Tổng thanh tra Chính phủ: Tôi thấy Bộ trưởng Xây dựng rất trách nhiệm
Nhắc 2 vụ liên quan đến thanh tra xảy ra ở Thanh Hóa và Bộ Xây dựng, Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá: “Tôi thấy, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch tỉnh rất trách nhiệm, tập trung xử nghiêm”.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt chỉ thị 10 của Thủ tướng về ngăn chặn tham nhũng vặt, Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải nêu thực tế nạn phong bao, phong bì, lót tay khi thực hiện dịch vụ hành chính công, xin học cho con, khám chữa bệnh, làm sổ đỏ, thi bằng lái xe, khi vi phạm giao thông phải chung chi với lực lượng CSGT… xảy ra hàng ngày, hàng giờ.
Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải
Gãi đúng chỗ ngứa của dân
“Tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng vặt lại làm xói mòn lòng tin đó. Chỉ thị này ra đời, có thể nói là gãi đúng chỗ ngứa của người dân”, bà Hải nhấn mạnh.
Đề cập đến công tác thanh tra công vụ, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị tập hợp báo cáo số liệu về hoạt động thanh tra công vụ 6 tháng một lần và công khai cho người dân biết.
“Vừa rồi có việc 4.000 bộ hồ sơ ở tỉnh quá hạn chưa được giải quyết, Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải xin lỗi người dân và giải quyết ngay. Tuy nhiên sau đó việc xử lý cán bộ làm chậm trễ như thế nào thì không thấy nêu”, bà Hải nói.
Nhắc đến việc chống tham nhũng ngay trong đội ngũ làm công tác chống tham nhũng, bà Hải nêu lại sự việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc vừa qua chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng làm cho người dân rất băn khoăn và đang trông chờ xem sự việc sẽ được giải quyết thế nào?
Video đang HOT
“Người dân mong muốn sự việc được giải quyết nghiêm minh để từ đó răn đe đối với những thành phần khác”, bà Hải nói.
Nhắc lại nội dung chỉ thị nêu rất nhiều giải pháp như luân chuyển vị trí, rà soát kiểm tra, thanh tra, ứng dụng CNTT trong giám sát…, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị TTCP triển khai ở các đơn vị, có đường dây nóng để lắng nghe về các vấn đề tham nhũng vặt, nhũng nhiễu…
“Các văn bản đều nêu xử lý nghiêm, nhưng người dân đặt vấn đề xử lý nghiêm là như thế nào? Bao nhiêu trường hợp tham nhũng vặt đã bị xử lý? Đề nghị tuyên truyền cho người dân biết quyền của họ được hưởng các dịch vụ công đó, không cần phải chi phí lót tay, nếu xảy ra việc tham nhũng vặt đó sẽ bị xử lý nghiêm, để người dân tin tưởng”, Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chia sẻ, thời gian qua, đã xảy ra 2 việc không mong muốn là vụ xảy ra ở thanh tra Thanh Hóa và thanh tra chuyên ngành Bộ Xây dựng.
Sau khi vụ việc xảy ra ở Thanh tra Hoá, TTCP đã có chỉ thị ngày 17/5 để chấn chỉnh trong toàn ngành, mặc dù với thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành thì TTCP chỉ có trách nhiệm quản lý nhà nước một phần, còn về công chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là Chủ tịch tỉnh và Bộ trưởng.
“Khi xảy ra 2 vụ việc này, tôi thấy, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch tỉnh cũng rất trách nhiệm, tập trung xử lý nghiêm. TTCP cũng đã có chỉ thị, chúng tôi mong muốn với chức năng của mỗi thủ trưởng bộ, ngành, tỉnh, thành tăng cường thực hiện nội dung chỉ thị, đặc biệt quan tâm đến thực hiện nghiêm công vụ, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Chắc chắn người đứng đầu phải biết
Ngoài ra, bà Hải cũng đề nghị quan tâm tới trách nhiệm của người đứng đầu. “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, nghe những câu người dân nói thấy rất đau xót. Họ nói nạn tham nhũng vặt khi cấp sổ đỏ, cấp CMND, giấy khai sinh… tại sao người dân biết, DN biết nhưng người đứng đầu cơ quan đó lại không biết?”.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình
Nghe vậy, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cũng nhắc lại, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ thị đã nêu.
“Chị Hải nói câu mà tôi thấy rất tâm đắc là không thể nói người đứng đầu ở bộ, ngành, cơ quan đơn vị mình không biết là ở khu vực nào, địa chỉ nào có nhũng nhiễu, tham nhũng vặt và không đề ra các giải pháp kiểm tra, thanh kiểm tra, xử lý đối với hành vi tham nhũng vặt. Chắc chắn người đứng đầu phải biết và nếu tiếp tục để xảy ra thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của chỉ thị. Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh PCTN, trong đó có “tham nhũng vặt” làm một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.
Theo Vietnamnet
Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Ngày 27-6, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ; Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Theo Thanh tra Chính phủ, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra thực tế là trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc... Điều này đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết do người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa thực hiện đúng, đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền chưa thường xuyên, chặt chẽ; thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được chú trọng... Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chưa làm hết trách nhiệm. Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực chưa đồng bộ, còn chồng chéo, vướng mắc, có nhiều kẽ hở. Ở một số lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch, vẫn còn nhiều "giấy phép con"...
Giải pháp được đề ra là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến rõ rệt, chuyển biến tích cực, thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhất là việc phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn, được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ, đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Tình trạng đó cần phải sớm chấm dứt.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và có những biện pháp, nội dung chỉ đạo quyết liệt, mang tính đột phá; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương về tinh thần phục vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thể hiện thái độ cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu tiêu cực, tham nhũng.
Tin, ảnh: MẠNH HƯNG
Theo QĐND Online
Cán bộ 'hạ cánh' chưa hẳn... an toàn Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc/nghỉ hưu 3-5 năm hoặc đến 70, 80 tuổi mới phát hiện có vi phạm thì có bị xử lý kỷ luật, bị xóa tất cả chức danh, quyền lợi có trước đó? Sáng 17-4, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự...