Tổng giám đốc Huawei Việt Nam: Quan điểm của một quốc gia không thể thay thế mọi quốc gia
Khi nói về các lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei của một số nước, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam cho rằng quan điểm của một quốc gia không thể thay thế các quốc gia khác.
Ông Fine Fan, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Huawei Việt Nam (Huawei Việt Nam), đã có buổi gặp mặt một số cơ quan báo chí tại TP.HCM chiều 3/4 để cập nhật tình hình của công ty này. Trong đó, vấn đề được chú ý nhất vẫn là các cáo buộc của một số quốc gia về vấn đề an ninh khi sử dụng các thiết bị mạng của Huawei.
“Trên mạng có nhiều thông tin thật và không thật. Không có các bằng chứng cho thấy Huawei đe dọa an ninh mạng. Hơn nữa, quan điểm của một quốc gia không thể thay thế được cho mọi quốc gia”, ông Fine Fan nói.
Ông Fine Fan, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Huawei Việt Nam, tại buổi làm việc với báo chí hôm 2/4
Hồi tháng 8/2018, Mỹ ký lệnh cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei và ZTE trong các cơ quan chính phủ. Quy định này cũng cấm các cơ quan chính phủ làm việc với đối tác có dùng sản phẩm của Huawei và ZTE.
“Thủ tướng Lý Khắc Cường (Trung Quốc) từng lên tiếng cho biết không yêu cầu doanh nghiệp trong nước làm cửa hậu trong các sản phẩm của công ty. Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập và CEO toàn cầu của Huawei, cũng yêu cầu nhân viên Huawei tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ thông tin người dùng”, ông Fine Fan khẳng định.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị hạ tầng mạng viễn thông lớn nhất nhì thế giới. Tổng giám đốc Huawei Việt Nam cho rằng thiết bị công nghệ cung cấp bởi Huawei chỉ đóng vai trò truyền tải dữ liệu, không lưu trữ thông tin. Thêm vào đó, để bảo đảm an ninh mạng không chỉ nhà cung cấp như Huawei mà cơ quan quản lý, người dùng, nhà khai thác mạng cần có ý thức cao trong việc nâng cao an toàn an ninh thông tin.
Thành lập trung tâm cho phép bên thứ ba vào kiểm tra sản phẩmTương tự Huawei, Kaspersky – hãng bảo mật Nga – cũng bị chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm dùng trong các cơ quan nhà nước. Dưới áp lực này, Kaspersky đã thành lập một trung tâm dữ liệu ở Thụy Sĩ, chuyển một lượng thông tin khách hàng sang trung tâm này để chứng tỏ sự minh bạch. Theo Kaspersky, các bên thứ 3 có thể đến trung tâm này để kiểm tra các sản phẩm của Kaspersky. Tại sao Huawei không có hành động tương tự?
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi này của PV ICTnews, ông Fine Fan cho biết Huawei đã thành lập một trung tâm như thế tại Anh. Theo ông Fan, trung tâm này đảm nhiệm 3 nhiệm vụ chính: chứng minh các thiết bị viễn thông của Huawei không có cửa hậu; bảo đảm quá trình sản xuất sản phẩm không có gì đe dọa an ninh; có quy trình để kiểm tra tất cả các khâu từ thiết kế, nghiên cứu phát triển, quá trình triển khai dự án bị lỗi ở đâu để lần ra đầu mối.
Ông Fan cho biết trung tâm này đạt được thỏa thuận với chính phủ Anh trong việc triển khai 3 bước bảo đảm nói trên. Các tổ chức bên thứ ba có thể được tiếp cận nguồn thông tin này để bảo đảm sản phẩm Huawei đạt chất lượng về an ninh thông tin.
Phóng viên một tờ báo hỏi ông Fan rằng khi đưa ra các lệnh cấm, các tổ chức đều trưng bằng chứng cho thấy nguy cơ an ninh khi dùng sản phẩm Huawei. Tại sao Huawei không mời các tổ chức đó vào kiểm tra tại trung tâm của Huawei đặt tại Anh?
“Trong các sản phẩm của Huawei có phần mềm. Nếu công khai được mã nguồn phần mềm của các sản phẩm này thì sẽ làm sáng tỏ hơn sự an toàn của sản phẩm. Tuy vậy, trong các phần mềm này có bao gồm bằng sáng chế của các bên. Nếu chúng tôi công khai, các bằng sáng chế này có thể bị sao chép”, ông Fan giải thích.
Tuy nhiên, ông Fan cho biết sẽ rút ngắn lộ trình cho phép các bên thứ ba kiểm tra sản phẩm của Huawei để chứng tỏ sự minh bạch.
Trong thời gian tới, Huawei sẽ hoàn thiện quy trình từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển, sản xuất,… thành một quy trình thông suốt, minh bạch. Việc này, theo Tổng giám đốc Huawei Việt Nam, không phải vì sản phẩm của họ không an ninh mà để thay đổi bản thân trong nội bộ Huawei.
“Huawei sẽ tự thay đổi và cải cách để chứng minh sản phẩm của chúng tôi an toàn”, ông Fan khẳng định.
