Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT): Kiểm toán nghi ngờ tính chính xác của hàng nghìn tỷ đồng phải thu
Đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ với các khoản phải thu trên báo cáo tài chính năm 2019 của Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (mã PRT), gồm cả giao dịch “mua nhanh, hủy gấp” và giao dịch chuyển nhượng đất với giá thấp.
Báo cáo tài chính năm 2019 của PRT thể hiện, tại thời điểm cuối năm, Tổng công ty có tổng tài sản là 5.672 tỷ đồng, nợ phải trả là 2.509 tỷ đồng.
Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn là 154 tỷ đồng. PRT có hai khoản phải thu dài hạn lên đến 269 tỷ đồng từ CTCP An Bình (65 tỷ đồng) và CTCP Bất động sản U&I (269 tỷ đồng) và các khoản phải thu khác có giá trị lên tới 1.360 tỷ đồng.
Trong đó, khoản phải thu khác có giá trị lớn nhất có liên quan đến việc hủy hợp đồng chuyển nhượng 19% cổ phần của CTCP Đầu tư phát triển Tân Thành. Đây là giao dịch mà Báo Đầu tư Chứng khoán đã từng có bài viết chỉ ra một số dấu hiệu bất thường như góp vốn rẻ, mua lại đắt.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 cho thấy, PRT góp vốn vào Công ty Đầu tư phát triển Tân Thành 192 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ, góp bằng quyền sử dụng khu đất 145 ha).
Đến năm 2018, PRT có Nghị quyết số 01/ĐHĐCĐ ngày 26/10/2018 mua lại 19% cổ phần của Công ty Tân Thành, gồm 1.920.00 cổ phần (tương ứng 4% vốn của Công ty Hưng Vượng) với giá trị 203 tỷ đồng và 7.200.000 cổ phần (tương ứng 15% vốn điều lệ của ông Đặng Công Thanh) trị giá 761,3 tỷ đồng.
Với giao dịch trên, PRT đầu tư tổng số tiền 964,3 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư phát triển Tân Thành, sở hữu 49% cổ phần.
Năm 2019, các bên đã hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trên. PRT lý giải là “do các nguyên nhân khách quan”.
PRT cho biết, tính đến ngày 31/12/2019, Công ty Hưng Vượng mới hoàn trả được 20,3 tỷ đồng, còn phải thanh toán 182,7 tỷ đồng. Các bên thống nhất thời hạn thanh toán chậm nhất đến ngày 30/6/2020. Còn ông Đặng Công Thanh đã hoàn trả lại cho PRT 76,3 tỷ đồng, số tiền còn lại là 685 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2019 của PRT là Hãng Kiểm toán AASC đã có ý kiến ngoại trừ với giao dịch này.
Video đang HOT
Cụ thể, kiểm toán viên khẳng định: “không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng cần thiết để khẳng định giá trị của các giao dịch và khoản phải thu này, tính đầy đủ, hiện hữu và chính xác của khoản dự phòng tương ứng”.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước ngày 13/5/2020, PRT cho biết đây là khoản phải thu với cá nhân và chỉ được đảm bảo thanh toán từ Công ty TNHH Phát triển Tân Thành mà không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, kiểm toán không đánh giá được khả năng thu hồi nợ.
Được biết, năm 2017, PRT được cổ phần hóa và hiện cổ đông Nhà nước là Công ty TNHH MTV Quản lý Dự án Bình Dương đang nắm giữ 60,98% vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ các sai phạm liên quan đến cựu Giám đốc Trần Văn Minh tại dự án được triển khai trước thời điểm cổ phần hóa trên khu đất dịch vụ 43 ha.
Tại phần thuyết minh báo cáo tài chính 2019, PRT cho biết, năm 2010, PRT và CTCP Bất động sản Âu Lạc góp vốn thực hiện dự án này với tỷ lệ vốn góp là 30% – 70%.
Năm 2016, PRT đã chuyển nhượng khu đất 43 ha trên với đơn giá 581.653 đồng/m2, giá trị là 250 tỷ đồng. Năm 2017, PRT chuyển nhượng 30% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Sau đó, thanh tra xác định giá chuyển nhượng khu đất trên thì thấy giá trị theo hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường (375 tỷ đồng), chênh lệch là 125,6 tỷ đồng. Trong năm 2019, PRT đã tạm nộp toàn bộ số tiền chênh lệch trên vào tài khoản Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương.
UBND tỉnh Bình Dương đã xác nhận giảm trừ 30% vào công nợ phải trả khác (ứng với 30% vốn góp), phần còn lại gần 88 tỷ đồng PRT đang theo dõi phải thu Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú trên khoản mục Phải thu khác.
“Bằng các thủ tục kiểm toán đã thực hiện, chúng tôi không thể đưa ra đầy đủ các bằng chứng cần thiết để đưa ra ý kiến về tính hiện hữu, đầy đủ của khoản công nợ và giao dịch có liên quan”, báo cáo kiểm toán viết.
Phía PRT cũng xác nhận: “Việc ghi nhận khoản phải thu này chưa được Công ty Tân Phú xác nhận do Công ty Âu Lạc chưa thanh toán lại”.
Hậu cổ phần hóa, dù vẫn báo lãi khá tốt với hơn 300 tỷ đồng trong năm 2019, nhưng báo cáo kiểm toán đã cho thấy bức tranh tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của PRT có nhiều điểm không rõ ràng.
PRT đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM từ 7/5/2018, tuy nhiên rất nhiều phiên không có giao dịch hoặc thanh khoản nhỏ giọt.
