‘Tôi run lên vì tự hào khi thấy Bphone’
Hai ngày sau khi Bphone ra mắt, các ý kiến bình luận của độc giả tiếp tục đổ về Zing.vn. Bên cạnh sự hồ nghi, ngờ vực, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với sản phẩm của Bkav.
“Các bạn có thể mạo hiểm bỏ tiền ra mua iPhone 5S, thậm chí iPhone 5/5C đã qua sử dụng, vì sao không thử mua một chiếc Bphone để thử nghiệm”, độc giả Trần Nhân chia sẻ với Zing.vn. Anh muốn mọi người đánh giá Bphone với con mắt khách quan hơn. “Tôi không phải là tín đồ của sản phẩm nào, nhưng khi xem qua cấu hình, kiểu dáng, tính năng và mức giá của Bphone, tôi đã run lên vì tự hào. Cuối cùng, Việt Nam cũng tự sản xuất được thiết bị không tồi”, anh Nhân cho biết thêm.
Độc giả có tên Phạm Ngọc Diễm bày tỏ sự thông cảm về những thiếu sót của Bphone và hy vọng thương hiệu Việt này có thể vươn ra thị trường thế giới: “Bphone là sản phẩm đầu tiên của Bkav nên vẫn còn nhiều thiếu sót so với yêu cầu của người dùng là điều tất nhiên. Tuy nhiên, tôi hy vọng sự ủng hộ của cộng đồng, những người Việt mê công nghệ sẽ giúp sản phẩm tiến xa hơn, vươn tầm ra thị trường thế giới”.
Theo anh Phan Thanh Giang, người Việt nên học tập cách ủng hộ những mặt hàng do chính quốc gia sản xuất như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Họ có được thương hiệu mạnh, vươn tầm thế giới như hiện nay nhờ vào việc người dân nước nhà luôn tự hào, ủng hộ sản phẩm do chính họ làm ra.
“Tôi thỉnh thoảng làm việc với người Hàn Quốc và biết rằng hàng hóa của họ không phải tốt nhất. Tuy nhiên, họ luôn mong muốn hoặc yêu cầu mua sản phẩm có nguồn gốc từ xứ sở kim chi. Người dân nước họ thường lựa chọn nhãn hàng nội địa, gây khó cho các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh. Vì vậy, người Việt nên ủng hộ hàng Việt, bởi Bphone là sản phẩm đầu tay, không tránh được sự yếu thế so với các sản phẩm đã có thương hiệu mạnh, lâu năm trên thị trường”, anh này nêu ý kiến.
Nam độc giả 25 tuổi nói thêm, Nhật Bản cũng là đất nước có lượng người dùng khó tính với hàng nhập khẩu. Nhiều công ty nước ngoài nổi tiếng đã thất bại khi phát triển thị trường tại đất nước mặt trời mọc. Nếu muốn tiến sâu hơn vào thị trường này, họ phải cung cấp những sản phẩm “tốt của tốt nhất” hoặc thông qua vài nhà cung cấp uy tín.
Một ví dụ khác là Apple – thương hiệu được nhiều người dùng ưa chuộng trên toàn thế giới nhưng gặp rất nhiều khó khăn tại thị trường Trung Quốc, vốn bị thống trị bởi các công ty nội địa.
Hình ảnh bên trong sân khấu, trước giờ ra mắt Bphone. Ảnh: Lê Hiếu.
Video đang HOT
Mặc dù tự hào và ủng hộ hàng Việt, nhiều độc giả cũng chỉ ra giá bán có thể là điểm hạn chế khiến Bphone khó tiếp cận với đông đảo khách hàng.
Góp ý về điều này, Tân Nguyễn chia sẻ, Bkav nên học tập một số thương hiệu đi trước. Chẳng hạn Asus xuất thân là hãng điện tử nổi tiếng nhưng khi chuyển sang smartphone cũng đi từ phân khúc tầm trung, giá rẻ để tạo điều kiện cho đa số người tiêu dùng có khả năng tiếp cận sản phẩm. Từ đó, họ mới gây dựng được vị trí thương hiệu.
Một số độc giả khác gay gắt hơn, cho rằng mức giá gần 11 triệu đồng của máy không phù hợp với số đông người Việt. “Mình đang tính không mua mấy hãng điện thoại khác để ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng giá cao quá, ủng hộ sao đây”, độc giả Phạm Quý cảm thán.
Anh Lê Anh Vũ thì chia sẻ kết quả một cuộc thăm dò cá nhân, theo đó 4 trong 5 người bạn của anh trả lời “không thể tin nổi” Bphone có mức giá ấy và quyết định nói không với Bphone. Người còn lại lưỡng lự và quyết định chờ Bkav giảm giá sản phẩm sẽ suy nghĩ lại. Lý do họ đưa ra là việc bỏ ra gần 11 triệu đồng để mua một sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường là khá phiêu lưu, rủi ro cao dù có chuộng hàng Việt.
Một số độc giả cũng phân tích, chi phí sản xuất iPhone 6 chỉ khoảng 4,8 triệu đồng. Apple bán với giá cao vì iPhone đã được công nhận là sản phẩm độc đáo và thuộc hàng tốt nhất thế giới. Ngược lại, Bkav chưa có tên tuổi và Bphone là sản phẩm đầu tay với chất lượng cũng chưa được kiểm chứng. Thiết kế, tính năng không ấn tượng nhưng lại bán với mức giá ngang các thương hiệu nổi tiếng khác là điều không hợp lý.
