Tổng thống Biden gửi thông điệp mới cho Ukraine lẫn Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa hé lộ tầm nhìn của ông về hòa bình ở Ukraine, trong bối cảnh Nga tiếp tục đẩy mạnh tấn công.
Trong bài trả lời phỏng vấn được tạp chí TIME xuất bản ngày 4.6, khi được hỏi hòa bình ở Ukraine sẽ trông như thế nào, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời: “Hòa bình giống như đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ chiếm đóng Ukraine. Hòa bình là như thế. Và điều đó không có nghĩa Ukraine trở thành một phần của NATO”. Ông nhấn mạnh thêm: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi có mối quan hệ với họ giống như những quốc gia khác, chúng tôi cung cấp vũ khí để họ có thể tự vệ trong tương lai”.
Tổng thống Biden: Hòa bình cho Ukraine không đồng nghĩa với tấm vé vào NATO
Tổng thống Biden cho biết thêm ông từng nói rằng ông không sẵn sàng ủng hộ khả năng NATO kết nạp Ukraine. “Tôi đã ở Ukraine một tháng khi còn là thượng nghị sĩ và phó tổng thống. Có tham nhũng đáng kể”, ông Biden nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Biden cảnh báo rằng NATO có thể đối mặt với nguy cơ chiến tranh nếu không giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 21.9.2023. Ảnh AFP
Dập tắt mọi hy vọng của Kyiv ?
Tổng thống Biden đưa ra quan điểm loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO như trên trước thềm hội nghị thượng đỉnh thường niên của khối dự kiến diễn ra ở Washington D.C trong tháng tới là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo tờ The Telegraph. Ông Zelensky đã thúc đẩy khả năng Ukraine nhanh chóng được gia nhập NATO sau khi xung đột Nga – Ukraine kết thúc.
Khả năng Ukraine gia nhập NATO đã trở thành điểm gắn bó lớn giữa các thành viên NATO kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng 7.2023, các quốc gia thành viên đã đồng ý với một thông cáo chung nhấn mạnh “Tương lai của Ukraine là ở NATO”, nhưng từ chối tiến tới kế hoạch gia nhập được một số nước Đông Âu ủng hộ. “Tình trạng này chắc chắn sẽ khiến các quốc gia vùng Baltic và phía đông tức giận”, một nhà ngoại giao cấp cao của NATO nhận định.
Kyiv đã không nhận được lời mời cũng như thời hạn chắc chắn để gia nhập NATO trong hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, dù NATO đã thực hiện các bước thắt chặt hợp tác, theo trang tin The Kyiv Independent. Giới chức Ukraine đã bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới sẽ mang đến tín hiệu rõ ràng hơn. Tuy nhiên, phát ngôn trên của Tổng thống Biden đã phủ bóng đen lên hy vọng về khả năng Ukraine được đề nghị trở thành thành viên NATO để đổi lấy việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng, theo The Telegraph.
Bộ binh thiếu hụt, Ukraine đến nhà tù mộ quân
Tình hình chiến sự
Thông tin về khả năng Ukraine gia nhập NATO lại nóng lên trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài hơn 830 ngày mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hãng tin TASS hôm qua dẫn lời chuyên gia quân sự Andrey Marochko ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng cho rằng quân đội Nga đã ngăn chặn được nỗ lực của Ukraine nhằm tiến hành một “chiến dịch giành chiến thắng” gần khu định cư Volchansk trong tỉnh Kharkiv thuộc đông bắc Ukraine. Ông Marochko còn cho rằng quân đội Ukraine đã từ bỏ kế hoạch và đang điều chỉnh nhiệm vụ tác chiến cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky tối 4.6 khẳng định tình hình ở tỉnh Kharkiv đã “ổn định”, và những cuộc tấn công chính và mạnh nhất của Nga hiện diễn ra ở tỉnh Donetsk thuộc miền đông Ukraine, theo The Kyiv Independent. Ông Zelensky nói rằng dù mới chỉ là đầu tháng 6 nhưng những tuần tới có thể quyết định số phận của cuộc chiến ở Ukraine trong thời gian còn lại của năm.
