Tổng thống Biden bắt đầu công du châu Á, ca ngợi hợp tác với Hàn Quốc
Tại nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics ở Hàn Quốc, điểm dừng đầu tiên trong chuyến công du đến châu Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh thông điệp về an ninh kinh tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại nhà máy bán dẫn của Samsung ngày 20.5. Ảnh REUTERS
Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20.5 đã đến Hàn Quốc để bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến châu Á kể từ khi trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.
Sau khi hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Osan của quân đội Mỹ ở Pyeongtaek, phía nam Seoul, Tổng thống Biden đã ngay lập tức đến nhà máy bán dẫn của Samsung gần đó và cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới. Ông Biden đã được tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chào đón tại đây, lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo.
Lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch gây ra và những cú sốc kinh tế từ xung đột ở Ukraine càng làm nổi bật sự cần thiết của việc phải đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng, để nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ không phụ thuộc vào các quốc gia “không chia sẻ giá trị của chúng ta”, Tổng thống Biden phát biểu tại nhà máy với hàm ý nhắc đến Trung Quốc.
“Theo quan điểm của tôi, một phần quan trọng trong việc thực hiện được điều đó là hợp tác với các đối tác thân thiết chia sẻ các giá trị của chúng tôi, như Hàn Quốc”, ông Biden nói thêm.
Tổng thống Mỹ cho biết tương lai sẽ được viết ra ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và bây giờ là thời điểm để Mỹ và các đối tác cùng chí hướng đầu tư vào nhau.
Hai nhà lãnh đạo đã cùng tham quan nhà máy. Đây là nơi Nhà Trắng gọi là hình mẫu cho nhà máy mới trị giá 17 tỉ USD mà Samsung dự kiến xây dựng ở Taylor, Texas.
“Với chuyến thăm hôm nay, tôi hy vọng rằng quan hệ Hàn – Mỹ sẽ được tái sinh thành một liên minh kinh tế và an ninh dựa trên sự hợp tác chuỗi cung ứng và công nghệ cao”, Tổng thống Yoon nói.
Video đang HOT
Ông Yoon cũng thúc giục ông Biden đưa ra các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc và Mỹ đầu tư vào nước còn lại.
Theo Reuters, đối phó sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực là chủ đề chính của ông Biden trong chuyến đi. Tuy nhiên, Hàn Quốc có thể sẽ đưa ra giọng điệu thận trọng trước công chúng vì Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Seoul.
Hàn Quốc dự kiến trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) sẽ được Tổng thống Biden công bố trong chuyến đi. IPEF sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và chuỗi cung ứng.
Công ty xe hơi Hyundai đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện mới tại Mỹ và thông báo về việc này có thể được đưa ra trong chuyến thăm của ông Biden.
Ông Biden sẽ tiếp tục có các cuộc họp với lãnh đạo Hàn Quốc vào ngày 21.5, với vấn đề CHDCND Triều Tiên dự kiến là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Washington tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp bất cứ lúc nào với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng không công khai nêu ra các ý tưởng mới về cách thuyết phục ông Kim đối thoại. Tổng thống Biden cũng đã quyết định không đến thăm khu phi quân sự ngăn cách hai miền bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc sẽ tăng cường vai trò ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Giới quan sát cho rằng tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ thúc đẩy hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam, để gia tăng vai trò của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên thệ nhậm chức ngày 10-5-2022 - Ảnh: Reuters
Giáo sư Choe Wongi - chủ nhiệm khoa nghiên cứu ASEAN - Ấn Độ, Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc (KNDA) - cho rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol có tầm nhìn chiến lược và định hướng chính trị khác với người tiền nhiệm Moon Jae In.
Vì thế, ông sẽ đưa ra những lựa chọn khác biệt trong các chính sách đối ngoại khi nắm quyền.
Mở rộng hợp tác với ASEAN
Thời gian tới, Tổng thống Yoon dự kiến nêu bật định hướng "chính sách Hàn Quốc sẽ không bị bó hẹp trong bán đảo Triều Tiên".
"Điều đó có nghĩa Hàn Quốc cần mở rộng vai trò của mình trong khu vực, không chỉ các vấn đề kinh tế mà cả chính trị, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", giáo sư Choe nhận định.
Ông Choe lưu ý, khi đóng góp ý kiến với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hồi tháng 2, Tổng thống Yoon từng nhấn mạnh Seoul nên hợp tác với các nước cùng quan điểm để tăng cường "một trật tự tự do, mở và bao trùm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", và "gia tăng ứng phó với các thách thức toàn cầu quan trọng trong thời đại của chúng ta".
Bên cạnh đó, ông Yoon cũng nhấn mạnh đến các lợi ích của Hàn Quốc khi nước này tham gia các nhóm làm việc của "Bộ tứ kim cương" (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc), hứa hẹn hoạt động tích cực trong hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khôi phục quan hệ song phương với Nhật Bản, hồi phục hợp tác an ninh ba bên với Mỹ và Nhật, và nhất là đưa ra ưu tiên cao nhất trong tăng cường quan hệ chiến lược và toàn diện với Mỹ.
