Tội phạm công nghệ cao, nỗi khiếp đảm ‘thế giới số’
Năm 2013, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có diễn biến phức tạp, dự báo trong năm 2014 tiếp tục gia tăng.
Công nghệ cao – mảnh đất màu mỡ của tội phạm
Theo tài liệu của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), công an TP Hà Nội, hiện nay Việt Nam có 131 triệu thuê bao điện thoại di động, 4,8 triệu thuê bao internet băng thông rộng, 15,7 triệu thuê bao 3G. Số người dùng internet ở Việt Nam khoảng 31 triệu (chiếm 34% so với tỷ lệ người dân), có 8,5 triệu người dùng mạng xã hội facebook…
Cả nước có 14.400 máy ATM, 116.700 điểm thanh toán tự động (POS), trên 62,4 triệu thẻ với 410 thương hiệu, 40 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet Banking, 09 tổ chức cung cấp hơn 1,3 triệu tài khoản ví điện tử, có 136 doanh nghiệp đã được cấp phép trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tài liệu của PC50 cho hay, Symaltec – Tập đoàn bảo vệ bí mật máy tính quốc tế đánh giá Việt Nam đứng thứ 11 trên toàn cầu về nguy cơ bị tấn công mạng. Số lượng các cuộc tấn cong có chủ đích gia tăng từ 77 cuộc lên đến 82 cuộc mỗi ngày.
Cơ quan chức năng nhận định tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có diễn biến hết sức phức tạp.
Theo PC50, năm 2013 tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn đa dạng, xảy ra trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng.
Các hành vi phát tán các loại virut, phần mềm gián điệp, mã độc ngày càng phức tạp và tinh vi. Đã xuất hiện nhiều biến thể của các loại vi rút nhằm trộm cắp tài khoản ngân hàng, các kết nối ngầm và các phần mềm gián điệp, mã độc chuyển dùng để đánh cắp thông tin. Các đối tượng không ngừng mở rộng các hình thức phát tán các loại phần mềm độc hại như qua email, Website khiêu dâm, diễn đàn, mạng xã hội…
Video đang HOT
Đặc biệt với sự phổ biến của các mạng xã hội, blog cá nhân và các loại điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng xuất hiện nhiều các loại virut, phần mềm độc hại dưới dạng các ứng dụng được truy cập thường xuyên.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xỏa quyệt, trong đó nổi lên việc: Tạo địa chỉ email gần giống với địa chỉ email đối tác, khiến các doanh nghiệp Việt Nam nhầm lẫn sử dụng CNC chiếm quyền kiểm soát email và giả làm đối tác để chiếm đoạt tiền thanh toán hợp đồng; thiết lập các Website bán hàng hóa, dưới hình thức kinh doanh đa cấp nhưng thực chất là hoạt động lừa đảo huy động vốn trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản.
Với 131 triệu thuê bao điện thoại di động, 4,8 triệu thuê bao internet băng thông rộng, 15,7 triệu thuê bao 3G, Việt Nam đang là “mảnh đất màu mỡ” để tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động.
Cụ thể như lập các website giả mạo website của các doanh nghiệp, làm quen với người bị hại, yêu cầu người bị hại chuyển tiền làm thủ tục nhận hàng hóa, quà tặng; Đăng tin mua trả góp, bán hàng khuyến mại có thời hạn với mức giảm giá từ 40 %- 60%; Thỏa thuận mua bán qua mạng Internet nhưng không chuyển hàng hoặc chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng…
Trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử xuất hiện tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để rút tiền, mua vé máy bay trực tuyến, thanh toán dịch vụ hoặc mua hàng hóa tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nặng nề đến lợi ích kinh tế của chủ thẻ.
Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn các đối tượng mạo danh tên các tổ chức quản lý thanh toán quốc tế uy tín (VISA,MASTER) gửi thư đến khách hàng, thông báo việc cơ sở thẻ dữ liệu của khách hàng đang được nâng cấp và đề nghị khách hàng khai báo đầy đủ thông tin đó.
Các đối tượng người nước ngoài tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam, sử dụng thiết bị chuyên dụng làm thẻ tín dụng giả, móc nối với các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) thực hiện các giao dịch khống để rút tiền, chiếm hưởng trái phép.