Các nhà phân tích quân sự thì cho rằng khả năng tấn công mới của Ukraine vào Nga sau khi Mỹ và các đồng minh cho phép Kyiv dùng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ giúp làm chậm các cuộc tấn công xuyên biên giới của Moscow, theo báo The New York Times. Nga đã nhiều lần cảnh báo các đồng minh phương Tây của Ukraine rằng việc cho phép tấn công bên trong lãnh thổ Nga sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
NATO chuẩn bị cho xung đột tiềm tàng với Nga
Tờ The Telegraph ngày 4.6 đưa tin NATO đang phát triển nhiều “hành lang trên bộ” để đưa binh sĩ và xe thiết giáp của Mỹ ra tiền tuyến trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Âu với Nga. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh giới lãnh đạo NATO cảnh báo rằng các chính phủ phương Tây phải tự chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga trong hai thập niên tới.
5 ngày Mỹ vất vả tìm cách quản lý khủng hoảng ở cả Ukraine và Israel
Trong năm ngày qua, Tổng thống Joe Biden đã phải tìm cách quản lý hai cuộc khủng hoảng liên quan Ukraine và Israel.
Đây là hai đồng minh mà ông Biden đã cam kết bảo vệ chừng nào còn cần thiết.
Cảnh tàn phá do xung đột Hamas - Israel tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 31/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ New York Times ngày 4/6, hai cuộc xung đột ở Ukraine và Israel rất khác nhau, bắt nguồn từ những sự kiện cách đây cả hàng chục năm. Nhưng điều trùng hợp là hai cuộc xung đột liên quan hai quốc gia này đều đang ở những bước ngoặt quan trọng, liên quan tới lợi ích chính trị của cả ba nhà lãnh đạo.
Điều khiến mọi việc thêm phức tạp là giới chức Mỹ vẫn chưa rõ họ có thể chấp nhận một cái kết như thế nào cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.
Về mặt chính thức, Ukraine vẫn muốn có chiến thắng toàn diện, đẩy Nga ra khỏi từng tấc lãnh thổ mà nước này chiếm giữ kể từ tháng 2/2022. Israel vẫn nói về mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hamas và cho rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo rằng Hamas không bao giờ có thể tiến hành một cuộc tấn công như vụ tấn công ngày 7/10/2023 nữa.
Nhưng ở Mỹ, những mục đích này ngày càng trở nên phi thực tế. Nga dường như đang lấy lại động lực trong cuộc chiến với Ukraine. Lời kêu gọi đánh bại hoàn toàn Hamas cũng khó thực hiện. Các quan chức Israel đã công khai tuyên bố cuộc chiến ở Gaza có thể sẽ tiếp tục đến cuối năm nay, nếu không muốn nói là lâu hơn.
Vì vậy, Tổng thống Biden đã phải có những động thái quản lý khủng hoảng, tìm cách ngăn chặn điều tồi tệ nhất.
Ông Aaron David Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định: "Cả Ukraine và Israel đều không phải là đồng minh theo hiệp ước". Tức là Mỹ không phải bảo vệ hai nước này như theo hiệp ước của NATO hay các hiệp ước chính thức với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và các nước khác. Tuy nhiên, theo ông Miller, Mỹ đã dồn tâm sức để đưa hai cuộc chiến này sang giai đoạn tiếp theo.
"Cởi trói" cho Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington DC., ngày 14/5/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Suốt 27 tháng qua, Tổng thống Biden đã duy trì quy tắc là Ukraine không được dùng vũ khí Mỹ để bắn vào lãnh thổ Nga. Đó là quy tắc mà ông Biden đã thiết lập ngay từ đầu cuộc chiến ở Ukraine để tránh Thế chiến thứ ba.
Tuy nhiên, ngày 30/5, Nhà Trắng thông báo rằng họ sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công hạn chế vào trong lãnh thổ Nga. Cụ thể, Ukraine chỉ có thể sử dụng vũ khí Mỹ tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga giáp với Đông Bắc Ukraine. Thêm vào đó, các cuộc tấn công chỉ có thể nhằm vào khu tập trung quân ở biên giới và các hệ thống vũ khí đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công Ukraine.
Điều này có nghĩa là Mỹ không cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn 300 km mà Mỹ lần đầu tiên gửi tới Ukraine vào tháng 3 năm nay. Hiện không rõ liệu Ukraine có được phép sử dụng ATACMS tầm bắn 150 km hay không.
Mỹ thay đổi lập trường có liên quan đến việc Nga đang tiến quân vào Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm cách biên giới Nga chỉ 30 km.
