Tokyo đang đối mặt ‘cơn sóng thần’ dịch bệnh như New York?
Mỗi ngày, lại có thêm tin xấu về dịch Covid-19 ở Tokyo. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đã tăng gấp đôi tuần qua, từ khoảng 40 vào cuối tháng 3, lên 97 vào ngày 2/4 và 89 ngày 3/4.
Thủ tướng Nhật đã liên tục khẳng định tình thế ở Nhật Bản chưa đòi hỏi tình trạng khẩn cấp hay lệnh phong tỏa. Nước này đã có những giới hạn khắt khe về đi lại – cấm người nước ngoài từ hơn 70 nước, bao gồm Mỹ, Anh và hầu hết châu Âu.
Nhật Bản cũng tăng cường kiểm tra y tế ở sân bay và yêu cầu các khách đến cách ly trong 14 ngày, mặc dù chính quyền không theo dõi việc tuân thủ.
Thị trưởng Tokyo đã kêu gọi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trong ảnh) tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ảnh: Reuters.
Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nói đó sẽ là thông điệp mạnh mẽ, có thể giúp tránh một đợt bùng phát lớn.
Thị trưởng Tokyo và Thủ tướng Abe đều kêu gọi công chúng ở nhà, tránh đi lại, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Nhiều người đang nghe theo, nhưng một số người thì không. Đồng thời, chính quyền đang truy tìm manh mối tiếp xúc của các ca dương tính và hướng dẫn các ca nghi nhiễm cách ly.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chính phủ Nhật Bản cần mạnh tay hơn nữa, nếu nhìn vào bài học từ những thành phố lớn, đông đúc đang vật lộn dịch bệnh mà điển hình nhất là New York.
Sắp hết giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19
Tokyo có một viễn cảnh tồi tệ nếu xu hướng này tiếp tục, theo Kentaro Iwata, chuyên gia về kiểm dịch tại Đại học Kobe.
“Chúng ta có thể thấy một New York tiếp theo ở Tokyo”, ông nói với CNN. “Nhật Bản cần có can đảm để thay đổi”.
Tuần trước, đám đông vẫn tập trung ngắm hoa anh đào, một số người không đeo khẩu trang, theo CNN. Những bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội, báo chí trong nước và quốc tế khiến chính quyền Tokyo phải đóng cửa các công viên – một động thái chưa từng có.
Video đang HOT
Những người ủng hộ chính sách chống dịch có chừng mực của Nhật lập luận rằng văn hóa của Nhật, bao gồm cúi đầu thay vì bắt tay, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, có thể giúp Nhật Bản tránh kịch bản bùng phát như ở các nước khác.
Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike. Ảnh: Reuters.
Ông Iwata cho rằng giả thuyết trên “có lý”, nhưng “chưa được chứng minh”. Có thể Nhật sẽ lây lan ít hơn ở Mỹ hay châu Âu, nhưng ông không tin rằng Nhật Bản nên lập chính sách dựa vào thói quen, văn hóa, rồi mong có thể tránh được dịch bệnh.
Dù các lãnh đạo kêu gọi ở nhà, có tới 80% nhân viên ở Nhật Bản không thể làm việc từ xa. Các chuyến tàu đi làm buổi sáng vẫn có nhiều người. Và dù nhiều trung tâm thương mại và khoảng 500 điểm Starbucks, nhiều hàng quán vẫn mở và đông khách.
Thị trưởng Koike ngày 3/4 cho biết 628 giường trên 750 giường bệnh mà Tokyo dành ra cho các bệnh nhân Covid-19 đã có người, hầu hết có triệu chứng nhẹ. Giới chức y tế đang sắp xếp để chuyển các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sang các cơ sở riêng như khách sạn.
Nhưng bà vẫn cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp tới và kêu gọi người dân ở nhà, theo CNN.
Xét nghiệm chưa đủ
Tính đến ngày 3/4, Nhật Bản có 3.329 ca nhiễm và 74 ca tử vong.
Ông Iwata nói Nhật Bản cần xét nghiệm nhiều hơn. Tính đến ngày 3/4, Tokyo đã xét nghiệm 4.000 người, tại một thành phố có 13,5 triệu người. Tính cả nước, chỉ 39.466 người đã được xét nghiệm trong dân số 125 triệu, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi – những tỷ lệ rất nhỏ so với các nước khác. Chẳng hạn, Hàn Quốc có dân số nhỏ hơn nhiều so với Nhật, nhưng đã xét nghiệm hơn 440.000 người.
Nhưng chính phủ Nhật Bản khẳng định việc xét nghiệm đã đủ, và nhắm đến các ca có nguy cơ cao một cách hợp lý.