Không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh cấm
Người đại diện của Huawei tại Việt Nam thừa nhận công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ, tuy nhiên cho biết nhiều khách hàng vẫn ủng hộ công ty. Doanh thu năm 2018 của công ty tăng 19,5% so với năm 2017. Sau lệnh cấm của Mỹ, tháng 2/2019 doanh thu công ty tăng 30% so với cùng kỳ. Những gia tăng về doanh thu, theo ông Fan, là bằng chứng cho thấy công ty Trung Quốc này không bị ảnh hưởng nhiều từ lệnh cấm.
Nhiều người cho rằng tăng trưởng doanh thu của Huawei chủ yếu ở thị trường trong nước, nhưng ông Fan cho biết công ty có 39 hợp đồng triển khai 5G trên khắp thế giới, không có hợp đồng nào trong số này đến từ trong nước.
Ông Fan không nói rõ tăng trưởng của Huawei có đóng góp bao nhiêu của mảng viễn thông, là mảng chính mà công ty bị áp lệnh cấm của Mỹ. Năm 2018, Huawei có tăng trưởng vượt bậc ở thiết bị đầu cuối, tức các sản phẩm smartphone – là mảng không chịu ảnh hưởng chính từ yêu cầu tẩy chay của Mỹ.
Ông Fan cho biết sắp tới Huawei sẽ cởi mở hơn với truyền thông để mọi người hiểu rõ hơn về công ty này. Chẳng hạn, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã nhận trả lời phỏng vấn các báo toàn cầu nhằm làm rõ nhiều nghi ngại về vấn đề an ninh. Tuy vậy, ông Fan thừa nhận rằng “phần trao đổi của Huawei sẽ có người tin và không tin”, công ty không muốn qua một lần trao đổi có thể thay đổi suy nghĩ của mọi người.
“Tôi chưa bao giờ thấy trong lịch sử một quốc gia có thể dùng vai trò của mình để can thiệp vào sự phát triển của một công ty tư nhân. Nếu Huawei không lớn như thế thì người không tạo áp lực cho mình”, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam nhận định.
Theo ICTNews
Nhà sáng lập Huawei liên tục lên sóng truyền thông bác bỏ các cáo buộc
Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh và bác bỏ những cáo buộc nhằm vào hãng công nghệ khổng lồ này.
Ông Nhậm Chính Phi. (Nguồn: South China Morning Post)
Trước làn sóng công kích và ngăn cản Huawei ở một loạt nước phương Tây, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh và bác bỏ những cáo buộc nhằm vào hãng công nghệ khổng lồ này.
Trong cuộc gặp mặt báo chí trong và quốc tế được phát sóng ngày 20/1 trên kênh truyền hình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), người sáng lập 74 tuổi của Huawei cho biết các giải pháp không dây và 5G của hãng này là đẳng cấp thế giới và sẽ giải quyết các vấn đề mà nhiều nước phương Tây phải đối mặt trong sự phát triển 5G, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn thưa thớt.
"Họ thực sự dại dột và sẽ mất tiền nếu họ không mua [sản phẩm của chúng tôi]," ông Nhậm nói với một phóng viên CCTV khi được hỏi quan điểm của ông về lệnh cấm của một số quốc gia với thiết bị mạng của Huawei.
"Chúng tôi có nhiều thứ mà các nước châu Âu và châu Mỹ cần, và họ sẽ phải mua từ chúng tôi," ông Nhậm nói đồng thời cho biết thêm rằng ông tự tin về vị trí cạnh tranh của Huawei trong phát triển mạng không dây và 5G khi so sánh với các hãng khác trên thế giới.
Ông Nhậm, người hiếm khi nói chuyện với truyền thông kể từ khi thành lập Huawei năm 1987, đã bắt đầu một chiến dịch quan hệ công chúng để xây dựng lại hình ảnh của công ty. Ông đã có các cuộc nói chuyện với ít nhất ba nhóm phóng viên ở Thâm Quyến tuần trước, bao gồm một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông quốc tế được chọn, một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông trong nước, cũng như trên sóng truyền hình Trung Quốc qua đài CCTV.
Ông Nhậm thừa nhận rằng ông đã bị nhóm quan hệ công chúng của Huawei ép phải đồng ý với các cuộc phỏng vấn vì công ty đang ở giai đoạn chuyển tiếp của cuộc khủng hoảng hiện tại và phải tập hợp khách hàng cũng như 180.000 nhân viên để giúp họ hiểu rõ hơn về công ty và khả năng giải quyết giai đoạn khó khăn này. Ông Nhậm nói thêm rằng công ty tin rằng ông có thẩm quyền và nên nói chuyện với công chúng.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới song lại đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, với các cáo buộc hãng này có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Anh, Đức, Australia, New Zealand và Canada đã cấm hoặc đang xem xét liệu có cho phép cài đặt thiết bị Huawei trong mạng viễn thông của các quốc gia này hay không.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Tư pháp Na Uy cho biết đang xem xét liệu có nên gia nhập các quốc gia phương Tây khác để loại trừ Huawei khỏi việc xây dựng một phần cơ sở hạ tầng 5G mới của đất nước Bắc Âu này hay không./.
Theo viet nam plus
Chủ tịch Huawei hâm mộ Steve Jobs, mắc nợ con cái và muốn... 'bất tử' Cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài của Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi hé lộ những thông tin ít biết về con người nổi tiếng kín đáo này. Ông Nhậm Chính Phi, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Huawei, vẫn giữ im lặng trước công chúng dù công ty trải qua một năm 2018 sóng gió, bao gồm các lệnh cấm...