Trong khi đó, tình trạng trộm cắp tiền thông qua các hoạt động mua bán hàng hóa trực tuyến và thanh toán qua dịch vụ Internet Banking đã xuất hiện và ngày càng phổ biến.
Chỉ cần số điện thoại và password sử dụng một lần là người dùng có thể mua hàng hóa và thanh toán trực tuyến. Lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng chiếm đoạt sim điện thoại của khách hàng có sử dụng dịch vụ Internet Banking và thực hiện các giao dịch mua hàng hóa trực tuyến để chiếm đoạt.
Thủ đoạn khôn lường
Cũng trong năm 2013, tình trạng các đối tượng người nước ngoài lắp đặt thiết bị skimming trộm cắp thông tin thẻ tín dụng và mã pin của khách hàng nhằm làm thẻ giả hoặc để thanh toán trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá phổ biến.
Trong lĩnh vực viễn thông, tình trạng trộm cắp cước viễn thông quốc tế tiếp tục gây những thiệt hại lớn về kinh tế đối với các doanh nghiệp trên lĩnh vực này.
Tang vật một vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản mới bị công an Hà Nội triệt phá.
Các đối tượng thường thiết lập hệ thống đường truyền viễn thông từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó bán lưu lượng đường truyền cho các đối tượng ở nước ngoài.
Thủ đoạn này các đối tượng ở nước ngoài có thể thực hiện cuộc gọi quốc tế về Việt Nam với giá cước rẻ hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tập đoàn viễn thông trong nước.
Việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong các tài khoản thuê bao điện thoại đi động trong nước thông qua các cuộc gọi nhỡ từ những đầu số lạ ngày càng phổ biến, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho chủ thuê bao và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tình trạng phát tán thư rác, tin nhắn rác diễn ra ngày một tăng dưới nhiều hình thức khác nhau đã gây ra nhiều bức xúc cho người sử dụng thuê bao di động, hòm thư điện tử.
Tin nhắn rác còn kèm theo mối nguy hại về virut mà người sử dụng không thể biết. Khi kích hoạt thư rác này, virut sẽ hoạt động và thu thập thông tin cá nhân bao gồm mật khẩu, thông tin tài khoản.
Việc đánh bạc trực tuyến và cá độ bóng đá qua mạng Internet tiếp tục diễn ra thường xuyên. Các đối tượng tại Việt Nam tiếp tục móc nối với các đối tượng cầm đầu các đường dây tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá trực tuyến tại nước ngoài cho các đối tượng trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức.
Để đối phó với sự quản lý của các cơ quan chức năng, chúng liên tục lập ra hàng nghìn website, tên miền, địa chỉ IP… để người chơi tiếp tục đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet, chuyển tiền đánh bạc giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.
Báo cáo tại Hội nghị triển khai chương trình công tác 2014, Trung tá Ngô Minh An – Phó Phòng PC50, CA Hà Nội dự báo, năm 2014 tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên một số vấn đề như tội phạm an ninh mạng, tội phạm tấn công máy tính, mạng máy tính – lợi dụng lỗ hổng bảo mật web, tấn công truy cập, lấy cắp, phá hoại dữ liệu; Phát tán virut, phần mềm gián điệp; Từ chối dịch vụ làm tắc nghẽn đường truyền…
Hai là các loại tội phạm truyền thống mà trong đó đối tượng sử dụng công nghệ cao qua mạng Internet, các thiết bị số tạo lập các trang website thương mại điện tử, như: Kinh doanh trái phép, buôn lậu, mua bán trái phép ma túy, rửa tiền, cờ bạc, trốn thuế, vi phạm bản quyền, mại dâm, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, làm giả con dấu tài liệu của các cơ quan nhà nước…
Các đối tượng cũng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như: Tội phạm đánh cắp dữ liệu rồi làm thẻ giả, gian lận thẻ ngân hàng, sau đó rút tiền tại máy ATM hoặc thanh toán mua hàng tại các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ; Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản: gồm lừa đảo sử dụng thủ đoạn kinh doanh đa cấp trên internet, lừa đảo trong thương mại điện tử, lừa đảo bằng email, nick chat, tin nhắn (Đăng tin trúng thưởng, đe dọa bắt cóc tống tiền, làm quen chuyển hàng có giá trị…)
Tội phạm tội phạm lợi dụng công nghệ cao nhưng có yếu tố nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể gia tăng.
Theo VTC