Tốn trăm triệu đồng vì không tiêm ngừa uốn ván
Giẫm phải mảnh chén vỡ làm bị thương chân, ông Minh ở Kiên Giang vì chủ quan, không chích ngừa vaccine uốn ván chỉ tốn 100.000 đồng, 10 ngày sau nhiễm trùng nặng.
Ông Minh, 48 tuổi, mất một tháng rưỡi điều trị nhiễm trùng uốn ván, chi phí hơn 100 triệu đồng.
“Tôi không biết bệnh uốn ván nguy hiểm vậy, ngày thường đi làm mọi người hay bị thương nhưng có ai tiêm ngừa gì đâu”, người đàn ông nói, khi kết thúc điều trị.
Ông Minh giẫm trúng mảnh chén vỡ khi đang lội ruộng. Vết thương ra máu một lúc rồi ngưng nên ông không nghĩ đến tiêm ngừa uốn ván, như bao lần bị thương khác. 10 ngày sau, ông cứng hàm, há miệng khó khăn, khó thở, gồng cứng người “như bị vọp bẻ” (chuột rút).
Ông nghĩ là mắc bệnh cơ xương khớp, đến bệnh viện địa phương khám, được chẩn đoán uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ông phải thở máy, nằm trong khoa Hồi sức một tháng. Ông không có bảo hiểm y tế, các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình chi trả.
“Nếu biết tốn nhiều tiền còn nằm viện lâu, lại ảnh hưởng sức khỏe, thì tôi đã chích ngừa từ đầu”, ông Minh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết tất cả bệnh nhân uốn ván đều phải nhập viện, nằm ở những khoa săn sóc đặc biệt. Việc điều trị thường kéo dài, tốn vài trăm triệu đồng vì đa số phải thở máy, dùng nhiều phương tiện, thuốc men đắt tiền.
Theo bác sĩ Hảo, vi khuẩn uốn ván có tên khoa học là Clostridium tetani, nằm trong đất, cát bẩn, xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương trầy xước. Bệnh nhân thường là người lao động chân tay, người bị dằm, gai đâm, người tai nạn giao thông có vết thương dính bùn đất mang vi khuẩn, trẻ sơ sinh có mẹ không chích ngừa uốn ván khi mang thai, sinh nở tại nhà dùng dụng cụ cắt rốn không vô trùng…
Triệu chứng của bệnh ban đầu thường là mỏi hàm, cứng hàm, nuốt khó, sau đó co cứng cơ toàn thân, lan xuống tay, bụng, ngực, cổ, giống như chuột rút toàn thân, khó thở… Nặng hơn có thể co giật toàn thân, co thắt người.
Bệnh dễ gây nhầm lẫn, một số bệnh nhân có thể nhập viện trễ do tìm đến khám một vài chuyên khoa như Tiêu hóa (do nuốt khó), Răng Hàm Mặt (do mở hàm khó khăn), Cơ Xương Khớp (vì đau nhức co cứng khắp người), Nội Thần kinh (vì nghĩ đột quỵ)…
Bệnh uốn ván cũng có thể gây biến chứng “ rối loạn thần kinh thực vật”, mạch huyết áp dao động bất thường, liên tục, có khi sốt cao, sốt ác tính, dẫn đến tử vong.
Video đang HOT
Bệnh nhân điều trị uốn ván tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hầu hết phải thở máy. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Phó Khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc người lớn, cho biết có thể ngừa uốn ván bằng cách tiêm hai mũi cách nhau một tháng, sau đó khoảng 6-12 tháng sau chích thêm một mũi. Nhắc lại mỗi 5-10 năm sau đó giúp tạo đủ kháng thể để phòng bệnh. Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động để phòng ngừa uốn ván sơ sinh cho con. Giá mỗi mũi vaccine ngừa uốn ván khoảng 50.000 đồng.
“Xét về kinh tế thì chích ngừa rất rẻ so với việc mắc bệnh và điều trị”, bác sĩ Nguyên nói. “Nhưng nhiều người dân rất chủ quan, khi bị vết thương nhỏ, dằm, gai đâm đều ở nhà tự chăm sóc hoặc tự mua thuốc uống, không đi chích ngừa”.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị vết thương xuyên thấu, ra máu, “rửa nước thấy đau rát” thì nên đi chích ngừa nếu trước đó chưa được chủng ngừa đầy đủ. Khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế để được xử trí đúng cách, được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh. “Khi da tổn thương thì vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập và gây bệnh, chứ không phải vết thương đứt sâu mới dễ mắc bệnh”, bác sĩ Nguyên nói.