Thalexim tiếp tục đối mặt với dòng tiền âm
Liên tiếp ghi nhận doanh thu ngàn tỷ đồng, lợi nhuận cả trăm tỷ đồng, nhưng năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (Thalexim, mã TLP - sàn UPCoM) phải đối mặt với vấn đề dòng tiền âm.
Kết thúc năm 2019, lưu chuyển tiền thuần của Thalexim ghi nhận âm 878 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2018.
Hiệu quả kinh doanh thấp
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 vừa được Thalexim công bố cho thấy, năm 2019, Công ty đạt doanh thu thuần hơn 12.556 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 113 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 12% so với năm 2018. Như vậy, Thalexim chỉ thực hiện được 84% kế hoạch doanh thu và 90% kế hoạch lợi nhuận.
Được biết đến là một "đại gia" xăng dầu với xuất phát điểm là doanh nghiệp nhà nước tại tỉnh Bình Dương, Thalexim đã cổ phần hóa từ cuối năm 2017 và hiện có khoảng 900 cửa hàng và đại lý tại 13 tỉnh phía Nam và 9 tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu (ROS) của Thalexim ở mức rất thấp, đạt xấp xỉ 0,9%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng ở mức khiêm tốn, đạt 4,4%.
Nhìn sang một doanh nghiệp cùng ngành là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX - sàn HOSE), ROS và ROE của Petrolimex trong năm 2019 đạt lần lượt là 2,5% và 18,3%, gấp nhiều lần Thalexim.
Mặc dù trong năm 2019, doanh thu từ hoạt động tài chính của Thalexim cũng giảm mạnh 70% so với năm 2018, xuống còn 26,7 tỷ đồng, nhưng do chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với năm 2018, dẫn tới lợi nhuận thuần cả năm đạt 149,2 tỷ đồng, giảm 13,8% so với năm trước đó.
Tại thời điểm 31/12/2019, Thalexim có tổng tài sản hơn 8.021 tỷ đồng, giảm gần 18% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 4.614 tỷ đồng, giảm 34%; giá trị tài sản dài hạn chiếm hơn 3.407 tỷ đồng, tăng gần 26%.
Mức chênh lệch giảm tài sản ngắn hạn chủ yếu thể hiện ở các khoản tương đương tiền (giảm 878 tỷ đồng), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (giảm gần 391 tỷ đồng), trả trước cho người bán (giảm 552 tỷ đồng), phải thu khác (giảm 334 tỷ đồng).
Khoản nợ của Thalexim cũng giảm gần 28%, về còn 4.923 tỷ đồng, chủ yếu do giảm khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Tính đến cuối năm 2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Thalexim ghi nhận là 151,2 tỷ đồng.
Bài toán dòng tiền âm chưa có lời giải
Nội dung đáng chú ý trong báo cáo tài chính của Thalexim là dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng mạnh. Lũy kế cả năm, Thalexim ghi nhận lưu chuyển dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 âm gần 1.706 tỷ đồng, trong khi năm 2018 cũng âm 1.236 tỷ đồng.
Nhờ thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, Thalexim ghi nhận số tiền 891 tỷ đồng, giúp lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư năm 2019 đạt 606,3 tỷ đồng. Mặt khác, dòng tiền thu được từ hoạt động tài chính ghi nhận hơn 221 tỷ đồng, chênh lệch tăng 500 tỷ đồng. Kết thúc năm 2019, lưu chuyển tiền thuần của Thalexim ghi nhận âm 878 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2018.
Theo thói quen, nhiều nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ là bao nhiêu, tỷ lệ tăng trưởng thế nào, nhưng lại quên mất dòng tiền - yếu tố giúp đánh giá chính xác về khả năng thanh toán, cũng như có cái nhìn đầy đủ hơn về sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
Kết thúc năm 2019, lưu chuyển tiền thuần của Thalexim ghi nhận âm 878 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2018
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là phần quan trọng nhất trong các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố. Bởi lẽ, dòng tiền là "dòng máu" duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Đối với trường hợp của Thalexim, nguyên nhân chính khiến dòng tiền âm nằm ở thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp năm 2019 tăng 49% so với năm trước đó, ghi nhận con số 5.335,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với Petrolimex, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty này ghi nhận dương 8.444,7 tỷ đồng. Mặc dù lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính đều ghi nhận âm, song Petrolimex ghi nhận lưu chuyển tiền thuần trong kỳ năm 2019 là 1.062 tỷ đồng.
Một động thái liên quan đến dòng tiền của Thalexim là ngày 27/12/2019 - chỉ ít ngày trước khi kết thúc năm 2019, Thalexim đã hoàn tất việc phát hành 2.000 trái phiếu với kỳ hạn 48 tháng. Lượng trái phiếu này có tổng giá trị đạt 200 tỷ đồng (100 triệu đồng/trái phiếu), do Ngân hàng TMCP Tiên Phong là trái chủ duy nhất. Mặc dù việc này khiến nợ ngắn hạn của Thalexim gia tăng, đạt 670 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.
Kỳ Thành
Theo baodautu.vn
BĐS công nghiệp khởi sắc khi Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn từ làn sóng dịch chuyển sản xuất Tỉ lệ lấp đầy trên dưới 80%, tăng vọt so với vài năm trước, hiệu suất cho thuê hấp dẫn tại các khu công nghiệp được xem là tín hiệu đáng mừng của thị trường BĐS công nghiệp cả 2 miền Nam, Bắc. Theo thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng...