nhất từ 35 tỷ USD đến 40 tỷ USD, theo một quan chức ngành công nghiệp và một quan chức chính quyền quen thuộc với các kế hoạch tiết lộ với AP. Số lượng hàng hóa bị áp thuế có thể lên tới 55 tỷ USD, quan chức giấu tên trong ngành công nghiệp cho biết.
Nếu tổng thống Mỹ hối thúc vấn đề này như dự kiến có thể dẫn tới chuỗi hành động thương mại đối với Trung Quốc và dẫn đến động thái trả đũa từ Bắc Kinh.
Quyết định áp thuế với Trung Quốc diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tổng thống đã phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong những nỗ lực nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của nước này. Dù vậy, ông cũng đánh tiếng rằng: “Tôi phải làm những gì tôi cần phải làm” để giải quyết sự mất cân bằng thương mại.
Trong cuộc họp báo tại Singapore hôm 12.6, ông Donald Trump cho biết, Mỹ có “thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc và chúng tôi phải làm điều gì đó để giải quyết nó. Chúng tôi không thể tiếp tục để điều đó xảy ra”. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 336 tỷ USD trong năm 2017.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trực tiếp nêu vấn đề thương mại với Trung Quốc hôm 14.6, khi đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Giới chức Mỹ không nói rõ liệu ông Mike Pompeo có thông báo dứt khoát cho phía Trung Quốc về động thái sắp tới không.
“Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tổng thống Trump điều chỉnh tình hình để thương mại trở nên cân bằng hơn, có lợi hơn và công bằng hơn cũng như cơ hội để người lao động Mỹ được đối xử công bằng”, ông Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Vương Nghị.
“Nếu chốt hạ bằng một cuộc chiến thuế quan, nó sẽ kết thúc với lạm phát giá và kết cục có thể là nợ tiêu dùng. Đó là tất cả các thành phần lịch sử cho một cuộc suy thoái kinh tế”, Gary Cohn – cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Donald Trump cho biết.
Trung Quốc đe dọa phản công nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch áp thuế. Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ hủy các hợp đồng đã đạt được hồi tháng trước về việc mua thêm đậu tương, khí thiên nhiên và các sản phẩm khác của Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng cho biết: “Chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng rằng nếu Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, trong đó có việc áp thuế, tất cả các kết quả đạt được của hai bên về thương mại và kinh tế sẽ không còn hiệu lực”.
Video đang HOT
Bắc Kinh cũng đã lập danh sách các sản phẩm trị giá tới 50 tỷ USD Mỹ sẽ phải áp thuế trả đũa.
HẢI ANH
Theo Laodong
3 "mũi tiến công" đồng loạt trước thượng đỉnh Trump - Kim
Các quan chức cấp cao của Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức hàng loạt cuộc hội đàm ở nhiều khu vực trên thế giới để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng tới.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Getty)
Từ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và sau đó bất ngờ đổi ý, khẳng định cuộc gặp này vẫn diễn ra theo dự kiến ban đầu, các quan chức từ cả hai nước đã phải nhanh chóng vào cuộc để cứu vãn tình hình và đảm bảo rằng thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ vẫn diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6.
Thông thường quá trình chuẩn bị cho một cuộc gặp quan trọng, chưa từng có tiền lệ giữa hai nhà lãnh đạo thường phải mất vài tháng, còn bây giờ quá trình này được rút ngắn lại chỉ còn vài ngày. Hàng loạt cuộc họp giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho sự kiện lịch sử.
Cuộc gặp tại Mỹ: Chuẩn bị lộ trình hòa bình
Ngoại trưởng Mike Pompeo ăn tối cùng Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại New York (Ảnh: NYT)
Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, một trong những trợ lý thân tín nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã tới New York hôm 30/5 để hội đàm cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Cả hai quan chức Mỹ - Triều đã ăn tối cùng nhau và cùng giải quyết một nhiệm vụ quan trọng: đó là tìm ra con đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Yong-chol được cho là chuyển lời tới Ngoại trưởng Pompeo rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự nghiêm túc về việc dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump và hai quan chức Mỹ - Triều có thể sẽ thảo luận về nội dung của tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo công bố sau hội nghị.
Một số chuyên gia nói rằng các vấn đề khúc mắc chính giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết và đó là lý do khiến ông Kim Yong-chol phải đáp chuyến bay tới Mỹ để thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Theo nhận định của giới phân tích, Ngoại trưởng Pompeo muốn làm rõ lập trường của Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này do đây là vấn đề chưa được xử lý triệt để trong hai chuyến đi gần đây của ông tới Bình Nhưỡng.
"Khoảng cách mà hai bên đang phải tìm cách hàn gắn là lộ trình phi hạt nhân hóa. Việc họ thu hẹp khoảng cách ấy như thế nào là vấn đề quan trọng", Ri Pyong Hwi, Phó Giáo sư Đại Học Triều Tiên tại Tokyo, Nhật Bản, nhận định.
Cuộc hội đàm của ông Pompeo và ông Kim Yong-chol tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội thỏa hiệp khả thi giữa hai luồng quan điểm, một bên là Mỹ với lập trường ủng hộ tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân nhanh chóng và bên còn lại là Triều Tiên với mong muốn phi hạt nhân hóa dần dần theo từng bước.
Được xem là trùm tình báo và là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Yong-chol là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên tới Mỹ trong gần 20 năm qua. Ông Kim cũng là nhà đàm phán kỳ cựu, từng phục vụ 3 thế hệ lãnh đạo tại Triều Tiên.
