Tốn 4 – 5 tháng lương để về quê ăn Tết, sao không về dịp khác?
Liệu có nhất thiết năm nào cũng đưa cả nhà về quê ăn Tết khi chi phí tương đương 4-5 tháng lương; thu xếp để về dịp khác trong năm cũng được mà.
Tiền vé khứ hồi cho 4 người từ TP.HCM về Hà Nội, cộng thêm tiền ô tô từ Bình Dương đến TP.HCM và từ Hà Nội về Nam Định, riêng khoản di chuyển đã ngốn hơn 30 triệu đồng nếu gia đình tôi về quê Tết này.
Nhưng chi phí để về quê ăn Tết không chỉ có thế. Mang tiếng thoát ly đi lập nghiệp, chẳng ai dám về tay không. Phải có quà cáp tươm tất cho những người họ hàng, xóm giềng sát vách; rồi còn tiền lì xì. Ở quê không có kiểu đóng cửa nằm chơi trong nhà như thành phố, ai đến cũng phải niềm nở ra tiếp đón, và bản thân mình phải đi khắp làng trên xóm dưới; ở xa cả năm mới về nên gặp ai cũng phải mừng tuổi.
Mừng tuổi “đại trà” thì trẻ con mỗi đứa chỉ 20 nghìn đồng thôi, người già 50 nghìn, thân thiết gần gũi thì 100 – 200, thậm chí 500 nghìn đồng. Vậy thôi mà cả cái Tết cũng bay vèo chục triệu đồng lì xì và quà cáp ngoại giao ở quê.
Anh chị cả suốt năm chăm sóc bố mẹ cho mình yên tâm mưu sinh xa nhà, chẳng lẽ Tết về không biếu được anh chai rượu xịn, tặng chị dâu và các cháu tấm áo, đôi giày. Tâm lý người ở xa ai chẳng muốn mang về cho gia đình những của ngon vật lạ, hay sắm thêm những món đồ ở nhà còn thiếu. Rồi thì tiền biếu bố mẹ, mua đồ bổ bồi dưỡng cho các cụ nữa.
Tùng tiệm ra thì cũng tốn đến 60 triệu đồng cho chuyến về quê ăn Tết gần một tuần, trong khi thu nhập mỗi tháng của tôi cũng chỉ trồi sụt trong khoảng 12 – 15 triệu đồng. Thưởng Tết hai vợ chồng cộng lại chưa đến 40 triệu đồng.
Nếu chọn đoàn tụ gia đình vào dịp khác, chi phí sẽ chỉ tầm 20 triệu đồng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ không phải chịu cảnh tắc đường, vạ vật sân bay bến tàu, khi ở quê lại chẳng có mấy thời gian thong dong trò chuyện với người nhà, và hết Tết thì trở lại công sở với dáng vẻ kiệt sức.
Video đang HOT
Vé máy bay là khoản chi phí lớn cho mỗi chuyến về quê ăn Tết. (Ảnh: Thế Quang)
Nhiều lúc tôi ước, giá mình được nhận khoản tiền thưởng đó, có 7 ngày nghỉ đó nhưng sử dụng chúng một cách khác đi, tính chất hưởng thụ, mức độ hài lòng sẽ cao hơn so với việc về quê ăn Tết. Giá vợ chồng con cái được nghỉ ngơi đúng nghĩa thì 7 ngày ấy thật tuyệt vời, đủ để bù đắp năng lượng sau những ngày làm việc hùng hục, chạy deadline đến tối tăm mặt mũi.
Tôi yêu Tết cổ truyền, mê không khí ấm áp, hân hoan đặc biệt của Tết từ thời thơ bé và luôn hoài niệm về những ngày ấy. Tuy nhiên, sự tốn kém và mệt mỏi của những cuộc “hành quân” về quê ăn Tết thời nay khiến tôi thấy nó như một gánh nặng cả về tiền bạc lẫn thể xác.
Năm nay, khi biết giá vé máy bay vừa khan hiếm vừa “đắt đến điên rồ”, dù chọn khung giờ nửa đêm gà gáy vẫn cao ngất ngưởng, vợ chồng tôi quyết định dời kế hoạch về thăm nhà sang dịp hè. Đêm giao thừa, đại gia đình sẽ chúc Tết và hỏi han nhau qua video call.
Khi bọn trẻ nghỉ hè, chúng tôi sẽ xin cắt phép về quê một tuần, bằng số ngày nghỉ Tết nhưng chắc chắn là nhàn nhã, thư giãn hơn nhiều, được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Không phải tiếp nhiều khách khứa, bố mẹ, con cái, anh em sẽ có thời gian hàn huyên tâm sự nhiều hơn.
Tết cổ truyền không được ở cạnh đại gia đình cũng là điều đáng tiếc, nhưng vui Tết cũng phải tùy hoàn cảnh. Với điều kiện của nhiều gia đình, về quê dịp khác, coi như ăn Tết muộn, cũng rất vui.
Có ai nhớ truyền hình Tết ngày xưa đặc biệt thế nào?
Còn nhớ năm 1999, đến tối 29 Tết mà bộ phim TVB còn chiếu dở, nhà đài báo chiếu phát đột xuất mấy tập cuối vào sáng 30, khán giả ngạc nhiên nhưng vẫn cố thu xếp xem.
Trong các bài viết về Tết tôi đọc được, chưa thấy ai nhắc đến món ăn tinh thần rất đặc biệt, không thể thiếu vào mỗi độ xuân về kể cả xưa và nay. Mọi người đã quên kể về thú vui xem truyền hình ngày Tết chăng? Còn ai nhớ cách các nhà đài ngày xưa phát sóng chương trình năm mới và những cảm xúc mà nó mang lại?
Khi chưa có internet, truyền hình chính là phương tiện thông tin, giải trí phổ biến, yêu thích nhất của mọi người, dù hồi đó số giờ phát sóng trong ngày còn hạn chế. Ngày Tết, máy thu hình trên đầu tủ nhiều gia đình miền Tây quê tôi lại được nâng niu, chăm sóc nhiều hơn. Ngoài việc lau sạch, nhiều người còn trang trí khăn bàn mới đẹp đẽ, rồi thêm lọ mai vàng đầy nụ đặt kế bên cho thêm nổi bật. Không gian sinh hoạt chung vào ngày Tết, nơi mọi thành viên gia đình thường xuyên quây quần ấm cúng chính là trước chiếc máy thu hình.
Bên cạnh chương trình đêm giao thừa, chương trình tối 23 tháng Chạp rất được người ta mong chờ. Các đài truyền hình thường phát hài kịch ngắn chủ đề "ông Táo về chầu Ngọc hoàng". Có thể thấy không khí Tết cũng bắt đầu từ ngày đó. Ai nấy càng mong chờ các đài truyền hình công bố chương trình phát sóng Tết - từ ngày cuối cùng của năm cũ (29 hoặc 30 tháng Chạp) cho đến mồng 5, mồng 6 tháng Giêng.
Không gian phía trước tivi là nơi giao lưu, trò chuyện ngày Tết. (Ảnh: M.K)
Học sinh ngày xưa ngóng Tết từng ngày, tò mò, háo hức chờ chương trình Tết trên truyền hình, bởi đây là dịp đặc biệt, các đài tăng thời lượng phát sóng, chọn lọc để phát chương trình mới và đặc sắc nhất. Đó là những bộ phim hay, những vở kịch hài hước, phim lẻ võ thuật... bên cạnh các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, không thể thiếu chương trình dành cho thiếu nhi với những bộ phim truyện cổ tích Việt Nam (thường các nhà đài chọn chiếu phim sự tích con vật theo con giáp năm đó) mà trẻ em cực kỳ ưa thích...
Vào những ngày cuối năm, nhìn lên màn ảnh truyền hình thấy các nhà đài gắn thêm biểu tượng hoa mai hay hoa đào ở logo, khán giả càng thấy nôn nao vì không khí Tết. Phát thanh viên cũng ăn mặc đẹp hơn và dường như họ cũng cười nhiều hơn như phần đông mọi người ngoài đời vào ngày xuân về. Có lẽ đó là vì Tết luôn mang đến niềm vui, nụ cười, và những niềm vui, nụ cười đó được nhân thêm, lan tỏa.
Ý nghĩa truyến thống của Tết Nguyên Đán xưa còn đậm đặc, khó quên ở chỗ, các đài truyền hình rất chú trọng việc kết thúc các chương trình dài tập vào ngày cuối năm, nhất là chương trình "đinh" thu hút khán giả như phim truyện. Do đó, gần Tết, các đài thường chọn chiếu phim bộ ngắn (16-20 tập) chứ không phát phim dài tập để có thể cân chỉnh thời gian chính xác.
Tôi nhớ vào năm 1999, giáp Tết, khung chương trình chiếu phim tối của Đài phát thanh- truyền hình Đ. chiếu phim bộ của TVB Hong Kong "Sân khấu muôn màu" 20 tập. Đến tối 29 Tết, phim vẫn còn mấy tập cuối, nhà đài liền thông báo lịch chiếu đột xuất các tập phim này vào xế trưa 30 Tết. Khán giả hơi ngạc nhiên và dù tất bật nhưng cũng vui vẻ tranh thủ đón xem phim vào khung giờ được đổi vào hôm sau.
Khán giả dễ thông cảm đâu chỉ vì lúc ấy thiếu phương tiện giải trí, mà vì trong suy nghĩ chung, mọi người đều coi việc kết thúc trọn vẹn những việc của năm cũ để chuẩn bị tạo ra điều mới mẻ vào đầu năm mới là rất quan trọng. Quan trọng với tất thảy mọi người. Huống hồ khán giả biết rằng nhà đài sẽ cống hiến những chương trình đặc sắc mà ai cũng mong chờ vào mấy ngày sắp tới. Tết là thời gian máy thu hình tại các gia đình chạy hết công suất, những người làm truyền hình cũng làm hết sức để phục vụ khán giả.
Tết xưa, khi mọi người có nhiều thời gian quây quần bên nhau, truyền hình đâu chỉ là phương tiện nghe nhìn mà những chương trình đặc sắc, vui tươi còn giúp mọi người gần nhau hơn, tăng thêm sự kết nối tình cảm, cảm xúc của các thành viên gia đình.
Thời nay, mỗi người có thể chọn "thế giới" thông tin, giải trí riêng trên màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng. Truyền hình vì thế không còn vị thế cao nhất như ngày xưa nhưng vẫn là lựa chọn của số đông khán giả. Nhắc đến Tết, bên cạnh mâm ngũ quả, dưa hấu, thịt kho hột vịt, bánh tét, cành mai..., không thể thiếu chương trình Tết trên truyền hình - món ăn tinh thần đặc biệt của nhiều người Việt mỗi dịp năm mới.
Lần đầu về quê chồng ăn Tết, tôi sầu não vì số tiền sắp phải tiêu tốn Tôi mới kết hôn năm ngoái, nên năm nay là lần đầu tiên tôi về quê chồng ăn Tết. Chưa đến Tết, nhưng tôi đã sầu não vì số tiền sắp phải tiêu tốn. Tôi vừa lấy chồng năm ngoái. Mấy hôm nay, mới tính đến chuyện về quê chồng ăn Tết mà tôi đã thấy sầu não. Tôi là người ngoài Bắc,...