Ngay sau đó, ngày 3/6, Ukraine báo rằng họ đã sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để phá hủy hệ thống phòng không trên lãnh thổ Nga, mặc dù họ không nêu tên loại vũ khí này hoặc cung cấp thông tin chi tiết.
Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa ra cảnh báo rằng nếu vũ khí do phương Tây cung cấp được dùng để tấn công Nga, Nga sẽ khiến các bên phải gánh chịu "hậu quả chết người".
Đưa ra kế hoạch hòa bình cho Israel
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đề xuất về cuộc chiến ở Gaza tại Nhà Trắng ngày 31/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Một ngày sau khi Tổng thống Biden cho phép Ukraine tấn công hạn chế vào lãnh thổ Nga, ông đã thực hiện một động thái liên quan Israel.
Ngày 31/5, Tổng thống Biden đã thông báo về đề xuất 3 giai đoạn đối với Israel nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cho rằng Hamas đã suy yếu đến mức không còn khả năng thực hiện một vụ tấn công giống như vụ ngày 7/10/2023 ở Gaza nữa. Ông nói: "Đã đến lúc cuộc chiến này kết thúc".
Theo đề xuất, giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần và bao gồm lệnh ngừng bắn đầy đủ và hoàn chỉnh, như Israel rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza và thả một số con tin bao gồm cả phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine.
Trong giai đoạn này, thường dân Palestine sẽ trở về nhà ở tất cả các khu vực của Gaza, trong khi hỗ trợ nhân đạo sẽ tăng lên 600 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza mỗi ngày. Giai đoạn đầu tiên cũng sẽ bao gồm các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas để đi đến giai đoạn tiếp theo của đề xuất.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng các cuộc đàm phán để đi đến giai đoạn thứ hai có thể mất hơn 6 tuần vì sẽ có những khác biệt giữa hai bên. Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong thời gian này cho đến khi đạt được tất cả các thỏa thuận để bắt đầu giai đoạn thứ 3. Theo ông Biden, trong giai đoạn thứ hai, tất cả các con tin còn sống sẽ được thả, bao gồm cả binh sĩ là nam giới.
Trong giai đoạn thứ ba, Tổng thống Biden cho biết sẽ bắt đầu triển khai một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza và hài cốt của các con tin thiệt mạng sẽ được trao trả cho gia đình.
Trong thỏa thuận tái thiết Gaza, các quốc gia Arab và cộng đồng quốc tế cũng sẽ tham gia đảm bảo Hamas không tái vũ trang. Tổng thống Biden nói thêm rằng Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác để xây dựng lại nhà cửa, trường học và bệnh viện ở Gaza, nơi chiến tranh đã khiến gần 2,3 triệu dân phải di dời và gây ra nạn đói trên diện rộng.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Biden đã nhiều lần đề xuất các kế hoạch ngừng bắn tương tự như kế hoạch ngày 31/5 song tất cả đều thất bại. Hồi tháng 2, ông cho biết Israel đã đồng ý ngừng giao tranh vào dịp Ramadan, tháng lễ thiêng liêng của người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 10/3. Tuy nhiên, không có thỏa thuận ngừng bắn nào như vậy được thực hiện.
Theo các nhà bình luận, việc một tổng thống Mỹ trình bày chi tiết về kế hoạch của một nước khác, cụ thể là Israel, là điều bất bình thường. Nhưng trong trường hợp này, đó chính là vấn đề. Tổng thống Biden đã phải lên tiếng sau nhiều tháng thất vọng, khi mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối làm theo lời khuyên của Mỹ. Vì vậy, ông Biden đã quyết tâm khiến ông Netanyahu phải đồng ý với kế hoạch hòa bình ba giai đoạn nói trên.
Ngày 2/6, ông Ophir Falk, Cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, xác nhận rằng Israel đã chấp nhận thỏa thuận khung đang được Tổng thống Biden thúc đẩy, mặc dù ông mô tả thỏa thuận này là có lỗ hổng và cần phải được hoàn thiện thêm nữa.
Tổng thống Biden 'chao đảo' trước sức ép từ nhiều mặt trận trên khắp thế giới Mỹ không có chiến tranh, nhưng việc vướng vào nhiều mặt trận xung đột, cộng với cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra dọc biên giới Mỹ-Mexico, không phải là môi trường lý tưởng cho Tổng thống Biden khi ông tăng cường chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11 tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc vận...