Khi vừa bị vết thương, việc tiêm ngừa vẫn hiệu quả vì từ lúc vi khuẩn uốn ván xâm nhập đến lúc phát hiện bệnh khoảng 7-14 ngày. “Không phải mới bị vết thương là mắc uốn ván liền mà còn giai đoạn ủ bệnh nên tiêm ngừa vẫn phòng được bệnh”, bác sĩ Hảo phân tích.
Căn bệnh khiến nạn nhân có thể tử vong vì vết thương nhỏ
Thống kê cho thấy 10-20% bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván tử vong. Căn bệnh này chưa có cách điều trị mà chỉ có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Mới đây, một bệnh nhân ở Quảng Ninh phải thở máy trong hàng chục ngày sau khi vết xước nhỏ ở ngón tay, chân bị nhiễm trùng uốn ván. Vết thương ở ngón tay, ống chân phải nhỏ, không sưng tấy nên bệnh nhân chỉ xử lý thông thường tại nhà.
Nhiễm trùng uốn ván chưa có cách chữa trị. Thống kê từ WebMD , 10-20% bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này do không tiêm phòng vaccine kịp thời.
"Tử thần" xâm nhập cơ thể chỉ qua vết thương nhỏ
Nhiễm trùng uốn ván là căn bệnh nguy hiểm do độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Ấu trùng của vi khuẩn này thường có trong đất, bụi, phân động vật và tồn tại hàng chục năm. Chỉ cần cơ thể có những vết thương hở, xước, dù rất nhỏ, ấu trùng sẽ xâm nhập và nhanh chóng sinh sôi, giải phóng chất tetanospasmin kịch độc.
Kết quả, nạn nhân bị ảnh hưởng hệ thần kinh, tê liệt tế bào thần kinh vận động. Sau khi bị chất độc tetanospasmin tấn công, nạn nhân sẽ gặp hàng loạt triệu chứng co thắt đau đớn, cứng cơ hàm, cổ. Chính vì thế, uốn ván còn được gọi với tên "lockjaw" (tạm dịch: khóa hàm).
Uốn ván là căn bệnh nguy hiểm do độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Ảnh: Healthline.
Một khi chất độc tetanospasmin do vi khuẩn uốn ván xâm nhập, bám vào các đầu dây thần kinh, nó không thể loại bỏ. Bệnh nhân có thể mất vài tháng thậm chí lâu hơn để hồi phục sau khi nhiễm trùng uốn ván.
Ngoài các triệu chứng, nhiễm trùng uốn ván còn khiến nhiều nạn nhân gặp biến chứng nguy hiểm khác. Điển hình là tình trạng gãy xương cột sống và những vị trí khác do ảnh hưởng của cơn co thắt nghiêm trọng. Cục máu đông di chuyển từ các nơi khác nhau trên cơ thể có thể khiến bệnh nhân bị tắc động mạch chính.
Các cơn co thắt cơ ngực - lưng gây khó thở, thiếu oxy và có thể đoạt mạng nạn nhân trong thời gian ngắn khởi phát bệnh. Nạn nhân cũng có thể bị viêm phổi nặng. Suy hô hấp là nguyên nhân phổ biến nhất khiến các bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván tử vong.
Các triệu chứng của nhiễm trùng uốn ván có thể xuất hiện bất cứ khi nào, từ vài ngày đến nhiều tuần kể từ lúc ấu trùng của Clostridium tetani xâm nhập cơ thể. Thời gian ủ bệnh trung bình là từ 7 đến 10 ngày. Ngoài các cơn co thắt, cứng cơ hàm, bệnh nhân gặp thêm tình trạng cứng cơ cổ, bụng, khó nuốt.
Cơn đau co thắt cơ thể kéo dài trong vài phút, thường xảy ra sau khi tiếp xúc gió lùa, tiếng ồn lớn hay va chạm vật lý, ánh sáng. Bệnh nhân có thể gặp thêm tình trạng sốt, đổ mồ hôi, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh.
Ấu trùng của Clostridium tetani xâm nhập cơ thể qua các vết thương hở, dù xước rất nhỏ. Ảnh: Getty.