Tổng thống Yoon coi quan hệ với Mỹ là trục trung tâm trong chính sách ngoại giao của Hàn Quốc và cam kết sẽ tìm kiếm một liên minh chiến lược toàn diện với Washington. Tân tổng thống nhấn mạnh Seoul cần đóng vai trò lớn hơn của 1 trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Với định hướng và tầm nhìn này, theo giáo sư Choe, chắc chắn Tổng thống Yoon và đội ngũ của ông sẽ đặt ưu tiên lớn hợp tác với ASEAN trong bối cảnh vai trò của ASEAN ngày càng trở nên quan trọng hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về kinh tế, ngoại giao và chiến lược.
Chú trọng an ninh hàng hải
Ông Zack Cooper, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng chính quyền mới của Hàn Quốc có thể tăng hợp tác với châu Á trong thời gian tới và tập trung vào các vấn đề quốc tế.
Ông Yoon đã bày tỏ định hướng về vai trò của Hàn Quốc không chỉ ở Đông Á, mà còn ở toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Tân tổng thống Hàn Quốc đang nỗ lực tập trung vào bảo đảm ổn định ở một khu vực rộng lớn hơn, bên ngoài bán đảo Triều Tiên", ông Cooper nhận định.
Vì thế, chuyên gia này cho rằng Seoul sẽ tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ và Nhật Bản trong thời gian tới. Ông Cooper lưu ý, trong những năm qua, Hàn Quốc tránh bày tỏ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc nhưng Tổng thống Yoon sẽ đổi hướng.
Ông Yoon sẽ đề cập nhiều hơn đến hợp tác với các đối tác cùng quan điểm về các vấn đề công nghệ, kinh tế và hợp tác nhiều hơn với Mỹ về các vấn đề liên quan đến an ninh ở Đông Á.
Nhìn vào bối cảnh khu vực, theo ông Cooper, Mỹ, Nhật và các nước Đông Nam Á sẽ gia tăng hợp tác để bảo đảm an ninh trên biển.
Tuy chưa rõ Hàn Quốc sẽ tham gia thế nào trong hợp tác này nhưng ông Cooper khẳng định an ninh hàng hải sẽ là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Seoul có thể phát huy vai trò là một nhà sản xuất tàu thuyền, thiết bị bảo đảm an ninh trên biển.
Việt Nam sẽ trở nên quan trọng hơn với Hàn Quốc
Giáo sư Choe cho hay Việt Nam đang là đối tác chủ yếu của Hàn Quốc trong "Chính sách hướng nam mới" và sẽ đóng vai trò quan trọng hơn với Seoul dưới thời Tổng thống Yoon khi ông thúc đẩy chính sách hợp tác khu vực toàn diện trong tương lai.
Ông Choe nhắc lại việc hôm 23-3 ông Yoon đã điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sau khi đắc cử. Hai bên nhất trí gia tăng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả chính trị và an ninh.
"Tôi mong chờ hai nước sẽ nỗ lực hơn trong hợp tác về chính trị và an ninh, không chỉ ở tầm song phương mà còn ở tầm khu vực trong tương lai", ông Choe nói.
Theo ông Cooper, khi tân tổng thống Hàn Quốc muốn mở rộng hợp tác ra châu Á, chắc chắn sẽ có nhiều lĩnh vực song trùng với lợi ích của Việt Nam.
Một trong những ưu tiên của hai bên sẽ là chuỗi cung ứng, khi các chuỗi bị kéo căng ở nhiều khu vực trên thế giới. "Việt Nam có thể trở thành đối tác hàng đầu của Hàn Quốc trong việc giảm áp lực trong chuỗi cung ứng để phát triển kinh tế", ông Cooper nói.
Giáo sư Sung Wook Nam, Đại học Hàn Quốc, cho biết ông trông đợi Tổng thống Yoon sẽ đặc biệt chú trọng hợp tác với Việt Nam.
Hai bên có hợp tác kinh tế cùng có lợi khi Việt Nam bổ sung lực lượng lao động và thị trường cho Hàn Quốc, cùng phát triển dựa trên thế mạnh về công nghệ và vốn của Seoul. "Tôi cho rằng tương lai hợp tác của Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng tươi sáng hơn", ông Sung Wook Nam nói.
Chuông vang trên tháp Bosin và hành trình mới của xứ sở kim chi Ông Yoon Suk-yeol đã chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng thống Hàn Quốc với việc nghe báo cáo nhanh đầu tiên của Tổng tham mưu trưởng liên quân với tư cách là Tổng tư lệnh mới của các lực lượng vũ trang Hàn Quốc. Tháp chuông Bosingak ở trung tâm Seoul. Ảnh: Anh Nguyên/Pv TTXVN tại Hàn Quốc. Cũng ở thời khắc...