Tổng thống Algeria ký sắc lệnh về tổ chức tổng tuyển cử
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 11/3, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã ký sắc lệnh về tổ chức trưng cầu dân ý cho cuộc bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới nhằm tiếp tục thực hiện các cam kết đã đưa ra trong quá trình tranh cử tổng thống.
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune phát biểu trên truyền hình về việc giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm ngày 18/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó một ngày, Tổng thống Tebboune cũng đã ký sắc lệnh liên quan đến hệ thống bầu cử sau khi tuyên bố giải tán Quốc hội (APN) hôm 18/2 với cam kết sẽ tổ chức bầu cử lập pháp trong thời hạn tối đa là 6 tháng.
Đây sẽ là cuộc bầu cử thứ 2 kể từ khi Tổng thống Tebboune đắc cử vào tháng 12/2019 để hướng tới việc xây dựng một nhà nước hiện đại. Tổng thống Tebboune từng cam kết sẽ loại bỏ mọi yếu tố tác động xấu đến quá trình bầu cử để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho các ứng cử viên. Ông cũng kêu gọi sửa đổi điều kiện về tuổi cho các ứng cử viên trẻ và tăng hạn ngạch cho nhóm ứng viên này trong danh sách bầu cử.
Bên cạnh đó, Tổng thống Tebboune còn nhấn mạnh đến việc khuyến khích bình đẳng giới trong bầu cử và việc phân bổ số ghế đại biểu ở cấp địa phương cũng như quốc gia, đồng thời sửa đổi quy định về số lượng chữ ký ủng hộ đối với các ứng cử viên độc lập và các đảng phái chính trị.
Tổng thống Algeria ký sắc lệnh thông qua hiến pháp sửa đổi
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã ký sắc lệnh thông qua hiến pháp sửa đổi và đã công bố trên Tạp chí Chính thức của nước này ngày 1/1.
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune phát biểu tại thủ đô Algiers. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hiến pháp sửa đổi bao gồm một số điều khoản đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên dân chủ mới phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước Algeria hiện đại và mới, tuyên bố trên nhấn mạnh. Theo đó, Luật Cơ bản của đất nước này bao gồm một loạt các sửa đổi đặc biệt, chẳng hạn như giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống (không quá 2 nhiệm kỳ), giảm bớt các đặc quyền của tổng thống cộng hòa để ngăn chặn sự chuyên quyền, cũng như sự phân lập và cân bằng quyền lực. Các quy định mới cũng giúp chấm dứt các hành động của những người vi phạm luật pháp, những người này sẽ không còn được bảo vệ bởi quyền miễn trừ hoặc sức ảnh hưởng của họ.
Về các vấn đề phân lập và cân bằng quyền lực, cùng với nhiều quy định khác, hiến pháp yêu cầu giới hạn của nhiệm kỳ tổng thống và kiện toàn thể chế của người đứng đầu chính phủ. Hiến pháp mới cũng giới hạn nhiệm kỳ của quốc hội, bãi bỏ quyền lập pháp theo sắc lệnh trong thời gian quốc hội giải tán và nghĩa vụ của chính phủ trong việc hỗ trợ các dự thảo luật bằng cách thực hiện các văn bản quy định.
Ngoài ra, để tăng cường tính độc lập của lĩnh vực tư pháp, hiến pháp yêu cầu sự hợp hiến hóa các nguyên tắc không thể thay đổi của thẩm phán. Cũng trong bối cảnh đó, bộ trưởng tư pháp và tổng chưởng lý Tòa án tối cao không còn là một phần của Hội đồng tư pháp cấp cao, và 2 vị trí này sẽ được thay bằng 2 đại diện của Liên minh các thẩm phán và chủ tịch Hội đồng nhân quyền quốc gia. Ngoài ra, hiến pháp mới cũng quy định về việc thành lập Tòa án hiến pháp và địa điểm của Hội đồng hiến pháp, hợp hiến hóa đối với Cơ quan minh bạch và phòng chống tham nhũng và Cơ quan bầu cử độc lập quốc gia.
Hiến pháp mới cũng quy định việc thành lập Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường quốc gia với các chức năng trong khuôn khổ tổ chức các cuộc đối thoại, tham vấn, đưa ra đề xuất, tầm nhìn xa và phân tích trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, được đặt dưới quyền của tổng thống nước cộng hòa. Ngoài ra, hiến pháp mới cũng yêu cầu thành lập một Cơ quan quan sát xã hội dân sự quốc gia, đây là cơ quan tham vấn được đặt dưới quyền của tổng thống nước cộng hòa, chuyên đưa ra các ý kiến và khuyến nghị liên quan đến các mối quan tâm của xã hội dân sự và Học viện khoa học và công nghệ Algeria, một cơ quan khoa học và công nghệ độc lập.
Trước đó, ngày 1/11/2020, người dân Algeria đã đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân thông qua hiến pháp sửa đổi này. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân này được xem là thấp kỷ lục kể từ khi quốc gia Bắc Phi giành độc lập vào năm 1962, với chỉ 23,7%.
7 bộ trưởng Nepal từ chức sau khi quốc hội giải tán Ngày 20/12, sau khi Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari giải tán quốc hội nước này theo khuyến nghị của nội các, 7 bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng KP Sharma Oli đã từ chức, bày tỏ thất vọng về động thái trên. Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari. Ảnh: AFP/TTXVN Các bộ trưởng từ chức là những người đứng đầu...