Cách duy nhất để hạn chế rủi ro là tiêm vaccine
Hầu hết trường hợp bị nhiễm trùng uốn ván đều xảy ra ở những người chưa từng tiêm chủng vaccine ngừa bệnh hoặc không tiêm nhắc lại sau 10 năm. Uốn ván không phải bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người.
Do đó, theo Mayo Clinic, những người có nguy cơ bị nhiễm trùng uốn ván cao gồm có: Không tiêm phòng vaccine hoặc tiêm mũi nhắc lại chống uốn ván; bị chấn thương, vết thương hở tiếp xúc bụi bẩn, khi khuẩn; dẫm phải đinh, dị vật, mảnh vụn chứa nhiều vi khuẩn...
Vi khuẩn uốn ván cũng có thể xâm nhập qua hình xăm, bấm khuyên, bỏng, gãy xương, vết thương do phẫu thuật, vết động vật - côn trùng cắn, loét, nhiễm trùng răng miệng. Rốn của trẻ sơ sinh cũng là nơi vi khuẩn uốn ván có thể tấn công và gây hại nếu bà mẹ không tiêm phòng cho con đầy đủ.
Bệnh uốn ván rất dễ phòng, nhưng lại khó chữa, chi phí điều trị có khi lên cả trăm triệu đồng cũng chưa chắc giữ được tính mạng.
Một khi nhiễm phải, cơ hội sống sót của bệnh nhân là rất thấp. Đến nay, y học vẫn chưa tìm ra cách điều trị bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp để giảm bớt các triệu chứng, biến chứng. Do đó, cách duy nhất để chúng ta hạn chế rủi ro nhiễm trùng uốn ván là tiêm phòng vaccine.
Tiêm vaccine ngừa uốn ván là cách duy nhất giúp bảo toàn tính mạng, ngăn vi khuẩn uốn ván hình thành độc tố. Ảnh: Freepik.
Việc tiêm phòng cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Thời gian tốt nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi bị chấn thương để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Thời gian tiêm càng muộn, tác dụng bảo vệ càng giảm.
Phụ nữ chuẩn bị hoặc đang mang thai cần tiêm ngừa uốn ván để phòng bệnh cho con. Từ 2 tháng tuổi, trẻ được tiêm những vaccine cộng hợp 6in1, 5in1. Các vaccine này có chứa kháng nguyên bảo vệ trẻ phòng bệnh uốn ván. Trẻ 2 tháng tuổi bắt đầu tiêm mũi đầu, 2 mũi sau tiêm cách nhau một tháng hoặc chích mũi nhắc khi trẻ được 15-18 tháng tuổi.
Với trẻ trên 15 tuổi và người lớn, chúng ta cũng cần tiêm nhắc lại vì kháng thể uốn ván qua thời gian sẽ giảm tác dụng. Những người bị vết thương hở nhưng chưa tiêm phòng uốn ván cần tiêm vaccine và uống huyết thanh kháng càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, nếu bị thương, chúng ta cần xử lý đúng cách. Dù vết thương lớn hay nhỏ, chúng cần được rửa sạch ngay bằng nước để pha loãng vi khuẩn, đẩy chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương ra máu và dính nhiều bùn, đất, cát, bệnh nhân nên dùng oxy già để sát khuẩn, loại bỏ cát, bụi, bẩn và cầm máu. Tiếp đến, chúng ta rửa lại vết thương bằng xà bông rồi lau khô.
Lưu ý, với vết thương hở, người dân tuyệt đối không bôi cồn 90 độ, betadine, povidine trực tiếp lên da để tránh tổn thương mô. Với vết thương có dị vật, chúng ta rửa sạch, lấy dị vật ra và băng bó, thay hàng ngày. Nếu dị vật to, phức tạp, nằm sâu, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu như đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da xung quanh, có dịch nhầy, bốc mùi, hạch sưng, lâu hoặc không lành..., bạn cần đến bệnh viện ngay. Bởi có thể, vết thương đã bị nhiễm trùng. Người dân tuyệt đối không được tự chữa bằng các phương pháp dân gian như đắp thuốc rê, bột.
Lâm Đồng: Tiêm bổ sung vaccine bạch hầu - uốn ván tại 3 vùng có nguy cơ cao Ngày 17/8, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng cho biết đã hoàn thành đợt tiêm chủng bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu tại 3 vùng có nguy cơ cao với kết quả đạt trên 87% số đối tượng cần tiêm. Tổ chức tiêm vắc xin Td phòng...