Tổng thống Ai Cập và Thủ tướng Israel thảo luận các vấn đề khu vực
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 1/1 đã điện đàm và chúc mừng ông Benjamin Netanyahu chính thức đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Israel và thành lập chính phủ mới.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập, ông Bassam Rady cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi khẳng định với ông Netanyahu rằng Ai Cập mong muốn tiếp tục tăng cường các nỗ lực đối với tất cả các vấn đề liên quan đến sự nghiệp của người Palestine, trong đó vấn đề then chốt là duy trì hòa bình giữa người Palestine và Israel cũng như nối lại các cuộc đàm phán giữa hai bên.
Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình công bằng và toàn diện giữa hai bên theo cách góp phần đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho tất cả các dân tộc trong khu vực. Ông El-Sisi cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh mọi biện pháp đơn phương có thể dẫn đến những căng thẳng và làm phức tạp tình hình khu vực.
Tổng thống El-Sisi và Thủ tướng Netanyahu cũng thảo luận về mối quan hệ song phương và những diễn biến khu vực và quốc tế hiện nay. Ngày 29/12/2022, ông Netanyahu đã trở lại nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ sáu với tư cách là Thủ tướng Israel.
Trong những năm qua, Ai Cập đã nỗ lực với vai trò hòa giải nhằm duy trì hòa bình giữa Palestine và Israel. Khi xảy ra các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza năm 2021 cũng như vào Bờ Tây năm 2022, Ai Cập đã nỗ lực thực hiện vai trò trung gian hòa giải, nhờ đó Israel và Palestine đã đạt được lệnh ngừng bắn trong cả hai cuộc xung đột này.
Hiện Ai Cập và Israel duy trì mối quan hệ song phương khá tốt đẹp ở nhiều cấp độ khác nhau và mong muốn phối hợp nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Cả hai nước đều là thành viên của Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) có trụ sở tại Cairo. Ai Cập cũng là quốc gia Arab đầu tiên công nhận Israel theo hiệp ước hòa bình do Mỹ làm trung gian vào năm 1979.
Ông Benjamin Netanyahu nhậm chức Thủ tướng Israel
Ngày 29/12, ông Benjamin Netanyahu đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng của Israel. Ông sẽ lãnh đạo một chính phủ được cho là cực hữu nhất trong lịch sử nước này.
Ông Benjamin Netanyahu. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đó, cùng ngày, Quốc hội Israel đã phê chuẩn danh sách Nội các mới của ông với 63 phiếu ủng hộ trong tổng số 120 phiếu.
Ông Netanyahu đã công bố định hướng ưu tiên chính sách thời gian tới, gồm 3 nhiệm vụ lớn liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia - tập trung vào vấn đề kết nối các khu vực ngoại vi vào trung tâm đất nước; khôi phục an ninh trong nước và quản trị nhà nước của Israel.
Kết quả bầu cử hôm 1/11 vừa qua đã mang lại cho phe cánh hữu của ông Netanyahu tổng cộng 64/120 ghế trong quốc hội, vượt mức quá bán cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ. Chính phủ liên minh cực hữu của ông Netanyahu được thành lập vào phút cuối, chỉ vài giờ trước khi hết thời hạn chót cho việc hình thành chính phủ. Thỏa thuận liên minh chính phủ bao gồm đảng Likud dẫn đầu và 2 đảng cực hữu là Jewish Power của ông Itamar Ben-Gvir và đảng Religious Zionist do ông Bezalel Smotrich làm lãnh đạo.
Nga tuyên bố 'kỷ nguyên mới' với châu Phi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp đại diện thường trực của các nước thành viên Liên đoàn Arab và khẳng định hai bên đang khởi đầu một "kỷ nguyên mới". "Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một kỷ nguyên mới. Đó sẽ là một phong trào hướng tới chủ nghĩa đa phương thực sự, không phải là một phong trào...