"Ông ấy rất thông minh và có tài hùng biện. Ông ấy không cười. Nhưng ông ấy sẽ tìm ra mọi cách có thể để đảm bảo đạt được mục đích của ông ấy", Moon Seong-mook, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định.
Chuyến đi tới Singapore: Tổ chức hậu cần
Ông Kim Chang-son có mặt tại Singapore ngày 29/5 (Ảnh: Getty)
Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12/6 tới đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về hậu cần. Singapore cũng là nơi xa nhất mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đặt chân tới kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Đối với cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, an ninh là mối lo ngại lớn nhất khi gặp mặt tại một quốc gia thứ ba.
Cả ông Kim Chang-son, Chánh văn phòng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và phái đoàn quan chức Mỹ do Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu đều đặt chân tới Singapore vào ngày 28/5 để thảo luận về một loạt vấn đề liên quan tới thượng đỉnh Mỹ - Triều, bao gồm các biện pháp an ninh, thời gian và địa điểm tổ chức các cuộc gặp trong khuôn khổ thượng đỉnh, các sự kiện mở công khai với báo chí và danh tính các quan chức tham gia bàn đàm phán. Ngoài ra, ông Kim Chang-son và ông Joe Hagin cũng xem xét một số địa điểm chụp ảnh đẹp để hai nhà lãnh đạo có thể xuất hiện trong những khung hình ấn tượng nhất.
Hiện chưa có thông tin cụ thể về cuộc hội đàm của hai quan chức Mỹ - Triều tại Singapore. Tuy nhiên giới truyền thông dự đoán cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un có thể diễn ra tại một trong 3 địa điểm nổi tiếng tại Singapore là phủ tổng thống, khách sạn Shangri-La và khách sạn Marina Bay Sands.
Theo kênh truyền hình Nhật Bản, ông Kim Chang-son đã nói với các phóng viên tại Bắc Kinh, Trung Quốc rằng ông lên đường tới Singapore "để vui chơi". Trong khi đó, các phóng viên đi cùng chuyến bay với ông Kim cho biết họ đã nhìn thấy ông đọc một tài liệu với nội dung "để đảm bảo cho kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, việc đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Kim Jong-un là điều quan trọng nhất".
Ông Kim Chang-son là nhân vật gần gũi với gia đình nhà lãnh đạo Kim Jong-un và chăm sóc ông Kim từ khi còn nhỏ. Khi bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un tới Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc hồi tháng 2, truyền thông Hàn Quốc nhìn thấy ông Kim Chang-son cầm áo khoác cho bà.
Khu phi quân sự: Chuẩn bị chương trình nghị sự
Đại sứ Sung Kim trên đường tới dự cuộc hội đàm với quan chức Triều Tiên (Ảnh: EPA)
Một trong những lý do khiến Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố hủy cuộc họp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là tuyên bố gây tranh cãi của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui. Bà Choe từng chỉ trích Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là "kẻ ngốc" khi so sánh Triều Tiên với Libya.
Tuy vậy, Thứ trưởng Choe chính là người đại diện cho Triều Tiên tham gia cuộc hội đàm với một phái đoàn Mỹ do ông Sung Kim, một nhà ngoại giao kỳ cựu đang giữ chức Đại sứ Mỹ tại Philippines, dẫn đầu. Cả hai bên đã gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự liên Triều hôm 27/5. Đây cũng là nơi từng diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên hồi tháng 4.
Trong cuộc gặp tại Panmunjom, các nhà ngoại giao và các chuyên gia kỹ thuật của Mỹ và Triều Tiên soạn thảo chương trình nghị sự cho thượng đỉnh Mỹ - Triều, trong đó phía Mỹ mong muốn nhận được sự bảo đảm cam kết từ Triều Tiên trong việc sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Giới nhân tích cho rằng bà Choe và ông Sung Kim có thể sẽ chuẩn bị các dự thảo của tuyên bố chung dự kiến được công bố sau hội nghị thượng đỉnh. Nội dung của tuyên bố chung này dự kiến sẽ bao hàm cam kết từ phía Triều Tiên về việc giải trừ vũ khí hạt nhân, và cam kết từ phía Mỹ về việc không can thiệp vào công việc của chính quyền Triều Tiên cũng như yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan tới nhân quyền tại Triều Tiên.
"Bà Choe có thể sẽ yêu cầu chấm dứt các hành động gây hấn và dừng các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vì Triều Tiên cảm thấy bị đe dọa trước động thái này. Triều Tiên rất giỏi trong việc đạt được những gì họ muốn vào phút chót khi Tổng thống Trump dường như đang tỏ ra thiếu kiên nhẫn", Chon Hyung-joon, giáo sư tại Đại học Woosuk, nhận định.
Bà Choe Son-hui từng là phiên dịch viên cho Triều Tiên trong các cuộc đàm phán trước đây trong khuôn khổ đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân. Bà có thể từng gặp ông Sung Kim tại các hội nghị ở châu Âu. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng vai trò của bà Choe không còn dừng lại ở vị trí phiên dịch mà bà đã có quyền lực và tầm ảnh hưởng hơn trong chính quyền Triều Tiên.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ xông pha 3 mặt trận chuẩn bị thượng đỉnh với Triều Tiên Mỹ đang hoạt động trên 3 mặt trận để chuẩn bị cho thượng đỉnh tiềm năng với Triều Tiên, trong đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tới New York hôm 30-5 để gặp nhân vật cấp cao được mệnh danh là "cánh tay phải" của ông Kim Jong-un. Kế hoạch gặp gỡ giữa ông Pompeo và Tướng Kim Yong-chol - Phó Chủ tịch...