Tổng thống đắc cử Mỹ chuẩn bị kế hoạch hành động về năng lượng
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị một kế hoạch quy mô lớn để triển khai trong những ngày đầu tiên sau khi ông nhậm chức, trong đó sẽ phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tăng cường khoan dầu ngoài khơi bờ biển của Mỹ và trên các vùng đất liên bang.
Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Đây là động thái nhằm thực hiện các cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, nhưng kế hoạch công bố danh sách những hành động cụ thể ngay từ ngày đầu tiên nắm quyền sẽ đảm bảo rằng việc khai thác dầu khí sẽ cùng với vấn đề nhập cư là một trụ cột trong chương trình nghị sự trong giai đoạn đầu của ông Trump.
Ông Trump cũng có kế hoạch bãi bỏ một số luật và quy định quan trọng về khí hậu của người tiền nhiệm là ông Joe Biden, chẳng hạn như tín dụng thuế cho xe điện và các tiêu chuẩn mới về nhà máy điện sạch nhằm loại bỏ dần than và khí đốt tự nhiên.
Ưu tiên hàng đầu của ông Trump sẽ là dỡ bỏ lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu LNG mới mà ông Biden ban hành trong năm diễn ra bầu cử và nhanh chóng phê duyệt các giấy phép đang chờ xử lý. Ông cũng sẽ xem xét đẩy nhanh việc cấp giấy phép khoan trên đất liên bang và nhanh chóng mở lại các kế hoạch phát triển dầu khí ngoài khơi bờ biển Mỹ trong 5 năm để thúc đẩy việc bán và thuê lại.
Tổng thống Biden đã ban hành lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu LNG tháng Một năm nay với lý do đánh giá lại tác động về môi trường. Nếu không có giấy phép xuất khẩu, các nhà phát triển không thể tiếp tục kế hoạch xây dựng những dự án mới trong nhiều năm. Chính quyền của ông Biden dự định công bố nghiên cứu về môi trường trước khi ông Trump nhậm chức ngày 20/1 nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền mới.
Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden, thời gian trung bình để phê duyệt giấy phép khoan dầu trên đất liên bang là 258 ngày, tăng so với mức trung bình 172 ngày trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Vì vậy, ông Trump có kế hoạch đẩy nhanh việc phê duyệt những giấy phép đang chờ xử lý, tổ chức các đợt đấu giá khai thác thường xuyên hơn và tập trung vào những khu vực có tiềm năng dầu mỏ cao.
Ông Trump cũng sẽ tìm cách phê duyệt dự án Đường ống Keystone. Đường ống vận chuyển dầu thô của Canada đến Mỹ này từng là điểm nóng về môi trường và đã bị dừng sau khi ông Biden hủy một giấy phép quan trọng ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, bất kỳ công ty nào muốn xây dựng đường ống trị giá hàng tỷ USD này sẽ cần phải bắt đầu lại từ đầu vì quyền sử dụng đất đã được trả lại cho chủ đất.
Nhiều nội dung trong kế hoạch năng lượng của ông Trump sẽ cần thời gian để Quốc hội hoặc hệ thống quản lý của quốc gia thông qua. Vì vậy, ông cho biết sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng vào ngày đầu tiên nhậm chức như giải pháp để vượt qua các rào cản và đẩy nhanh những chính sách mới.
Tổng thống đắc cử cũng sẽ kêu gọi Quốc hội cấp thêm kinh phí để bổ sung dự trữ dầu mỏ chiến lược, vốn đã bị giảm dưới thời ông Biden nhằm kiểm soát giá dầu tăng vọt trong bối cảnh xung đột tại Ukraine và lạm phát trong giai đoạn bùng phát đại dịch. Việc bổ sung dự trữ cũng thúc đẩy nhu cầu dầu ngắn hạn và khuyến khích sản xuất tại Mỹ.