Mỹ ngày 3/4 đã cảnh báo công dân của mình ở Nhật Bản chuẩn bị cho một đợt bùng phát mạnh của virus corona tại đây, hoặc về nhà ngay bây giờ hoặc chuẩn bị tinh thần ở Nhật Bản vô thời hạn, theo Reuters.
“Việc chính phủ Nhật Bản quyết định không xét nghiệm rộng khiến việc đánh giá tỷ lệ lây lan của Covid-19 rất khó khăn”, thông cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo viết.
Một người đeo khẩu trang đi bộ ở khu mua sắm, giải trí Ginza ở Tokyo ngày 2/4. Ảnh: Reuters.
Issei Wanatabe, 40 tuổi, nói với CNN từ phòng bệnh ở Tokyo, chật vật với những cơn ho. Anh được coi là “ca nhẹ” và dự kiến ra viện ngày 31/3.
Dù có triệu chứng đau người, lạnh người, mất vị giác và khứu giác, nhưng khi đi xét nghiệm, anh vẫn bị từ chối. Phải sau 5 ngày sốt trên 40 độ C, anh mới được xét nghiệm, cho kết quả dương tính.
Wanatabe nói anh đã lây bệnh cho ít nhất hai người trong thời gian đó.
“Mọi người không biết phải làm gì”, Wanatabe nói. “Bạn phải tự lo cho mình. Nên hãy ở nhà, đừng ra ngoài”.
Anh lo ngại về hàng chục triệu người Nhật trên 65 tuổi. Anh biết mình sẽ khỏi bệnh, nhưng nhiều người cao tuổi ở Nhật có thể sẽ không may mắn như vậy.
Các chuyên gia cảnh báo các quốc gia có dân số già, như Nhật Bản, sẽ phải trả giá đắt về con số thương vong, nếu virus lan rộng.
“Virus corona nguy hiểm với người già”, Masahiro Kami, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Quản trị Y tế, một NGO Nhật Bản, nói với CNN. Ông nói hầu hết bệnh nhân ở Nhật có thể đang có rất ít triệu chứng.
“Khi không có triệu chứng, họ có thể lây virus corona cho người khác”, Kami cảnh báo.
Trọng Thuấn
Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới nCoV cao kỷ lục
Nhật Bản hôm nay báo cáo thêm 357 trường hợp dương tính nCoV trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 3.113.
Theo số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, đây là lần đầu tiên nước này ghi nhận hơn 300 ca nhiễm mới nCoV chỉ trong vòng một ngày. 89 trường hợp được xác nhận ở Tokyo, tâm dịch Covid-19 của cả nước với 773 ca nhiễm.
Nhật Bản cùng ngày cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong do nCoV, nâng tổng số người chết trên toàn quốc lên 80.
Ngày càng nhiều quan chức kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh trước khi quá muộn. Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura cho biết thành phố ngày càng ghi nhận nhiều ca lây nhiễm không rõ nguồn gốc, nói rằng Tokyo và Osaka nên là những nơi đầu tiên thực thi các biện pháp hạn chế, như yêu cầu người dân ở nhà.
Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang khi đi trên đường phố Tokyo hôm 29/3. Ảnh: AFP.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cuối tháng trước cũng đề nghị 14 triệu cư dân thành phố nên ở nhà vào dịp cuối tuần. Bà yêu cầu mọi người tránh các cuộc tụ tập cho đến ít nhất 12/4, nhấn mạnh thành phố đang trong giai đoạn quan trọng để ngăn số ca nhiễm nCoV bùng phát.
Nhật hôm 31/3 cảnh báo công dân không đến 49 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và Đài Loan. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng nâng khuyến cáo đi lại lên cấp ba đối với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ do đại dịch.
Nhật Bản bắt đầu lập một trụ sở đặc biệt chống Covid-19, được xem là bước đầu trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Ủy ban Olympic Quốc tế và chính phủ nước này cũng đồng ý dời Olympic Tokyo 2020 đến năm 2021 do diễn biến dịch bệnh phức táp.
Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 12/2019, khiến hơn 1,1 triệu người nhiễm bệnh, gần 60.000 người chết trên toàn thế giới.
Ngọc Ánh
Tokyo nguy cơ thành 'New York thứ hai' vì chủ quan với nCoV Mỗi ngày dường như lại mang đến nhiều tin xấu cho Tokyo - nơi các chuyên gia đánh giá có thể "trở thành New York thứ hai" trong đại dịch. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng gấp đôi trong tuần qua, từ khoảng 40 trường hợp mỗi ngày vào dịp cuối tháng ba lên 97 vào 2/4 và 89 hôm 3/4,...