Ví như Sony Xperia Z2 có cấu hình gần như tương đồng với Bphone có giá bán 12 triệu đồng. “Cùng số tiền, bạn sẽ mua Bphone hay một thương hiệu đã có tên tuổi như Sony? Đó là chưa nói về thiết kế, camera, pin của Z2 trội hơn Bphone”, độc giả Hoàng Ân Trần Phúc so sánh.
Đồng quan điểm, anh Nguyên nói, thay vì đầu tư tiền quảng bá rầm rộ, Bkav có thể hạ giá sản phẩm đầu tay để lấy thương hiệu. Cụ thể, nếu giá Bphone giảm xuống mức 8-9 triệu đồng, sản phẩm này có thể tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn và đủ sức cạnh tranh với các đối thủ.
“Theo tôi nghĩ, nếu muốn có chỗ đứng trong hàng ngũ điện thoại cao cấp, Bkav nên đi theo chính sách giá từ thấp đến cao”, Ngọc Truật chia sẻ. Theo anh này, Bphone nên được đặt giá thấp, sau đó tăng dần, dù có thể sẽ lỗ đối với sản phẩm đầu tay nhưng lại thành công về mặt thương hiệu, giành được sự tin tưởng của khách hàng. “Đến phiên bản Bphone 2, Bphone 3…, Bkav tăng giá cũng chưa muộn”, độc giả này hiến kế.
Hòa My
Theo Tổng hợp/Zing
Báo nước ngoài nói gì về Bphone và tham vọng của Bkav?
Tech in Asia, một trong những trang tin công nghệ nổi tiếng ở Singapore, vào ngày 26.5 nhận xét Bphone, smartphone 'cây nhà lá vườn' đầu tiên của Việt Nam, là 'một sự khởi đầu lớn'.
Bphone được so sánh với Galaxy Edge và iPhone 6 - Ảnh: Thành Luân
Bkav là một trong những công ty công nghệ lâu đời và có uy tín nhất Việt Nam nhưng ít được công chúng trong và ngoài nước biết đến, Tech in Asia bình luận.
Được sáng lập bởi Nguyễn Tử Quảng, Bkav, hãng chuyên phát triển các phần mềm bảo mật và dịch vụ quản lý nhà thông minh (smart home), giờ đây tung ra chiếc điện thoại mới với tên gọi Bphone.
Sau nhiều tháng được giới công nghệ Viêt Nam đồn đoán sôi nổi, Bphone đã ra mắt công chúng trong một sự kiện lớn, được truyền hình trực tiếp thông qua internet, ngày 26.5.
Hiện tại Bphone có giá bán khoảng 10 triệu đồng (500 USD) với cấu hình khá mạnh mẽ khi được mang ra so sánh cùng iPhone 6 Plus.
Tech in Asia nhận xét chiếc điện thoại này chứa đựng đầy tham vọng, thể hiện qua việc các lãnh đạo cao cấp nhất Bkav bước lên sân khấu và giới thiệu Bphone, tương tự như sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple hay Xiaomi (Trung Quốc).
"Ngoài ra, họ còn so sánh Bphone với iPhone 6 và các đối thủ cạnh tranh hàng đầu thế giới", trang tin Singapore cho hay.
Giá bán thực tế của các phiên bản Bphone - Ảnh: Thành Luân
Sự kiện chẳng có gì khác ngoài việc quảng cáo hoành tráng cho Bkav, công ty trước đó tung tin đồn đã bỏ ra khoảng 10 tỉ đồng để tổ chức sự kiện, bao gồm các chi phí thuê mướn Trung tâm Hội nghị hàng đầu ở thủ đô Hà Nội và gửi ra các thiệp mời sang trọng bằng kim loại, theo Tech in Asia.
"Mặc dù Bkav chuyên về các phần mềm diệt virus, nhưng thật ra phần lớn thu nhập của họ đến từ các hợp đồng phần mềm an ninh cao cấp... Nền tảng của Bphone có phần giống với BlackBerry và có thể Bkav muốn cung cấp cho các quan chức Việt Nam dòng điện thoại bảo mật hơn", theo bản tin đăng tải trên trang Tech in Asia.
Đã có nhiều dư luận trái chiều về sự kiện Bphone, một số người Việt tỏ ra rất ủng hộ chiếc smartphone đầu tiên đáng tự hào này. Số khác lại cho rằng các chiêu trò tung ra nhằm quảng cáo Bphone của Bkav là quá mức cần thiết.
"Bất kể dư luận thế nào thì Bphone vẫn đang là chủ đề nóng nhất làng công nghệ Việt trong những ngày qua và cũng là một sự khởi đầu lớn. Người ta vẫn trông chờ xem Bphone sẽ làm được những gì trong thị trường smartphone sắp tới", Tech in Asianhận định.
Bkav so sánh và khẳng định cấu hình của Bphone mạnh hơn iPhone6 Plus - Ảnh: Thành Luân
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
'Bphone tốt nhưng chưa xứng với giá gần 11 triệu đồng' Bphone có cấu hình cao, màn hình đẹp nhưng chưa phải là sản phẩm "đẳng cấp thế giới" như Bkav nhận định. Nhiều chuyên gia nhận xét, giá bán của máy hơi cao. "Bphone được nhồi nhét nhiều tính năng Bkav cho là giá trị, nhưng mức giá 11 triệu (sau thuế cho bản 16 GB) là rất cao", anh Trần Mạnh Hiệp,...