Ngoài ra, chính quyền của ông Trump dự kiến gây sức ép lên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Đảng Cộng hòa đã chỉ trích việc IEA tập trung vào các chính sách giảm lượng khí thải. Các cố vấn của ông hối thúc cắt giảm tài trợ nếu IEA không chuyển trọng tâm sang các chính sách hỗ trợ lĩnh vực dầu khí hơn.
Mỹ là quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới và trở thành nhà xuất khẩu LNG số một vào năm 2022 khi châu Âu tìm nguồn cung thay thế Nga sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine.
Theo dữ liệu liên bang, sản lượng dầu trên đất liền và vùng biển liên bang đạt kỷ lục vào năm 2023, trong khi sản lượng khí đốt đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.
Hoạt động khoan trên đất liền và vùng biển liên bang chiếm khoảng 1/4 sản lượng dầu của Mỹ và 12% sản lượng khí đốt.
Nỗ lực 'mở màn' của EU nhằm tránh thuế quan của ông Trump
Kế hoạch của EU bao gồm tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng động thái này mang tính chính trị nhiều hơn kinh tế và cần được xem xét kỹ trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng của EU.
Cờ của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 9/11, trong bối cảnh căng thẳng thương mại có nguy cơ leo thang giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Brussels đã nhanh chóng đưa ra động thái đối phó trước các đe dọa áp thuế tiềm tàng từ chính quyền Trump sắp tới. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế toàn diện lên tới 20% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, sau cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo EU tại Hungary, đã đề xuất một chiến lược ba bước nhằm tránh xung đột thương mại. Bà Leyen nhấn mạnh việc cần thiết phải "tham gia đối thoại", "thảo luận về lợi ích chung" và cuối cùng là "tiến hành đàm phán".
Một trong những đề xuất chính của bà Leyen là việc tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ thay vì Nga. Theo số liệu mới nhất, Mỹ hiện đang cung cấp khoảng 48% lượng LNG nhập khẩu của EU, trong khi Nga chỉ chiếm 16%.
Chiến lược này của bà Leyen dường như được lấy cảm hứng từ thành công của người tiền nhiệm Jean-Claude Juncker. Vào năm 2018, ông Juncker đã thành công trong việc tránh được các mức thuế quan của chính quyền Trump khi đó bằng cách cam kết tăng cường nhập khẩu LNG và đậu nành từ Mỹ. Mặc dù trên thực tế, Ủy ban châu Âu không có quyền trực tiếp quyết định việc mua bán của các công ty châu Âu, nhưng thỏa thuận này đã tạo ra hiệu ứng chính trị tích cực.
Tuy nhiên, Laurent Ruseckas, Giám đốc điều hành thị trường khí đốt tại S&P Global, cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào về nhiên liệu trong tương lai có thể mang tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế. Ông Ruseckas lưu ý rằng EU không trực tiếp mua LNG, mà đây là hoạt động của thị trường toàn cầu với các hợp đồng riêng biệt giữa người mua và người bán.
Theo dự báo của Cơ quan Giám sát Năng lượng EU (ACER), nhu cầu LNG của khối này có thể đạt đỉnh vào năm 2024, sau đó sẽ giảm dần do xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh. Điều này cho thấy bất kỳ cam kết nào về việc tăng nhập khẩu LNG cũng cần được xem xét trong bối cảnh dài hạn của quá trình chuyển đổi năng lượng của EU.
Với những động thái mở màn này, EU đang thể hiện thiện chí đối thoại và sẵn sàng thảo luận về các giải pháp thương mại có lợi cho cả hai bên, đồng thời tránh được nguy cơ một cuộc chiến thương mại tốn kém.
Qatar ký thỏa thuận cung cấp LNG cho Kuwait trong thời hạn 15 năm Ngày 26/8, tập đoàn dầu khí Kuwait (KPC) đã công bố hợp đồng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar trong thời hạn 15 năm, song không tiết lộ giá trị của thỏa thuận. Một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Qatar. Ảnh: AP Trong một tuyên bố, KPC cho biết tập đoàn QatarEnergy sẽ cung cấp...